Tản mạn văn chương

Thứ Năm, 05/06/2008, 16:00
Các văn nghệ sĩ đôi khi rất ảo tưởng: nhiều người cứ tưởng là tác phẩm của mình có tác động rất lớn đối với xã hội và nếu không có tác phẩm của mình thì đời sống văn nghệ, đời sống xã hội đã khác. Thực ra đâu phải thế.

Nghệ thuật là khoảng giữa mờ và tỏ

Khi còn dạy học ở trường Cán bộ Quản lý của Bộ Mỏ - Địa chất (nay nằm trong Bộ Công thương), tôi là bí thư đoàn thanh niên trường. Làm công tác đoàn và gắn liền với phong trào văn nghệ. Tôi không biết hát, nhưng biết nhận xét, góp ý những người hát. Có lẽ đây là khởi nguồn cho con người làm phê bình của tôi chăng?

Tôi nhớ, trong những người hát có một chị tên là Mai. Khi hát chị thường chú ý để hát thật rõ lời. Tôi góp ý là chị hát rõ lời quá.

Chị không hiểu, bảo lại: "Thế sao anh Đông (thư ký công đoàn) lại bảo tôi là phải hát rõ lời!". "Vâng đúng rồi, chị phải hát rõ lời, nhưng chỉ vừa rõ thôi, chứ không được rõ quá".

Rõ quá thì còn gì là nghệ thuật nữa, nó làm sao còn chứa được chất giọng, sự luyến láy, sự mượt mà duyên dáng của lời hát. Ngược lại, hát không rõ lời thì làm sao người nghe hiểu được ý nghĩa của câu hát. Nghệ thuật là khoảng giữa rõ và không rõ, giữa mờ và tỏ, giữa thực và hư.

Người nghệ sĩ múa là không phải đi và cũng không phải là chạy. Những âm thanh trong bản nhạc cũng không phải là những âm thanh như ở ngoài đời, nhưng người nghe vẫn nhận ra là mưa, gió, sấm chớp... Tranh vẽ cũng không phải giống hoàn toàn như thực, kể cả vẽ chân dung.

Khi còn rất trẻ, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết cho cháu nhỏ:

"Nước cháu gọi là núc
Quả dừa thành quả dù
Lời cháu bi bô nói
Thực thực lại hư hư...

Và vô tình cháu đã
Dạy chú cách làm thơ".

Nhà thơ lớn N.Nê-van (Cộng hòa Séc) cũng viết: "Nắng vờn mèo hay mèo vờn ánh nắng/ Ai vờn ai kể cũng khó phân minh/ Nhưng hư ảo diệu kỳ kia vụt biến/ Thì thơ ơi, còn chi lại, hỡi em?".

Vâng, cái phút "thực thực, hư hư", "hư ảo diệu kỳ" ấy chính là nghệ thuật. Nghệ thuật là cái vừa tới. Non một tý thì dở, già một tý thì hỏng. Thế mới là tài năng, ít người làm được. Nếu không thì tất cả mọi người đều có thể là nghệ sĩ.

Vì vậy, nền thơ chống Mỹ cứu nước, để phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị đã phải chạy theo cuộc sống, đưa vào thơ nhiều chất liệu hiện thực, đành hy sinh mất một phần tiêu chí nghệ thuật, chứ không phải các nhà thơ thời ấy không hiểu điều này, và cũng không thiếu tài năng.

Bởi vì "Cao hơn trang thơ, hơn cả cuộc đời - Là Tổ quốc đang một còn một mất" như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết. Hiểu cái còn non của một số bài thơ giai đoạn 1965-1975 là phải hiểu như thế.

Ngược lại, sau 1975, lại có một số tác giả làm "phu chữ" một cách thái quá. Viết quá cô đúc đến mức khó hiểu, phải suy luận cũng không hiểu được. Như thế là quá già. "Hơi non" và "quá già" đều ở ngoài vòng của nghệ thuật.

Giá trị của văn chương

Văn chương có sức mạnh gì, hay nó cũng yếu đuối như các văn nghệ sĩ “Chân cò tay nhện, dài lưng tốn vải?”. Nhà thơ Sóng Hồng viết: Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ - Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền  (Là thi sĩ). Nhưng nhà văn Mác-két (Côlômbia) thì nói: “Trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ văn chương lật đổ được một chế độ”. Mỗi ông đều có lý của riêng mình.

Văn chương tự nó không có sức mạnh gì ghê gớm. Văn học dân gian mấy nghìn năm của dân tộc: Ca dao nhiều tiếng nói than thân, cổ tích chỉ có ước mơ tới công bằng hạnh phúc, truyện cười cũng chỉ là vũ khí tinh thần của kẻ yếu chứ không phải là vũ khí của kẻ mạnh như giáo trình văn học và sách giáo khoa viết trong nhiều năm trước đây.

Đến như kiệt tác “Chinh phụ ngâm” thì cũng có ngăn nổi cuộc chiến tranh nào, hay đại kiệt tác “Truyện Kiều” cũng không làm được chế độ thối nát nào sụp đổ.

Gần đây thời kỳ đầu đổi mới văn chương chống tiêu cực rộ lên cứ tưởng phen này xã hội chỉ còn sạch sẽ thơm tho; nào ngờ căn bệnh này cứ phớt lờ các nhà văn, thậm chí nó còn cười ruồi nữa bằng cách liên tục phát triển đến mức nó còn dụ dỗ được một bộ phận của đời sống văn chương đi theo nó. Điều này rõ ràng đến mức không cần phải chứng minh.

Quả thật trong lịch sử văn học cũng đôi khi có tác phẩm văn chương phát huy được sức mạnh như “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Quân trung từ mệnh”, rồi thơ văn hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Trên thế giới thì thơ của Maiacốpxki, những tuỳ bút của I.Erenbua trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc của Liên Xô... Tức là những thời kỳ này một lực lượng xã hội biết sử dụng văn chương như một thứ vũ khí.

Các văn nghệ sĩ đôi khi rất ảo tưởng: nhiều người cứ tưởng là tác phẩm của mình có tác động rất lớn đối với xã hội và nếu không có tác phẩm của mình thì đời sống văn nghệ, đời sống xã hội đã khác. Thực ra đâu phải thế.

Trong lịch sử văn nghệ, những tác phẩm có tác động lớn đến đời sống xã hội chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn phần lớn là nó chỉ tác động một phần đến sự phát triển của xã hội. Bởi vì nó chỉ là một lĩnh vực trong hàng trăm lĩnh vực của cuộc sống. Thậm chí, không có văn học nghệ thuật thì đời sống tinh thần của con người có nghèo đi, nhưng xã hội vẫn tồn tại, bằng chứng là có rất nhiều người trong rất nhiều thời gian họ không có liên quan gì đến văn học nghệ thuật mà họ vẫn sống khá bình thường.

Văn học nghệ thuật có giá trị khác ngoài giá trị là vũ khí. Đó là giá trị nghệ thuật của nó, đem lại cái đẹp cho con người. Cái giá trị lặng lẽ này mới là giá trị chủ yếu nhất của văn nghệ. Còn giá trị nhận thức của văn nghệ cũng đứng ở hàng sau. Giá trị thẩm mỹ là giá trị muôn đời của văn học nghệ thuật. Còn những giá trị khác chỉ là nhất thời trong từng hoàn cảnh mà thôi.

Trò chuyện với nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Nicola Ghiden (Cuba) đã nói rất chí lý: “Nhiệm vụ trước hết của nhà thơ là không được làm thơ dở”.

Thế mà hiện nay, nước ta có rất nhiều người làm thơ viết văn dở nhưng cứ nhận mình là nhà thơ, nhà văn. Biết đâu không có thơ văn của họ mọi người và xã hội lại sống tốt hơn. Tiếc thay chỉ các nhà văn đích thực mới biết được điều này.

Và nhiều khi quá ý thức về điều này nên họ rất dè dặt ít viết và ít công bố tác phẩm của mình. Sự im lặng của họ là sự ý thức cao trước xã hội. Họ thực sự thanh cao như những người quân tử xưa đi ở ẩn.

Chúng ta đừng trách một số người coi văn chương là chuyện tầm phào của những kẻ gàn dở ? Bởi vì những người này thấy quá nhiều những văn chương và nhà văn như thế. Xã hội làm gì có nhiều các nhà văn và các tác phẩm văn chương đích thực mà họ đã gặp được, và tiếc thay, giá trị này đôi khi lại bị lộn tùng phèo. Đó là khi những nhà văn dởm, những tác phẩm dở được đề cao

Đinh Quang Tốn
.
.
.