Bảo tàng công, những hiện tồn đáng ngại
Bảo tàng, theo cách hiểu phổ quát và đơn giản nhất, là thiết chế văn hóa quan trọng, mang ý nghĩa nhiều mặt đối với đời sống tinh thần của một đô thị, một vùng đất hoặc một quốc gia. Bảo tàng là nơi lưu giữ và trưng bày hiện vật cổ liên quan đến một hoặc nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa v.v..., của một dân tộc hay một giai đoạn nào đó đã lùi vào quá khứ.
Bảo tàng phục vụ cho hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học, nhưng rộng hơn, bảo tàng thỏa mãn trí tò mò, lòng ham hiểu biết của quảng đại công chúng. Vì đến với bảo tàng là đến với những mảnh vỡ của lịch sử, mỗi mảnh vỡ bao hàm một hoặc nhiều câu chuyện, những câu chuyện ấy lại có thể móc xích, đan dệt với nhau để làm thành những huyền thoại sống động, hấp dẫn.
Ngoài ra, nếu là các bảo tàng nghệ thuật lưu giữ, trưng bày các kiệt tác, thì đây còn là những địa chỉ thu hút khách bốn phương, góp phần đáng kể vào việc làm gia tăng sự tinh tế và phát triển du lịch cho thành phố hoặc vùng đất mà các bảo tàng nghệ thuật ấy tọa lạc. Bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris của Pháp, hay bảo tàng Ermitazh ở Saint Peterburg của Nga là những ví dụ rất tiêu biểu.
Các chức năng ấy, gần 150 bảo tàng công ở Việt Nam đã và đang thực hiện được đến đâu? (Tôi chỉ nói bảo tàng công, vì các bảo tàng tư nhân mới chỉ xuất hiện gần đây, và còn khá khiêm tốn cả về lượng lẫn chất). Khi trao đổi với TS Nguyễn Văn Cường, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, và họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng về vấn đề này, tôi nhận được những câu trả lời không mấy khả quan. Thậm chí có thể nói rằng đó là những hiện tồn đáng ngại của các bảo tàng công nước ta.
Trước hết, câu chuyện sưu tầm và lưu giữ hiện vật. Câu chuyện này liên quan chặt chẽ đến câu chuyện “đầu tiên”: kinh phí cho hoạt động của các bảo tàng. Bảo tàng công thì kinh phí hoạt động cũng chủ yếu được rót xuống từ nguồn ngân sách công, của các bộ ngành chủ quản hoặc các chính quyền địa phương.
Nói chung, TS Nguyễn Văn Cường cho biết, kinh phí chưa bao giờ là đủ với các bảo tàng, nhất là các bảo tàng địa phương. Vì thiếu kinh phí, thậm chí rất thiếu, nên nhiều khi những hiện vật gốc, có giá trị lịch sử cao, cứ thế trôi qua trước con mắt và sự tiếc nuối của người sưu tầm hiện vật cho bảo tàng.
Kết quả là sau nhiều năm thì bộ sưu tập hiện vật của nhiều bảo tàng địa phương vẫn hầu như không được bổ sung gì thêm, chưa kể đến việc là với sự bào mòn của thời gian, sự cũ kỹ lạc hậu của các phương tiện và công nghệ bảo quản - cũng do thiếu kinh phí mà ra - một số hiện vật trong các bộ sưu tập ấy đã xuống cấp đến mức khó, hoặc không thể phục chế hoàn nguyên.
Ngay cả với các bảo tàng trung ương thì thiếu kinh phí cũng gây không ít khó khăn cho công tác sưu tầm hiện vật. Vì, cho dẫu là hiện vật được hiến tặng, không mất tiền mua, người lãnh đạo bảo tàng vẫn cần thiết phải tổ chức các hội đồng chuyên môn để thẩm định giá trị thực của hiện vật, cả giá trị lịch sử lẫn giá trị giao dịch trên thị trường, mà đó là công việc không thể khác, phải phụ thuộc vào sự dôi hay hụt của nguồn kinh phí.
Tiếp đến là câu chuyện trưng bày và giới thiệu hiện vật. Tôi chuyển tiếp đến TS Nguyễn Văn Cường và họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng một nhận xét có vẻ “hơi phũ”, “hơi sỗ” từ nhiều nguồn khác nhau, rằng nhiều bảo tàng, nhất là các bảo tàng địa phương, “trông như cái nhà kho”, và nói chung là đa phần có hình thức diện mạo rất xấu.
Ông Nguyễn Văn Cường thẳng thắn xác nhận cái thực tế này, và lý giải rằng do ở nước ta lĩnh vực kiến trúc bảo tàng chưa được chú trọng phát triển, rằng vì thế mà một số bảo tàng có kiến trúc đẹp như Bảo tàng Lịch sử quốc gia (vốn là trụ sở của Viện Viễn Đông bác cổ Hà Nội), Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, hay Bảo tàng Buôn Mê Thuột ở Đắk Lắk... là những ngoại lệ hiếm hoi.
Ông Phan Cẩm Thượng cắt nghĩa khúc chiết: tất cả là do nhận thức chưa đủ, thậm chí chưa đúng về bảo tàng. Người ta quen thói chém to kho mặn, cứ đơn giản nghĩ rằng phải xây một cái nhà thật to, thật hoành tráng, rồi tống hiện vật vào đó, thế là xong một cái bảo tàng, mà không biết rằng mỗi hiện vật bảo tàng chính là một sinh thể, nó cần không gian thích hợp để thở, để giao đãi với các hiện vật khác, và để sống hết các giá trị lịch sử của mình. Nếu nhận thức được như thế, người ta sẽ biết cách tìm đến và lựa chọn được những thiết kế kiến trúc phù hợp nhất với tính chất của các hiện vật mà bảo tàng đang lưu giữ, từ trong ra ngoài, và do đó sẽ không có tình trạng bảo tàng “trông như cái nhà kho”.
Ông Phan Cẩm Thượng thêm một nhận xét nữa, đáng lưu ý, về câu chuyện trưng bày hiện vật ở các bảo tàng địa phương hiện nay: phần về lịch sử hiện đại trong khoảng 100 năm nay thì phình to, mà phần về lịch sử văn hóa hàng nghìn năm thì lại “lép kèm kẹp” (chữ của Phan Cẩm Thượng), như thế sẽ khiến công chúng không thể nhìn ra được những nét đặc sắc riêng có trong tiến trình lịch sử và trong diện mạo văn hóa của mỗi địa phương.
Cũng phức tạp không kém là câu chuyện lan tỏa giá trị của các hiện vật bảo tàng trong đời sống cộng đồng, gần là cộng đồng địa phương, cộng đồng quốc gia, xa là cộng đồng toàn thế giới. Để các bảo tàng thực hiện được chức năng này một cách hiệu quả, đòi hỏi phải có một chiến lược “giáo dục công chúng” - như Karl Marx từng nhấn mạnh - nói đơn giản là phải tập cho trẻ em thói quen đến bảo tàng, rồi sau đó nó sẽ trở thành nhu cầu thường xuyên khi các em lớn lên, đi ra với cuộc đời rộng lớn. Và thứ hai, bản thân các bảo tàng cũng phải biết đến công nghệ quảng bá hình ảnh của mình, như một lời mời gọi đầy hấp dẫn. Cả hai yêu cầu này chúng ta đều làm chưa tốt, TS Nguyễn Văn Cường cho biết.
Nói thêm về việc làm cho lan tỏa giá trị của các hiện vật bảo tàng, ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ: có một cách mà các bảo tàng trung ương và một số bảo tàng địa phương vẫn thực hiện, đó là tổ chức các triển lãm theo chuyên đề. Khi tổ chức triển lãm, bằng sự năng động tích cực của mình, các bảo tàng trong nước thậm chí có thể kêu gọi sự tham gia của các bảo tàng nước ngoài, nhờ đó mà triển lãm sẽ thêm phong phú đa dạng các hiện vật quý từ nhiều nguồn, và người hưởng lợi không phải ai khác, chính là công chúng.
Ở chiều ngược lại, bảo tàng của chúng ta cũng có thể vươn ra, tổ chức các triển lãm chuyên đề ở nước ngoài, như Bảo tàng Lịch sử quốc gia từng thực hiện triển lãm về lịch sử văn hóa Việt Nam, triển lãm các cổ vật được trục vớt dưới nước tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, và rất thành công. Tất nhiên, ở đây có khó khăn về nguồn kinh phí để tổ chức triển lãm.
Nhưng, TS Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh: kinh phí nhà nước không bao giờ là đủ để làm bất cứ cái gì, cần phải có sự chủ động sáng tạo của người tổ chức trong việc kêu gọi các nhà tài trợ, các quỹ văn hóa quốc tế v.v... để bảo tàng có thể thực hiện công cuộc ngoại giao văn hóa rất cần thiết này. Chỉ có điều, rất ít bảo tàng có khả năng làm được điều đó.
Nói tóm lại, hoạt động bảo tàng ở nước ta, từ sưu tầm, bảo quản, trưng bày đến giới thiệu, làm lan tỏa giá trị của các hiện vật, đều đang có những hiện tồn đáng ngại. Thiếu kinh phí, thiếu nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao, thiếu công nghệ, yếu về truyền thông, đó là những vấn đề... muôn thuở. Nhưng trước hết và trên hết, có lẽ vẫn là nhận thức chưa đúng và chưa đủ về vai trò, ý nghĩa của bảo tàng trong đời sống tinh thần của xã hội. Cần phải có sự thay đổi nhận thức về hoạt động bảo tàng ở chính những người làm bảo tàng, ở công chúng, và quan trọng nhất là ở lãnh đạo văn hóa các cấp.
Để nhấn mạnh ý này, và cũng là để khép lại câu chuyện về các bảo tàng công ở Việt Nam, tôi sẽ dẫn ra một nhận xét của họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng: đa phần các bảo tàng mỹ thuật ở ta, người lãnh đạo không phải là người của mỹ thuật. Vì thế mà mới có tranh giả lọt vào bảo tàng. Vì thế mà kiệt tác của danh họa Nguyễn Gia Trí mới bị phục chế đến mức nó trở nên biến dạng khủng khiếp. Đó là lỗi quản lý mà thôi.