Cố đô Huế thu nhỏ giữa lòng phương Nam

Thứ Năm, 21/10/2021, 16:29

Di cư vào TP. Thủ Đức đã mấy chục năm nay, ông Nguyễn Thanh Tùng và cha mẹ vẫn khôn nguôi nỗi hoài nhớ xứ Huế mộng mơ. Để cha mẹ luôn thấy quê hương bên mình, ông đã mất nhiều năm trời để tái hiện hình ảnh cố hương ngay giữa sân vườn lung linh bóng nắng...

Nhà của gia đình ông Tùng nằm ở đường Hoàng Hữu Nam, TP. Thủ Đức. Ghé thăm nhà, không khó để khách lạ có thể đoán chủ nhân là người con đất Thần Kinh. Ngôi nhà mang dáng dấp đặc trưng của nhà rường Huế. Trước nhà là khu vườn rộng khoảng 1.000 mét vuông mang tên Ngự Lãm Viên. Đó là nơi ông Tùng trồng nhiều cây cảnh, loài hoa và thiết kế các công trình mang đậm kiến trúc nhà vườn Huế. Khu vườn có mái che thưởng trà nằm nép mình dưới rặng liễu buông mành, có chiếc cầu cong cong nho nhỏ vắt mình qua con lạch nước chảy êm đềm… Tất cả gợi không khí kinh thành đầy thanh tịch, trầm mặc.

1 mo hinh hue thu nho.jpg -0
Mô hình Cố đô Huế thu nhỏ là điểm tham quan miễn phí tại Thủ Đức thu hút giới trẻ đến tìm hiểu văn hóa, lịch sử Huế.

Nổi bật nhất của Ngự Lãm Viên chính là mô hình di tích cố đô Huế thu nhỏ. Mô hình được làm bằng đá, xây dựng theo tỷ lệ 1/700. Nơi đây có hơn 150 kiến trúc nằm nép mình dưới những cây kiểng xanh mát. Đại nội Huế được thiết kế đầy đủ với cung điện của vua, cung hoàng hậu, các phi tần kết hợp với hồ, vườn, bờ tường, lối đi san sát nhau và rất chắc chắn. Những kiến trúc nổi tiếng như cổng Ngọ Môn, điện Thái Hoà, vườn Cơ Hạ, Kỳ Đài, Hiển Lâm Các, điện Cần Chánh, cung Trường Sanh, phủ Nội Vụ, Duyệt Thị Đường, điện Phụng Tiên... được tái hiện như nguyên mẫu thực. Xuôi theo dòng Hương giang là những công trình mô phỏng nổi tiếng của xứ Huế như cầu Trường Tiền, Phu Văn Lâu, đình Thương Bạc, chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, cồn Hến… Ngoài ra, lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn như lăng Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức, Minh Mạng, Khải Định… cũng được chủ nhân tái hiện tỉ mỉ. Tất cả giúp người xem hình dung bao quát về quần thể di tích cố đô.

Những công trình này không chỉ được thể hiện y như thật mà còn được bố trí đúng hướng Đông – Tây - Nam - Bắc như nguyên mẫu ngoài đời. Người ta ngạc nhiên khi ông Tùng cố công thiết kế sao cho dòng sông Hương thu nhỏ có hướng chảy, khúc uốn lượn giống với con sông Hương thật. Độ tinh xảo được chủ nhân làm cầu kỳ đến từng chi tiết nhỏ như mái ngói, rồng phượng, khẩu pháo, cửu đỉnh… với đường nét chạm trổ tinh tế, những đường cong uốn lượn nhẹ nhàng thanh thoát. Chủ nhân còn lắp thêm đèn điện trong mỗi kiến trúc. Đêm đến, cả mô hình sáng rực. Cung điện, thành quách, lăng tẩm, lâu đài… bỗng trở nên lung linh huyền diệu.

Là tiến sĩ trong ngành viễn thông, ông Tùng khiến nhiều người ngạc nhiên bởi ai cũng đinh ninh cha đẻ của công trình này phải là một nhà nghiên cứu văn hóa Huế thực thụ. Bởi chỉ có nhà nghiên cứu văn hóa mới am hiểu tường tận về kiến trúc, lịch sử cố đô đến thế. Nghe thắc mắc, ông cười, mắt hướng về song thân: “Chính mong mỏi của cha mẹ và tình yêu Huế da diết là điều thôi thúc tôi lao tâm khổ tứ, quyết thực hiện bằng được công trình cầu kỳ này”.

Năm 10 tuổi, Tùng đã phải rời quê hương để theo cha mẹ vào Nam lập nghiệp. Xứ Huế mộng mơ, yên bình trong điệu nam ai, nam bằng đã in dấu vào lòng cậu bé. Những chiều cùng cha, cùng mẹ nhịp nhịp bước chân trên con đường cố đô, nhìn ngắm phố phường như mới hôm nào. Hành trang vào phương Nam là lòng hoài nhớ cố hương da diết. Tùng biết, nỗi nhớ ấy sao sánh được với nỗi lòng xa quê đau đáu của cha mẹ mình. Bươn chải mưu sinh, khi mái tóc trên đầu đã ngả sang màu mây, ông bà mới chợt thảng thốt khi đường về quê xa ngái mà chân mình đã mỏi, gối mình đã chồn. Biết có kịp nhìn lại cố hương khi nhắm mắt xuôi tay. Nỗi trăn trở ấy quặn thắt, rồi thành tâm bệnh khi nào không hay. Phận làm con, nhìn cha mẹ chiều chiều run run bước ra ngỏ dõi trông về phương Bắc xa xôi, lòng ông Tùng nghe như xát muối. Để các cụ an lòng, ngày ngày được nhìn thấy quê hương, ông Tùng bắt tay xây dựng công trình Huế thu nhỏ ngay giữa sân nhà.

2  mot kien truc.jpg -0
Một số kiến trúc của mô hình cố đô Huế thu nhỏ.

Năm 2000, ông Tùng cất công về lại quê hương, tìm gặp bằng được những nghệ nhân am hiểu nghệ thuật kiến trúc Huế. Sau khi thiết kế xong, việc xây dựng gặp không ít khó khăn. Lúc đầu ông thử làm mô hình lăng tẩm, thành quách Huế bằng gỗ trát xi măng bên ngoài. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng thử nghiệm thì trời nắng khiến gỗ bị giãn nở,  mối mọt nên mau chóng bị hư hại. Biết bao mồ hôi, công sức đổ xuống sông xuống bể nhưng ông không nản. Ông cố thử đi thử lại một số loại vật liệu nữa nhưng chỉ được vài tháng là bị xuống cấp. May sao một nghệ nhân bày cách lấy đá Bửu Long - Biên Hòa xay mịn ra rồi đúc từng kiến trúc bằng khuôn silicon. Đá Bửu Long rất bền chắc, chịu đựng được mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên công trình nào làm bằng loại đá này đều có thể tồn tại đến trăm năm.

Trong quá trình thực hiện, cổng Ngọ Môn, Kỳ Đài, Hiển Lâm Các là ba công trình khó thực hiện nhất vì nhiều chi tiết đòi hỏi phải chạm trổ rất tinh vi, cầu kỳ. Nhiều nghệ nhân lão làng được ông mời từ xứ Huế vào tận nhà trợ giúp phải lắc đầu vì chạm trổ cho những kiến trúc nhỏ tí xíu như thế mất rất nhiều thời gian và công sức. Có người ước chừng phải mất 10 năm mới hoàn thành được mô hình. Nhưng thấy được nghị lực và tấm lòng hiếu thảo của ông Tùng, họ đã ở lại để bám trụ cho đến ngày công trình được khánh thành.

Mất bảy năm trời ông Tùng kiên trì tìm tòi nghiên cứu và xây dựng, cuối cùng công trình cũng hoàn thành trong giọt nước mắt reo vui của song thân. Đã hơn 10 năm xây dựng, nắng mưa thời gian không hề làm hư hại mà còn giúp lớp đá của các kiến trúc càng thêm phần cổ kính, rêu phong, trầm mặc. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, điểm thú vị của mô hình này là sự tái hiện toàn bộ công trình hoang phế hoặc bị tàn phá do chiến tranh như vườn Cơ Hạ, điện Kiến Trung, điện Cần Chánh…

Từ ngày có mô hình này, ngày nào cha mẹ ông Tùng cũng dậy thật sớm để ngắm nhìn cố hương dưới ánh bình minh ló dạng. Rảnh rỗi, hai cụ lại nhổ cỏ, chăm tỉa cây cảnh và tu sửa những kiến trúc bị hư hại. Ông Tùng tái hiện di tích cố đô không chỉ để mẹ cha được ngắm Huế mỗi ngày mà còn giúp cho họ hàng, con cháu trong gia đình hiểu về truyền thống quê hương, văn hóa cội nguồn. Ngày công trình khánh thành, bà con họ hàng đến tham quan rất đông. Nhìn ngắm từng tòa nhà, lăng tẩm…, họ kể cho con cháu nghe về lịch sử, về những câu chuyện thú vị xoay quanh kiến trúc đó.

Ngự Lãm Viên cũng là điểm đến miễn phí quen thuộc của nhiều du khách để tìm hiểu nét đặc sắc của văn hóa, lịch sử, kiến trúc xứ Thần Kinh nếu chưa một lần đến Huế. Đến nay, gia đình ông Tùng đã đón hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước ghé thăm. Đặc biệt, điều ông và gia đình tâm đắc nhất chính là “Huế thu nhỏ” đã và đang trở thành giáo cụ trực quan cho các em học sinh, sinh viên. Mỗi khi đón đoàn học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu, ông Tùng vui lắm. Vui bởi mong ước sẻ chia, truyền đạt lịch sử, văn hóa quê hương đang được lan tỏa đến thế hệ mai sau.

Phan Thi Uyên
.
.
.