Trong hồn chữ của Châu La Việt

Thứ Sáu, 10/02/2017, 08:30
Đọc “Theo gió trăng ngàn”, tập ký của Châu La Việt, NXB Văn học, 2016.


Tôi nhận được cuốn sách của Châu La Việt khi mùa xuân mới đã khoe sắc trên đôi bờ sông Hương với những bìa lịch 2017 rực rỡ và bắt đầu “gõ” dòng chữ đầu tiên vào ngày đầu tiên năm mới về cuốn sách này.

Xin nói về sự lựa chọn này sau; để trước hết bàn đến cách lựa chọn của tác giả. Như tôi hiểu, Châu La Việt in cuốn sách này không chiều theo “thị trường”, nên mới chọn cái tên sách và bìa như thế. Một cái bìa sáng sủa, giản dị nhưng không “bắt mắt”; tên sách thì rất chi là… mông lung, kiểu “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, nhà cách mạng lão thành không ưa mà lớp trẻ thích “của ngon vật lạ” đắc dụng cũng chẳng quan tâm.

Thoạt đầu, tôi cũng “thắc mắc”, nhưng đọc hết tập sách, hiểu ra có lẽ tác giả trân trọng người thầy của mình và của nhiều thế hệ nghệ sĩ tên tuổi - Giáo sư - Tiến sĩ - NSND Đình Quang, nên đã lấy tên bài viết về ông đặt tên cho tác phẩm của mình. Hơn thế, bài viết chỉ dành kể lại 2 “mối tình đầu” lãng mạn thật đẹp của chàng nghệ sĩ tương lai với hai cô gái Mường trên chặng đầu cuộc đời ông - hai mối tình không nên duyên chồng vợ nhưng “suốt đời không bao giờ anh quên được một thuở “gió trăng ngàn” của tuổi trẻ hồn nhiên, lãng mạn của mình…”.

Có thể nói, đây cũng là chủ đề quán xuyến của 46 bài viết trong cuốn sách, dù không phải đều là chuyện tơ duyên trai gái, nhưng theo tôi, tất cả đều là những chuyện tình thật đẹp! Chính vì thế mà tôi muốn cuốn sách được mang tên “Những mối tình thật đẹp”, nếu như có dịp tái bản.

Xin dẫn một “mối tình” làm chứng.Đó là chuyện “Nhà văn Đỗ Chu với những người mẹ”.Lại là “chuyện tình” những ngày Tết - đây cũng là “lý do” tôi viết về cuốn sách này vào ngày đầu năm mới. Đó là một chiều giáp Tết “năm 1972, 1973 gì đó”, Châu La Việt  gặp nhà văn Đỗ Chu lòng khòng đạp xe với một cành đào rất đẹp phía sau.

Nhà văn giải thích sự vội vàng của mình: “Về quê thằng Huân chứ còn đi đâu. Tết này nó lại không được về, mình thay mặt nó về lo cái Tết cho bà cụ. Bà cụ Huân có hai con trai thì cả hai đều đang ở mặt trận cả…”.Hồi đó, cây bút trẻ Nguyễn Trí Huân vừa được Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân cử vào chiến trường Khu 5.

Về sau, Châu La Việt mới biết, từ ngày Nguyễn Trí Huân vào Nam, Tết năm nào Đỗ Chu cũng mang một cành đào và một cặp bánh chưng về tận nhà Huân để biếu mẹ anh Huân ăn Tết!... Không chỉ với bà cụ Huân; với mẹ nhà thơ Phạm Tiến Duật, khi Duật từ Trường Sơn về quê cưới vợ, Đỗ Chu đến, “dãn hết cả bạn bè, dành cả buổi ngồi trò chuyện với mẹ” và anh đã “nói với bà không một chút do dự rằng, anh Duật là niềm tự hào của đất nước”…

Cả với ca sĩ Tân Nhân, thân mẫu của Châu La Việt, mặc dù Đỗ Chu chỉ gặp Châu La Việt thoáng qua trong đám cưới của mình, nhưng sau khi anh vào mặt trận, nhà văn đã đến thăm ca sĩ, với “những lời nói làm mẹ ấm lòng quá, thấy vững tin vào con hơn, dù là con đang ở nơi mặt trận ác liệt muôn phần…”. Chị Tân Nhân đã viết thư cho con trai như thế.

Còn Đỗ Chu, trong một thư viết vào ngày giáp Tết gửi Châu La Việt khi anh đang ở chiến trường, kể chuyện vừa gặp ca sĩ Tân Nhân tại Phủ Chủ tịch trong dịp lãnh đạo Nhà nước gặp gỡ văn nghệ sĩ: “… Theo yêu cầu của đồng chí Thủ tướng, mẹ chú đã bước lên hát bài "Xa khơi"… Cả đám đông lặng phắc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi đến đặt vào tay mẹ chú một bông hồng thắm… Việt ạ, suốt đời chú nhớ nhé, viết gì thì mặc chú, nhưng đã viết thì viết như mẹ ta từng đã hát.Ngậm từng chữ, nhả từng câu, đau như lòng tằm và quý phái như tấm lụa tơ tằm. Say mê tột cùng mà thương nhớ cũng tột cùng…”.

Chao ơi! Chỉ trong một bài viết thôi mà bao la tình người, tình đồng nghiệp, tình mẹ con, tình lãnh tụ với văn nghệ sĩ.

Đã nhắc đến ca sĩ Tân Nhân thì cũng nên nói luôn nhà văn Châu La Việt là “kết quả” của “mối tình đẹp mà buồn” giữa nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Tân Nhân. Đây chính là nhan đề bài viết cuối sách với câu cuối: “Câu chuyện tình của ba mẹ tôi, dẫu nhiều đau khổ, nhưng có thể như ba tôi đã nói, nó vẫn là một “mối tình đẹp nhất thế gian”, ít nhất là trong trái tim của ba tôi, mẹ tôi và tôi…”.

Chuyện tình đặc biệt này là cả một thiên tiểu thuyết, đã được Châu La Việt “rút tỉa” và hé lộ dần qua 4 bài viết in trong cuốn sách này. Hai người quen biết nhau từ ngày còn học ở Huế, sau Cách mạng Tháng 8, cả hai ra học Trường Huỳnh Thúc Kháng (vùng tự do Khu Bốn cũ), rồi Tân Nhân tham gia Đoàn Văn công mặt trận Bình Trị Thiên do Đình Quang và Bửu Tiến lãnh đạo.

Sau một trận càn, có tin Tân Nhân đã hy sinh; từ trường Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Thi Thơ đã “truy điệu” cô bạn cùng quê với bài hát “Xuân chết trong lòng tôi”. Nhưng rồi Tân Nhân trở về và phút gặp lại xúc động ấy giữa hai người bên dòng sông La đã sinh ra Châu La Việt. Trớ trêu là trong chuyến về thăm nhà vùng tạm chiếm, Hoàng Thi Thơ bị mắc kẹt cho mãi đến năm 1994, lần đầu ông mới về nước và cũng lần đầu biết mặt đứa con trai…

Và cho mãi đến năm 2007, khi Tân Nhân đã chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh và trước ngày qua đời ít lâu, người ca sĩ nổi tiếng với bài hát “Xa khơi” đã thổ lộ với Châu La Việt: “Con gắng đi Mỹ, sang đó tìm nơi ba Thơ yên nghỉ, thắp cho mẹ một nén nhang”. Cùng với nỗi lòng như một lời trăng trối, Châu La Việt đã tìm thấy dưới gối của mẹ lá thư gửi Bộ Văn hoá - Thông tin đề nghị cho công diễn những tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.

Trong lá thư, người ca sĩ luôn khiêm nhường đã xưng danh là “nghệ sĩ ưu tú, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, nghĩa là bà muốn lấy danh dự của mình, “bảo lãnh” cho vị nhạc sĩ tài hoa đã không may lỡ bước, nhưng bà tin lời ông nói với Châu La Việt trong lần đầu hai cha con gặp nhau: “Con hãy hiểu rằng, ngay trước đây và bây giờ, những nhạc phẩm do ba sáng tác chỉ nhằm để ca ngợi quê hương, ca ngợi đất nước, chỉ nhằm để ca ngợi dân ta thôi con ạ…”. 

Tôi đã hơi dài dòng, không phải vì đây là “mối tình đẹp nhất  trần gian” mà vì nó gắn bó máu thịt với tác giả cuốn sách. Và chính là nhờ con của ca sĩ Tân Nhân; và về sau, khi Tân Nhân đi bước nữa, chị có người con trai trở thành con rể nhà thơ Tố Hữu, Châu La Việt đã có may mắn học hỏi, gặp gỡ trò chuyện với rất nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi - từ Chế Lan Viên, Trần Hiếu, Lê Dung, Huy Du, An Thuyên, Trần Tiến, Ngọc Tân, Xuân Thiều, Hoàng Nhuận Cầm, Y Phương…- và nay kể lại cho chúng ta nghe những mẩu chuyện thật lý thú (trong đó có chuyện Châu La Việt ngày còn nhỏ ở Khu Văn công Cầu Giấy, làm “cánh chim” đưa thư tình cho các nghệ sĩ…), những kỷ niệm thật đẹp giữa các văn nghệ sĩ, giữa văn nghệ sĩ với bộ đội và nhân dân…

Chính là giữa cuộc sống đậm tình nghĩa ấy mà những tác phẩm văn nghệ đã ra đời - trong đó có những bài thơ của Châu La Việt từ thời còn mặc áo lính cho đến bài thơ “Tâm sự với sông Bồ” viết năm 2010, khi tác giả về dự đêm thơ Quê mẹ của nhà thơ Tố Hữu và về thăm quê nhà thơ, cũng là quê của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Họ đã đi suốt cuộc đời không nghỉ/ Như dòng sông chảy mãi cùng tháng năm/ Đôi bạn ấy cùng đi vào lịch sử/ Người là danh tướng, người là thi nhân…”.  Bài thơ đã được in trên nhiều báo chí, được Thiếu tướng-nhạc sĩ An Thuyên phổ nhạc trình diễn trong nhiều cuộc lễ lớn tại Hà Nội… Đây cũng lại là một mối tình đẹp nữa - sự kết hợp giữa nhạc và thơ đã làm nên biết bao tác phẩm bất hủ như chúng ta đã biết...

Một sự tình cờ lý thú: Tôi viết những dòng này khi Đài Truyền hình Việt Nam phát chương trình đặc sắc “Chào năm 2017 - Hãy yêu nhau đi!” - Những mối tình đẹp như thế sống mãi cùng thời gian, mãi vẫn còn sắc Xuân!

Tôi chọn viết những dòng đầu tiên trong ngày đầu năm mới về cuốn sách này cũng là vì thế! 

Nguyễn Khắc Phê
.
.
.