Dậy sóng ngã ba sông Đà

Chủ Nhật, 22/12/2024, 11:57

Cung đường đi từ ngã ba Tản Lĩnh lên vùng đá chông rồi rẽ về núi Chẹ bám quanh chân núi Ba Vì. Sáng sớm, sương mây phủ kín đường tạo nên dải lụa trắng mịn màng bồng bềnh rồi dần tan trong những tia nắng hừng lên. Ngọn tháp trên núi Ba Vì hiện dần vàng óng trên bầu trời xanh.

Những thiếu nữ Dao đang vội vã lên rừng hái thuốc làm chúng tôi chợt nhớ tới câu thơ của cố thi sĩ Quang Dũng đã viết: “Hương núi thơm dâng hồn về đâu/ Rừng thông lên màu tím” (Ba Vì mờ cao).

Nơi ấy Bác về

Chuyến đi về nguồn của chúng tôi bắt đầu từ khu “Đồi cây đón Bác” của xã Vật Lại trên trục đường 411c. Đây là đồi Đồng Vàng đối diện với núi Ba Vì đã trở thành địa chỉ lịch sử văn hóa với di tích cây đa Bác Hồ. Một di sản xanh đánh dấu Tết trồng cây đa cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người tới đây vào mùa xuân năm 1969. Một không gian mang dấu ấn đặc biệt dưới chân núi Ba Vì cùng mùa xuân vĩnh cửu mà người đã gieo trồng nơi đây.

“Trông cây lại nhớ đến Người”, đó là lời ca vang lên trong tâm tưởng mọi người mỗi khi qua khu đồi Đồng Vàng. Năm nào cũng vậy, người dân những xã vùng cao quanh núi luôn nhớ tới “Tết trồng cây” mà Bác đã phát động từ năm 1959. Họ cùng con cháu lên núi trồng rừng để tưởng nhớ Người cùng với nỗi niềm “Vì lợi ích mười năm trồng cây-Vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Con đường sớm xuân mà chúng tôi đi quanh co như một dải lụa mềm dẫn đoàn chúng tôi hướng tới xóm Đá Chông. Chúng tôi ngỡ như đang đi về khu rừng kháng chiến Việt Bắc trong giai điệu mơ màng: “Đường lên Tây Bắc xa xôi/ Nếp nhà sàn thấp thoáng/ Đằng xa tiếng hát dân quân/ Tiếng reo lưng đồi nương”. (nhạc sĩ Văn An).

6-công chiêng của dân làng khánh chúc bãi chuẩn bị vào hội xuân.jpg -1
Cồng chiêng của dân làng Khánh Chúc Bãi chuẩn bị vào hội Xuân.

Dãy núi Ba Vì gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh trong cổ tích Việt Nam. Đồng thời, dãy núi này được coi là núi Tổ và lá chắn phía tây án ngữ cho Đế đô Thăng Long - Hà Nội xưa. Nếu núi Ba Vì được coi là phần đuôi của hệ thống núi Hoàng Liên Sơn thì phần núi Đá Chông là phần đầu Rồng chạy tới sông Đà hùng vĩ. Khu vực xóm Đá Chông nằm bao quanh dãy núi này. Dãy núi Đá Chông không cao (chừng 250m) nhưng điệp trùng uốn khúc với cấu trúc địa chất đá vôi độc đáo.

Theo truyền thuyết nơi đây đã xảy ra cuộc huyết chiến sinh tử giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh với những con sóng hung dữ của sông Đà dâng cao. Khu vực này có những tảng đá nhọn tạo nên hình lưỡi mác, cây chông sừng sững chính là vũ khí để lại của Sơn Tinh chống trả những thuồng luồng, ma quái của những cơn thủy triều dữ tợn mà Thủy Tinh tấn công lên núi. Thủy Tinh hòng cướp lấy công chúa Ngọc Hoa mà Vua Hùng đã gả cho Sơn Tinh nhưng không được.

Những tảng đá ngổn ngang rải rác khắp nơi chính là hình ảnh của Sơn Tinh bóc từng lớp đá trên núi Ba Vì ném xuống để đánh chặn những cơn sóng cuồng nộ của Thủy Tinh dâng nước lên. Chính vì thế, sông Đà mỗi lúc một hung dữ vào mùa nước lên cùng những con xoáy dìm tàu thuyền qua lại trên nhiều cung đường hiểm nguy.

Chính dãy núi Đá Chông có vị trí thuận lợi về chiến lược nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn làm cơ sở hoạt động trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước từ năm 1960 tới 1969. Chúng tôi theo người hướng dẫn, đi dọc con đường sát sông Đà dưới những hòn đá nhọn hình tam giác. Đó là con đường Bác đã đi khảo sát và nhận định đây có phong cảnh tự nhiên cùng linh khí tốt. Đá Chông thuận tiện giao thông đường thủy nhanh chóng ngược sông Đà lên chiến khu Tây Bắc. Với con mắt nhìn xa trông rộng của Bác Hồ, núi Đá Chông đã được tạo dựng một không gian văn hóa lớn. Về tư duy chiến thuật, nơi đây được coi là chiến khu dự trữ lâu dài. Bởi những ngày tháng đó, công cuộc giải phóng miền Nam còn ở phía trước.

Đá Chông gắn bó với công cuộc cách mạng dân tộc ngày một sâu sắc hơn. Ngôi nhà sàn Bác Hồ gợi bao ký ức thân thương tràn về. Chúng tôi nghe người nữ hướng dẫn viên kể chuyện những sinh hoạt bình dị của Bác trong ngôi nhà này. Bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” vang lên từ đền thờ Bác. Những lời ca trĩu nặng tình cảm của dân tộc với Bác Hồ. Ai nấy xúc động lắng nghe những lời ca ngân vang trong chính trái tim mình: “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam…”.

Bản hùng ca trên núi Tản

Cứ điểm chiến thắng ở độ cao 600 mét trên núi Ba Vì là nơi chúng tôi dừng chân cuối cùng trên cung đường phía tây. Đây là một cứ điểm mà thực dân Pháp đã xây dựng vào đầu thập niên 1950 để án ngữ con đường từ Sơn Tây đi lên chiến khu Việt Bắc. Đồng thời, chúng còn khống chế cả đường thủy đi lên Hòa Bình và Phú Thọ từ độ cao này. Đây cũng là một trong bốn cứ điểm được kết nối bảo vệ cho quân đội Pháp ở Sơn Tây, cửa ngõ Thành Hà Nội. Pháp còn trang bị cả pháo 105 ly để bắn phá khi phát hiện ra quân đội ta hoạt động từ xa.

Chúng tôi đi quanh di tích cứ điểm mới thấy vị trí này thật đắc địa khi quan sát toàn bộ hệ thống đường bộ và dòng sông Đà. Dòng sông nổi tiếng hung dữ qua những con thác hiểm trở trên đường xuôi về sông Hồng. Trước khi giặc Pháp mở mặt trận Hòa Bình, chúng đã bị quân và dân ta tấn công cứ điểm trên cao này vào tháng 12/1951. Đây là một trận đánh khó vì nếu ta chiếm được vị trí chỉ huy trên cao này, giặc sẽ khó mở mặt trận đánh lên Hòa Bình.

Giặc Pháp không thể tưởng tượng nổi những chiến sĩ quân đội ta lại có thể đánh bất ngờ như vậy. Cứ điểm 600 bị tiêu diệt và phá hủy chỉ trong vòng 5 giờ đồng hồ bằng chiến thuật vu hồi từ trên cao đánh xuống và từ dưới đánh lên phối hợp sắc bén và nhanh gọn. Đó là chiến thắng của các chiến sĩ Trung đoàn 141 khi chiếm lĩnh được cứ điểm và tiêu diệt 120 lính Pháp. Hiện cứ điểm 600 đã được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng từ năm 2007.

3-khách đến di tích đá chông nghe kể chuyện bác hồ.jpg -0
Khách đến Di tích Đá Chông nghe kể chuyện Bác Hồ.

Đứng trên lưng chừng của đỉnh núi Tản chúng tôi nhìn thấy sông Đà bên hòn núi Chẹ và quần thể làng Khánh Chúc Bãi. Đây là một ngôi làng xinh đẹp có sông Đà bao quanh. Núi Chẹ cũng nằm trong huyền thoại cùng với núi Đá Chông. Truyền thuyết kể, núi Chẹ là tảng đá khổng lồ mà Sơn Tinh đã ném xuống đánh tan cơn điên khùng nhất của Thủy Tinh trong trận đánh cuối cùng. Phía tây núi Ba Vì được dòng sông Đà bao bọc và luôn chịu đựng những con sóng lớn đánh vào bờ. Dòng sông Đà dằng dặc cuộn chảy từ trên cao với chiều dài chảy ở nước ta chừng hơn 500 km.

Trước khi nhập vào sông Hồng, sông Đà cuộn chảy quanh dãy núi Ba Vì và tạo nên những huyền thoại lịch sử ngàn năm. Đứng trên cứ điểm lịch sử 600, chúng tôi như nghe được âm thanh sóng vỗ từ sông Đà vang dội cùng với tiếng súng tấn công của quân đội ta năm nào. Núi Tản Viên trên độ cao hơn 1.000 mét là biểu tượng lớn nhất cho “Tứ bất tử” của đất Việt. Đúng như danh nhân Nguyễn Trãi đã đề tựa những câu đối bất hủ trên đỉnh non ngàn: “Dáng hình sừng sững ngang trời rộng/ Hào khí mênh mang vạn thuở còn”.

Tiếng cồng tình yêu

Con đường từ xã Ba Vì tới bến núi Chẹ cập bến đò sang Phú Thọ chúng tôi bất ngờ gặp đội cồng chiêng của làng Khánh Chúc Bãi (xã Khánh Thượng-Ba Vì) đang tập luyện. Họ chuẩn bị vào hội xuân với những bài bản tình ca. Dân làng Khánh Chúc Bãi chủ yếu là dân tộc Mường. Nơi ngã ba sông Đà quanh núi Chẹ luôn chịu đựng những cơn thịnh nộ của sông Đà vào mùa lũ. Nhiều khi cả thôn ngập trong nước sâu tràn bờ nhưng người dân Mường ở đây không hề nản chí. Họ vẫn hướng tới những lễ hội hàng năm và chăm chỉ trên những cánh đồng đã dồn điền đổi thửa thẳng cánh cò bay.

Chúng tôi nghe vọng lên từ dòng sông Đà lời hát bay bổng giao duyên, đó là tiếng gọi của tình yêu trong trường ca “Hai Mối và Nàng Nga”. Dòng sông Đà vẫn cuộn trôi về phía xa. Những cánh buồm theo chiều gió từ trên núi Ba Vì như đang bay trên sóng nước bên những rặng hoa lau trắng muốt. Trên cao những đám mây cuồn cuộn soi mình trên dòng sông bao la.

Vương Tâm
.
.
.