Đào Quốc Vịnh: Ta như ngọn nến bỏ quên

Chủ Nhật, 05/11/2023, 08:06

Trước khi gặp Đào Quốc Vịnh, giữa tôi và ông là “bạn bè” ảo. Qua mạng xã hội cũng dễ nhận biết “tạng” người để bầu bạn. Tôi nhận ra ông là người có trách nhiệm xã hội. Tôi là nhà báo, cho đến bây giờ vẫn viết về những vấn đề “thời sự” trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục nên cần thông tin tham chiếu. Thế là quý nhau.

Đào Quốc Vịnh sinh năm 1955, ngót nghét thất thập nhưng “tuổi văn” dường như mới bén “độ chín”. Theo phong thủy thì những người sinh năm 1955 Ất Mùi thuộc mệnh Kim - Sa Trung Kim, nghĩa là “vàng trong cát”. Điều này ngụ ý rằng, những người tuổi ấy thường tiềm ẩn những khả năng, dễ phát lộ, nếu gặp cơ hội. Không biết “ứng” với Đào Quốc Vịnh bao nhiêu phần, nhưng ngó trên khuôn mặt “râu hùm, hàm én, mày ngài” của ông, nhận ra năng lượng.

Với nghiệp văn, nói như nhà văn Bùi Việt Thắng thì Đào Quốc Vịnh “hai tay hai súng" Ông đã in 7 tác phẩm, đủ thể loại: thơ, văn (truyện ngắn, tiểu thuyết), thơ thiếu nhi. Năm 2023, ông công bố một lúc 2 tác phẩm là “Những đôi mắt khoảng trời” (tiểu thuyết) và “Nắng trong mưa” (thơ) đều do NXB Hội Nhà văn cấp phép.

chân dung đào quốc vịnh.jpg -0
Nhà thơ Đào Quốc Vịnh.

“Nắng trong mưa” gồm 45 bài thơ. Văn học là nhân học, người xưa đúc kết chính xác; nhưng có lẽ không có loại hình nào “lột tả” bản ngã bằng thơ. Hay nói cách khác, dung nhan, diện mạo tâm hồn họ hiển hiện rất rõ qua thi phẩm. Đào Quốc Vịnh không ngoại lệ.

“Nắng trong mưa” giúp người đọc thấu cảm những trăn trở, suy tư, hoài niệm của tác giả cũng như của đời người. Đó là sự tiếp nối mạch cảm “Trăng thề”, NXB Hội Nhà văn (năm 2022), gồm 54 khúc, được đánh số thứ tự từ 1 đến 54.

Ta về bong bóng mưa tan
Hạt thương táp mặt hạt oan rát lòng
Hạt buồn xước ngược long đong
Hạt vui em nhặt sao không tiếng cười”

(Khúc 55, tập "Trăng thề")

Cảm thức thơ lưng lửng, nhưng không vu vơ.
Nhìn vào đêm đen
Mộng mị chiêm bao
Người người chỉ thích nghe lời nói dối

...

Đêm mưa bay sao da diết thế
Nhìn vào bóng đêm
Sao thấy quý ánh sáng ban ngày

(Nhìn vào xào xạc)

Thơ ông khắc khoải nỗi lòng, nỗi người.

Trong “Nắng trong mưa”, “đêm” với tư cách là không gian nghệ thuật xuất hiện khá nhiều: “Lúng liếng tan vào đêm” (Sót tiếng cười), “Hào quang hổn hển trong tiếng đàn bà nức nở tàn đêm” (Cái bóng), “Anh trượt ngã đêm nay..../...U mê trong bóng đêm sâu thẳm” (Giá lạnh là nụ cười lấp lóa tim em), “Tiếng thạch sùng kêu đêm/ đâm vào trái tim em buồn vô vọng/ em ấp sâu vào lồng ngực bông hoa hồng anh tặng” (Bâng khuâng). Tần suất “đêm” nhằng nhịt xuất hiện, phác họa tâm hồn thơ hướng nội.

“Giữa bóng tối và ánh sáng, bóng tối thường là nơi trú ngụ của những tâm hồn cần dưỡng khí, ràng rịt vết thương lòng. Vì thế, đêm được xem là không gian tâm trạng, là nơi chốn người nghệ sĩ đối diện với bóng với vách để bộc bạch hay chất vấn chính mình” (Hoàng Thụy Anh: Ballad đêm vào mùa dâng hiến).

Đêm ùa vào lồng ngực anh bức bối
Khát vọng đến khô cong sợi tóc trên đầu
Day dứt nhớ nụ cười người đàn bà ẩn dụ
Sáng bừng trong một khúc ru đêm

(Thì thầm đêm)

Đào Quốc Vịnh cứ thế nương tựa, thủ thỉ. Tuy nhiên, “đêm” trong thơ ông không phải là sự giam hãm, tù nguội, mà có sức sống, quẫy đạp. “Bập bùng sóng/ Rì rào gió/ Và thì thầm tiếng em trong hơi thở đẫm hương đêm” (Thì thầm đêm).

“Nắng trong mưa” đa dạng đề tài, nhưng mạch cảm chủ đạo là những suy tư, ưu tư vỗ từ đời sống, những “mảng màu” khúc xạ qua tâm hồn thi sỹ. Thi pháp ẩn dụ góp phần tạo ra vẻ đẹp trong thơ ông, dẫu thơ Đào Quốc Vịnh không “nuột”, trừ số ít bài lục bát. “...Đi tìm bóng đen/ Bóng đen ngã xuống chân cột đèn cao áp/ Ngã trên mặt đất/ Chỗ hai người thì thầm yêu nhau...” (Ánh sáng & Bóng tối)

Hà Nội rộng quá, ngôi nhà thuở thiếu thời của Đào Quốc Vịnh cũng thuộc về làng. Đào Quốc Vịnh là công dân Thủ đô, ngay từ lúc sinh ra, nhưng nhiều bài thơ viết về làng vẫn chân quê, rung động. Tâm hồn ông luôn vọng câu hát ầu ơ, hình ảnh bóng tre. “...Về làng, ôi những bồi hồi/ Là nơi ta vẫn đùa chơi thuở nào/ Là nơi mỗi giấc chiêm bao/ Một đời chầm chậm vẫn vào hồn ta” (Về làng). “Xa xa mờ ảo đồng quê/ Bờ tre xào xạc, mẹ về bên con” (Giỗ mẹ). Ông có trái tim đa cảm, hồn hậu.

Nếu như “Nắng trong mưa” là tập thơ của những suy tư, ưu tư; những thanh âm nhỏ tự tâm cộng hưởng với nhau tạo ra tiếng động lớn, thì “Những đôi mắt khoảng trời” lại có “phận sự” khác. Đây là tiểu thuyết mới nhất, ông dành tặng trẻ thơ.

Nói về tác phẩm này, nhà văn Tạ Duy Anh nhận xét: “Bảo nó là truyện hay tiểu thuyết cũng được. Bảo nó là ghi chép dài về một thời cũng không sai. Theo tôi, chính xác hơn đây là một khúc tự truyện mà tác giả không thể âm thầm giữ một mình được nữa. Giữ lại một mình sẽ khiến ông có thể chịu đựng quá sức”.

Đọc “Những đôi mắt khoảng trời” của Đào Quốc Vịnh tôi nhớ câu nói của nhà văn Nhất Phương khi ông tặng tiểu thuyết ““Nắng không có mặt trời”: Đọc nó, em thấy cuộc đời anh trong đó”. Với cách kể chuyện giản dị, tác giả dẫn dắt người đọc song hành cùng với 9 sự kiện được “xâu chuỗi” trong quãng đời đi học của nhân vật Khang, từ lúc vào học lớp vỡ lòng đến khi vào học cấp 3, tức trung học phổ thông bây giờ.

Đào Quốc Vịnh không chia chương tiểu thuyết, dẫu từng phần có vị trí là một chương trong hành trình từ vụng dại, nghịch ngợm đến khôn lớn của một cậu bé xuất thân từ làng quê nghèo khó, tên Khang.

Bút pháp trong “Những đôi mắt khoảng trời” chân thực, không mảy may dụng công cấu tứ, sắp đặt, cao siêu nhưng cuộc đời Khang dưới ngòi bút của nhà văn Đào Quốc Vịnh gây xúc động. Con người với tất cả hy vọng, lòng tin có thể tự tạo nên sức mạnh để vượt qua hoàn cảnh nghèo khó cũng như tai ương không đoán định từ ngoài từ xã hội ập đến. Và, đừng để rơi vãi những năm tháng tuổi thơ, những năm tháng dại khờ luôn là vùng ký ức đẹp.

““Những đôi mắt khoảng trời” của Đào Quốc Vịnh là một tác phẩm hay dành cho trẻ thơ. Những chi tiết chân thật, sống động, những tình huống giàu kịch tính, mỗi nhân vật dù được khắc họa, kĩ lưỡng hay sơ lược đều được cá thể hóa sắc nét bằng một “nét vẽ” đặc sắc cho ngoại hình hay nội tâm…”, PGS.TS, nhà LLPB Nguyễn Đức Hạnh đánh giá như vậy. Ông không quá lời.

Đào Quốc Vịnh là trường hợp kỳ lạ. Ông từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi chưa học hết phổ thông. Sau khi rời quân ngũ, ông đi làm “phó mộc”.

Tháng 3/1974, ông quay lại Trường cấp 3 Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội học nốt lớp 10/10. Năm sau, Đào Quốc Vịnh thi vào Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. “Lúc đó, mặc dù được gọi đi học dự bị ngoại ngữ để đi lưu học sinh ở nước ngoài, nhưng vì lý do gì đó khi tôi nhận được giấy báo thì đã trễ hai tháng. Tôi đành chuyển sang học Khoa tiếng Nga, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Hà Nội)”, ông trải lòng.

Từng mò mẫm với văn chương từ khi phổ thông. Nhưng vì nhiều lý do nên ông không tiếp tục. Tốt nghiệp đại học, Đào Quốc Vịnh làm giảng viên tại Đại học Kỹ thuật công nghiệp Việt Bắc. Sau đó, ông xin chuyển về công tác tại Bộ Nội thương (nay là Bộ Công Thương). Năm 2003, vì lý do riêng ông nghỉ việc. Đây là quãng đời Đào Quốc Vịnh quăng mình vào gió bụi, các thương vụ bán, buôn...

Rồi bất ngờ với bạn bè, năm 2005, Đào Quốc Vịnh xuất hiện trở lại với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - một trường tư thục. Ngày 1/1/2018, từ một “biến cố” của người bạn - một nữ Đại tá quân đội, khi bà ở lằn ranh sinh tử vì bệnh hiểm nghèo thì tìm được manh mối về bạn trai bặt tin 40 năm, nghĩ là đã hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc.

Do xúc động trước tình cảm đó Đào Quốc Vịnh, sau 43 năm không cầm bút đã viết bài thơ, có tựa đề “Xin anh hãy đừng nói lời nói thật”, và quay lại với văn học từ đó. Năm 2020, ông được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam.

Đào Quốc Vịnh thổ lộ: “Tôi đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc trong cuộc đời mình. Vợ chồng tôi cưới nhau, từng không nhà cửa, đành phải sống xa nhau, chờ đợi nhau. Mục tiêu của tôi lúc bấy giờ là kiếm sống, có tiền để nuôi vợ nuôi con. Nhưng rồi tôi cảm thấy niềm vui về vật chất không đủ làm cho tâm hồn mình đầy ắp”.

Văn học đã và đang giúp cho tâm hồn Đào Quốc Vịnh “đầy” lên, tươi mới, gần hơn trắc ẩn. “Ta như ngọn nến bỏ quên” là câu thơ tự bạch, ông đang được con chữ cời lên, tỏa ấm.

Ngô Đức Hành
.
.
.