Thêm một bài dịch ‘Hịch tướng sĩ’ ra thơ
"Hịch Tướng sĩ" của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là một trong những áng "thiên cổ hùng văn" của dân tộc ta. Việc nhà thơ Phạm Thiên Thư dịch ra thơ lục bát để dễ phổ biến, dễ nhớ là rất đáng hoan nghênh. Giá được đăng toàn văn thì rất hay.
Rất hoan nghênh ông Nguyễn Thịnh đã lưu ý xem ai là người đầu tiên dịch bài hùng văn ấy từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ. Tuy nhiên trong mấy văn bản có bài dịch ấy thì tôi thấy có hai tác phẩm không chính xác về thời gian:
"Văn học đời Trần" của Ngô Tất Tố năm 1942 đã ra mắt độc giả, chứ không phải năm 1960 mới được nhà xuất bản Đại Nam cho ra mắt ở Sài Gòn, sau khi tác giả đã từ trần 6 năm. Xin xem từ điển "Nhân vật lịch sử Việt Nam" của Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, in lần thứ tư - NXB Văn hóa, mục từ Ngô Tất Tố, trang 464.
"Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim thì ngay từ năm tôi 9-10 tuổi (khoảng 1939 - 1940), tôi đã thấy trong gia đình có sách đó rồi. Nếu coi lời tôi là "khẩu thiệt vô bằng" thì xin dẫn chứng như sau:
Trong cuốn "Chiến đấu trong vòng vây", in lần thứ ba - NXB Quân đội nhân dân (Hà Nội 2001, trang 77-78) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ghi: "Một hôm anh Vũ Kỳ, thư ký của Bác viết thư cho tôi, nói Bác cần có một cuốn lịch sử Việt Nam. Thật khó mà tìm được cuốn sách này khi mọi người đã rời thành phố với một chiếc balô trên vai. Sau đó, tôi được biết anh Kỳ đã tìm được một cuốn "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim". Tuy đoạn văn trên không nói cụ thể "một hôm" đó là hôm nào, nhưng đây là lúc mọi người vừa "rời thành phố" tức là đầu năm 1947. Tức là Việt Nam sử lược phải được xuất bản trước đó rồi.
Về bản chuyển "Hịch tướng sĩ" của Trần Hưng Đạo ra thơ mà tôi muốn giới thiệu với bạn đọc dưới đây, tôi không rõ có phải là đầu tiên hay không, nhưng sớm hơn các bản ông Nguyễn Thịnh nêu rất nhiều. Tôi có thể khẳng định đó là bản dịch bằng thể thơ song thất lục bát của cụ Cử nhân Phan Kế Bính (1871 - 1921) trong cuốn "Hưng Đạo Đại Vương truyện" xuất bản năm 1912 của cụ. Xin xem Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, sách đã dẫn, mục từ Phan Kế Bính, trang 787. Thuở nhỏ tôi rất thích bài thơ này, đọc đi đọc lại nhiều lần, thuộc lúc nào không biết, nay vẫn còn nhớ, xin chép lại một đôi đoạn, biếu Tòa soạn. Tất nhiên, trí nhớ của tôi có hạn, chắc chẳng khỏi có chỗ sai sót. Mong các vị thông cảm.
Hịch tướng sĩ
Kìa Kỷ Tín, Do Vu thuở trước,Liều mạng mình thoát được nạn vua.
Nuốt thanh / Dự Nhượng báo thù,
Chặt tay Thân Khoái đền bù quốc ân.
Đường Kính Đức đem thân cứu chúa,
Nhan Trường Sơn mắng quở nghịch thần.
Từ xưa nghĩa sĩ trung thần
Một lòng vì nước xá thân là gì
Nếu cứ giữ nữ nhi thường thái
Chỉ khu khu biết cái thân mình,
Ở đời một cõi phù sinh,
Còn đâu là tiếng hiển vinh đến rầy!
Thôi chẳng nói sự ngày tiền cổ,
Hãy xem qua việc rõ Tống, Nguyên.
Kìa như Nguyễn Lập, Vương Kiên,
Điếu ngư thành ấy quân quyền được bao,
Đương trăm vạn ào ào quân giặc,
Giữ cho dân may được hàm ân.
Ngột Lương một chức võ thần,
Tu tư tỳ tướng xuất thân đó mà,
Đường muôn dặm xông pha chiến dịch,
Trong vài tuần quét sạch Vân Nam,
Lập công tuyết cực đã cam,
Khiến cho quân trưởng tiếng thơm đến rầy
Nay sinh ra gặp thời nhiễu loạn,
Ta và ngươi đương đoạn gian truân,
Giữ sao cho sạch tấm thân
Phải nên dốc bụng trung quân mới là
Kìa thử ngắm sự nhà Mông Cổ,
Sứ vãng lai nhặng bộ xôn xao.
Cú diều uốn lưỡn thấp cao,
Bẻ bai triều bệ xiết bao nhục nhằn.
Tuồng dê chó cậy rằng đắc thế,
Chốn triều đường ngạo nghễ Vương công.
Cậy tay Tất Liệt anh hùng,
Bạc vàng biết mấy cho cùng dạ tham!
Lại ỷ thế Vân Nam hống hách,
Định sang ta vét sạch của ta.
Thịt đâu hoài thịt ném ra,
Ném cho hổ đói dễ mà khỏi lo!
Đương trăm sự dày vò xấu hổ,
Ngày không ăn đêm ngủ không an,
Vỗ mình thổn thức canh tàn,
Quặn đau khúc dạ, chảy giàn mạch châu
Ăn gan ấy mới hầu thỏa dạ,
Uống huyết kia mới hả giận này!
Ví dù gan nát, óc lầy.
Cho rằng da ngựa bọc thây cũng đành!