Sử dụng ngôn ngữ truyền thống đại chúng vẫn sai nhiều

Thứ Bảy, 26/11/2016, 08:04
Ngày 5 -11 vừa qua một cuộc hội thảo lớn cấp quốc gia được tổ chức nhằm giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt. Ngay sau đó nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin, bài, trao đổi, phỏng vấn các nhà chuyên môn về việc sử dụng tiếng Việt trong công tác báo chí. Chứng tỏ vấn đề này đã quá bức xúc không thể chậm trễ hơn... 


Trước đó Văn nghệ Công an đã có bài: “Thảm họa tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng” của tác giả Đinh Đức Cần. Bài báo đã dấy lên dư luận đồng tình với ý kiến của tác giả, tạo nên hiệu ứng xã hội với hàng ngàn comment (bình luận) trên báo chí, facebook, blog cá nhân.  Thế nhưng, qua theo dõi hơn một năm, xem ra các lỗi sai, lệch chuẩn, các lỗi vô lý trong sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng (nhiều nhất là truyền hình) vẫn còn rất nhiều.

Thực trạng đáng báo động

Có thể nói, thực trạng sử dụng sai, lệch chuẩn tiếng Việt hiện nay đang góp phần hủy hoại tiếng Việt. Trước nguy cơ đó, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Viện Ngôn ngữ học và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo lớn với tiêu đề: “Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng”.

Với 244 tham luận và gần trăm ý kiến  đóng góp, kiến nghị, nêu tâm tư nguyện vọng… chứng tỏ hội thảo có sức thu hút mạnh với nhiều thành phần xã hội, với đông đảo công chúng đọc, nghe, nhìn hằng ngày đang phải ăn món ăn tinh thần bị nhiều sạn do lỗi sử dụng tiếng Việt. 

Lỗi phổ biến trước hết là dùng từ Hán – Việt. Bởi tiếng việt có tới 50% đến 70% loại từ này, nên hiểu được nghĩa của từ Hán - Việt là không hề đơn giản. Ví dụ từ “khiêm tốn” từ trước đến nay các thế hệ học sinh chúng ta thường hiểu dùng để chỉ phẩm chất con người. Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng ai mà không nhớ: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Thế mà hiện nay từ đó bị lạm dụng quá mức và làm sai lệch ý nghĩa. Nào là kết quả khiêm tốn, thành tích khiêm tốn, thực hiện khiêm tốn, hiệu quả khiêm tốn, chiều cao khiêm tốn.v.v... trong khi có thể dùng từ chính xác, chuẩn hơn là còn ít, còn nhỏ, chưa xứng…

Trong chương trình “Rồng vàng” của Đài Phát thanh Truyền hình một nghệ sỹ có tên tuổi còn tự tin giải thích với công chúng từ “đồng môn” nghĩa là cùng học một môn (toán, lý, hóa...) trong khi từ đó đúng ra là cùng trường. Môn trong hán ngữ là cái cửa (cửa trường đại học rộng mở đón sinh viên).

Lỗi hiểu sai, hiểu chưa thấu đáo từ Hán – Việt có mà nhặt “đến Tết" cũng không hết. Việc sử dụng từ chỉ lĩnh vực này lẫn lộn sang lĩnh vực kia xảy ra không hiếm. Từ chỉ thời tiết: băng giá, đóng băng, đài lại dùng chỉ quan hệ tình cảm, sức khỏe nền kinh tế thay vì là tình trạng.

Ngoài ra còn cái thói khoa trương, ngoa ngữ, lộng ngôn. Khi nói cái gì cứ phóng đại lên, nào cực kỳ, tuyệt vời, trên cả tuyệt vời… mà không cần biết khán giả có đồng tình với ý kiến cá nhân của mình không? Nói như nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, không biết những người làm truyền thông bây giờ còn biết sử dụng tiếng Việt nữa hay không? Liệu có thể gọi tình trạng dùng sai tiếng Việt trong nhiều hoàn cảnh, ngữ cảnh là “Quốc nạn”?

Lỗi hay mắc nữa là dùng ngôn ngữ Âu, Mỹ như sự thách đố với đa số người dân không biết ngoại ngữ - trong khi ngôn ngữ truyền thông phải đảm bảo tính đại chúng. Tại sao không dùng từ “nhà cao tầng” thay cho “building", biệt thự thay cho villa; bê bối, tai tiếng, gây xôn xao dư luận thay cho scandal vẫn đúng nghĩa mà dễ hiểu?

Hay lạm dụng từ Festival mà không hiểu nghĩa của nó là dùng chỉ những lễ hội có tính quốc tế. Thế là một sự kiện nào đó chỉ khoanh trong vùng, tỉnh cá biệt đều được gắn mũ Festival: lúa gạo, trái cây, thủy sản, ẩm thực…

Xem ra gọi Festival Huế còn có lý, vì có một số nước tham gia và thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách quốc tế? Còn lại từ Festival được sử dụng vô tội vạ cho bất kỳ sự kiện văn hóa xã hội nào trong nước cũng trở thành đao to búa lớn, không đúng với tính chất sự kiện diễn ra.

Quy luật tất yếu của ngôn ngữ là tiếp nhận, chuyển hóa và phát triển các yếu tố ngoại lai trên lộ trình bổ sung, làm phong phú, làm giầu ngôn ngữ một dân tộc. Vấn đề là sử dụng ra sao và ở mức độ nào cho phù hợp, không phải lười tìm trong vốn từ vựng có thể thay thế của ta rồi cứ ấn phứa từ ngoại lai vào cho nhanh.

Một loại lỗi rất hay mắc là câu què, câu cụt, thiếu thành phần, câu cộc lốc, đặt sai thành phần câu; biến tất cả các động từ, tính từ, trạng ngữ, bổ ngữ, tân ngữ thành danh từ với việc thêm vào từ CÁI: cái xanh mượt, cái đi đứng, cái nhanh nhẹn, cái nắng chói chang, cái bãi biển…

Thậm chí chương trình truyền hình phát sáng 12 – 11 mới đây một ông được ghi trên màn hình là Chuyên gia truyền thông trong một câu nói tới mấy lần dùng từ CÁI. Đến “chuyên gia” còn thế trách gì phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên dùng từ sai?

Các cụm từ:  "À, à vâng, à thưa, ờ..." luôn là từ mở đầu câu nói đầu tiên trên miệng các biên tập viên, MC nhà đài truyền hình. Những hư từ và những từ không cần thiết chen vào, đặt sai chỗ làm cho câu ruờm rà, dài dòng nghe không chịu nổi: rằng, thì, là, mà, với cả…mưa diễn ra ở các tỉnh và với cả Hà Nội (chả lẽ mưa nửa Hà Nội?).

Minh họa vui - nguồn internet.

Trong một chương trình "Cà phê sáng" BTV kiêm MC của Đài Truyền hình còn nói: “cưới cả một người chồng Tây Nguyên (chả lẽ chỉ cưới một bộ phận của người chồng?). Ngoài ra, tình trạng các phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, người đưa tin, dẫn chương trình cứ cảm ơn nhau rối rít trên sóng truyền hình mỗi khi xong một chuyên mục nào đó. Tưởng thế là sáng tạo, lịch sự? nhưng thật ra nghe rất phản cảm “chẳng giống ai”?

Xem chương trình truyền hình các nước đâu có thấy họ cảm ơn  spasibơ - đài Nga,  hay  thanh kiu (thank you) các đài phát tiếng Anh? Việc đưa tin, dẫn chương trình và các hoạt động của nhân viên nhà đài phải làm cho tròn trách nhiệm. Tại sao BTV, hay MC cứ phải cảm ơn nhau trong khi từ đó thường dùng cho khách mời, hoặc sự kiện nào đó có nhân vật nào đó tham gia hoặc nói về điều gì đó quá hay, quá mới…

Cần sử dụng chuẩn mực tiếng Việt

Xin nhớ rằng, ngôn từ trên các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng không đơn thuần là để chuyển tải thông tin, mà là bộ phận quan trọng của nền văn hóa một quốc gia dân tộc. Nó còn có nghĩa vụ tiếp thu, sáng tạo từ các ngôn ngữ khác thích ứng với lộ trình phát triển làm cho và kích thích, khích lệ các chủ thể văn hóa khác cùng sáng tạo để sắc thái văn hóa dân tộc thêm đa mầu, đa sắc.

Tuy nhiên không thể chấp nhận việc bê nguyên xi ngôn ngữ ngoại lai hay các từ ngữ thô ráp, xù xì, nôm na, tếu táo…của ngôn ngữ đời sống vào quá dễ dãi, cẩu thả. Ngôn ngữ truyền thông có tính phổ cập rất rộng và là con đường ngắn nhất đến với mọi người, mọi nhà thường xuyên và được cộng đồng sử dụng hằng ngày.

Vì vậy cần phải chuẩn mực: Trước hết là phải viết, nói đúng, không lệch nghĩa lẫn lộn các thành phần câu trong cú pháp sau đó mới nói đến sáng tạo dùng từ hay, đẹp – đó chính là sự giữ gìn phát triển làm cho tiếng Việt ngày càng trong sáng giàu bản sắc dân tộc.

Nguyên nhân sâu xa của những sai lệch là từ gia đình, nhà trường không quan tâm uốn nắn, rèn rũa từ nhỏ đến các cấp học phổ thông cho tới các trường cao đẳng, đại học. Muốn sử dụng ngôn ngữ Việt cho chuẩn mực trước hết cần có vốn từ vựng phong phú, nắm vững các thành phần câu và cú pháp.

Với người nói cần biết thêm về ngữ âm, biết ngắt, dừng đúng chỗ (như có dấu chấm, dấu phẩy vô hình trong câu nói), biết cần lên giọng, hạ giọng, nhấn mạnh khi nào… tùy theo sự diễn biến của chương trình, sự kiện. Đặc biệt cần tránh sự thêm bớt, bình luận vô duyên rỗng tuếch, hay hét to lên “xin một tràng vỗ tay thật lớn” rất phản cảm – trong khi khán giả chẳng thấy lý do gì hay ho xứng đáng để vỗ tay cổ vũ?

Chưa hy vọng ngày gần nước ta có Luật về ngôn ngữ như phần lớn các quốc gia trên thế giới. Song cuộc hội thảo và các cơ quan báo chí truyền thông đang sôi nổi bàn về giữ gìn trong sáng tiếng Việt là điều quá đáng mừng. Cần mở thêm các hội thảo chuyên sâu, hẹp hơn, các diễn đàn ở các quy mô khác nhau, sinh hoạt nghiệp vụ thường xuyên trong các cơ quan truyền thông để sớm sửa các sai sót về việc sử dụng tiếng Việt.

Lưu Chí Thiện
.
.
.