"Demon Copperhead" Cuốn sách thắng giải Pulitzer 2023

Thứ Năm, 25/05/2023, 14:46

Tác phẩm "Demon Copperhead" của nữ nhà văn Barbara Kingsolver lấy cảm hứng từ văn học kinh điển, là sự mô phỏng và mở rộng hình tượng David Copperfield của nhà văn nổi tiếng thế giới Charles Dickens trong bối cảnh xã hội nước Mỹ đầy rối ren, đã được trao vương miện xuất sắc của giải Pulitzer 2023.

Từ hình tượng văn học kinh điển

Không nằm ngoài dự đoán, vào lúc 3h sáng ngày 9/5, theo giờ Việt Nam (GMT+7), lễ trao giải thưởng Pulitzer đã được tổ chức tại Đại học Columbia, Mỹ. Các cuốn sách được chia làm sáu hạng mục khác nhau để tranh giải gồm: Hư cấu, lịch sử, tiểu sử, hồi ký hoặc tự truyện, thơ và phi hư cấu. Các tác phẩm năm nay có nhiều thông điệp khác nhau, từ vấn đề chính trị, xã hội cho đến đời sống, sức khỏe đã được trao cho những tác phẩm xuất sắc nhất.

chân dung nhà văn, nhà bái barbara kingsolver và tác phẩm dempon copperhead.jpg -0
Chân dung nhà văn, nhà báo Barbara Kingsolver và tác phẩm “Dempon Copperhead”.

Tại hạng mục hư cấu, tác phẩm “Demon Copperhead” của nữ văn sĩ Barbara Kingsolver chiến thắng giải Pulitzer 2023. “Demon Copperhead” lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết kinh điển “David Copperfield” của nhà văn Charles Dickens. Barbara Kingsolver đưa người đọc đến những vùng quê nước Mỹ, nơi con người đang phải đối mặt với nghèo đói và bóng ma nghiện ngập. Nếu phiên bản của tiểu thuyết gia kinh điển Dickens đặt ra câu hỏi: "Liệu tôi có thể nắm giữ số mệnh của mình hay không?", thì cuốn tiểu thuyết của Kingsolver lại đưa ra vấn đề: "Cứu người hay được người cứu".

Theo đánh giá của New York Times trước đó, việc lựa chọn làm mới một nhân vật kinh điển trong văn học của Kingsolver là điều khó hiểu. Trước đó, nữ nhà văn đã có nhiều tác phẩm làm nên tên tuổi như: “The Poisonwood Bible” (1998), “Flight Behavior” (2012)... Tuy nhiên, sau khi ra mắt, chúng lại nhận được phản hồi tích cực từ độc giả và đánh giá cao của giới chuyên môn.

“David Copperfield” của tiểu thuyết gia kinh điển Charles Dickens là câu chuyện về một cậu bé tên là David gặp nhiều biến cố, cô độc trong ngôi nhà của mình. Cậu đã có khởi đầu khá hạnh phúc bên người mẹ và chị vú nuôi, thế rồi tất cả bỗng thay đổi khi mẹ cậu đi thêm bước nữa. Mỗi ngày trôi qua hết sức nặng nề với sự khắc nghiệt, tàn nhẫn của người cha dượng, sự lạnh lùng lạ kỳ từ người mẹ. Cậu đã quyết định bỏ trốn đi tìm một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Còn với tiểu thuyết “Demon Copperhead”, nhân vật chính trong tác phẩm của nữ văn sĩ Barbara Kingsolver cũng gần như vậy. Thế nhưng sau cùng nữ nhà văn đã không để nhân vật của mình thoát ra khỏi những vòng vây cuộc sống. Họ cứ chìm dần vào trong một vũng lầy, bao quanh đó là chất gây nghiện tạo ảo giác ở những liều thuốc giảm đau. Sau tất cả, Kingsolver vẫn cho người đọc thấy một tia hy vọng le lói, "Không thể biết trước điều gì nếu chúng ta chưa lật tới trang cuối".

Trong 5 năm trở lại đây, “Demon Copperhead” là tác phẩm đầu tiên lấy cảm tác từ một hình tượng văn học kinh điển giành giải thưởng Pulitzer. Dưới ngòi bút của tác giả đương thời, nhân vật David Copperfield đã được làm mới lại để thể hiện nhân sinh quan gắn với dòng chảy thời sự. Trước đó, các tác phẩm thường là những câu chuyện lấy cảm hứng từ những cuộc đấu tranh có thật trên đất nước Mỹ. Chẳng hạn “The Night Watchman” (2021) của Louise Erdrich viết về cuộc đấu tranh bảo vệ quyền của người Mỹ bản địa năm 1950, “The Nickel Boys” là câu chuyện dựa trên chuỗi sự kiện về Trường Dozier tại bang Florida bị tố lạm dụng tình dục (2020).

Cũng cần nói thêm, nhà tiểu thuyết gia trứ danh Charles Dickens là cái tên mà không một người dân nào ở xứ sở sương mù vào đầu thế kỷ mười chín, không biết đến. Ông được xem là cây đại thụ trong nền văn học nước Anh nói riêng và văn đàn nhân loại nói chung bởi đầy ắp các tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc. Ông không chỉ là một nhà văn mà còn là một nhà phê bình xã hội, nhà báo và thậm chí là biên tập viên. Các tác phẩm của Charles Dickens phần lớn đều mang đậm tính hiện thực, bởi nó phản ánh nhiều góc khuất u tối lúc bấy giờ của nước Anh, một trong những nền văn minh tiến bộ nhất thế giới.

Ông thường viết về trẻ em và dùng con chữ của mình hóa thành thứ vũ khí sắc bén để đấu tranh cho quyền lợi của chúng, ngòi bút đanh thép luôn sống đúng với thiên chức của một nhà văn, đó là bênh vực cho những kiếp người khốn khổ không có ai để bênh vực. Kiệt tác kinh điển "David Copperfield" là một trong những tác phẩm được biết đến rộng rãi. Với cuốn tiểu thuyết trứ danh này, Dickens đã kích thích và mở đầu cho loại truyện viết về chủ đề tuổi trẻ sống lang thang, bị hắt hủi...

Trở lại với giải Pulitzer dành cho sách. Cùng “Demon Copperhead” của Barbara Kingsolver, “Trust” của Herman cũng chiến thắng ở hạng mục hư cấu. Cuốn sách lấy bối cảnh phố Wall, hai vợ chồng nhà Rask cùng vươn lên trở thành thế lực tài chính nước Mỹ bằng trái phiếu. Để có được khối tài sản khổng lồ cũng như địa vị trên thương trường, nhà Rask đã sử dụng nhiều thủ đoạn, trong đó có việc đầu cơ tích trữ, sử dụng quyền lực tài chính bóp méo sự thật. Herman đã lên án gay gắt hành động này và nêu cao tinh thần hướng đến sự thật.

Ở hạng mục lịch sử, tác giả Jefferson Cowie đã chiến thắng với tác phẩm “Freedom's Dominion: A Saga of White Resistance to Federal Power”. Cuốn sách lấy bối cảnh tại tiểu bang Alabama (Mỹ) thế kỷ 19 nói về cuộc đấu tranh của người da đen giành quyền tự do, thoát khỏi chế độ nô lệ. Cuốn sách giành giải thưởng Pulitzer hạng mục Phi hư cấu la â“His Name Is George Floyd (Robert Samuels và Toluse Olorunnipa). Đây là một bức chân dung gần gũi về người đàn ông tạo nên làn sóng Black Lives Matter vào năm 2020. Còn với thể loại tiểu sử, giải thưởng đã được trao cho cuốn G-Mancủa Beverly Gage.

Giải thưởng về tập thơ xuất sắc thuộc về “Then the War” của nhà thơ lừng danh Carl Phillips và giải hồi ký hoặc tự truyện thuộc vê ì“Stay True” của Hua Hsu.

Nữ văn sĩ Barbara là ai?

Barbara Kingsolver sinh ngày 8/4/1955 ở Annapolis bang Maryland, nước Mỹ. Bà lớn lên tại Kentucky và từng có thời gian sống tại châu Phi. Barbara là một trong những nhà văn và nhà thơ có tác phẩm bán chạy nhất trên thế giới. Barbara Kingsolver được mệnh danh là nhà văn phi tiểu thuyết người Mỹ. Bà được biết đến nhiều nhất cho “The Poisonwood- Kinh Thánh” (1998), một cuốn tiểu thuyết về một gia đình truyền giáo di chuyển đến Congo Bỉ. Bà cũng nhận được sự chú ý cho loạt các tác phẩm phi tiểu thuyết về đề tài động vật, thực vật. Bà từng là thành viên sáng lập của ban nhạc mang tên Rock Bottom Remainders.

Trong sự nghiệp của mình, bà đã nhận được hàng loạt các giải thưởng danh giá như: Huy chương Nhân đạo quốc gia Hoa Kỳ; giải “Sách Quốc gia của Nam Phi” cho tiểu thuyết “The Poisonwood Bible”; giải James Beard, Los Angles Times Book Prize; đề cử giải Pulitzer Prize... Đề tài trong các tiểu thuyết của Barbara thường là sự tương tác giữa con người và hệ sinh thái; sự đấu tranh cho công bằng xã hội qua việc nêu lên nỗi vất vả của dân nhập cư, người lao động nghèo khổ, những bà mẹ nuôi con một mình... Lối văn xuôi mộc mạc trong tiểu thuyết của Barbara thích hợp với mọi độc giả.

Bà cũng từng được trao tặng giải thưởng văn học uy tín Orange Prize của Anh năm 2010 cho tiểu thuyết “The Lacuna”. Cuốn tiểu thuyết này đã qua mặt “Wolf Hall”- từng đoạt giải Booker Prize của Hilary Mantel - mang về cho Barbara giải thưởng trị giá 30.000 bảng Anh.

Nói thêm một chút về giải Orange Prize hằng năm nhằm vinh danh những cây bút nữ có tiểu thuyết xuất sắc viết bằng tiếng Anh trên toàn thế giới. “The Lacuna” của Barbara Kingsolver là cuốn tiểu thuyết mà nhà văn viết suốt 9 năm lấy bối cảnh thế kỷ XX đầy biến động chính trị. “The Lacuna” được giới phê bình văn học và ban giám khảo giải Orange Prize đánh giá rất cao. Chủ khảo Daisy Goodwin nhận xét: “The Lacuna” có tầm phản ánh sâu và rộng, nêu nên nỗi xót xa đến tận cùng và đánh thức tình cảm trong mỗi con người”. “The Lacuna” được viết với phong cách pha trộn giữa kí sự, nhật kí, thư từ, báo chí... trong một cấu trúc hoàn hảo, có thể khiến người ta say mê đọc không ngừng đến trang cuối cùng.

Ngoài ra, về thơ giải Pulitzer năm nay cũng được trao cho Carl Phillips (1959) nhà thơ người Mỹ. Ông cũng từng được trao giải thơ Kingsley and Kate Tufts năm 2002 và hiện là Giáo sư ngành văn học Anh tại Đại học Washington, St. Louis.

Nguyễn Khánh Thy
.
.
.