Vì sao “Đàn ông chớ kể Phan Trần”…?

Thứ Bảy, 12/10/2019, 08:19
Ca dao có câu: “Đàn ông chớ kể Phan Trần/ Đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều”. Cũng có câu: “Đàn bầu ai gẩy nấy nghe/ Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Câu sau dễ hiểu hơn: tiếng đàn bầu hay nhưng buồn, xa vắng, “con gái” sống thiên về cảm xúc, “nhẹ dạ” nên nghe đàn bầu dễ xao động mà dẫn đến bị lợi dụng, hơn nữa cái buồn của tiếng đàn “ám” vào người rồi cả đời sẽ khổ…


Nhưng câu trên thì khó hiểu và phức tạp hơn. Trước nay nhiều người nhấn mạnh nguyên nhân ý nghĩa tự thân của tác phẩm có sức cảm hoá, “quyến rũ” người đọc. Để góp phần hiểu đúng và đầy đủ vấn đề có lẽ cần nhìn nhận từ phía tác động khách quan, bởi tác phẩm nghệ thuật là một hiện tượng xã hội nên nhiều khi sự cộng hưởng của các yếu tố bên ngoài tác động đến sự tiếp nhận làm tác phẩm được/bị hiểu khác đi. Điều này lý giải có những áng văn chương chỉ hay hoặc ý nghĩa ở một thời. Những tác phẩm vượt qua thử thách này đứng mãi với thời gian sẽ trở thành kinh điển để trở thành một “siêu giá trị”, rất quý.

Giới nghiên cứu đánh giá cao truyện Nôm “Phan Trần”, chỉ đứng sau “Truyện Kiều”. Nhưng vì truyện Nôm thường có kết cấu giống nhau, lại tương tự chủ đề nên đời sau chỉ quan tâm tới vị trí đầu bảng. Đây cũng là quy luật khắc nghiệt của sáng tạo, nói như một danh họa là nghệ thuật không có thứ hai, hoặc nó là vàng, hoặc chỉ là than.

Nhiều truyện Nôm thời trung đại viết về chủ đề hôn nhân tự do thường bị xếp vào hàng “dâm thư”, trong đó có “Truyện Kiều” (thế nên cụ Nguyễn Công Trứ mới vịnh “Bốn bể anh hùng còn dại gái/ Thập thành con đĩ mắc mưu quan”). Hẳn nhiên những quan niệm khắt khe này là của Nho giáo (mà cụ Trứ là tiêu biểu). Nhìn lại lịch sử văn học sẽ thấy từ thế kỷ XVI trở đi truyện Nôm phát triển, trở thành món ăn tinh thần, là một phương tiện giáo dục, một vũ khí đấu tranh giai cấp.

Bìa truyện “Phan Trần”.

Điều ấy làm kẻ cầm quyền không yên tâm. Không yên tâm thì phải cấm. Trịnh Tạc (1657-1682) ra lệnh đốt sách Nôm và ban hành 47 điều giáo hoá: “Thần liêu ở vương phủ thông truyền cho quan dân toàn quốc biết rằng: Phàm sách vở nào có quan hệ đến sự giáo hoá trong đời mới được xuất bản. Lâu nay những người hiếu sự hay lượm lặt sách vở bằng Nôm, không phân biệt gì nên xem hay không, cứ xuất bản để lấy lợi. Điều đó nên nghiêm cấm.

Từ nay trở về sau, nhà nào có tàng trữ các sách ấy, kể cả bản in, chính phủ đều thu đốt hết…”. Vẫn chưa yên tâm. Năm 1760, thời Trịnh Doanh nhà Chúa sai diễn nôm điều 35 ra quốc âm, có câu như: “Cũng là truyện cũ nôm na/ Hết thơ tập ấy, lại ca khúc này/ Tiếng dâm dễ khiến người say/ Chớ cho in bán hại thay thói nhuần”. “Thói nhuần” ở đây là đạo đức, là nền nếp, là gia phong…

Quyền lực của ý thức hệ thời đại luôn chi phối các diễn ngôn, trong bối cảnh ấy, truyện “Phan Trần” bị cấm đoán là dễ hiểu!

Nhưng cái chính là ở nội dung tiến bộ của tác phẩm vượt lên vòng cương toả Nho giáo để vươn tới vẻ đẹp nhân văn trong bầu trời văn hoá tự do với những ước mơ thật đẹp!

“Phan Trần” có cốt truyện bên Trung Quốc, ở thời nhà Tống dài 940 câu lục bát kể hai người bạn Phan Công và Trần Công cùng học, cùng đỗ đại khoa, cùng làm quan trong triều. Hai người vợ cùng có mang. Hai nhà bèn đính ước nếu một bên sinh trai, một bên sinh gái sẽ cho đôi trẻ kết duyên. Quả đúng vậy, họ Phan đẻ con trai đặt tên Tất Chánh, họ Trần sinh gái lấy tên Kiều Liên. Sau này Phan sinh (Tất Chánh) đỗ thủ khoa thi Hương nhưng trượt thi Hội nên ở lại kinh đô ôn luyện. Trần Công từ trần. Tai biến binh lửa xảy ra.

Mẹ con Kiều Liên chạy loạn mà lạc nhau. Kiều Liên dạt vào chùa Kim Lăng đi tu lấy pháp danh Diệu Thường. Phan sinh ngẫu nhiên đến thăm người cô tu ở chùa này rồi ở lại đó, gặp và đem lòng yêu ni cô Diệu Thường trẻ đẹp. Bị từ chối Phan sinh ốm tương tư.

Động lòng thương, Diệu Thường đến thăm…Mối tình bén duyên, họ hẹn nhau chàng thi đỗ sẽ kết hôn…Phan sinh đỗ Thám hoa và trở lại chùa. Vợ chồng về quê sum họp. Chàng lại lên đường dẹp giặc. Thắng lợi, chàng trở về cùng vợ hạnh phúc suốt đời.

Câu chuyện tiêu biểu cho kết cấu gặp gỡ - tai biến - lưu lạc - đoàn viên (như “Truyện Kiều”). Là một chuyện tình lãng mạn dựa trên cái trục ngẫu nhiên từ đầu đến cuối. Gặp nhau, yêu nhau mà không nhận ra nhau. Cái kết viên mãn là sự trở về cái ý nguyện tốt đẹp ban đầu: lấy nhau trong vinh hiển tột đỉnh, vợ đẹp, chồng đỗ cao, làm quan lớn, có công trạng to. Một giấc mơ đẹp như thế, ai mà không ao ước!?

Nhân vật chính là chàng Phan sinh đa tình, quyết đi theo tiếng gọi của trái tim mình sẵn sàng bỏ qua “đính ước” của gia đình đã sắp đặt sẵn. Gặp Diệu Thường là chàng quên luôn Kiều Liên. Như vậy Phan sinh là con người của hôn nhân tự do hơn là một con người khắc kỷ đi theo nếp mòn phong kiến. Chàng bị nhà Nho phản đối là hợp lẽ, hợp lý. Nhưng chàng được dân gian ủng hộ là hợp tình. Chàng là hiện thân của tình yêu vô tư, gặp người mình thích là yêu, không so đo, tính toán, không cân nhắc dở hay, thậm chí không xét đoán gốc gác “lấy vợ xem tông”... So ngay với cả hôm nay sắp bước vào thời 4.0, thì chàng còn “hiện đại” hơn rất nhiều người đàn ông nặng tư duy phân tích được gì mất gì…!!!

Tuy ra đời đã mấy trăm năm nhưng tác phẩm đã đạt tới bút pháp tâm lý khá nhuần nhị. Một chàng thanh niên Phan sinh tình cảm, nhất là trong những ngày xa nhà trọ học: “Ngậm ngùi trông cảnh gia hương/ Đã thiên gợi nhớ, lại chương ngậm sầu/ Hơi gió lọt, bóng trăng thâu/ Đòi khi giở chiếc trâm nhau ra nhìn”. “Chiếc trâm” ở đây là vật kỷ niệm “đính ước” của Kiều Liên. Hoàn cảnh ấy, không gian ấy, tâm trạng ấy thì có hành động ấy là đáng trọng. Nó chứng tỏ chàng có thể chưa yêu Kiều Liên nhưng không quên Kiều Liên.

“Tâm trạng tương tư” cũng được miêu tả tinh tế, đúng với bút pháp phân tích tâm lý ở “Truyện Kiều”: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Khi Phan sinh “tương tư” Diệu Thường thì: “Trăng thiền vằng vặc in lầu/ Lâm râm đèn hạnh gượng sầu thiu thiu/ Tiếng chuông, tiếng cảnh, tiếng tiu/ Sách nhìn biếng đọc, cầm treo biếng đàn/ Bấy nay nương náu thiền quan/ Muối dưa nhạt nhẽo, sương hàn pha phôi/ Lại thêm sầu não đứng ngồi/ Đá kia cũng đổ bồ hôi, lọ người”. Người sầu nên ánh sáng ngọn đèn cũng “gượng sầu” mà “lâm râm”, mà “thiu thiu” như ngủ. Người buồn nên vốn mặn mòi như muối như dưa cũng thành “nhạt nhẽo”… Còn khi người được yêu thì khác hẳn, cảnh vật như xôn xao, sống động hẳn lên, thời gian như trôi nhanh hơn, gấp gáp hơn, vội vàng hơn: “Khúc cầm thông mới dạo sương/ Chào oanh, sớm đã vội vàng tin mai/ Lân la tháng bụt ngày trời/ Hạ qua, thu tới, đông rồi lại xuân/ Vũ môn mừng đã đến tuần/ Phượng loan rày gặp phong vân phải tầm”.

Hình ảnh vinh quy bái tổ được tái hiện trong một bức tranh.

Chỉ một khúc đàn dạo buổi sớm mà chim oanh đã đến báo tin vui. Lòng người và thiên nhiên như hoà chung trong một thế giới nồng nàn. Nhưng sao lại “tháng bụt ngày trời”? Bụt thì hiền, trời thì thiêng. Thì ra khi đã có tình yêu thì thời gian vô hình cũng trở nên hữu hình, rất hiền, rất thiêng, rất quý, rất trọng… Ta mới thấy câu thơ hiện đại triết lý rất hay về thời gian “đợi” của Vũ Quần Phương (Đứng một ngày đất lạ thành quen/ Đứng một đời em quen thành lạ) có thể chưa khái quát bằng!?

Các cụ ta rất có lý không cho con cháu mình đọc “Phan Trần” khi mà nhân vật chính đi học thi mà lại có những tâm trạng và hành vi “tán gái” suốt đêm, lại được miêu tả thật thi vị, nên thơ: “Đêm thanh nguyệt gác rèm thưa/ Xa trông bóng đã đèn khuya cách lầu/… Sao tàn, sương dịu, tuyết êm/ Góc tường ẩn bóng bên thềm lân la/ Thừa khi gió quạt cánh gà/ Lay mành mượn tiếng nàng ba lọt vào/ “Thương với nao! Nể với nao/ Làm sao trong ấy? Làm sao ngoài này!...”. Theo ý các cụ thì những anh chàng đi thi phải toàn tâm toàn ý vào sự học, dứt khoát không được có suy nghĩ vẫn vơ quanh quẩn đau khổ thất tình như thế này: “Còn trời, còn nước, còn non/ Còn trăng, còn gió hãy còn đó đây/ Trăng trăng, gió gió, mây mây/ Biết là giở nỗi nước này cùng ai!”…

Và những tâm trạng tương tư của nàng Diệu Thường cũng mê hoặc, mời gọi biết bao chàng trai tuổi học trò: “Đã đành góc bể bên trời/ Lân la ngày bạc quá vời xuân xanh/ Một mình những tủi duyên mình/ Nén hương biếng thắp, quyển kinh ngại nhìn”…

Cả một câu chuyện dài nhưng nén lại trong hơn 900 câu lục bát mềm mại, trau chuốt, tinh tế dễ thuộc dễ nhớ, như rượu ngon sẽ làm say bất cứ chàng trai nào!

Nguyễn Thanh Tú
.
.
.