Nhiều sai sót trong ấn bản“Đại Việt sử ký toàn thư”

Thứ Năm, 21/01/2016, 08:00
Văn bản “Đại Việt sử ký toàn thư” này do Cao Huy Giu dịch; Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng. Hai đơn vị liên kết phát hành in theo bản in của NXB Khoa học và Xã hội năm 1971 – 1972. Tuy nhiên, khi in lại, do thiếu người có trình độ chuyên môn vững vàng nhuận sắc lại cho nên cuốn sách có quá nhiều sai sót khiến bạn đọc thất vọng về một tác phẩm sử học được cho là “gối đầu giường”.


Dưới đây, chúng tôi xin dẫn ra một số ví dụ.

Đầu tiên phải nói tới sự nhập nhằng của đơn vị xuất bản khi sử dụng lại toàn bộ lời Giới thiệu của cuốn sách do Viện Sử học viết tại Hà Nội ngày 2 tháng Giêng năm 1965 (tr. 5-6) nhưng đã cắt bỏ phần cước chú này. Hành vi này là vi phạm bản quyền của người khác. Tiếp đến, trang 7 sử dụng bản tiểu sử Ngô Sĩ Liên cũng do các tác giả soạn sách từ nửa thế kỷ trước, không có sự cập nhật địa giới hành chính hiện đại (vẫn để địa danh: nay là Hà Tây) và còn làm sai lệch năm mất của vua Lê Nhân Tông từ năm 1459 thành 1495. Làm sai tên sách “Đại Việt sử ký tục biên” thành “Đại Việt sử ký lục biên” (tr. 9). Những lỗi sai tương tự như thế này rất nhiều trong sách.

Về mặt quy chuẩn chính tả, do sử dụng theo bản in năm 1971-1972 cho nên trong cuốn sách này quy chuẩn chính tả lẫn lộn giữa quy phạm cũ và chuẩn chính tả mới. Ví dụ, các tên riêng trước đây như Lê Hi tôn, nay phải sửa thành Lê Hi Tôn; Lê Chiêu tôn nay phải thống nhất viết đúng là Lê Chiêu Tôn… thì bản in này không thống nhất được chuẩn trong toàn bộ nội dung cuốn sách.

Xét ra những lỗi kỹ thuật ấy có thể châm chước được vì nó cũng không ảnh hưởng đến nội dung sách. Song, nhiều chữ trong sách vì người biên tập trình độ non kém nên để nhiều chỗ làm sai nghĩa của từ khiến bạn đọc thấy không ổn. Ví dụ như trong lời Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ viết rằng, Thăng Long “có thế rồng cuộn hổ ngồi” thì NXB Thời đại sửa thành “có thể” (tr. 160).

Có thế và có thể, chỉ khác nhau hai dấu sắc và dấu hỏi thì ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Nhà vua xây cung điện trong thành, “mở cửa Phi Long” thì NXB Thời đại sửa thành “của Phi Long” (tr. 160). Cửa và của ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Sư Vạn Hạnh không bệnh tật mà chết, người bấy giờ bảo là “hóa thân” thì NXB Thời đại sửa thành “hỏa thân” (tr. 167). Hóa thân và hỏa thân đâu phải từ đồng nghĩa. Hay như chú thích đánh số 1 chân trang 165, tài liệu “Việt điện u linh tập” đã bị cắt mất chữ u chỉ còn “Việt điện linh tập”; “thiếu sư” – một chức quan dưới bậc tam công – bị đánh thêm dấu nặng mà thành “thiếu sự” (tr. 164)...

Hoặc như lời bàn của Ngô Sĩ Liên ở trang 179: “Phàm vật hình vuông thì đứng, hình tròn thì đi” được NXB Thời đại sửa thành “Phàm vật hình vuông đi đứng”. Trang 182 chép lời vua Lý Thái Tông: “bốn đi theo về, trăm man hướng hóa”. Chỉ một chữ sai mà nghĩa cả câu sai. “Bốn di” tức là bốn phương. Ý nghĩa của câu hai vế đối nhau, nhà vua coi các vùng bị đánh dẹp để mở rộng bờ cõi là “man di”, bởi vậy câu trước là “bốn di” thì câu sau là “trăm man”. Chữ nghĩa của người xưa, nhất là bậc đế vương đâu phải tùy tiện phết phảy như cách hiểu của các NXB hiện nay.

Những lỗi trên đây khiến bạn đọc không khỏi phiền lòng. Riêng chúng tôi, sử dụng bút đánh dấu loang lổ trên các trang sách. Bởi vì lỗi liên tiếp lỗi trong từng trang và đây lại là phần viết về vị vua khai sáng ra triều Lý, người định đô Thăng Long – Hà Nội nghìn năm. Song, điều khác nữa mà chúng tôi muốn nhấn mạnh tới, đó là một cuốn sách kinh điển như “Đại Việt sử ký toàn thư” khi tái bản lại không có người nhuận sắc. Nói gì chăng nữa, bản in gần 50 năm trước, chắc chắn không khỏi sai sót trong kỹ thuật in ấn; thêm nữa, sau gần nửa thế kỷ, nhiều địa danh thay đổi so với địa giới hành chính hiện nay rất cần phải chú thích lại để bạn đọc hôm nay xác định được.

Chắc NXB Thời đại và Nhà sách Minh Thắng cho rằng cứ in theo nguyên bản bản in cũ thì sẽ đảm bảo nội dung. Tất nhiên, phải thừa nhận một điều là trong bản in lại này, đơn vị xuất bản đã đưa các chú thích xuống dưới chân trang thay vì cuối sách như bản in trước đây, đó là tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc tiện tra cứu. Vậy nhưng, lỗi nặng nhất chính là ở chỗ in theo nguyên bản. Vì thế, trang 165 viết: “Khoảng đời Nguyên Phong nhà Tần, người Thát Đát vào cướp… Khoảng đời Trùng Hưng, người Thát Đát lại vào cướp…”. Nguyên bản trong sách in năm 1972 là nhà Tần. Song, khi tái bản lại, NXB Thời đại đã có thêm chú thích chân trang rằng: Nguyên phong là niên hiệu Trần Thái Tôn, Trùng Hưng là niên hiệu Trần Nhân Tôn, người Thát Đát là người Mông Cổ. Vậy mà vẫn để y nguyên là “nhà Tần”? Chỉ thêm một chữ “r” vào sẽ chính xác là nhà Trần có phải sửa được lỗi sai không!

Ở trên chúng tôi đã nói, lỗi nặng nhất ở sách này là thiếu người nhuận sắc cho nên những địa danh quá cũ không còn phù hợp với địa giới hành chính hiện nay. Đó là các địa danh huyện Tiên Sơn và huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc (tr. 159; tr. 166). Tỉnh Hà Bắc đã chia tách thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh từ năm 1997. Ngay như huyện Tiên Sơn, năm 1999 cũng đã chia tách thành hai huyện Tiên Du và Từ Sơn. Gần 20 năm đã trôi qua, sao vẫn “nay là”? Hay như địa danh phủ Ứng Hòa (tr. 164) chú thích: “nay là huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây”.

Từ năm 2008, tỉnh Hà Tây đã được sáp nhập về Hà Nội. Hoặc như địa danh Tây Nông (tr. 181) được chú thích: tức là huyện Tư Nông, tỉnh Thái Nguyên sau này; châu Vĩnh An được chú thích “tức tỉnh Hải Ninh ngày sau” (tr. 167); địa danh “đạo Lâm Tây” (tr. 180) chú thích: “tức khu tự trị Thái – Mèo ngày nay”. Huyện Tư Nông nay là huyện nào? Tỉnh Hải Ninh nay là tỉnh nào? Khu tự trị Thái – Mèo ở đâu? Vì các đơn vị ấy không có tên trên bản đồ hành chính quốc gia. Và việc chú thích như vậy cũng là qua loa đại khái, bởi vì người đọc hôm nay (trừ những người quan tâm tra cứu) khó mà xác định được những địa danh hành chính cũ như cấp châu, cấp phủ, khu tự trị. Nếu xét toàn bộ cuốn sách, lỗi này có trong tất cả phần nội dung.

Cuối cùng, xin bàn đến việc tiến bộ nhất là đưa các chú thích xuống chân trang thì NXB Thời đại và Nhà sách Minh Thắng làm cũng chiếu lệ. Chú thích đánh số 2 (tr. 163) có nhắc đến địa danh châu Vị Long. Về địa danh châu Vị Long, sách viết: “Xem chú quyển I, Bản”. Bản thân việc ghi chú thích này đã sai. Nguyên văn trong sách in năm 1972, phần chú giải và khảo chứng, trang 336 ghi như sau: Châu Vị Long: xem chú (75) quyển I. Bản – 194”. Nghĩa là, bản in chú thích này ở trang 194. Còn chú thích châu Vị Long xem chú thích số 75 ở trang 334 ghi như sau: “Vị Long: tức huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang ngày nay”. Như thế, thay vì làm chú thích chiếu lệ như trên, người làm sách có trình độ chuyên môn tốt chỉ cần chuyển chú thích từ trang khác sang từ đó sẽ có chú thích chính xác và dễ hiểu cho bạn đọc ngày nay.

Một cuốn sách quá nhiều sai sót như trên được đưa ra thị trường là thiếu tôn trọng bạn đọc.

TS Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Làm sai thêm nguyên tác của người dịch xưa

“Đại Việt sử ký toàn thư” là một bộ sử quan trọng nhất trong sách lịch sử Việt Nam. Sách đã được dịch và in nhiều lần. Việc in lại bản dịch “Đại Việt sử ký toàn thư” cách đây mấy chục năm cần có chú thích của ban biên tập hoặc người hiệu chỉnh trong lần in mới. Dịch giả Cao Huy Giu đã dùng rất nhiều từ cổ, hoặc âm Hán Việt, hoặc địa danh đã đổi thay sau khi sát nhập hoặc chia tách, cho nên cần có những chú thích xuống dưới, ghi rõ biên tập chú thích lại. Phần nội dung chính vẫn ghi nguyên bản dịch của tác giả thì sẽ phù hợp hơn.

Việc in lại sách của NXB Thời đại – Nhà sách Minh Thắng không những không chú thích cái đúng cái sai, khác biệt thời đại mà lại còn làm sai thêm nguyên tác của người dịch xưa, thì thật không thể chấp nhận được! Như thế là không những không tôn trọng độc giả, mà cũng không tôn trọng chính dịch giả của sách. Như thế, in lại, vô hình chung sách càng giảm giá trị.

Kiều Mai Sơn
.
.
.