Tháng ba lễ hội chùa Thầy

Thứ Năm, 22/04/2021, 14:23
Tháng ba, khi những chùm hoa gạo thắp lửa đỏ thắm như những cặp môi ăn trầu cắn chỉ của những cô thôn nữ xứ Đoài. Tháng ba, khi những thân lúa óng ả đang thì con gái, mơn mởn chuẩn bị làm đòng, nghén thai cho một mùa vàng trĩu hạt cũng là những ngày tháng nông nhàn. Già trẻ, trai gái vùng Phủ Quốc lại nô nức rủ nhau đi chơi hội chùa Thầy.


Tháng ba.

Tháng ba của ca dao là tháng của lễ hội: "... Tháng ba hội hè..." thì ở vùng Phủ Quốc quê tôi có rất nhiều lễ hội. Một trong những lễ hội đặc sắc, mang đậm tín ngưỡng dân gian là lễ hội chùa Thầy được tổ chức vào ngày mùng bảy tháng ba âm lịch hàng năm.

Tháng ba, khi những chùm hoa gạo thắp lửa đỏ thắm như những cặp môi ăn trầu cắn chỉ của những cô thôn nữ xứ Đoài. Tháng ba, khi những thân lúa óng ả đang thì con gái, mơn mởn chuẩn bị làm đòng, nghén thai cho một mùa vàng trĩu hạt cũng là những ngày tháng nông nhàn. Già trẻ, trai gái vùng Phủ Quốc lại nô nức rủ nhau đi chơi hội chùa Thầy.

Khuôn viên tuyệt đẹp ở chùa Thầy.

Người già đến lễ chùa, cầu mong cho mưa thuận gió hoà, gia đình khang tấn, con cháu ăn nên làm ra, yên bề gia thất… Trẻ choai choai súng sinh trong bộ quần áo mới, trên đường về hội tha hồ ném và cướp nhau những bông hoa gạo rụng, cười tít mắt trước những màn múa rối nước trên hồ Long Trì rồi lận túi lấy năm xu, một hào mua một đoạn mía re, mía bầu làm gậy chống để leo lên mấy trăm bậc đá, lên tới chợ Trời và được thập thò nghé vào hang Thánh Hóa, nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh hiển thánh… 

Cho đến xế chiều thì đoạn gậy chống cũng đủ làm tan cơn khát, hết mỏi chân và đủ sức đi bộ về nhà. Còn trai gái đến hội là cái cớ để giao duyên. Gái mắt lá răm lúng liếng cùng những chiếc bao xanh phất phơ trong gió xuân rời rợi, đung đưa cùng áo mớ bảy mớ ba, ngực thanh tân vồng lên qua lần yếm đào, yếm trắng. Trai lực điền, vâm váp, cánh tay săn chắc cầm cày chìa vôi lật đất băng băng bỗng trở nên thơ thái và có phần nho nhã trong bộ áo the, khăn gõ trên đường về hội. Từng tốp, từng tốp trai làng đứng giăng hàng trên những bậc đá, hội đông đường hẹp nên người lại chen người. Nhiều đoạn lên núi người nêm người chật như nêm cối. 

Đây cũng là cơ hội để những chàng trai thể hiện lòng mã thượng và khí phách đàn ông, ngăn không cho đám đông làm bẹp chiếc nón Than (nón do người làng Ngọc Than làm ra) của người con gái. Cái nón bẹp kể thì cũng tiếc, nhưng tiếc là tiếc cho những tấm thân ngọc ngà, trinh trắng bị dồn ép, bị chà xiết… Cầm chặt tay nàng, kéo ra khỏi đám đông đang chen lấn và xô đẩy để nhận được một ánh mắt hàm ơn và cái sức trai vâm váp luôn phải gồng lên hộ tống cho nàng lên tới đền Thượng. Tóc mai của nàng bết trong mồ hôi giờ bỗng bay bay trong gió từ đồng Bương, Cấn thổi về.

“Nào em đưa anh dắt tay/ Lên cao mái tóc em bay gió đồng…”.

Ngọn gió xuyến xao đã làm cho dải lưng xanh, cho tà áo mớ ba mớ bảy tung bay. Ngọn gió xuyến xao như đánh thức những rung động đầu đời của những đôi trai gái khi đi chơi hội chùa Thầy.

Thủy đình ở chùa Thầy.

Không phải ngẫu nhiên mà người Phủ Quốc quê tôi vẫn lưu truyền câu ca dao:

“Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”.

Đi chơi hội mà không xuống hang Cắc Cớ thì xem như bằng chưa đến hội.

Sao người Phủ Quốc quê tôi lại quen gọi là hang Cắc Cớ (Thực ra là động Thần Quang?).

Để có thể vào hang, các cô thôn nữ đều phải nhận sự trợ giúp của những chàng trai. Cầm lấy tay nhau kéo lên, có những bước sang ngang, bên kia một chàng trai giang tay đón, bên này một chàng trai giữ tay, thậm chí bằng đôi tay mạnh mẽ, xiết lấy eo lưng thon mềm mà đưa chuyền sang phía bên kia. Đường xuống hang vừa tối vừa trơn, các cô thôn nữ luôn phải bám chặt vào những chàng trai… 

Thế mới biết người xưa vừa hiện sinh lại vừa hiện đại. Trong cái vòng cương tỏa của lễ giáo và tập tục, con người nói chung và nhất là những người con gái, con trai đang rừng rực lửa yêu đương, họ tìm đến những hội Dã La “Nhất vui là hội Phủ Dày / Vui thì vui vậy không tày Dã La”, cũng như mong vào hang Cắc Cớ dịp hội chùa Thầy, mong chờ mươi mười lăm phút tắt nến, tắt đèn, tắt đuốc để được nắm lấy tay nhau, được ghì lấy eo lưng, để được cảm nhận sự mềm ấm, ngất ngây từ một nửa thân xác của mình, để được tự giải phóng thân thể, tự vượt thoát ra khỏi những sơi dây trói buộc vô hình liệu có phải là cái “cớ” đi chơi hội của trai gái vùng Phủ Quốc thời xưa? 

Cũng dễ dàng lý giải về mặt phương ngữ: “Cắc”, “Khắc?”. Dù là Hán ngữ hay thuần Việt thì cũng thể hiện một thời gian rất ngắn. Dẫu chỉ là một thời gian ngắn ngủi để có cơ hội, để có cơ duyên gặp nhau, khơi gợi cảm xúc và có thể đến với nhau và nên vợ thành chồng hay chỉ là một lần cuối cùng thay cho lời vĩnh biệt bởi những tréo ngoe, ngang trái của cuộc đời?

Với một lần đi chơi hội chùa Thầy vào ngày mùng bảy tháng ba âm lịch hàng năm của những đôi trai gái, bao giờ cũng là những “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Đã cảm nhau rồi, lúc chia tay nhau dùng dằng, bịn rịn bởi nặng nghĩa, nặng tình. Người con gái quay mặt đi hướng khác, nâng dải bao xanh chấm vội hai giọt nước mắt mới trào ra, khiến cho đôi mắt vốn đã ướt đen lại càng thêm ướt.

Cầu Nhật Tiên ở chùa Thầy.

Đưa tiễn nhau về tới đầu làng, nơi có cây đa đã mấy trăm năm tuổi, buông rễ từ cả những cành cao chót vót như một bức mành thiên tạo và một ngôi miếu rêu phong, hoang vắng. Một cái mốc giới vô hình với những thử thách nghiệt ngã để cho cả đôi bên trai gái có đủ niềm tin và sự can đảm để vượt qua, đến với nhau theo đúng nghĩa phu thê trước những tập tục, với những quan niệm “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”. 

Những cây đa, cây gạo đầu làng mấy trăm năm tuổi chính là những chứng nhân, đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu sự thành bại trong hôn nhân của bao thế hệ gái trai người Phủ Quốc. Ngôi miếu rêu phong, hoang vắng vẫn là nơi mà những đôi trai gái hẹn hò. Đã có không ít những cặp đôi đến miếu hoang chỉ để nhìn thấy nhau gạt nước mắt, ngậm ngùi chia tay vì những tập tục gả bán, cưới hỏi, vì những mối thâm thù với những lời nguyền truyền kiếp. Có những cặp đôi đến miếu hoang sụp lạy trước thần linh, ngoảnh mặt về phía làng mình mà chắp tay, khấu đầu ba vái rồi cùng nhau bỏ làng đi biệt tích theo tiếng gọi của tình yêu…

Bao nhiêu năm thế thái nhân tình cùng những thăng trầm của lịch sử, nhưng lễ hội Chùa Thầy thì năm nào cũng mở mỗi dịp mùng bảy tháng ba âm. Năm nào người cũng chen người để lên hang Cắc Cớ. Liệu nó có còn giữ được nét đẹp nhân văn, được là cái “Cớ” cho những tình yêu lứa đôi mãi mãi thăng hoa.

Triệu Văn Đồi
.
.
.