DPA và đạo đức truyền thông

Thứ Sáu, 04/09/2015, 08:00
Sáng 25/7, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã về đến Hà Nội. Và sự kiện này đã vạch rõ tính chất bỉ ổi của chiến dịch bịa đặt, vu cáo do các thế lực thù địch và thiếu thiện chí tiến hành trong những ngày vừa qua, mà trong đó đáng tiếc là có sự tham gia của Hãng truyền thông Đức - DPA...

Những ngày gần đây, qua Internet, người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước tiếp xúc với thông tin liên quan tới Đại tướng Phùng Quang Thanh. Sau khi VietPress USA - trang mạng chống Cộng của người Mỹ gốc Việt vốn chẳng được mấy ai quan tâm, bịa ra tin ông bị ám sát ở Paris (Pháp), lập tức một số trang đã khai thác biến thành tin giật gân, vu cáo chính quyền. Sự bịa đặt được nối dài khi một số kẻ dựng đứng chuyện "đấu đá nội bộ" với đủ loại "lập luận, phân tích, chứng cứ" hòng lừa dối người đọc. Thậm chí ngay sau khi báo chí Việt Nam công bố tin, ảnh Đại tướng Phùng Quang Thanh về tới Hà Nội, vẫn có kẻ lên RFA viết các câu chữ bất nhẫn; và ngày 25/7, VietPress USA tiếp tục trắng trợn bịa chuyện "đóng thế", rồi trơ tráo rào đón: "không thể khẳng định nguồn tin là thật đến mức độ nào"!

Đáng tiếc, một số cơ quan truyền thông có tên tuổi trên thế giới cũng về hùa với sự dối trá, tiếp tay cho sự bịa đặt, mà điển hình là việc làm của Hãng thông tấn Đức - DPA.

Theo diễn biến của sự kiện thì sau khi tin bịa đặt xuất hiện, bất chấp việc đại diện cơ quan chức năng Việt Nam lên tiếng phủ nhận, trên nhiều diễn đàn của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam, một số kẻ liên tục đưa tin, bình luận như là "chuyện đã rồi" và đúng lúc tin tức đang bị làm nhiễu loạn thì ngày 20/7, chỉ dựa trên "nguồn tin giấu tên", DPA đã xưng xưng đưa tin Đại tướng Phùng Quang Thanh "qua đời tại bệnh viện Georges Pompidou"! Chỉ tới ngày 25/7, khi không thể dối trá được nữa, DPA phải đăng tin cải chính và cũng ngày 25/7, DPA đã "gửi thư xin lỗi Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh về bản tin mà hãng thông tấn này đã đăng trước đó có nội dung sai lệch về tình hình sức khỏe của Đại tướng".

Nhưng DPA có vô can khi tin tức họ đưa ra bị lợi dụng để vu khống Đảng, Nhà nước Việt Nam? Đây không phải là lần đầu DPA đăng tải và phát tán tin "vịt", không chính xác, vì nếu xem xét lịch sử của DPA thì chí ít từ năm 1964, bốn ngày trước sinh nhật thứ 70 người đứng đầu Điện Kremlin lúc ấy, DPA phát tin "Lãnh đạo Liên Xô N. Khrushchev từ trần ngày 13/4/1964", sau đó DPA phải công nhận đó là tin sai sự thật. Thực ra đây là tin vỉa hè, nhưng DPA lại quả quyết "theo nguồn tin của Thông tấn xã Liên Xô TASS".

Để xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận, DPA ra thông báo biên tập viên bản tin đã phải tạm thời nghỉ việc. Năm 1966, trong khuôn khổ chuyến đến thăm Pháp của Thủ tướng Liên Xô khi đó là A. Kosygin, DPA phát tán một trích dẫn lời ông nói rằng: "Không một thế lực nào của thế giới có thể chấm dứt sự tồn tại của hai nhà nước Đức" mà trên thực tế A. Kosygin không có bất cứ phát biểu nào như vậy.

Liên quan đến báo Người cao tuổi ở Việt Nam, ngày 13/5/2015, DPA phát bản tin tiếng Đức viết: "Hà Nội. Một nhà báo ở Việt Nam viết về quan chức cấp cao tham nhũng và theo các nguồn tin của truyền thông, chính vì thế đã bị truy tố vì vi phạm trọng tội chống lại nhà nước. Kim Quốc Hoa "đã lạm dụng các quyền dân chủ của mình", Vietnamnet ngày thứ tư trích đăng như vậy từ bản cáo trạng. Việt Nam là quốc gia độc đảng cộng sản. Kim là tổng biên tập của Người cao tuổi, một tạp chí dành cho người lớn tuổi. Ngoài các việc khác, ông đã báo cáo về một quan chức được giao nhiệm vụ chống tham nhũng nhưng lại sở hữu danh mục đầu tư bất động sản trị giá khoảng 10 triệu USD.

Bộ Thông tin nói những bài viết của ông bóp méo sự thật, tiết lộ bí mật an ninh quốc gia. Tạp chí này không còn tồn tại kể từ tháng ba" (tạm dịch). Với những ai đã biết về sự việc xảy ra ở báo Người cao tuổi gần đây, khi đọc bản tin này có thể nhận thấy DPA đưa tin, bịa đặt như thế nào… Sau những vụ bê bối như vậy, cần phải đặt ra các câu hỏi: DPA là cơ quan thông tấn có thể tin tưởng được không? Những người làm việc cho DPA là ai? Vì sao họ lại có việc làm như vậy?

DPA là hãng thông tấn chính thức lớn nhất ở CHLB Đức, một công ty trách nhiệm hữu hạn, thành lập vào ngày 18/8/1949 sau khi hợp nhất Thông tấn xã Đức (DENA), Hãng dịch vụ báo chí Đức (DPD), Thông tấn xã miền Nam Đức (Südena). DPA Phát sóng trên radio lần đầu tiên lúc 6 giờ sáng ngày 1/9/1949. Hiện nay DPA có trụ sở chính ở Hamburg và Trung tâm báo chí ở Berlin, cung cấp dịch vụ báo chí, radio, vô tuyến truyền hình, điện thoại...

Báo của DPA có phiên bản tiếng Đức, Anh, Tây Ban Nha, Arập. Theo Wikipedia tiếng Ðức, thì DPA có 679 nhân viên, văn phòng công ty đặt ở hơn 100 quốc gia, doanh thu trong năm 2013 khoảng 87,2 triệu Euro. Trong quá khứ, DPA từng bị phê phán mạnh mẽ trong việc phát tán các phát biểu tự sáng tác, quả quyết là của nhân vật quan trọng.

Một dẫn chứng cụ thể nhất về việc DPA đưa tin sai sự thật là việc cơ quan truyền thông này đưa tin về hoạt động phản đối Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Heiligendamm do CHLB Đức chủ trì, tổ chức từ ngày 6 đến ngày 8/6/2007 với phương châm "Tăng trưởng và trách nhiệm".

DPA đưa tin: "Lúc 17h30’ những chiếc xe ôtô đầu tiên bị đốt cháy, cách đó không xa, từ khán đài của cuộc biểu tình một người phát biểu đã kích động các phần tử hiếu chiến với các lời lẽ rất rõ ràng: "Chúng ta phải mang chiến tranh tới cuộc biểu tình này. Bằng các biện pháp hòa bình, chúng ta chẳng đạt được điều gì cả"…". Ngay sau đó, báo Bức ảnh (Bild) đã dẫn lại tin từ DPA: "Trên khán đài của cuộc biểu tình một người phát biểu còn kích động các phần tử hiếu chiến: Chúng ta phải mang chiến tranh tới chính cuộc biểu tình này. Bằng các biện pháp hòa bình, chúng ta hoàn toàn không đạt được gì".

Nhiều tờ báo, trang mạng cũng đăng lại tin sai sự thật từ PDA. Các lực lượng cực hữu ở CHLB Đức thì sử dụng thông tin của DPA để khẩu chiến với lực lượng khác. Người đứng đầu nhóm cực hữu NPD trong Quốc hội của tiểu bang Mecklenburg - Vorpommern đã ra thông  cáo báo chí: "Không thể chấp nhận được, trước mắt ban lãnh đạo biểu tình tại Rostock, những tên sử dụng bạo lực, những kẻ gây rối có thể tụ tập được. Ngay trên khán đài của cuộc biểu tình họ kêu gọi: Hãy mang chiến tranh tới chính cuộc biểu tình này. Bằng các biện pháp hòa bình, chúng ta hoàn toàn không đạt được cái gì". Mãi sau này, khi bị phê phán vì đã đưa tin sai lời nói làm trái ngược hoàn toàn nội dung, thì DPA biện bạch bằng cách đổ lỗi do khâu dịch thuật!

 Theo báo Đức Merkur, ngày 15-2-2010, DPA đã phải công nhận một nhà báo của hãng này cho đăng một bài viết liên quan tới lực lượng tinh nhuệ chuyên hoạt động ở vùng núi non hiểm trở của Quân đội CHLB Đức (tên tiếng Đức của lực lượng này là Gebirgsjager), và tin trong bài là hoàn toàn bịa đặt. Theo Wikipedia tiếng Ðức, những nghiên cứu quy mô lớn do Quỹ Otto Brenner thực hiện vào tháng 3-2010 với chủ đề "Báo chí kinh tế trong khủng hoảng - cách tiếp xúc của truyền thông đại chúng với chính sách thị trường tài chính" đã xem xét một cách chi tiết các hoạt động của DPA từ mùa xuân năm 1999 cho đến mùa thu 2009.

Kết quả nghiên cứu kết luận: "Báo chí kinh tế cập nhật hàng ngày của CHLB Đức với chức năng người quan sát, phóng viên, bình luận của các thị trường tài chính và chính sách thị trường tài chính cho đến khi bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu rất tồi tệ… Năng lực thông tin của DPA về chính sách thị trường tài chính là thiếu hụt rất cao… Định hướng của DPA trong bối cảnh này là mất phương hướng… Công việc báo chí của DPA về chính sách thị trường tài chính là báo chí tầm thường".

Cũng theo Wikipedia tiếng Ðức và nhiều nhà báo, thì điều bị chê trách nhất của DPA là "quá gần gũi chính phủ và sự nhuộm màu tương ứng trong việc truyền tin". Nếu điều đó là sự thật, thì việc làm của DPA có gây phản cảm khi Chính phủ CHLB Đức kêu gọi các nước phải tôn trọng tự do báo chí, tự do ngôn luận, tố cáo họ đã vi phạm nhân quyền?

Không cần phải tranh cãi, việc Đại tướng Phùng Quang Thanh về Hà Nội sáng 25/7/2015 đã nói lên tất cả, đồng thời là bằng chứng chứng minh sự trơ tráo, bỉ ổi của các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam. Trước sự thật đó, dù chủ ý hay không thì việc một số cơ quan truyền thông nước ngoài, một số trang mạng không kiểm chứng thông tin đã về hùa với kẻ xấu để tung tin thất thiệt là không thể chấp nhận.

Có thể có các nguyên nhân khác nhau dẫn tới việc các tập đoàn truyền thông đưa tin sai sự thật, nhưng về bản chất, khi một tập đoàn truyền thông chính là một tập đoàn kinh tế thì doanh thu là yếu tố quyết định sự tồn tại. Vì vậy trong cuộc tranh giành và chạy đua thông tin quyết liệt thì đôi khi sự thật lại là nạn nhân đầu tiên, danh dự của con người bị xúc phạm. Vì thế, cần đặt câu hỏi về đạo đức truyền thông trước lối hành xử thiếu chuyên nghiệp của các cơ quan truyền thông như DPA.

Hồ Ngọc Thắng (CHLB Đức)
.
.
.