Từ “Ballet Kiều”, mơ về ballet thuần Việt

Thứ Sáu, 19/06/2020, 08:00
Sau bao ngày chờ đợi và hoãn bởi dịch COVID -19, vở “Ballet Kiều” chính thức ra mắt vào đêm 20-6 tại TP Hồ Chí Minh. Khỏi phải nói, công chúng hào hứng đón chờ như thế nào trước vở ballet đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, đưa kiệt tác phương Đông của Đại thi hào Nguyễn Du đến với bạn bè quốc tế bằng ngôn ngữ múa bác học phương Tây.


Với giá trị vượt thời gian, “Truyện Kiều” là nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều loại hình nghệ thuật chuyển thể. Có thể nói, năm 2019 và 2020, các tác phẩm chuyển thể nở rộ và liên tiếp trình làng nhiều đến vậy. “Truyện Kiều” xuất hiện trong kịch rối, kịch nói, múa đương đại, kịch thể nghiệm... Hiện dự án điện ảnh “Kiều” cũng đang trong quá trình tuyển chọn diễn viên để kịp bấm máy trong năm nay.

Với ballet, khán giả từng rất háo hức khi năm 2007, NSND Nguyễn Công Nhạc, biên đạo múa Nguyễn Việt công bố dự án với tên gọi “Thúy Kiều”. Bởi nói như NSND Hà Thế Dũng, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP Hồ Chí Minh, ballet là thể loại múa khó và quy mô nhất, đòi hỏi các kỹ thuật biểu diễn điêu luyện, tinh tế, tập trung nhiều yếu tố nghệ thuật cao. Lâu nay, chúng ta chỉ diễn lại các vở ballet kinh điển của thế giới như “Kẹp hạt dẻ”, “Hồ thiên nga”, “Cô bé Lọ lem”, “Giselle”, “Carmen”... chứ rất hiếm vở thuần Việt.

Do đó, dự án “Thúy Kiều” được giới chuyên môn lẫn người yêu ballet hết lòng ủng hộ. Đáng buồn thay, vì gặp nhiều vướng mắc, khó khăn nên vở không thực hiện được. Đến nay, chúng ta mới có một vở ballet đầu tiên chuyển thể từ “Truyện Kiều” như một lời đền đáp cho sự dở dang ngày ấy.

Biên đạo múa Tuyết Minh.

“Ballet Kiều” là công trình nghệ thuật lớn thuộc chương trình hành động của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam trong năm 2020, ấp ủ những sáng tạo nghệ thuật mới mẻ dựa trên nền tảng kỹ thuật ballet hiện đại chuẩn mực. Tác phẩm do nghệ sĩ Tuyết Minh chuyển thể kịch bản, tổng đạo diễn và kiêm biên đạo múa cùng biên đạo Nguyễn Phúc Hùng.

Đây là một trong hai kịch bản xuất sắc nhất mà Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tuyển chọn trong cuộc vận động sáng tác kịch bản kịch múa năm 2019 nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam.

 Vở được giao cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh dàn dựng và công diễn với sự tham gia của đội ngũ diễn viên trẻ trung,  tài năng như NSƯT Trần Hoàng Yến (vai Thúy Kiều), NSƯT Hồ Phi Điệp (vai Từ Hải), NSƯT Đàm Đức Nhuận (Kim Trọng), Đỗ Hoàng Khang Ninh (Thúy Vân), Phan Thái Bình (Sở Khanh)...

Nhiều người thắc mắc danh tác giàu chất thơ và đẫm triết lý như “Truyện Kiều” sẽ như thế nào trong hình hài một vở ballet- loại hình múa bác học kinh điển của phương Tây? Nghệ sĩ Tuyết Minh cho hay với tâm niệm gửi lòng tri âm của hậu thế tôn kính trước anh linh của Đại thi hào Nguyễn Du nên ngay từ khi đặt bút chuyển thể sang kịch bản múa, chị đã đặt mình trong sự tiếp nhận văn học hiện đại mà chủ động làm giàu hơn cho tác phẩm này với tâm thế của tác giả thứ hai đồng sáng tạo.

Thách thức lớn nhất đối với chị chính là phải hòa hợp ballet phương Tây với phong cách múa dân gian, múa truyền thống và văn hóa phương Đông đậm bản sắc Việt. “Khi chọn ballet để dàn dựng trước hết phải hình thành phong cách xuyên suốt của kết cấu ngôn ngữ múa, khi mà diễn viên nữ phải thể hiện trên giày mũi cứng, và diễn viên nam phải thể hiện được những kỹ thuật nền tảng của cổ điển châu Âu, có nghĩa tiêu chí kỹ thuật, kỹ xảo phải đạt được niêm luật của bộ môn múa ballet.

Mặt khác để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình thì các diễn viên phải thấm đẫm văn hóa phương Đông, cốt cách, tinh thần và bản sắc văn hóa của người Việt. Do vậy mỗi cử chỉ, động tác hay tổ hợp múa đều phải chắt lọc, đều phải có thủ pháp mang tính sáng tạo cao thì mới đủ chuyển tải hết tinh, khí, thần của các lớp diễn” – nghệ sĩ Tuyết Minh chia sẻ.

Nghệ sĩ Tuyết Minh và biên đạo Nguyễn Phúc Hùng không kể hết 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều như trong bản gốc. Bởi làm như thế sẽ khiến vở lê thê, dài dòng kể chuyện. Các biên đạo chú trọng xoáy sâu giá trị “Đạo làm Người” mà Nguyễn Du truyền tải trong “Kiều” qua ba lần Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên và diễn tiến của toàn bộ vở diễn được ước lệ xoay quanh bốn lần Kiều đánh đàn bởi tiếng đàn không thể nào che giấu được nỗi niềm. Đó là những cảm xúc, tâm trạng của Kiều và những triết lý phương Đông sâu sắc về bản thể con người.

Vở gồm 3 hồi, 15 cảnh với những sắc thái tâm lý khác nhau, lúc thăng hoa, nhẹ nhàng, lúc giằng xé, cô đơn, đau đớn. Thân phận người phụ nữ xưa, những hỉ nộ ái ố của kiếp nhân sinh, hành trình đi tìm tự do hạnh phúc và những khao khát công bằng được khắc họa trong từng động tác cơ thể khiến người xem trăn trở khôn nguôi.

Không chỉ hòa trộn nhuần nhuyễn các thủ pháp, kỹ thuật của múa ballet kinh điển châu Âu với múa truyền thống Việt Nam mà “Ballet Kiều” còn là sự kết hợp rất ăn ý giữa Âu và Á ở khâu trang phục, âm nhạc, đạo cụ, cảnh trí... Các nhân vật thăng hoa trong chiếc áo tứ thân, áo yếm, áo the cách điệu khoe đôi chân của vũ công, bay bổng trong những manh chiếu cói, chiếc thuyền, cây đàn nguyệt... dưới nghệ thuật thị giác đương đại hologame.

Âm nhạc do nhạc sĩ Việt Anh và Chinh Ba đảm nhiệm. Âm nhạc của nhạc sĩ Việt Anh mang âm hưởng châu Âu đa tầng, đa diện, có phong cách hòa thanh hiện đại, mới mẻ để dùng trong những đại cảnh và diễn tả nội tâm.

Cảnh trong vở “Ballet Kiều”.

Trong khi đó Chinh Ba gây ấn tượng mạnh với những âm thanh vocal hòa trộn với âm điệu truyền thống. Nó xuất hiện tại những phân khúc kịch tính, dữ dội. Mỗi nhạc sĩ một phong cách khác nhau đã tạo nên sự kết hợp ấn tượng giữa âm nhạc phong cách semi classic với âm điệu dân gian, dân tộc của Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu NSƯT Trần Hoàng Yến đảm nhận vai Thúy Kiều. Trước đó, cô đã hóa thân thành nhân vật này trong vở múa đương đại “Kiều” của biên đạo người Hàn Quốc Yoo Oh Chun. Thế nhưng, cô vẫn rất lo lắng khi tái hiện lại hình ảnh Kiều trên đôi giày mũi cứng.

“Thúy Kiều là một nhân vật lớn nên mỗi lần đảm nhiệm vai này tôi lại thấy vừa vinh dự nhưng cũng vừa áp lực. Nó đòi hỏi mình phải cố gắng rất nhiều. Ở “Ballet Kiều”, tôi phải thay đổi tâm lý nhân vật rất nhanh sau mỗi phân cảnh. Càng tập tôi càng thấu hiểu tâm trạng của nàng Kiều trước giông bão số phận. Nó giúp tôi nắm bắt nhanh hơn tâm lý nhân vật để dễ dàng nhập vai” – Hoàng Yến tâm sự.

Một điểm thú vị của “Ballet Kiều” chính là chàng nghệ sĩ người Mông Sùng A Lùng. Anh được Tuyết Minh chọn mặt gửi vàng để đảm nhiệm cùng lúc hai vai có tạo hình và tính cách hoàn toàn trái ngược là Tú Bà và ông lão dẫn chuyện.

Tuyết Minh giải thích: “Tú Bà là một nhân vật có sức nặng cá tính mà tôi nghĩ một người phụ nữ chưa chắc thể hiện được trong vở diễn này. Phải là một người đàn ông như Lùng, vẽ lên mặt những nét cá tính ấy mới thể hiện ra bản chất ghê gớm của người chuyên buôn bán thân xác phụ nữ. Tôi chọn Lùng đảm nhiệm hai vai để Lùng bung tỏa hết tiềm năng vì tôi đánh giá rất cao Lùng mỗi khi xem cậu ấy múa”.

Sau buổi biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh, “Ballet Kiều” sẽ đến với khán giả Hà Nội vào ngày 14-8 tại Nhà hát Lớn. Đây là tác phẩm được kỳ vọng có tầm vóc lớn về giá trị nghệ thuật cũng như nội dung của Việt Nam trong dòng chảy nghệ thuật mạnh mẽ của nghệ thuật đương đại. Tác phẩm mang khát vọng chuyển tải những tinh hoa của văn hóa Việt Nam, những đặc trưng truyền thống và những tư tưởng Á Đông sâu sắc. Do đó, “Ballet Kiều” cũng được xem là cú hích mở đầu mạnh mẽ cho các vở ballet thuần Việt. Nó giúp những khán giả bình dân có thể tiếp cận và yêu thích thể loại múa hàn lâm bằng những câu chuyện, chất liệu đậm tinh thần dân tộc.

Đồng thời, đó cũng là cách để chuyên chở giá trị di sản ngàn năm của cha ông ra biển lớn, hãnh diện đến với bạn bè năm châu. Bởi như nghệ sĩ Tuyết Minh phân tích: “Đối với khán giả nước ngoài, họ đã quá quen với sự hoành tráng, xa hoa, chuẩn mực của các vở ballet kinh điển nên tôi nghĩ họ sẽ muốn xem ballet Việt Nam có điều gì khác biệt.

Và tôi tin họ sẽ có nhiều thứ để thưởng thức từ âm nhạc, từ phong cách múa, từ trang phục, từ văn hóa Á Đông với cách tư duy và chiều sâu tâm hồn riêng có. Rồi họ sẽ thấy đồng cảm vì chất nhân văn, tinh thần nhân đạo là cầu nối từ trái tim đến trái tim không phân biệt Âu, Á, không phân biệt màu da, tôn giáo”.

Mai Quỳnh Nga
.
.
.