Đi tìm Vương Bột

Thứ Ba, 08/12/2015, 08:00
Vương Bột (649-676) là nhà thơ nổi tiếng nhất trong "Văn đàn tứ kiệt" thời Sơ Đường ở Trung Quốc (ba nhà thơ kia là Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân, và Lạc Tân Vương). Chỉ sống 27 năm, nhưng Vương Bột làm cho người đời có ấn tượng rất mạnh về mình, những khi nhớ đến thơ Đường...

Ngoài "Đằng Vương Các tự"  mà ai đọc thơ Đường cũng biết, nhà thơ này còn có nhiều bài thơ đặc sắc khác về nhiều mặt của đời sống xã hội lúc bấy giờ. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc còn nói: đó là một "thần đồng", thậm chí một "thiên tài", và làm thơ không bao giờ phải nháp.

Nhưng điều đặc biệt hơn cả là Vương Bột có "duyên nợ" với Việt Nam ta.

Năm 1986, tôi được đọc một bài báo của một nhà nghiên cứu, viết: "Ở xã Nghi Hải, huyện Nghi Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (thực ra chắc do có chữ "xã Nghi Xuân" mà tác giả bài báo nhầm tỉnh Nghệ An chứ không phải tỉnh Hà Tĩnh) còn di tích đền thờ Vương Bột có nền nhà, cổng tam quan, mấy con kỳ lân đá, và hai trụ đá to lẫn trong lau lách.

Tượng nhà thơ Vương Bột.

Người dân ở đây cho biết, trước kia, đấy là một tòa đền uy nghi, rợp bóng cổ thụ, thờ Vương Bột. Họ nhắc lại lời những người thế hệ trước kể rằng: hồi Vương Bột sang Giao Chỉ thăm cha, nhà thơ, và bảy gia nhân bị đắm thuyền do gặp bão lớn, xác Vương Bột trôi về bắc sông Lam thuộc xã Nghi Hải. Người dân ở đây chôn cất chu đáo rồi góp tiền xây đền, tạc hai pho tượng (Vương Bột và người cha là Vương Phúc) đặt trong đền thờ cúng; hai pho tượng hiện người dân Nghi Hải vẫn còn giữ được".

Từ khi bài báo in ra, đã 30 năm nay, không thấy ai nhắc đến chuyện này (dù ở một phương diện khác, thấy Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, trong kịch bản "Mai Hắc Đế" có để linh hồn Vương Bột đối thoại với Mai Thúc Loan - kịch bản mới được Nhà hát cải lương Việt Nam chuyển thể và dàn dựng cách đây không lâu).

Mấy năm gần đây, mượn cách nói của nhà văn Đặng Thai Mai, tôi đang "trên đường học tập và nghiên cứu" thơ Đường, và biên soạn quyển "Đường thi từ điển", nên lưu tâm đến đền thờ Vương Bột, và tôi quyết định sẽ phải đến tận nơi! Tôi rủ nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng đi. Nhà thơ nhận lời, rồi hẹn đi hẹn lại mấy lần; nhưng tôi biết ông nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam này nhiều việc lắm, không chờ được. Tôi báo cho mấy bạn văn ở Nghệ An và Hà Tĩnh ý định của mình. Các bạn dặn khi nào vào thì báo (chắc là để nếu có cần gì thì giúp). Nhưng tôi có cái tính rất ngại làm phiền người khác, nên quyết định đi "du khảo" một mình.

Tôi hỏi thăm, biết Nghi Lộc thuộc tỉnh Nghệ An (không phải ở Hà Tĩnh) nên ngồi tàu hỏa từ Hà Nội đến Vinh. Không cần nghỉ ngơi, tôi thuê một chiếc xe ôm và… vi vu! Loanh quanh suốt một buổi chiều, la cà các quán nước, tìm hỏi những người cao tuổi, không ai biết ngôi đền cổ đã bị phá (nếu hỏi một "ngôi mộ cổ" - mà bài báo nói - chắc dễ tìm hơn). Cuối cùng, rồi hình như Vương Bột cũng thiêng để mách cho mà tìm được!

Đây là xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An. Ở đấy còn một tấm bia đá khá lớn, cây cối bốn bên phủ kín. Cách đó mươi mét là một tấm bia đá nhỏ hơn, dựng trên mộ nhà thơ Vương Bột. Hai tấm bia, chữ đều đã mờ; chắc phải có các chuyên gia dùng biện pháp khoa học mới khôi phục được. Mộ Vương Bột nằm trước thảm cây xanh, không cao to uy nghi nhưng rộng, và thoáng; trên mộ có một bộ ấm chén và thường xuyên có hương hoa. Hai trụ đá ở gần mộ. Người dân ở đây cho biết có hai tấm bia đã được chuyển đi nơi khác, và trong đền ngày xưa có ba pho tượng ba cha con Vương Phúc…

Thế là tôi đã đạt được ước muốn của mình. Còn như việc khảo sát xem - nếu cần - Vương Phúc là ông quan thế nào, ngoài Vương Bột còn có gia nhân nào được vớt và chôn cất, những tấm bia đá viết những gì… thì không phải việc của tôi.

Có điều, chỉ với những gì đã có, mộ Vương Bột và di tích quanh đấy xứng đáng làm một điểm du lịch hấp dẫn với du khách Việt Nam và du khách nước ngoài, nhất là Trung Quốc. Nên nhớ, nó ở ngay Cửa Hội và cách khu nghỉ mát Cửa Lò, với thành phố Vinh chỉ trên dưới mười cây số! Bên kia sông là Khu lưu niệm cụ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ. Ở Trung Quốc, nội một tiếng chuông vọng trong thơ Trương Kế (cũng đời Đường) mà chùa Hàn Sơn thu hút du khách đến tấp nập, ngày này ngày khác. Nhà chùa còn có bán vé cho ai muốn vào thỉnh chuông nữa!

Ở xã Nghi Xuân, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, chúng ta có mộ một nhà thơ nổi tiếng, lại là nơi thể hiện những tấm lòng nhân ái, nhân hậu của người Việt ta, sao lại dễ dàng bỏ qua?

Tôi tin, khi chưa làm được một điểm du lịch, nếu biết nơi có mộ Vương Bột, chắc chắn, ít nhất sẽ có những văn nhân, thi sĩ, những người yêu thơ Đường tìm đến, thắp cho nhà thơ tài hoa mà yểu mệnh này một nén hương…

Hồng Diệu
.
.
.