Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tôi “điên” không... đều
Sinh năm 1977, ngoài đời Nguyễn Ngọc Tư là một người điềm đạm và nhẹ nhàng. Chị là một nhà văn trẻ lập kỷ lục về sách best - seller năm 2005 với tác phẩm "Cánh đồng bất tận".
Không dừng lại ở đó, năm 2007, "Cánh đồng bất tận" được chuyển ngữ sang tiếng Hàn và đã cùng tác giả chu du sang xứ sở Kim Chi. Cùng với những thành công ban đầu của mình, Nguyễn Ngọc Tư đang có những dự định mới cho nghề viết. Chị trò chuyện đầu năm với báo VNCA...
- Năm Đinh Hợi có vẻ đã mang lại cho chị một vài dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp văn chương, với việc mang những "đứa con tinh thần" chu du sang xứ Hàn và bước đầu đã gây được ấn tượng tốt.
Theo nhận định của tờ Korea Herald thì việc phát hành cuốn "Cánh đồng bất tận" tại Hàn Quốc qua bản dịch của Ha Jae-hong (NXB Asia Publishers) đánh dấu một bước quan trọng giới thiệu một nhà văn hàng đầu của Việt Nam nổi tiếng về những đề tài gây sốc với một bút pháp độc đáo. Chị nghĩ sao về điều này?
- Họ có nói nhầm về một nhà văn nào đó không vậy trời? Thứ nhất, tôi không phải ở hàng đầu. Thứ hai tôi cũng không viết những đề tài gây sốc. "Vụ" bút pháp độc đáo tôi cũng hơi… nghi ngờ. Bỗng dưng nhận nhiều hoa quá tôi cũng… ngại, sợ người ta tặng nhầm, rồi mai mốt đòi lại, thì quê.
- Tuy thế nhưng chị tự tin trước đông đảo bạn đọc và văn giới ở xứ Hàn chứ?
- Tôi chỉ tự tin khi có ông… phiên dịch đứng gần. Xin lỗi, tôi nói đùa. Bảo rằng mình tự tin thì thấy hơi ngạo, nhưng quả thật tôi có một chút. Nền văn học Hàn Quốc tôi không tiếp xúc nhiều, tức là mình không… ngợp, tức là mình… điếc nên thấy súng cũng làm ngơ.
- Tác phẩm văn chương đích thực nào cũng có chỗ đứng trong văn đàn, khi viết "Cánh đồng bất tận" chị có nghĩ rằng, nó sẽ là tấm vé mang chị đi khắp thế giới không?
- Chắc là không. Nếu có thì tôi sẽ viết bằng tiếng Anh, với trình độ vỡ lòng của mình, đã đổi tên nhân vật Nương thành Julia, và bối cảnh sẽ diễn ra ở bang
- Có lẽ chị cũng nên thử xem sao? (Cười). Nói vậy thôi, mỗi nhà văn, thật không hạnh phúc nào bằng tác phẩm của mình được bạn đọc đón nhận một cách nồng nhiệt, lại vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, địa lý để tồn tại thì còn gì bằng. Chị có sợ "cái bóng" của "Cánh đồng bất tận" lớn quá khiến chị khó vượt qua chính mình không?
- Tôi chỉ sợ cái bóng của "Cánh đồng bất tận" quá lớn đến nỗi người đọc sẽ không nhìn thấy tôi. Trên cuộc hành trình của đời mình, tôi tình cờ rẽ vào một con đường nhỏ, tình cờ dựng cái rào, rồi thấy việc trèo qua cái rào do chính mình dựng lên là vô lý, nên tôi bỏ ngang, lại tiếp tục tìm một con đường khác, nhưng bạn đọc thì cứ chờ tôi mãi ở cuối cái đường có rào kia, bạn đọc không quan tâm tôi đã đi tới đâu, đã làm được gì.
- Trong trường hợp này, tốt hơn hết chị tiếp tục quay lại con đường có rào và băng qua nó thôi, bởi vì, có thể chính trời xui đất khiến nên chị mới "ngớ ngẩn" dựng nên một cái rào trên con đường đang phẳng lặng của mình?
- Câu hỏi đặt ra là tại sao tôi lại đi trên con đường mà tôi không thích? Tại sao tôi phải uống café chỉ vì mọi người đang chờ tôi ở quán café ? Tại sao tôi không thể ngồi quán kem để chờ mọi người tới?
- Còn nhớ hồi mới đăng tải, có lần tôi hỏi chị về "Cánh đồng bất tận" chị đã trả lời rằng chị đã "nhón chân hái trái ở một cành quá cao". Bây giờ bình tâm lại, qua những thăng trầm mà "cánh đồng" của chị đã gặp phải, chị thấy thế nào?
- Vẫn thấy… mỏi những đầu ngón chân. Vẫn thấy xa lạ khi đọc lại những gì mình viết, tự hỏi cơn điên nào đã khiến mình viết ra những dòng này.
- Chị cũng có lúc viết trong "cơn điên" chứ, hay là những lúc tỉnh táo?
- Tôi điên không… đều. Có những lúc viết tỉnh trân, và những cái viết ra từ lúc tỉnh hay điên tôi đều trân trọng như nhau.
- Mỗi nhà văn đều phải làm mới mình. Nguyễn Ngọc Tư thì sẽ không còn là Nguyễn Ngọc Tư khi bóc mình ra khỏi miệt vườn, sông nước của Nam Bộ, của mảnh đất Cà Mau yêu thương. Hai điều này nghe có vẻ mâu thuẫn nhau, nhưng liệu khi đã "chán" bóc tách mãi về miền quê của mình, chị có ý định sang cải tạo một vùng "kinh tế mới"?
- Tôi sẽ nghĩ đến điều đó sau khi đã "chán bóc tách mãi về miền quê của mình". Bây giờ thì chưa, cái cảm giác mình chỉ chạm tới lớp áo ngoài của miền đất này khiến tôi nghĩ mình sẽ ở lại lâu.
- Có rất nhiều người thích cái giọng văn mượt mà tình cảm của chị trong mỗi trang viết, nó thấm đẫm tình người. Tuy nhiên, có người lại cho rằng, giọng văn chị cứ đều đều mà không tạo được một điểm nhấn nào đó gây bất ngờ hoặc nó dữ dội theo kiểu "hip - hop" hiện đại. Có bao giờ chị tự lý giải về cái "tạng" văn của mình và thay đổi nó không?
- Có nhiều quán nước trong thành phố mà tôi đang sống. Để gặp bạn bè văn nghệ, tôi chạy tới quán gần cơ quan mình. Để có một chỗ yên tĩnh chuyện trò cùng khách, tôi chọn một quán nằm sâu trong hẻm nhỏ. Và những khi tôi muốn một mình, tôi đến cái quán nhỏ nằm ở góc đường. Tôi cảm ơn những cái quán đã cho tôi nhiều lựa chọn.--PageBreak--
- Chị có bao giờ gặp phải những áp lực trong khi viết, ví như, mình đã thành công, và bây giờ mình không được phép thất bại?
- Tôi cho phép mình sai sót, bởi nghĩ không có gì là hoàn hảo hết. Trên con đường lên núi, đôi khi tôi muốn dừng lại nghỉ chân, và gắng giữ mình đừng bao giờ bị lùi bước. Càng lên cao, càng vắng người, càng cô đơn. Nhiều khi tôi sợ.
- Chị từng nhận chị là người cô đơn trong cõi văn này. Hai cái "sự cô đơn" này khác nhau nhiều không?
- Cô đơn có bao nhiêu dạng? Tôi không biết chắc, nhưng tôi đếm được mình có bốn dạng rồi. Đường nào cũng về cô đơn.
- Những lúc nản lòng, chị thường làm gì?
- Tôi… ngủ. Đó có khi là đọc cuốn sách quá hay, đến nỗi tôi nghĩ rằng mình có viết được vài chục năm nữa cũng tuyệt vọng mà thôi. Điều đó làm tôi buồn đến nỗi tôi chán sống, đành phải lăn ra ngủ một giấc. Thức dậy và nghĩ, tại sao ta lại viết những tác phẩm hay (để người ta thích) mà không viết những gì mình thích ?
- Nhưng, những nhà văn có tư tưởng thì thường biết mình phải viết những gì mình thích mà người ta, tức là độc giả, cũng thích. Gần đây đọc chị, tôi thấy chị đã làm được điều đó. Tức là văn phong chị đã có nghề.
Trước đây, tôi đã gọi chị là "Quả sầu riêng của trời", bây giờ thì tôi nghĩ, quả sầu riêng này đã được bàn tay con người chăm chút khá nhiều, và cũng chính tự quả sầu riêng đó biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình để mà lan tỏa. Chị đã phải lao động rất nhiều cho tay bút của mình để đạt được thành quả như hôm nay và không dừng lại ở đây chứ?
- Nhưng trước tiên tôi phải biết mình đi đâu. Tôi vẫn chưa biết. Tôi vẫn đang tìm. Bạn bè tôi nhiều người tiếc cái lối viết bản năng, trong trẻo ngây thơ ngày trước. Tôi cũng tiếc, nhiều khi đọc lại cuốn truyện đầu tay cứ ngậm ngùi hoài. Nhưng tôi không ép mình tiếp tục ngây thơ khi đã quá già.
- Chị coi văn chương cũng như một nghề để kiếm sống hay nó là cái nghiệp mà ông trời trao ai thì người đấy được hưởng phúc phận?
- Lúc đầu thì ông trời trao cho tôi một bí quyết… làm bánh mà chỉ riêng tôi có. Sau đó tôi thấy bánh mình làm ra bán cũng… được, sống không đến nỗi nào.
- Không thể phủ nhận một điều, chị là một người đầy nghị lực. Chị đã bồi đắp cho vốn tri thức văn chương của mình như thế nào, để từ hai bàn tay trắng, chị làm nên một thương hiệu Nguyễn Ngọc Tư?
- Đính chính: Không phải hai bàn tay trắng mà là cái… đầu trắng. Những cuốn sách mà tôi đọc đã cải tạo tôi từ con người hoang dã đến… ít hoang dã. Những cuốn sách còn khiến tôi không… chết, vì những lúc tuyệt vọng nhất, tôi nghĩ, trời ơi, mình còn quá nhiều sách hay chưa đọc. Và điều đó hình như bạn gọi là "nghị lực".
- Vâng, có một điều dễ nhận thấy là một năm qua tôi đọc được khá nhiều bài của chị trên sách báo. Đôi lúc có cảm tưởng, chị viết nhiều và khá "quen" tay. Đó là dấu hiệu của sự "lành nghề" chăng?
- Đó là dấu hiệu của một vò rượu ngon luôn bị giở nắp ra, hương đã bay đi, đã phai lạt. Nó cần được bịt kín và chôn lại xuống đất ít lâu.
- Có lẽ không cần phải thế bởi chị còn một vài lời hứa nữa, ví dụ như việc chị đang lên kế hoạch viết một cuốn tiểu thuyết về trào lưu kết hôn với người nước ngoài đang diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận phụ nữ trẻ tại Việt Nam như đã "thông cáo báo chí" tại Hàn Quốc thì sao?
- Có lẽ có trục trặc gì đó trong việc chuyển ngữ. Tôi có nói là sẽ viết, nhưng chưa biết nói là với hình thức nào. Có thể là bút ký, phóng sự hay… truyện ngắn. Tôi vẫn không mặn mà với tiểu thuyết, vẫn cười trừ khi nghe ai đó nói, văn chương thực thụ là tiểu thuyết.
- Ngày tết, xin được hỏi thăm chút xíu về gia đình chị. Có lẽ ông xã chị thì đã quá quen với hình ảnh của chị trên báo chí, còn con trai chị thì thường nói gì khi thấy hình hoặc tên của mẹ trên báo?
- Chà, hình như thằng nhỏ chưa thấy nghen, hình như tôi giấu quá kỹ…
- Bận bịu với đơn đặt hàng của báo chí, với văn chương như thế, chị dành thời gian cho gia đình để dạy dỗ cậu con trai yêu như thế nào?
- Tôi tự hỏi làm sao mình dạy thằng con mình trong khi mình với nó… ngang hàng nhau. Vấn đề của tôi là không có… năng khiếu làm mẹ, và tôi quyết định, thôi hai đứa mình là bạn bè.
- Cũng là một cách khá "dân chủ", nhưng chắc không mãi thế được đâu? Những ngày tết truyền thống của gia đình chị, những ngày đó chị lên kế hoạch cho mình chứ?
- Tôi luôn lên kế hoạch… ngủ cho mình. Nhưng những ngày đó tôi toàn ở ngoài đường, la cà nhà này nhà nọ. Tôi chuẩn bị cho nhà thật nhiều đồ ăn để hết tết mới có dịp... ăn.
- Cảm ơn chị đã dành một cuộc trò chuyện đầu năm khá thú vị, chúc chị và gia đình luôn ấm no, hạnh phúc!