"Bèo dạt" - Mã văn hóa phổ quát!

Thứ Sáu, 30/12/2022, 16:48

Sống ở vùng văn minh sông nước, là người Việt ngày xưa ai cũng đều biết đến cánh bèo tự nhiên có đầy ở hồ ao (gọi là bèo ao hay bèo cái), ở sông ngòi (gọi là bèo Tây, miền Nam gọi là lục bình). Loại bèo ao thường để nuôi lợn: “Vì chưng bác mẹ tôi nghèo/ Cho nên tôi phải băm bèo thái khoai”.

Bèo sống hoang trên mặt nước nên hầu như không có giá cả vì mấy ai mua bán. Trôi nổi ngoài tự nhiên, cánh bèo trôi vào thành ngữ với nét nghĩa chỉ sự rẻ mạt ít giá trị, bị coi thường: “Rẻ như bèo”. Từ danh từ nó bị biến thành tính từ chỉ sự mất giá thảm hại “Bèo nhỉ!”. Nhờ nét nghĩa trôi nổi, cánh bèo trôi vào ca dao chỉ sự lênh đênh, phiêu dạt, bất định: “Người về em vẫn trông theo/ Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi”. Cô gái trong câu ca dao này có thân phận đáng thương, chỉ biết “trông theo” với tâm trạng mơ hồ mong manh “người” sẽ quay trở lại, như cánh bèo trôi kia biết đâu sẽ tái ngộ. Nhưng mà thật khó!

image001.jpg -0
Ca sĩ Kyo York ra mắt MV dân ca "Bèo dạt mây trôi" phiên bản song ngữ Anh Việt (Xuân Canh Tý 2020).

Như một “từ điển” về các cung bậc, dạng thái tình cảm con người, “Truyện Kiều” tất yếu xuất hiện (14 lần) hình ảnh cánh bèo với sự đa dạng các nét nghĩa của “mẫu gốc”. Điều đặc biệt là rất nhiều nhân vật sử dụng hình tượng này chứng tỏ tính phổ biến của nó. Tất nhiên Kiều dùng nhiều nhất. Sau khi gặp Đạm Tiên trong mơ, Kiều đã dự cảm thấy cuộc đời mình như cánh bèo: “Hoa trôi bèo dạt đã đành/ Biết duyên mình biết phận mình thế thôi”. Khuyên Thúc Sinh nên về thăm nhà và công khai quan hệ (với Kiều) để tránh hậu họa sau này, Kiều thấy phận mình bấp bênh như cánh bèo: “Vẻ chi chút phậnbèo mây/ Làm cho bể ải khi đầy khi vơi”.

Khi chuẩn bị trốn khỏi nhà Hoạn Thư, Kiều càng thương mình không biết còn rơi vào cạm bẫy nào nữa không: “Phận bèo bao quản nước sa/ Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh”. Thực hiện xong ân oán, tiễn Giác Duyên ra về, Kiều bồn chồn lo lắng không biết khi nào gặp: “Rồi đây bèo hợp mây tan/ Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu”. Phải nung nấu dữ dội lắm Kiều mới có thể khuyên Từ Hải ra hàng. Cái nguyên nhân gốc là Kiều mong một sự ổn định vì đã có quá nhiều bấp bênh: “Nghĩ mình mặt nước cánh bèo/ Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân”...

Là người của chốn “hàn lâm”, “kinh viện” nhưng Kim Trọng cũng dùng hình tượng bèo. Chàng tự trách vì mình mà để Kiều rơi vào cảnh mười lăm năm lưu lạc: “Rằng: “Tôi trót quá chân ra/ Để cho đến nỗi trôi hoa dạt bèo”. Là một người có học, hiểu đạo hiểu đời và thật sự yêu Kiều, sau này thành đạt Kim Trọng càng thương “người cũ”: “Ngọn bèo chân sóng lạc loài/ Nghĩ mình vinh hiển thương người lưu ly”. Đây là người có văn hóa xứng đáng với mối tình đẹp mà Kiều dành cho, dâng hiến.

Với tư cách người cha, Vương ông tự than trách mình trước lúc đứa con sắp phải rơi vào cảnh lênh đênh: “Vì ai rụng cải rơi kim/ Để conbèo nổi mây chìm vì ai”. Sau này trong dịp đoàn viên Vương ông khóc than thương xót thân phận đứa con bị dập vùi trong những tháng năm phiêu bạt: “Từ con lưu lạc quê người/ Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm”. Câu sau không chủ ngữ nói rất tinh tế cái tâm trạng “bèo trôi sóng vỗ” không cụ thể là ai mà có ở tất cả mọi người trong gia đình! Lão Đô già cũng kể về số phận ba chìm bảy nổi của Kiều: “Thoắt buôn về thoắt bán đi/ Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi”...

Như vậy hình tượng bèo chỉ được những nhân vật tích cực có đạo lý, có tình người sử dụng còn những nhân vật tiêu cực, đen tối, xấu xa hầu như không sử dụng. Điều ấy cho thấy một quan niệm về ngôn từ của Nguyễn Du gắn liền với thân phận, số phận, tính cách, lối sống... Có thể làm hẳn một luận văn khoa học về riêng hình tượng này!

Như một tất yếu, cánh bèo trôi vào dân ca để rồi tạo ra một ý nghĩa phổ quát ở tác phẩm. Trường hợp bài “Bèo dạt mây trôi” dân ca là tiêu biểu. Bài hát mở ra một không gian bất định để nói về lòng người cũng bất định, xao xuyến, có gì đấy hoang mang: “Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi/ Anh ơi em vẫn đợi bèo dạt/ Mây trôi chim ca tang tính tình, cá lội/ Ngậm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ/ Sao chẳng thấy đâu...”.

Lời ca da diết, khắc khoải đến xót xa! Người con gái một mình trong đêm khuya đợi chờ mong ngóng chàng trai trở về. Chắc người con gái ấy đã thao thức quá nhiều nên lời hát như nghẹn ngào, như than trách: “...Người đi xa có nhớ/ Là nhớ ai... ngồi trông cánh... chim trời/ Sao chẳng thấy đâu?”. Nỗi nhớ ấy thời nào cũng có, ai cũng có, miễn là đang yêu nên nó trở thành cái chung cho mọi người, mọi thời. Tính mê hoặc và phổ biến của nó hấp dẫn nhiều thể tài âm nhạc, từ một bài dân ca trở thành một tác phẩm khí nhạc mang tính chất thính phòng để biểu diến trong chương trình hoành tráng (Điều còn mãi 2011).

Tác phẩm lớn sẽ không có đáy, nó sẽ còn được tiếp tục công diễn dưới nhiều hình thức. Các nhạc công, nhạc sĩ sẽ luôn tìm tòi, khám phá để làm mới nó theo cách cảm của riêng mình. Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long đã chuyển soạn cho độc tấu đàn Ghita rất thành công. Không chỉ với người Việt, những giai điệu trữ tình chơi vơi, băn khoăn, lo lắng, thao thiết của bài dân ca này cũng đã và sẽ còn được nhiều nghệ sĩ nước ngoài yêu thích và biểu diễn. Vì họ tìm thấy trong lời hát, hình tượng, giai điệu có bóng dáng tâm hồn của chính họ. Thế nên, không phải là phép “ngoại giao” mà các đoàn ngoại giao Pháp, Đức… đã nhiều lần chọn bài này để thể hiện. Nhiều người còn nhớ, năm 2014 ca sĩ Jann Weigel (lai hai dòng máu Đức, Thái) hát bài dân ca “Bèo dạt mây trôi” bằng hai thứ tiếng Đức - Việt rất truyền cảm, sâu lắng. Tác phẩm đã được đưa vào Thư viện lưu trữ Quốc gia Đức. Với tính kinh điển và phổ biến của nó, tác phẩm từng được đưa vào chương trình thi trong cuộc thi Guitar quốc tế tại Berlin (Đức).

image003.jpg -0
Bèo dạt!

Ngược về trước đó, đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyêntrong bản Luận án Tiến sĩ tại Pháp có tên “Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” đã lấy bài dân ca “Bèo dạt mây trôi” là một trong những cứ liệu khoa học chính. Sự thành công vang dội của Luận án có sự góp phần không nhỏ của các văn bản được nghiên cứu đã chinh phục, thuyết phục người đọc. Đây cũng là một cầu nối văn hóa hai nước Pháp - Việt để rồi sự đồng cảm đã làm gần gũi hơn con người với con người.

Đến nay giới nghiên cứu chưa xác định chính xác nguồn gốc của bài dân ca. Có người cho rằng xuất xứ từ quan họ Bắc Ninh, nhiều người khẳng định đó là dân ca đồng bằng Bắc bộ, thậm chí là dân ca Nghệ Tĩnh, Hà Nam... Có nhà khoa học công phu truy tìm trong hàng trăm làn điệu Quan họ cổ nhưng vẫn không tìm thấy “Bèo dạt mây trôi”. Giống như tính phổ quát của nó, sự tranh luận chưa thống nhất cũng tất yếu: ở đâu trên mảnh đất văn hóa xứ Việt này cũng có thể là nơi sinh ra vì ở đâu cũng có bối cảnh ấy, con người, tâm trạng ấy! Nhưng đến nay ai cũng thấy bài hát này là một trong những bài hay nhất góp phần làm nên bản sắc Quan họ, giá trị văn hóa của Quan họ.

Chỉ có thể lý giải thế này chăng: như một tiếp biến văn hóa, nằm trong và là một trung tâm văn hóa Bắc bộ, với cái vốn giàu có, sự đặc sắc, tinh tế, nhuần nhị của nghệ thuật dân ca, Quan họ càng mở lòng đón nhận rồi “quan họ hóa” những làn điệu dân ca khác. Mà càng gần gũi, nhiều tương đồng sự tiếp biến càng trở nên mau chóng, mạnh mẽ! Ngay trong Quan họ cũng còn một bài “Lên tiên cung” cùng motif với ca dao đồng bằng Bắc bộ: “Nỡ nào trêu ghẹo chi tôi/ Lênh đênh bèo nổi hoa trôi một thì”.

“Bèo dạt mây trôi” có thi tứ, lời ca, hình ảnh thật giản dị, gần gũi với con người Việt Nam. Các hình tượng cánh bèo, chim, cá, mây, trăng, gió, cành tre... là rất Việt Nam. Những cung bậc tâm trạng bồn chồn, thắc thỏm nhung nhớ rất thường gặp trong ca dao Việt. Dư âm bài hát sẽ còn mãi luyến láy trong mỗi tâm hồn Việt nặng tình: “Mỏi mòn đêm thâu suốt năm canh/ Anh ơi em vẫn đợi mỏi mòn/ Thương nhớ ai chim ơi cho nhắn một đôi lời/ Người đi xa có nhớ/ Là nhớ ai ngồi trông cánh chim trời/ Sao chẳng thấy đâu…”. Không lạ sau này có một cánh bèo trôi trong “Tràng giang” của Huy Cận: “Bèo dạt về đâu hàng nối hàng”, như một tất yếu nghệ thuật phải được đặt trong không gian: “Mênh mông không một chuyến đò ngang”. Chảy ra từ mạch nguồn truyền thống “liên văn hóa” phương Đông (thơ Đường), ca dao và “Truyện Kiều” nên tính cổ điển của bài thơ rất đậm!

Nguyễn Thanh Tú
.
.
.