Người không sương khói mà sương khói...

Thứ Ba, 23/08/2011, 08:10
Nhân đọc bài "Bờ sương" của nhà thơ Tô Hà.

Chẳng thấy trời đâu thấy nước đâu
Bờ xuân mờ mịt cả chân cầu
Người không sương khói mà sương khói
Qua lại mơ hồ dáng dấp nhau 

Quen thân với Tô Hà (1939-1991), tôi nhận thấy ở anh - một con người luôn hồn nhiên cởi mở, thắm thiết với cuộc đời. Anh có cái nhìn sự việc thật trong trẻo, lạc quan. Nếu buồn thì cũng chỉ thoáng chút, dịu nhẹ, "buồn - đẹp" thôi, chẳng mấy khi anh để nó giằng dai, bám riết đến thành ám ảnh... Sau này, anh còn tu luyện cho mình cái nhìn điềm tĩnh trước mọi biến cố đời sống. Ngay đối mặt với cái chết, từng có những giây phút anh cảm giác:  "Tôi nhắm mắt/ Nghĩ về cõi chết/ Như mở mắt/ Nghĩ về sự sống/ Giản đơn, thanh thản, lạ lùng... (bài "Giản đơn")

Đọc thơ Tô Hà, ta thấy tình cảm trong anh thường gắn với những gì bình dị, quen thuộc cùng hết thảy mọi người. Tuổi trung niên anh có lần ước ao:

Được đạp xe giữa phố người
Đó đây hết phải trông vời cách ngăn
Được nhìn tận mắt hồ trong
Dáng liễu buông với bềnh bồng mây in

(Bài "Một ngày giản dị")

thì ở bài thơ "Bờ sương" này đây, ta mừng cho anh đã nhập hòa được với không khí nô nức của cộng đồng cư dân thành phố. Bài thơ như một bức tranh lưu lại những khoảnh khắc thật đáng ghi nhớ: ấy là giây phút nhà thơ cùng nhân dân Thủ đô "xuân hành" quanh Hồ Gươm.

Vẫn là cái nhìn trong trẻo đam mê ngày nào - và chỉ cái nhìn như thế nhà thơ mới "để ý" đến một chi tiết của cảnh trí:

Chẳng thấy trời đâu thấy nước đâu

Thời tiết luôn cho thấy nước ta vốn dĩ không được đồng đều khoảng cách các mùa. Tháng chạp màn sương trùm đất nước (thơ Quang Dũng). Màn sương này thậm chí vắt sang cả tháng giêng, hai. Bởi thế mà ngày Tết hầu như ta vẫn phải mặc áo bông, và sang xuân trời còn nhiều giá rét, sương gió. Ai từng chứng kiến cảnh ban mai - sương muối gieo thả xuống khu vực Bờ Hồ mới thấy Tô Hà có quan sát thật chính xác và tinh tế. Màn sương tụ đọng ven mép hồ khiến trời và nước không còn điểm giáp ranh để phân biệt. Chúng hòa nhập vào nhau trong khối sương trắng nhòa. Tất nhiên, quang cảnh "Bờ xuân mờ mịt cả chân cầu" đủ cho thấy, trong khói sương, chiếc cầu Thê Húc sơn son vẫn duy trì được "thế đứng" vững chắc, nó cũng tựa một chiếc cầu của Nhật Bản trong bài thơ Haiku nổi tiếng, dù trận mưa dữ dội trùm lấp tưởng xoá nhòa tất cả, vẫn không xoá được dáng hình sừng sững của nó vắt qua một con sông. Ở đây, sương cũng chỉ mờ mịt chân cầu thôi. Và quan trọng hơn, là đằng sau nó, trong màn sương "hư vô" ấy, khối người đông đúc vẫn mặc nhiên di động (thậm chí có thể khoác vai bá cổ, bắt tay chúc tụng nhau). Ngày đầu xuân, khói hương cầu khấn nhiều, nhìn cảnh tượng người qua kẻ lại, lẩn quất trong màn sương, có gì gần gũi, thân thương quá, nhà thơ không khỏi xúc động đặt bút:

Người không sương khói mà sương khói
Qua lại mơ hồ dáng dấp nhau

Bao tình cảm yêu thương nhà thơ dồn trong mấy chữ "mơ hồ dáng dấp nhau" ở kết bài.

Ta có thể xem "Bờ sương" là một bức tranh lụa xinh xắn và thơ mộng. Toát lên trên màn sương mờ mịt ấy là cái nhìn ấm áp đốm lửa tình đời. Riêng tôi, mỗi lần nhớ về Tô Hà, mỗi lần ngẫm ngợi bài thơ này, không khỏi xa xót thầm nghĩ, anh sống thế, không ngờ anh phải ra đi sớm thế (nhà thơ Tô Hà ra đi cách đây vừa đúng 20 năm, khi mới 52 tuổi). Người không sương khói mà sương khói. Để bây giờ bạn bè và độc giả phải tìm anh ở những bài thơ "mơ hồ dáng dấp nhau" thế sao?

Tuấn Đạt
.
.
.