Tìm lại tiếng hát ru
Miền hạ lưu châu thổ sông Hồng gồm các tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc bộ, nơi nào cũng có tiếng hát ru trên cánh võng, bên vành nôi, đung đưa trên đôi tay trìu mến của mẹ, của chị, của bà.
Đố ai ngồi võng không đưa/ Ru con không hát đò đưa không chèo...
Nhà thơ đồng quê Nguyễn Bính ở Nam Định từng viết: ''Trong bụng mẹ ai cũng mê tiếng hát/ Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ/ Dù trẻ nhỏ nằm nôi hay đặt võng/ Sớm hay chiều đều mượn cánh cò đưa...
Cánh cò là biểu trưng của vùng đồng ruộng thẳng cánh cò bay ở Bắc bộ. Người nông dân luôn luôn gắn bó với đồng ruộng, với con trâu đi cày và với cánh cò, cánh vạc lúc làm lụng cả ban ngày, ban đêm, vì vậy cánh cò thường được đưa vào các bài hát ru của các bà mẹ: ''Cái cò mày đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.../ Ông ơi! Ông vớt tôi nao/ Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng/ Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con!''
Với chức năng tình cảm và giáo dục, người mẹ đã chọn cho mình một phương tiện duy nhất thuận lợi theo bản năng tự nhiên, đó là tiếng hát ru, một hình thức thi ca và âm nhạc sơ khai gắn liền với tiếng nói của mẹ: À ơi!... à ơi!.../ Con ơi! Muốn nên thân người/ Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha/ Gái thì giữ nghiệp trong nhà/ Khi thì canh cửi, khi ra thêu thùa/ Giai thì đọc sách ngâm thơ/ Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa/ Mai sau nối được nghiệp nhà/ Trước là đẹp mặt sau là ấm thân. Hoặc là: À ơi!.... à ơi!/ Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ Hhiếu mới là đạo con? v.v...
Nhiều khi người mẹ mượn tiếng hát ru để thổ lộ tâm tình, thổ lộ những nỗi niềm riêng tư, đắng cay, oan trái của cuộc đời riêng mà không thể giãi bày cùng ai, đành mượn lời ru thở than nhân thế: "Cái cò là cái cò quăm/ Mày hay đánh vợ mày nằm với ai/ Có đánh thì đánh chiều mai/ Đừng đánh chiều tối chả ai cho nằm!"; "Con cò mày mổ con trai/ Bu ơi! Bu lấy vợ hai cho thày/ Có lấy thì lấy vợ gầy/ Chớ lấy vợ béo nó đánh cả thầy lẫn bu!"; "Trời mưa lác đác ruộng dâu/ Cái nón đội đầu, cái thúng cắp tay/ Bước chân xuống hái dâu này/ Nuôi tằm cho lớn mong ngày ươm tơ/ Thương em chút phận ngây thơ/ Lầm than đã trải, nắng mưa đã từng/ Xa xôi ai có tỏ chừng/ Gian nan tâm khổ ta đừng quên nhau!"; "Nhớ khi lòng mới hiểu lòng/ Sớm quanh ngõ trước, tối vòng cổng sau/ Đêm khuya sương đẫm cành dâu/ Anh kéo vạt áo che đầu cho em/ Nhớ khi hương lửa bén duyên/ "Chỉ trời, vạch đất thề nguyền có nhau/ Ra ngoài chồng trước vợ sau/ Sớm chiều quấn quyét như dâu với tằm/ Bây giờ con bế con bồng/ Đón anh cổng trước, anh vòng cổng sau/ Đêm khuya sương đẫm cành dâu/ Chờ anh mỏi mắt canh thâu chưa về/ Trách ai gió quyến lời thề/ Tóc mây chưa bạc, tình kia nhạt dần/ Đã khi lời nói tục tằn/ Lại khi dùi đục cẳng chân phũ phàng/ Em nói ra xấu thiếp, hổ chàng/ Bao lần canh vắng can tràng xót xa...".
Nội dung hát ru vùng đồng bằng Bắc bộ không chỉ dừng ở đấy. Tiếng hát ru rất phong phú, ngoài những tâm tư tình cảm của mẹ với con, nỗi niềm riêng tư người mẹ cần thổ lộ, người mẹ còn mượn tiếng hát ru để phổ biến kinh nghiệm làm ăn, lịch sinh hoạt và những vấn đề xã hội có liên quan đến cuộc sống con người: "Con ơi con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi/ Muốn coi lên núi mà coi/ Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng..."; "Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng hai cờ bạc, tháng Ba hội hè/ Tháng tư đong đậu nấu chè/ Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm/ Tháng sáu buôn nhãn bán trăm/ Tháy bảy ngày rằm xá tội vong nhân/ Tháng tám chơi đèn kéo quân/ Trở về tháng chín chung chân buôn hồng...".
Lời hát còn gợi những tâm lý tò mò cho con trẻ khi nó đã vài ba tuổi đồng thời người mẹ cũng mượn lời ru để nói lên những nghịch lý của xây dựng mà đương thời thì khó nói: "Con kiến mày kiện củ khoai/ Mày chê tao khó lấy ai làm giàu?/ Nhà tao chín đụn, mười trâu/ Có ao thả cá, bắc cầu rửa chân/ Có rửa thì rửa chân tay/ Chớ rửa lông mày chết cá ao anh/ Nhà anh có một cây chanh/ Nó chửa ra cành, nó đã ra hoa
Nhà anh có một mẹ già/ Thổi cơm không chín, quét nhà không nên/ Ăn cỗ lại ngồi mâm trên/ Mâm son bát sứ bưng lên cho bà/ Bà ăn xong bà đổ ra nhà/ Gọi cháu gọi chắt dắt bà đi chôn...".
Có thể nội dung bài hát này là tâm sự của một người con dâu đối với người mẹ chồng khắc nghiệt, chỉ mượn lời hát ru của người con dâu đó mới trút được những nỗi bất bình.
Hoặc: "Con chim chích chòe/ Nó đậu cành chanh/ Tao lấy mảnh sành/ Tao vành vào cổ/ Đem về làm cỗ/ Được ba mâm đầy/ Ông thầy ăn một/ Bà cốt ăn hai/ Còn thừa cái thủ cái tai/ Đem sang biếu chú/ Chú hỏi thịt gì?/- Thịt con chim chích/ Nó đậu cành chanh..." v.v....
Là tiếng nói vừa dí dỏm, hóm hỉnh vừa có tính chiến đấu cao của hát ru. Từ những lời hát kể trên ta thấy hát ru vùng đồng bằng Bắc bộ nổi lên một vài đặc điểm đáng lưu ý sau đây:
- Bao giờ bắt đầu câu hát có lời giáo đầu "À ơi! À ơi!" rồi mới đi vào nội dung bài hát. Khúc giữa câu 8 có tiếng đệm "a"... khi kết thúc cũng bằng tiếng đệm "À ơi! À ơi!"...
- Thể thơ cho hát ru chủ yếu là 6/8, có cả bài 7/7, 6/8. Lại có bài theo thể 5 chữ hoặc 4 chữ, đọc vần như vè. Vì vậy nó rất tự do không nhất thiết phải theo khuôn khổ nào, cốt sao chuyển tải được nội dung. Làn điệu và tiết tấu của bài hát cốt sao êm êm, du dương có sức làm dịu thần kinh đứa trẻ, để đứa bé vào giấc ngủ ngon lành. Vì vậy, bài hát ru không thể cầu kỳ phức tạp, dẫu là câu nhạc ngắn gọn hoặc dàn trải nhưng tầm âm hưởng không vượt ra ngoài quãng 8, tiết tấu khoan thai, êm ái hòa cùng tiếng võng đưa nhịp nhàng, kết hợp với nhịp điệu đều đặn của trái tim trẻ thơ.
- Làn điệu trong hát ru đồng bằng Bắc bộ khá phong phú. Người ta đưa nhiều làn điệu dân ca khác vào hát ru như sa mạc, bông bạc, cò lả, lẩy Kiều, các làn điệu Chèo như ngâm, sổng, tò vò v.v... Nhưng bản sắc riêng của hát ru vẫn không hề lẫn và mất đi.
Dưới đây là lời một số bài hát ru (lời cổ) ở vùng đồng bằng Bắc bộ mà ta thường nghe thấy trên địa bàn dân cư các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên... "Bống bồng mà nấu canh tôm/ Ăn vào mát ruột đến hôm lại bồng/ Bống bồng mà nấu canh khoai/ Ăn vào mát ruột đến mai lại bồng/ Bống bồng mẹ bế con sang/ Đò dọc quan cấm đò ngang không chèo/ Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"; "Em tôi buồn ngủ buồn nghê/ Buồn ăn cơm nếp cháo kê thịt gà/ Buồn ăn đậu phụ bánh đa/ Buồn ăn cơm nếp thịt gà cháo kê"; "Cái ngủ mày ngủ cho lâu/ Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về/ Bắt được con trắm con trê/ Thắt cổ lôi về bắc nước làm lông/ Miếng nạc dành để phần chồng/ Miếng xương phần mẹ, miếng lòng phần con"; "Con cò là con cò con/ Mẹ đi xúc tép để con ở nhà/ Mẹ đi một quãng đồng xa/ Chân mẹ la đà dẫm phải vũng lươn/ Ông kia có chiếc thuyền con/ Chèo vào bụi rậm xem lươn bắt cò"; "- À ơi... à ơi/ Ta sinh ra ở trên đời/ Có tai có mắt khác loài vô tri/ Lọt lòng xưa chửa biết gì/ Nay ta đã lớn phải suy cho rành/ Vì ai nên mới có mình/ Mẹ cha ơn đức, công trình xiết bao/ Ơn này sánh với trời cao/ Trong lòng con dám lúc nào nhãng quên/ Tập sao nên được con hiền/ Để cho cha mẹ khỏi phiền vì ta/ À ơi... à ơi!/ Một lòng phép tắc nết na/ Biết sợ, biết kính mới là người ngoan"; "Rủ nhau xuống bể mò cua/ Đem về nấu quả me chua trên rừng/ Em ơi chua ngọt đã từng/ Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau"v.v...
Do hát ru chủ yếu dựa vào các thể thơ lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn nên các bài ru con sau này người ta vận dụng thời cuộc để giáo dục con em và nhân dân, hát ru được nâng thành phương tiện đấu tranh cách mạng của nhân dân rất sâu sắc. Nhiều câu ca dao yêu nước căm thù địa chủ, ghét tây, yêu Đảng, yêu Bác Hồ và nhân dân được đưa vào hát ru khá phổ biến.
Ý nghĩa dân gian của hát ru khi này đã trở nên một sức mạnh giáo dục và tuyên truyền sắc bén, làm cho hát ru không chỉ dừng ở tác dụng ru con, ru em, ru cháu cho nó ngủ ngon, mà hát ru còn là hình thức tuyên truyền cổ động, giáo dục khác hấp dẫn. Đó là thời kỳ đầu của thế kỷ XX đến Cách mạng Tháng Tám - 1945 và suốt cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nhiều bài hát ru đã có sức mạnh tuyên truyền cho sản xuất, chiến đấu và xây dựng con người mới XHCN.
Tiếc rằng những năm gần đây lớp thanh niên không mấy ai hát ru và tiếng hát ru con trên cánh võng, vành nôi hầu như vắng dần và nhường chỗ cho các bản nhạc, băng đĩa xập xình kiểu mới.
Hy vọng một thời gian không xa, chúng ta sẽ tìm được cách dung hòa giữa cái cũ và cái mới để vốn quý cổ truyền không bị mất đi và nó sẽ tồn tại song song với cái mới đang phát triển, để giữa cũ và mới, luôn luôn có sức hấp dẫn, phục vụ cho yêu cầu thẩm mỹ của con người, phù hợp với con người hiện đại.