Ghi từ cuộc "Tọa đàm về tiểu thuyết":

Tiểu thuyết cần có một cuộc "tổng kiểm"

Thứ Sáu, 02/08/2019, 08:03
"Cần có một cuộc tổng kết, đánh giá nghiêm túc về tiểu thuyết Việt Nam sau 20 năm đầu của thế kỷ XXI" là ý kiến của nhà văn Bùi Việt Sỹ khi phát biểu  tại "Tọa đàm về tiểu thuyết" diễn ra trong khuôn khổ Trại Sáng tác văn học và lý luận phê bình do Hội Nhà văn tổ chức.


Ý kiến của nhà văn Bùi Việt Sỹ đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều nhà văn có mặt tại buổi tọa đàm về tiểu thuyết - thể loại vốn vẫn được coi là "đầu kéo" của một nền văn học hiện đại...

Chiều 26-7 tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam đã "bất ngờ" tổ chức một cuộc "Tọa đàm về tiểu thuyết". Nói "bất ngờ" bởi lẽ cả khách mời, diễn giả chỉ được thông báo trước đó 1 ngày. Đa số các nhà văn, nhà lý luận phê bình chưa có sự chuẩn bị, chủ yếu là phát biểu "vo".

Theo chia sẻ của nhà văn Sương Nguyệt Minh, cuộc tọa đàm cũng là ý tưởng bất chợt của anh trong khi trò chuyện với một số nhà văn khác tại trại sáng tác văn học. Trại Sáng tác văn học và lý luận phê bình do Hội Nhà văn tổ chức lần này có trên 10 nhà văn cùng 21 nhà lý luận phê bình tham dự.

Ý tưởng về buổi tọa đàm về tiểu thuyết đã nhanh chóng được hiện thực hóa và nhận được sự hưởng ứng của khá đông các nhà văn như Hữu Thỉnh, Lê Thành Nghị, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Bảo, Bùi Việt Sỹ, Y Ban, Vũ Xuân Tửu, Nguyễn Trí, Thùy Dương, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Trọng Tân, Nguyên An...; các nhà lý luận phê bình như Nguyễn Ngọc Thiện, Bùi Việt Thắng, Đỗ Ngọc Yên, Bích Thu...

Quang cảnh buổi tọa đàm về tiểu thuyết tại Trại sáng tác văn học và lý luận phê bình (Quảng Bá, Tây Hồ - 2019).

Khuôn khổ thời gian có hạn nên những chia sẻ của các nhà văn, nhà phê bình về tiểu thuyết cũng ít nhiều bị hạn chế. Song có một điều có thể thấy rõ, đó là, tinh thần lạc quan của những người viết tiểu thuyết là rất... đáng nể. Bởi lẽ, viết một cuốn tiểu thuyết vô cùng vất vả, khó nhọc, tiền nhuận bút thông thường khá "bèo" so với công sức bỏ ra, nhưng nhiều người vẫn coi viết lách là công việc của đam mê.

Với họ, việc viết trước hết là để "thỏa lòng mình", thỏa cái tôi "được viết" của chính mình. Đó là trường hợp của các nhà văn như Y Ban, Bùi Việt Sỹ, Nguyễn Trí... - những người luôn bị con chữ thôi thúc và đã cầm bút là luôn sống hết mình với văn chương.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến tỏ ra băn khoăn, buồn bã trước tình cảnh ảm đạm của văn chương nói chung, tiểu thuyết nói riêng: lo lắng về "tình trạng không tải" của tiểu thuyết mà nhà văn Ma Văn Kháng từng đề cập, tình trạng văn chương nhiều mảng tối với "mặt trái - nhà tù - chấn thương"... có thể gây nên sự mất phương hướng, thiếu niềm tin vào cuộc sống cho độc giả. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến lo ngại trước thực trạng "biến dạng" của phê bình văn chương, trước sự "lạnh nhạt", thiếu công tâm của giới phê bình đối với nhiều tác giả - tác phẩm trong nước.

Nhà văn Y Ban cho rằng, chúng ta đang "mất mùa" trên chính "sân nhà" bởi sự thiếu quan tâm, chăm sóc đến hiện tại cũng như tương lai của truyện ngắn - tiểu thuyết. Ý kiến của nhà văn Bùi Việt Sỹ về việc "Cần có một cuộc tổng kết, đánh giá, kiểm nghiệm thực sự nghiêm túc về tiểu thuyết Việt Nam sau 20 năm đầu của thế kỷ XXI" được nhiều cử tọa hưởng ứng. Có lẽ, sau 20 năm, nhất là khi sắp diễn ra cuộc tổng kết, trao giải cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 5 (dự kiến diễn ra vào đầu năm 2020) chính là cơ hội để hiện thực hóa điều này.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà:

Tôi nhớ trước đây, khi tiểu thuyết "Tường thành" của tôi đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó Hội có tổ chức một cuộc tọa đàm cho các chị em nữ, và cuốn tiểu thuyết "Tường thành" của tôi lại bị đem ra "đánh" một lần nữa khiến tôi bị tổn thương từ bấy đến giờ vẫn chưa hết.

Có những câu hỏi kiểu như "Tại sao một ông Phó phường lại có xe Camry để đi?". Trời đất ơi, năm 2004 tôi viết như vậy, mà đến nhà văn nữ của chúng ta vẫn đặt câu hỏi như vậy đấy. Tôi cho rằng, một số nhà văn nữ thế hệ đàn em của chúng tôi như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Di Li... là những người được truyền thông rất tốt, còn thế hệ như chúng tôi phải chịu rất nhiều thiệt thòi trước truyền thông hay trước các nhà phê bình.

Gần đây, tôi thấy rằng chính "văn chương lề trái" lại được quan tâm nhiều, còn những áng văn tích cực của những nhà văn chính thống đang góp phần làm nên diện mạo của nền văn học hôm nay lại bị xem nhẹ, thậm chí là bị bỏ rơi.

Thế nhưng, tôi mong tất cả những người viết văn nói chung và viết tiểu thuyết nói riêng hãy cứ viết và vững tin vào con đường mình đang đi. Có thể có những cuốn tiểu thuyết mà các anh chị chưa được đọc, chưa được in hoặc in ra rồi nhưng vẫn nằm lặng lẽ ở một góc nào đó, thì nó cũng đang góp phần làm nên nền tảng cho nền văn học này một cách vững chãi.

Chúng ta cứ viết và tin tưởng ở tiểu thuyết. Tôi cũng mong các nhà phê bình hãy tin tưởng và có cái nhìn công bằng hơn với người viết chúng tôi...

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng:

Từ năm 1998 đến nay, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức 5 cuộc thi tiểu thuyết, tôi có vinh dự được mời vào Ban giám khảo 3 cuộc, tôi có mấy suy nghĩ thế này: Gần đây, tình trạng "nhập siêu" văn học vào thị trường Việt Nam đang được cải thiện vì có những tiểu thuyết như "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh đã được "xuất" vào những thị trường khó tính nhất như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Trung Quốc, Úc, Canada...

Theo thông tin tôi mới nhận được đầu năm nay của nhà văn Nguyễn Đăng An, qua một kênh cá nhân, bản thảo cuốn tiểu thuyết "Đỉnh cao hoang vắng" của nhà văn Khuất Quang Thụy đã được chuyển sang dịch và chuẩn bị in ở Cộng hóa Séc - đất nước có sự công nhận cộng đồng người Việt Nam là một dân tộc thiểu số. Cùng với sự chuyển thể các tác phẩm của các nhà văn khác nữa như Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Bình Phương, Phong Điệp..., tôi thấy rằng tiểu thuyết của Việt Nam trong tương lai rất có tiềm năng. Tôi tin tôi là một người lạc quan có căn cứ.

Chúng ta đã có những thành tựu lớn về tiểu thuyết từ sau đổi mới như bộ ba tiểu thuyết "Bến không chồng", "Mảnh đất lắm người nhiều ma", "Nỗi buồn chiến tranh" và hiện nay, chưa bao giờ trong thế kỷ này xã hội Việt Nam bộc lộ hết những mâu thuẫn gay gắt, với 2 mặt sáng - tối, tốt - xấu... khốc liệt như thế.

Tôi nghĩ rằng, xã hội đang vận hành để vượt qua những khúc ngoặt đặc biệt, khốc liệt và đau đớn, nhưng đối với các nhà văn, đó sẽ là những năm tháng cho họ rất nhiều trải nghiệm để sáng tác, để lại dấu ấn trong tác phẩm của mình. Với tinh thần lạc quan, tôi cho rằng tiềm năng tiểu thuyết của Việt Nam rất lớn, chỉ có điều chúng ta hiện thực hóa nó như thế nào mà thôi...

Nhà văn Nguyễn Trọng Tân:

Nhiều năm gần đây, chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế rằng văn học nước ta đang trong thời kỳ ảm đạm, đặc biệt là tiểu thuyết. Song có thể nhận ra rằng nhu cầu sáng tác tiểu thuyết vẫn đang thôi thúc những người cầm bút và tiểu thuyết chưa bao giờ đứt đoạn trong tiến trình văn học đương đại.

Mấy chục năm qua, đất nước trải qua những khúc quanh lịch sử đầy bi tráng: từ chiến tranh sang hòa bình, rồi đổi mới, hội nhập toàn cầu. Vì thế, con người trong tiểu thuyết Việt Nam cũng thay đổi không ngừng. Trong thời kỳ hội nhập toàn cầu, một xã hội mở phát triển đến chóng mặt cùng với quyền năng của công nghệ thông tin, cuộc sống số, con người bộc lộ toàn bộ bản chất của nó với đầy đủ chiều kích, mâu thuẫn xã hội - gia đình - thế hệ...

Hiện thực ấy buộc các nhà tiểu thuyết phải nhìn nhận lại bản chất con người, số phận con người trong thực tại đa diện với đủ sắc thái: anh hùng, trí tuệ, bi kịch, tha hóa, lạc hậu, hám danh, hám lợi, dị biệt, phức tạp, thậm chí cả con người ảo trong cuộc sống thực và con người ảo trong cuộc sống ảo...

Trong dòng chảy xô bồ đa xu hướng đó, tiểu thuyết truyền thống mang trong nó hơi thở nóng hổi của đời sống hiện thực với những trăn trở đổi mới không ngừng. Trong sự khám phá ấy, xuất hiện không ít tiểu thuyết dùng chất liệu tự truyện kết hợp với hư cấu như một dạng tổng kiểm cuộc sống, một cuộc khai mở ký ức, nhìn lại một giai đoạn đặc biệt, kết hợp với hiện thực đất nước ngày hôm nay.

Có thể nói, người viết tiểu thuyết hôm nay đang sống trong một hiện thực vô cùng phong phú đa dạng, một không gian rộng mở, một sự kết nối với toàn cầu để thỏa sức sáng tạo...

Nguyệt Hà
.
.
.