Cao Bá Quát - Đứng về phe "dưới đáy"!

Thứ Bảy, 29/07/2023, 10:52

Tài năng và vốn sống như hai cánh để con chim đại bàng thi nhân bay cao bay xa vào bầu trời văn hóa. Với trường hợp đời thơ và tài thơ Chu Thần Cao Bá Quát (1808 - 1855) thì điều đó như là một minh chứng nổi bật.

Ông là tác giả của khoảng một nghìn ba trăm bài thơ chủ yếu là thơ chữ Hán (ngoài ra còn thơ chữ Nôm, phú, ca trù, văn xuôi truyền kỳ) được tập hợp lại thành 4 tập đồ sộ: "Cao Bá Quát thi tập", "Cao Chu Thần di cảo", "Cao Chu Thần thi tập", "Mẫn Hiên thi tập". Nhắc đến nhà thơ lớn này người ta nghĩ ngay đến một quan niệm độc đáo thể hiện ở câu thơ bất hủ: "Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" (Mười năm rong ruổi tìm gươm báu/ Một đời chỉ cúi lạy hoa mai).

Những sáng tác của anh hùng - thi sĩ ấy toát lên một tuyên ngôn nghệ thuật văn thơ phải như kiếm sắc ngăn trừ cái xấu để cho đời chỉ còn những nụ hoa mai! "Hoa mai" biểu trưng cho tấm lòng thanh khiết, trung nghĩa, cho lý tưởng cao cả của người quân tử, cũng còn là biểu trưng cho cái đẹp. Tức Cao Bá Quát không chịu cúi đầu trước cả vua, trước cả bạo lực, cường quyền, danh vọng…

c7otrsmidlp4qepwbeni1nczyooqtnedyz3wdnhk.jpeg -0
Hình ảnh Cao Bá Quát làm thơ.

Ông là người đọc rộng biết nhiều, từng khẳng định có phần ngạo nghễ rằng thiên hạ có ba bồ sách thì mình đã chiếm một. Rất thông minh, sắc sảo, chữ đẹp, văn hay, đã từng đi thi nhưng trượt lên trượt xuống, chỉ đậu cử nhân rồi trượt kỳ thi hội. Từng làm quan nhưng lên xuống thất thường, từng vào tù ra tội bị đòn roi, bị đi đày,... Thuở hàn vi sống cùng "dân đen" nên Cao Bá Quát thấu hiểu tình cảnh cơ cực cũng như khát vọng cháy bỏng của những phận người "dưới đáy". Những điều ấy lý giải hành động Cao Bá Quát cùng "dân đen" vùng lên chống lại triều đình rồi thất bại như là lẽ đương nhiên.

Lịch sử khẳng định Cao Bá Quát là lãnh tụ khởi nghĩa dám chống lại bất công cường quyền phản động. Cao Bá Quát chết nhưng tiếng thơ còn lại mãi với hậu thế. Tiếng cười trong thơ Cao Bá Quát còn lại mãi với lịch sử văn học như một trường hợp độc đáo, đặc biệt - một tiếng cười đầy cá tính không thành tiếng, bi phẫn, dữ dội, đau đớn, vật vã nén vào trong. ông cười mình, khinh mình vì mang tiếng là nhà Nho mà chẳng làm được gì "cho đời thái bình": "Thái bình vô nhất lược/ Lộc lộc sỉ vi nho - Không có cách gì làm cho đời thái bình/ Thẹn mình là nhà Nho lại tầm thường đến thế" (Đêm ngồi một mình)…

Nhưng qua cái tự trào này lại thấy ông vĩ đại ở khát vọng đem tài năng phụng sự cuộc đời, cụ thể là vì mục đích đem thái bình đến cho dân lành. Thế nên dễ hiểu Cao Bá Quát phủ nhận mình, tiếc cho mình: "Đáng phàn nàn cho ta chỉ đóng cửa mà gọt giũa câu văn/ Lải nhải nhai lại từng câu từng chữ/ Khác nào con sâu đo muốn đo cả đất trời" (Đề sau khúc Yên Đài anh ngữ của Đô sát họ Bùi). Ví mình như con sâu, giễu mình chỉ biết nhai văn nhá chữ chẳng có gì ghê gớm mới mẻ nhưng lại có tham vọng quá lớn "muốn đo cả đất trời". Văn nhân thời hiện đại mấy ai dám tự nhận mình như thế!?

Cao đã thật sự hiện đại khi quan niệm cuộc đời cao hơn văn chương: "Từ khi vượt bể qua đất Ba Sơn/ Mới cảm thấy vũ trụ là bao la/ Chuyện văn chương trước đấy thực là trò con trẻ/ Trong thế gian có ai thực là bậc tài/ Mà lại phí một đời đọc mấy pho sách cũ" (Đề sau khúc Yên Đài anh ngữ của Đô sát họ Bùi). Ở đây bật ra một quan niệm về quy luật nhận thức: phải trải nghiệm, đi nhiều, biết nhiều (từ khi vượt bể) mới thấy kiến thức là vô cùng (vũ trụ bao la), nhờ thế mới nhận thức chuyện văn chương chỉ là trò trẻ con nên những bậc tài năng tráng chí không nên mất thì giờ vào những điều đã cũ. Nghĩa là phải biết tìm tòi, sáng tạo. Nam Cao sau này nói "Sống đã rồi hãy viết!" không mới hơn Cao Bá Quát. Vĩ nhân thường đi trước thời đại là như thế chăng?

Nhìn từ phương diện chủ quan, để có tiếng cười thì người cười phải có một tấm lòng chuộng công bằng, tôn thờ chính nghĩa, yêu thương con người sâu sắc, có vậy mới làm cơ sở để tạo ra tiếng cười đủ mạnh một sức lên án, tố cáo, mỉa mai chế giễu cái ác, cái xấu… Điều kiện này thì Cao Bá Quát có thừa. Làm tiền đề cho một nhân cách lớn là tâm hồn nhạy cảm, giàu trắc ẩn. Nhìn thấy "chú bé chăn bọ ngựa" (tên một bài thơ), ông thấy đau xót và liên tưởng: "Buộc nó bằng sợi dây/ Sợi dây quấn chằng chịt/ Nó chết trên cành cây/ Người dắt dân ta hỡi!/ Xét kĩ trên lông mày". Thơ ông đầy trăn trở: "Bất tri lai nhật thử hoặc hàn?/ Như hà cửu toạ linh tâm to - Nào ai biết ngày mai nóng hay rét?/ Sao cứ ngồi đây mãi cho lòng xót xa" (Bài hành hôm nay). Cả bài thơ nói chuyện thời tiết đang trời lạnh gió buốt thế mà lại chuyển nóng như thiêu. Dĩ nhiên không phải là nói chuyện thời tiết mà là nói tới sự ấm lạnh của cuộc đời, sự thay đổi đến chóng mặt của thời cuộc điên đảo.

image002.jpg -0
Mười năm rong ruổi tìm gươm báu/ Một đời chỉ cúi lạy hoa mai - (thơ Cao Bá Quát)

Hầu như bài thơ nào, chi tiết nào nói về nỗi khổ của dân đen Cao Bá Quát cũng liên hệ tới kẻ cầm quyền để phê phán thói vô trách nhiệm, sự tàn ác, phi nhân tính. Đây là lời một ông lão già sức cùng lực tận, không đủ sức để chạy trốn sự tàn bạo của chính quyền: "Ông không nghe ư?/ Năm nay ngày nào cũng bắt tráng/ Quan huyện là cha mẹ dân đã chẳng xét cho/ Nha lại còn đánh đập dân như chém tre/ Nhà xóm đằng đông nằm đấy chịu đói, nhà xóm tây dời đi nơi khác/ Những người còn chút hơi tàn chưa chết, mười phần chỉ còn một hai/ Nào lính, nào phu, nỗi khổ chưa qua/ Con bé, cháu nghèo đều bỏ đi hết/ Than ôi! Tôi đã già rồi/ - Lão vừa nói vừa chỉ tay vào bức tường đổ" (Ông già Phúc Lâm). Một bức tranh xã hội đau đớn được vẽ bằng nước mắt!

Nhờ từng sống cùng nên Cao Bá Quát thấu hiểu và thấu cảm cảnh nghèo của những kẻ thấp cổ bé họng. Bài thơ "Khúc ngâm trong đêm lạnh" nói lên tình thương người của ông: "Rét quá không ngủ được/ Trở dậy chữa câu thơ/ Dầu hết gọi nhỏ rót/ Nhỏ nằm cứ ậm ừ/ Vội vàng đi lấy chiếu/ Đắp lên cho chú ta". "Nhỏ" ở đây là đứa bé đầy tớ còn Cao Bá Quát là "ông chủ", nhưng như ta thấy ông không phải là "ông chủ" mà như người cha nó. Sau thời gian "dương trình hiệu lực", ông về quê. Càng có thêm nhiều sự tiếp xúc với đời sống khốn cùng của nhân dân, thấy những cảnh người dân vì túng thiếu đói rét phải đi xin ăn hay những cảnh bị bắt phu bắt lính... Cao Bá Quát càng đau xót. Nỗi cảm thương thể hiện thành con chữ ở các bài thơ đẫm nước mắt như "Cái tử" (Người ăn xin), "Phụ tương tử" (Người vác hòm), "Quan chẩn" (Xem phát chẩn)... Có một quy luật này, các đại thụ văn chương luôn có cái gốc rất vững chắc là tình thương yêu con người, nhất là với "dân đen"!

Trong bài thơ "Đối vũ", qua một ẩn dụ nhà thơ hỏi: "Mặt trời đỏ lẩn đi đằng nào?/ Để dân đen than thở mãi...". Hình tượng "mặt trời đỏ" là một ước mơ cháy bỏng không có trong thực tế nhưng qua đó cho thấy một khát vọng táo bạo vượt ra khỏi tầm thời đại ngột ngạt, bế tắc. Cao Bá Quát đã luôn đứng trên và vượt khỏi tầm thời đại mình và mâu thuẫn một cách gay gắt, triệt để, quyết liệt với thời đại ấy. Là nhà thơ của dân đen, bênh vực, thông cảm với dân đen mà ông dũng cảm vạch trần, phơi bày cái tàn bạo, thối nát của cường quyền.

Ngay trong con người ông cũng là một khối mâu thuẫn, là "con đẻ" của Nho học cũng là "con đẻ" của triều đình nên Cao Bá Quát hăm hở đi thi để làm quan với mong ước lấy tài năng giúp lập chính sự để dân đen đỡ khổ. Vì một tình thương yêu lớn với dân nên trong ông cứ dần dần một tư tưởng phản nghịch với chế độ phong kiến. Bắt đầu là việc chữa bài thi, xét đến cùng cũng là vì thương người và quý tài mà chữa. Rõ ràng cái thương cái quý ấy mạnh hơn bao nỗi sợ hãi và mạnh hơn cả cái chết vì nếu lộ sẽ bị trả giá bằng mạng sống. Sau này thành lãnh tụ khởi nghĩa, xét đến cùng cũng là vì niềm yêu thương dân đen và căm thù cái ác, cái xấu mà cụ thể là cái triều chính đáng ghét kia.

Một tài năng lớn, một nhân cách lớn, một ý chí lớn như Cao Bá Quát nên bất đắc chí với thời đại là đương nhiên. Ông mâu thuẫn với thời đại, chống lại cả thời đại của triều đình như là một tất yếu. "Sông dài như kiếm dựng trời xanh" không chỉ là một câu thơ tỏ chí mà còn là lý tưởng, là mơ ước và khát vọng, cũng là tuyên ngôn sống muốn "dựng" lại "trời xanh" thời đại!

Cùng một cuộc sống nghèo, cùng phong cách, cùng quan niệm, cùng một đối tượng thẩm mỹ là những thân phận dân đen, nhưng nỗi đau trong thơ Chu Thần có lẽ còn dữ dội, phẫn uất hơn cả Đỗ Phủ!

Nguyễn Thanh Tú
.
.
.