Những dấu chân huyền thoại...

Thứ Năm, 17/09/2020, 14:52
Đang ở thân phận bốn chân, loài người đứng dậy đi bằng hai chân. Đó là một bước văn minh nhảy vọt. Từ đó “chân” đi vào ký ức nhân loại như là một trong những khái niệm thiêng liêng nhất. “Chân” là sức mạnh vô biên mà đến nay ý nghĩa vẫn hiện ra trong kho từ vựng, như “bước chân vạn dặm”, “đôi hài vạn dặm”, “bước dài như gió”...


Thần thoại Hy Lạp – La Mã kể dũng sỹ Asin mình đồng da sắt, gươm chém vào gươm mẻ, tên bắn vào tên gẫy. Asin trở thành bất tử. Chàng đánh đâu thắng đấy. Dù đội quân chàng có yếu đến đâu, bị thua liểng xiểng nhưng có chàng ra trận thì quân đối phương tự nhiên tan rã. 

Nhưng rồi kẻ thù cũng tìm ra điểm yếu chí tử ở chàng. Lần ấy tướng giặc đánh nhau rồi giả vờ thua, bay lên trời chạy trốn. Asin hăm hở đuổi theo. Chàng bay lên không trung... Ở dưới đất, những mũi tên độc của đối phương cũng bay lên nhằm vào gót chân chàng... Chàng Asin dũng mãnh tử trận trong đâu đớn, quằn quại... 

Tại chàng chủ quan đã đành, cũng còn là tại những bà mụ ngày trước, khi chàng sinh ra đã cầm lấy hai cổ chân chàng nhúng xuống dòng sông thiêng. Ai được tắm ở dòng sông này sẽ có sức mạnh vô địch, thân thể sẽ cứng như kim loại và sẽ bất tử. Nhưng các bà mụ quên nhúng đôi gót chân người anh hùng tương lai...

Từ đó nhân loại có cụm từ “gót chân Asin” để chỉ điểm yếu chết người của bất kỳ ai!
Bức điêu khắc Buddhapada (dấu chân của Đức Phật).

Nhưng với người Việt ta thì khái niệm “chân” từ nghĩa ban đầu là chỉ bộ phận cơ thể tiếp xúc với đất có tác dụng đưa cơ thể di chuyển, hoạt động, thành nghĩa chỉ cả con người. Đến nay người ta vẫn nói: “Anh ta có chân trong Hội đồng quản trị đấy!”. Mấy tay say chơi tổ tôm, còn thiếu người bèn mời chào: “Làm một chân đi...”. Một cô gái kênh kiệu quát chàng trai si tình: “Sao cứ theo gót người ta mãi thế!”...Thì ra tiếng Việt mình “bão táp” thật!

Trong từ vựng tiếng Việt hình tượng “chân” còn là để nói thay cho người. Chúc lên đường may mắn, mạnh khỏe, vượt mọi trở ngại thì dùng “Chân cứng đá mềm”, “Chân đồng vai sắt”. Để chỉ hình ảnh hoành tráng, vĩ đại, thì “Đầu đội trời, chân đạp đất”. Để chỉ hoàn cảnh vất vả: “Chân lấm tay bùn”; hoàn cảnh son rỗi thì “Chân không mình rồi”...

Trong câu văn hiện đại người ta vẫn lấy “bàn chân”, “dấu chân”, “vết chân” làm hoán dụ thay thế cho con người, như nói “Dấu chân anh ta in khắp các châu lục” thì phải hiểu: anh ta đã đi (du lịch) khắp thế giới! Như vậy “dấu/bàn/vết chân” còn được hiểu như một quá trình trưởng thành. 

Hiểu theo nghĩa này thì ngay tên gọi tiểu thuyết “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu đã nói lên cả một quá trình chiến đấu qua nhiều không thời gian của nhân vật... Tương tự tên bài hát “Vết chân tròn trên cát” của Trần Tiến rất đáng phân tích. Vết chân người bình thường không bao giờ “tròn” nhưng vì là thương binh cụt chân, phải đi nạng. Lại đi trên cát mềm xốp,  bị lún sâu xuống nên càng vất vả...

Như vậy, người Việt rất coi trọng bàn chân, gót chân. Thậm chí cực đoan: “Người xinh đôi gót cũng xinh/ Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn”. Nhưng chưa bằng gót chân, bàn chân cô Tấm. Cô đi hội nhưng vì làm rơi chiếc hài để vua nhặt được. Vua quả quyết hài đẹp thế thì dứt khoát chân phải đẹp bèn ra chiếu dụ bất kể ai là đàn bà hễ ướm vừa hài vua sẽ lấy làm vợ. Dĩ nhiên là chỉ có Tấm đi vừa. 

Thì ra ở cổ tích biểu hiện của người đẹp trước hết là đẹp ở bàn chân, gót chân. Nhất là cái đẹp của gót chân. Đó chính là sự thách thức với cái lam lũ vất vả suốt ngày lội bùn nên dân gian lấy cái gót chân làm đối tượng mỹ cảm - một biểu hiện của sự lạc quan vượt lên trên hiện thực. 

Nhạc sỹ An Thuyên có câu thật hay, rất truyền thống: “Và người con gái tôi yêu nơi làng quê/ Có ai ngờ chân lấm bùn mà tôi ngỡ gót chân tiên …” (“Ca dao em và tôi”). Chữ “ngỡ” đưa “tôi” từ thế giới thực (lấm bùn) đến thế giới “tiên” (gót chân tiên). Cái hài ôm gót chân nên, rất đúng với tư duy cổ tích, hài đẹp tức là chân đẹp. Chân đẹp tức người đẹp...! 

Chung quanh hình tượng cái “gót chân” thôi, ta vẫn thấy cụ Nguyễn Du tả sao mà tài thế: “Kiều từ trở gót trướng hoa”; “Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường”; “Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai”... Thì ra “gót” chân còn biểu trưng cho cả một thân phận, một số phận cuộc đời, một tương lai...

Nhưng ở thần thoại “Thánh Gióng” còn ly kỳ hơn. Mẹ Thánh Gióng một hôm đi làm vườn, thấy một vết chân rất lớn, Bà liền ướm thử chân mình... Về nhà, Bà tự nhiên mang thai mà đẻ ra Gióng…

Không chỉ ở ta, trong văn học dân gian thế giới có hẳn cả một môtip “ướm vết chân lạ rất to rồi sinh con”.

Rìu gót chân vuông – hình tượng độc đáo của văn hóa Đông Sơn.

Thần thoại Trung Hoa có truyện “Mẹ thần kê Hậu Tắc” kể bà Khương Nguyên một lần ra ngoài đồng, tương tự như Mẹ Gióng cũng “giẫm vào vết chân một ông khổng lồ” rồi sau đó đẻ ra thần Hậu Tắc. Nhờ vậy mà lớn lên thần có sức khỏe vô địch, can đảm vững vàng như núi, mạnh mẽ “như một ông khổng lồ”. 

Có điểm chung về môtip “mang thai vì giẫm vào vết chân” được bắt gặp trong nhiều huyền thoại về thần linh hay các đấng anh hùng dân tộc vĩ đại. Như chuyện bà Hoa Tư, vợ Đế Cốc, giẫm lên vết chân của Lôi Thần mà đẻ ra Phục Hy – một anh hùng văn hóa Trung Hoa thời tối cổ. Trong chùm về thần thoại Tản Viên của ta có truyện Bà Đinh Thị Hoa (tục gọi bà Đen), vốn là một trinh nữ, một lần đi cấy, “giẫm phải vết chân rất to” mà mang thai 14 tháng rồi sinh ra một con trai đặt tên là Nguyễn Tuấn, sau này là thần núi Tản Viên...

Như vậy môtip “giẫm vào vết chân to rồi mang thai” gắn liền với tín ngưỡng phồn thực. Nhưng tại sao lại là “bàn chân khổng lồ”? Đây chỉ là một cách lý giải:

Đang ở thân phận bốn chân, loài người đứng dậy đi bằng hai chân. Đó là một bước văn minh nhảy vọt. Từ đó “chân” đi vào ký ức nhân loại như là một trong những khái niệm thiêng liêng nhất. “Chân” là sức mạnh vô biên mà đến nay ý nghĩa vẫn hiện ra trong kho từ vựng, như “bước chân vạn dặm”, “đôi hài vạn dặm”, “bước dài như gió”... 

Nhưng nghĩa ẩn dụ nguyên ủy ban đầu thì “chân” tái sinh sự sống, đúng hơn là kiến tạo cuộc sống mới. Thế là theo lẽ tự nhiên, “chân” như một linga thần thánh lớn lao kết hợp yoni mặt đất hiền lành, thuần hậu, vĩ đại để đẻ ra những đứa con thần thoại (Phục Hy, Thánh Gióng, Tản Viên...)!?

Không ngẫu nhiên, các tôn giáo lớn đều có biểu trưng “dấu chân” của riêng họ. Theo truyền thuyết Phật giáo, trước khi viên tịch, Đức Phật đi đến Kushinara và đứng trên một tảng đá, quay mặt về phương Nam. Từ đó hậu thế được Đức Phật lưu lại dấu chân của Người hằn vào mặt đá. Tất nhiên, các tín đồ phải “vĩnh cửu hóa” dấu chân này nên mới xuất hiện bức phù điêu khắc dấu chân Phật có hình bánh xe pháp luân. Hơn thế, dấu chân Đức Phật còn được khắc vào đá (ở Bodhgaya).

Với đạo Công giáo thì sau lễ Chúa Giêsu phục sinh là lễ Chúa Giêsu lên trời. Truyền thuyết kể trên đồi Oliu ngày xưa (nằm cạnh thành Giêsurusalem), trong thời Cựu ước là một thánh địa, trên đó có nhà nguyện kính Chúa Giêsu lên trời. Đến thời Trung cổ dấu bàn chân Chúa Giêsu được chạm khắc trên nền nhà để kỷ niệm kính nhớ Chúa từ nơi đây đặt bàn chân trở về lên trời!

Thế nên “dấu chân” đi vào phong tục mọi nơi như là đương nhiên vậy. Tục cổ truyền của người Nga, khi làm lễ thành hôn tại nhà thờ thì cô dâu bắt buộc“đặt một chân” lên chiếc thảm đỏ, nơi làm lễ tuyên thệ với ý nghĩa từ giờ phút này cô sẽ là “bà chủ” của một gia đình, dĩ nhiên trong đó có người chồng mình. Người Thái Tây Bắc ở ta cũng có tục tương tự. Khi cô dâu “giẫm vết chân” lên (sàn) nhà chồng, người ta phải làm lễ “trình diện” thành viên mới với gia đình (người sống), gia tiên (ông bà tổ tiên), gia thần (các thần, có nơi gọi ma) nhà chồng.

Nói về huyền thoại thì cũng nên nói đến “phản huyền thoại” như là một đối cực trong sự thống nhất. Có lẽ xuất phát từ sự coi trọng bàn chân một cách thái quá mà xã hội Trung Quốc thời trước quan niệm một cách lệch lạc: phụ nữ càng có bàn chân nhỏ thì càng đẹp. Thế là có cái tục bó chân dã man (được miêu tả sinh động trong “Gót sen ba tấc” của Phùng Ký Tài - Phạm Tú Châu dịch). 

Để chiều những đàn ông ích kỷ chuộng “tam thốn kim liên” (gót sen ba tấc), nhiều phụ nữ phải bó chân 3 tấc (8,6cm). Mới 4-9 tuổi, các bé gái phải cắt móng chân thật ngắn, ngâm chân vào nước thảo mộc pha máu động vật (để tránh nhiễm trùng) rồi bó chặt bằng vải, 4 ngón chân bẻ quặt vào lòng bàn chân. Vải được tháo ra định kỳ để rửa và xoa bóp. 

Mỗi lần bó lại, băng vải sẽ được quấn chặt hơn. Các ngón chân bị nén chặt đến nỗi có khi bị gãy xương... Dĩ nhiên, người phụ nữ đi lại sẽ rất khó khăn. Chịu đau đớn để có bàn chân “nhỏ nhắn” thì dễ lấy được chồng giàu, và chồng mới yêu... Thật là hủ tục phi nhân tính!

Nguyễn Thanh Tú
.
.
.