“Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943) - Soi sáng cho hôm nay

Thứ Sáu, 03/03/2023, 15:16

Cách đây 80 năm bản "Đề cương về văn hóa Việt Nam" do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 2/1943. Đây là một đề cương đường lối mang tính chiến lược nêu ra những nội dung cốt lõi của văn hóa như nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa; văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa)...

Dưới ánh sáng của triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy) hiện đại cho thấy "Đề cương" đã đặt ra những vấn đề đi trước thời đại, soi đường cho hôm nay.

Liên văn hóa được hình dung như một cây xanh cắm sâu chùm rễ khỏe khoắn vào các mảnh đất truyền thống dân tộc và nhân loại rồi vươn cao lá cành quang hợp ánh sáng tư tưởng của thời đại, nhờ vậy những trái cây tác phẩm của nhà văn hóa sẽ kết tinh trong nó những giá trị tinh hoa để tỏa ra hương vị tư tưởng đặc sắc. Quá trình ấy chính là liên văn hóa được biểu hiện cụ thể trong tác phẩm. Mức độ liên văn hóa đậm nhạt, giàu có, phong phú... khác nhau tùy thuộc vào cái tôi chủ thể nhà văn hóa.

Có thể khái quát những điều ấy tương ứng với 3 nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa mà "Đề cương về văn hóa Việt Nam" đã đề cập. Cũng có thể hiểu liên văn hóa như cấu trúc một tòa lâu đài có nền móng vững chắc là văn hóa dân tộc (dân tộc hóa), khung kết cấu là tư tưởng, tâm hồn, trí tuệ được trổ nhiều cửa sổ ngôn ngữ để đón các luồng gió văn hóa bốn phương (khoa học hóa), có nhiều cửa chính đón độc giả (đại chúng hóa) từ khắp nơi ghé thăm, chiêm ngưỡng, học tập... Như vậy, ba nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa chính là ba trụ cột của liên văn hóa.     

untitled-1.jpg -0
Đồng chí Trường Chinh và bản in trang đầu “Đề cương về văn hóa Việt Nam”.

1. "Dân tộc hóa" quyết định bản sắc văn hóa.

Văn hóa là quá trình kiến tạo mã và giải mã, trong đó biểu tượng là một mã cơ bản, do vậy có một định nghĩa coi văn hóa là sự tập hợp hệ thống các biểu tượng. Tự thân biểu tượng luôn mang một chiều sâu văn hóa, theo thời gian nó được bồi đắp, tích luỹ thêm các lớp mã ý nghĩa mới. Là hạt giống của cây văn hóa cổ xưa gieo vào mảnh đất đương đại, nảy mầm, lớn lên cho hoa quả ý nghĩa mới, biểu tượng luôn mang tính truyền thống. Giải mã biểu tượng là một cách tìm về truyền thống. Không am hiểu sâu sắc "mẫu gốc" và hoàn cảnh lịch sử văn hóa, không tri giác tường tận mảnh đất đương đại, không thể tạo ra biểu tượng mới. Thiếu vốn cổ không thể tạo mã và giải được mã. Bác Hồ dạy: "Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông" (1). Đấy là lý luận - một lý luận mang tính kinh điển nhưng được mềm mại hóa thành hình tượng: phải xây dựng một nền văn hóa tiến bộ, hiện đại bắt nguồn từ truyền thống, dựa vào truyền thống. Cũng chính Bác Hồ từng căn dặn các văn nghệ sĩ: "Làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu sâu vốn của dân tộc thì không làm được đâu" (2). Cần thấy rõ hơn sự vĩ đại của quan niệm này ở chỗ gặp gỡ với triết học liên văn hóa có xu hướng đào sâu vào quá khứ để tìm nguồn mạch nuôi dưỡng, làm giàu có hiện tại. Bác Hồ đi trước thời đại là như vậy!

Như vậy chỉ có văn hóa truyền thống dân tộc mới tạo ra bản sắc, mà trong thời buổi toàn cầu hóa hôm nay bản sắc được coi như là sứ giả trung thành, tin cậy nhất trong việc gắn kết và gắn nối với văn hóa toàn cầu. Về thực chất và trên thực tế văn hóa truyền thống góp phần chủ yếu trong việc làm giàu có cho gia tài văn hóa quốc gia.

Lại nữa, với bất kỳ dân tộc nào, trong thời đại mở cửa hội nhập đều phải đối mặt với sự xâm lăng văn hóa. Như một quy luật, chỉ có sức mạnh văn hóa nội sinh mới có thể tạo ra một sức đề kháng đủ mạnh để chống lại sự xâm lăng này. Văn hóa bản địa càng mạnh sẽ biến hại thành lợi, sẽ đồng hóa ngược lại văn hóa ngoại sinh, biến nó thành cái của mình.

2. "Đại chúng hóa" - Tính nhân dân vừa là thuộc tính vừa là phẩm chất của văn hóa.

Ở bất kỳ thời nào thì quần chúng nhân dân cũng vừa là chủ thể sáng tạo vừa là đối tượng thẩm mỹ, cũng là chủ thể tiếp nhận. Vấn đề có ý nghĩa quyết định là quan điểm tư tưởng và thái độ phản ánh của người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm có vì nhân dân, tôn trọng nhân dân hay không. Một tác phẩm có tính nhân dân luôn căn cứ từ hai phương diện cơ bản là nội dung (phản ánh cuộc sống của dân, tâm tư, tình cảm, ước nguyện, quyền lợi… của nhân dân), và hình thức (phù hợp với thị hiếu của dân, được nhân dân ưa thích, trong sáng, giản dị, dễ hiểu…). Kho tàng văn hóa dân gian, những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của văn học viết đều có tính nhân dân sâu sắc trở thành tài sản tinh thần, là vốn quý, là tâm hồn, tình cảm của mỗi dân tộc.

image003.jpg -0
Một kỷ yếu Hội thảo về Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Hiện thực là nguồn gốc của nhận thức. Là một hình thái ý thức nên văn nghệ càng phải cắm sâu vào mảnh đất hiện thực để hút lấy chất dinh dưỡng cuộc đời. Cái đẹp nằm trong cuộc sống, là bản thân cuộc sống. Người nghệ sĩ phải đi tìm cái đẹp trong cuộc sống để khám phá, sáng tạo. Thóat ly hiện thực, nghệ thuật nhất định khô héo. Chỉ có từ đời sống, bắt nguồn từ đời sống mới có thể nảy nở những tài năng. Không có cách nào khác muốn rèn luyện tài năng thì người nghệ sĩ phải trở về cái gốc của nghệ thuật là đời sống nhân dân muôn màu muôn vẻ. Để phát hiện những năng khiếu, điều kiện cần có của tài năng cũng phải tìm từ đời sống.

Trong lịch sử văn hóa nhân loại chưa có thiên tài nghệ thuật nào không được gieo hạt, nảy mầm, bắt rễ, lớn lên, trưởng thành từ cái nôi đời sống. Các cây đại thụ văn chương thế giới, trước khi có những trước tác đồ sộ, họ cũng đều là những người lăn lộn với cuộc đời. Rất tiếc ở ngày hôm nay, tính nhân dân ở ta đang bị coi nhẹ. Một số giáo trình lý luận văn học, văn hóa gần đây dành số trang nhiều hơn giới thiệu về lý thuyết nước ngoài nhưng xa lạ với văn hóa Việt. Nhiều luận án, luận văn không tha thiết với đề tài cách mạng, kháng chiến, truyền thống mà hướng về "thời thượng" với hậu hiện đại, tính dục, đổ vỡ, bi kịch... Nếu không kịp thời điều chỉnh, có thể đẩy sáng tác ngày một xa hơn với cuộc sống, với nhân dân, cách mạng.

3. "Khoa học hóa" - "chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ".    

Hai điểm tựa khoa học vững chắc của văn hóa là Chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Từ cái nhìn "liên văn hóa" hiện đại, thế giới hôm nay càng thấy ở chủ nghĩa Mác một tầm cỡ tư tưởng lớn của nhân loại. Như một thấu kính hội tụ khổng lồ tự kết tinh những ánh sáng tinh hoa trước đó của thế giới, là kinh tế - chính trị cổ điển Anh, triết học cổ điển Đức, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp; là những điểm tiến bộ trong nhiều học thuyết tiên tiến khác, chủ nghĩa Mác trở thành mặt trời tư tưởng vĩ đại của nhân loại soi đường cho các dân tộc đi lên hạnh phúc. Hiện nay, trước tác của Mác được giới nghiên cứu phương Tây quan tâm, có hàng triệu độc giả chào đón, nghiên cứu, tìm hiểu.

Cuộc Hội thảo khoa học quốc tế về Hồ Chí Minh gần đây nhất có tên Hồ Chí Minh và Ấn Độ (Ho Chi Minh and India) ngày 14/5/2022 tại Kolkata (3). Trước đó tại Mỹ, tháng10/2019 là Hội thảo Hồ Chí Minh toàn cầu (Global Ho Chi Minh) được tổ chức tại thành phố New York. Các Hội thảo đều khẳng định ở Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là sự hội tụ tuyệt đẹp ba luồng văn hóa: văn hóa yêu nước Việt Nam; văn hóa hòa bình, bình đẳng, bác ái của nhân loại tiến bộ và văn hóa giải phóng con người của Chủ nghĩa Mác. Các nhà nghiên cứu quốc tế đều nhấn mạnh hình ảnh Hồ Chí Minh không chỉ là vị anh hùng giải phóng dân tộc, còn là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới và nhân cách của Người mang tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Vì là những tư tưởng khoa học nhất, tiến bộ nhất nên chỉ có Chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường thì văn hóa hôm nay mới phát triển mạnh mẽ, mới có thể "chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ!".

------------

(1). Trần Đương - Bác Hồ như chúng tôi đã biết. Nxb Thanh niên, H.2009, tr 166.

(2). Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sĩ. NXB Văn học, H.1995, tr 83.

(3). Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam phát trực tiếp trên kênh Youtube 10h sáng Ấn Độ, 11h30 giờ Việt Nam ngày 14/5/2022.

Nguyễn Thanh Tú
.
.
.