Sách phổ biến khoa học cho giới trẻ: Vừa thiếu vừa yếu
- GS Trịnh Xuân Thuận được trao giải thưởng Cino del Duca
- GS Trịnh Xuân Thuận: VN chưa thực sự có ngành thiên văn học
1. Không thể phủ nhận thực trạng sách khoa học cho giới trẻ ở Việt Nam vừa thiếu vừa yếu. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới trẻ em Việt Nam không có thói quen đọc sách khoa học, mà đa số yêu thích đọc truyện tranh. Dần dần, khi đã không có thói quen đọc sách kiến thức thì thấy sách bắt đầu ngại, dẫn tới không tạo được phương pháp đọc hiệu quả.
Tuy vậy, có mặt tại một số buổi giao lưu, gặp gỡ GS Trịnh Xuân Thuận mới diễn ra gần đây, chứng kiến rất nhiều bạn trẻ quan tâm, đặt nhiều câu hỏi với GS thiên văn nổi tiếng về những vấn đề của hố đen, của vũ trụ, của Big Bang… mới thấy vẫn còn rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến mảng sách khoa học. Chỉ có điều, ai là tác giả của những cuốn sách đó và những cuốn sách đó có thực sự hấp dẫn hay không?
Theo GS Trịnh Xuân Thuận, vấn đề quan trọng hiện nay là phải có cách để cho quần chúng yêu thích khoa học. Ông cho rằng, đây là điều hết sức thiết thực, không phải để tìm kiếm thêm những nhà khoa học trong số đó, bởi không phải ai cũng muốn trở thành nhà khoa học. Nhưng "nếu quần chúng yêu thích khoa học, họ sẽ hưởng ứng những đầu tư vào khoa học. Và những nhà chính trị đến lúc nào đó sẽ hiểu rằng công chúng muốn đầu tư vào khoa học như thế nào", GS Trịnh Xuân Thuận chia sẻ.
Kể về con đường đưa ông đến với khoa học vũ trụ và nghiên cứu bí ẩn bầu trời, GS Trịnh Xuân Thuận cho biết, hồi nhỏ ông rất thích đọc sách của 2 nhà bác học nổi tiếng trên thế giới là Albert Einstein và Isaac Newton. Còn về con đường nghiên cứu của mình, GS Trịnh Xuân Thuận cho rằng có 3 điểm mà các bạn trẻ cần lưu tâm. Đó là ham học hỏi; có ý chí - nhất là khi còn trẻ; và chút may mắn.
Sự may mắn, theo GS Trịnh Xuân Thuận, là "được trời Phật phù hộ, gặp được các thầy, cô giáo giỏi". Bên cạnh đó, ông cũng tiết lộ, để có thể bền bỉ ngồi viết sách đến tận ngày nay, khi tuổi không còn trẻ, bởi ngay từ những cuốn sách đầu tiên ông đã "gặp may".
Khi ông vừa viết xong cuốn "Giai điệu bí ẩn", đã được một Đài truyền hình uy tín ở Pháp mời đến phỏng vấn, và giới thiệu sách trên chương trình chuyên về sách. Những may mắn nho nhỏ như vậy, khiến cho những cuốn sách của ông nhanh chóng được nhiều người biết, trở thành best-seller, được dịch ở nhiều nơi trên thế giới.
GS Trịnh Xuân Thuận trong cuộc giao lưu với độc giả Hà Nội, tháng 7-2016. |
2.Tính đến nay, đã có gần 20 đầu sách của GS Trịnh Xuân Thuận được dịch và xuất bản tại Việt Nam: "Nguồn gốc, nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu"; "Những con đường của ánh sáng" (2 tập); "Hỗn độn và hài hòa"; "Cái vô hạn trong lòng bàn tay"; "Khát vọng tới cái vô hạn"; "Giai điệu bí ẩn, và con người đã tạo ra vũ trụ"; "Số phận của vũ trụ" (Big Bang và sau đó)...
Tuy nhiên, sách phổ biến khoa học cho độc giả thì cần đa dạng, phong phú hơn. Bởi độc giả cần được trang bị kiến thức ở các lĩnh vực. Một số chuyên gia xuất bản cho rằng, hiện nay mảng sách phổ biến kiến thức cho thiếu nhi rất mỏng. Số tác giả gửi bản thảo văn học đến NXB vẫn chiếm lượng lớn, trong khi họa hoằn mới có tác giả gửi bản thảo sách kiến thức, khoa học cho các em. Trong khi đó, thị trường vẫn bán rất tốt mảng sách này. Nhất là dịp hè, khi học sinh được nghỉ học, nhiều phụ huynh tìm mua sách trang bị kiến thức, kỹ năng cho con. Tuy nhiên, sách mua bản quyền nước ngoài hiện nay lại đang áp đảo, vừa phong phú, đa dạng, hình ảnh vừa sinh động, bắt mắt.
Việc quá ít tác giả, nhà khoa học viết sách cho thiếu nhi Việt Nam là một thực tế. Biết là có những cái khó nhất định, nhưng không lẽ chúng ta bỏ trống? Trước đây, có thể do nguồn tài liệu hạn chế, tranh ảnh minh họa khó khăn, nhiều tác giả còn ngại ngần. Chứ bây giờ, ngay cả việc in ấn, Việt Nam cũng đã nhập những thiết bị hiện đại nhất của thế giới. Đội ngũ họa sĩ cũng đã được đào tạo bài bản, nhiều người cũng tâm huyết với sách thiếu nhi. Như vậy, rõ ràng cần có thêm những nhóm, những liên kết, để việc làm sách khoa học cho trẻ em trở thành công việc thường xuyên, nhịp nhàng, thành "mảng miếng" hấp dẫn.
Khảo sát trên thị trường sách hiện nay, có thể nhận ra những cuốn sách phổ biến khoa học "made in Vietnam" rất ít. Bước vào các cửa hàng sách của NXB Kim Đồng hỏi, thì được các nhân viên bán sách ở đây "tư vấn" có bộ sách của nhóm tác giả gồm các kỹ sư - nhà báo Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Quốc Tín như: "Từ kinh đô đến Thủ đô", "Những con vật bầu bạn tuổi thơ", "Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa- Trường Sa", "Thiên nhiên đất nước ta".
Còn khi đến cửa hàng giới thiệu sách của NXB Trẻ tại 161B Lý Chính Thắng (quận 3, TP Hồ Chí Minh) thì gặp tủ sách Khoa học và khám phá của nhóm dịch giả Phạm Văn Thiều, GS.TSKH Nguyễn Văn Liễn, TS Vũ Công Lập.
Theo tìm hiểu, sau hơn 10 năm, đến nay nhóm các tác giả này cũng mới chỉ cho ra được gần 30 đầu sách, như: "Cuộc chiến lỗ đen", "Định lý cuối cùng của Ferma", "Mật mã", "Bảy nàng con gái của Eva", "Bản thiết kế vĩ đại"... Mỗi năm ra vài ba cuốn, không nhiều, nhưng cũng rất đang ghi nhận nỗ lực và sự miệt mài thắp lửa tri thức cho độc giả đương đại.
3. Đã qua rồi cái thời cầm những cuốn sách cũ in trên giấy đen xỉn vẫn say sưa đọc. Thế hệ độc giả ngày nay được tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn. Sách bây giờ, muốn hấp dẫn được các em thì phải được viết khác, được làm khác với lối mòn. Có như vậy mới đi vào lòng các em, khiến các em không ngại ngần cầm những cuốn sách dày nên đọc.
Trò chuyện với ông Nguyễn Huy Thắng - đại diện nhóm làm sách khoa học gần đây có nhiều đầu sách được tái bản, ông thừa nhận đây là lĩnh vực gian nan. "So với mảng sách văn học cho giới trẻ thì rất đa dạng, rất nhiều người viết. Tuy nhiên, với sách phổ biến kiến thức - khoa học thì lại rất thiếu. Trong khi đó, nhu cầu của xã hội thì có", ông Thắng nói.
Kể thêm về những khó khăn gặp phải, ông Thắng chia sẻ: "Khi bắt tay thực hiện mỗi đề tài, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Tư liệu thì không đáng ngại lắm, vì bây giờ sách tra cứu nhiều, dữ liệu trên Internet cũng phong phú. Nhưng chọn cái gì để viết trước, cái gì đưa sau. Rồi chọn cách viết như thế nào cho vừa hấp dẫn, vừa đầy đủ dữ liệu mà lại không quá dài, luôn là thách thức đối với nhóm chúng tôi".
Ông Thắng cũng chia sẻ, với một đề tài, không thể viết hết được trong một cuốn sách dày vài ba trăm trang. Phải viết làm sao để các em học sinh đọc xong còn muốn tiếp tục tra cứu, tìm hiểu từ các nguồn khác. "Chính vì thế, có bản thảo chúng tôi hoàn thành xong là 80.000 chữ, nhưng khi ngồi lại trao đổi, bàn bạc thì thấy như thế quá dài. Chúng tôi phải soạn lại, rút xuống còn 40.000 chữ. Mục đích là cuốn sách chỉ chừng trên dưới 200 trang, in kèm nhiều tranh minh họa", ông Nguyễn Huy Thắng tiết lộ.
Còn nhà báo Nguyễn Như Mai cho biết: "Dù khó khăn nhiều, thách thức lắm nhưng chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua. Làm sách phổ biến khoa học cho giới trẻ, chúng tôi không chỉ đọc những tài liệu sách vở, tham khảo trên mạng, mà còn đi thực tế nhiều nơi". Nhà báo Nguyễn Quốc Tín khẳng định: "Khi viết sách phổ biến khoa học chúng tôi cố gắng chọn từ ngữ và cách diễn đạt giàu hình ảnh, có chất thơ, qua đó bạn đọc thấy kiến thức rất gần gũi, thú vị và tiềm ẩn nhiều câu chuyện có thể khám phá, làm phong phú hơn các kiến thức cho mình".
Có thể ví, những người viết sách phổ biến khoa học như những con ong cần mẫn, như những người lặng lẽ gieo những hạt mầm. Tuy nhiên, qua khảo sát thì mảng sách này có quá ít tác giả, nhóm tác giả tham gia, say mê "gieo hạt". Chính vì thế, thị trường hiện vẫn tràn ngập những cuốn sách được nhập khẩu, mua bản quyền của nước ngoài. Những cuốn sách mỏng có, nhưng rất nhiều cuốn thuộc dòng "bách khoa tri thức" dày cả 400-500 trang, được in ấn công phu, hình ảnh vô cùng sinh động, bắt mắt. Nếu các nhà khoa học, các tác giả sách ở Việt Nam vẫn cứ không "vào sân", không "nhảy vào cuộc" thì trong tương lai gần, mảng sách này sẽ bị sách ngoại chiếm lĩnh.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, người Việt viết cho người Việt là tốt nhất, bởi sự hiểu tâm lý, văn hóa, lối sống… Và các bậc phụ huynh cũng sẵn sàng mua những cuốn sách do các nhà khoa học Việt Nam thực hiện. Nhưng nếu thiếu sự mặn mà nhập cuộc, thì mảng sách vô cùng quan trọng nhằm trang bị kiến thức, tri thức cho thế hệ trẻ sẽ bị bỏ trống, để lại nhiều lỗ hổng kiến thức khó lấp đầy.