Mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng: Nhất bên trọng, nhất bên khinh?

Thứ Năm, 07/02/2013, 08:00
Trong tiếng Anh, tiếng Pháp, danh từ "Art"; tiếng Đức danh từ "Kunst" dịch ra tiếng Việt là"nghệ thuật", cho dù đó là mỹ thuật tạo hình, hội họa, điêu khắc, mỹ nghệ thủ công hay nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, âm nhạc...

Ở ta, không biết từ bao giờ xuất hiện danh từ  "mỹ thuật" có ngữ nghĩa "thuật làm đẹp", nghĩa là dùng tài trí sử dụng phương tiện nghệ thuật và kỹ thuật tạo ra sản phẩm đẹp. Nhưng ở ta, không ít họa sĩ cho rằng chỉ mỹ thuật tạo hình vẽ tranh, tạc tượng mới tạo ra tác phẩm mỹ thuật, còn tạo ra cái đẹp khác không thuộc mỹ thuật. Quan niệm này xuất hiện từ thế kỷ XIX đến gần giữa thế kỷ XX ở phương Tây, khi mỹ thuật tạo hình lên ngôi, không thừa nhận sự tồn tại của mỹ thuật ứng dụng, mỹ nghệ thủ công. Các họa sĩ vẽ tranh, tạc tượng khinh thường mỹ thuật ứng dụng, không coi nó là tác phẩm mỹ thuật, tầm thường hóa mỹ thuật ứng dụng, hạ thấp giá trị của nó kéo dài, trở thành quan điểm đối lập. Những họa sĩ tạo hình cho rằng loại hình mỹ nghệ thủ công, mỹ thuật ứng dung là Miner (nhỏ hèn, yếu kém, thiểu số...); còn tranh, tượng mới là Majeur (đa số, lớn hơn, chủ yếu, trọng đại hơn...).

Quan điểm nhất bên trọng, nhất bên khinh nói trên đã nổ ra cuộc đấu tranh nảy lửa kéo dài gần một thế kỷ. Không bị lép vế, những họa sĩ mỹ thuật ứng dụng thành lập các trường đào tạo (Trường Nghệ thuật thủ công dệt ở Cologne, Tây Đức ra đời năm 1879, sau này trở thành Trường Đại học Design), các Viện, Hội Mỹ thuật Thủ công tiếp tục xuất hiện khắp châu Âu: Đức, Anh, Pháp, Italia, Bỉ, Hà lan... với số lượng đông đảo đối lập với mỹ thuật tạo hình, nâng cao vai trò và tầm quan trọng của mỹ thuật ứng dụng, mỹ nghệ thủ công trong đời sống xã hội, trong sản xuất kinh doanh. Năm 1919, trường phái mỹ thuật công nghiệp Bauhaus ra đời với tiêu chí: "Đưa nghệ thuật quán rượu vào phân xưởng" (đưa mỹ thuật tạo hình tham gia mỹ thuật công nghiệp), sau này trở thành Design công nghiệp đã lên ngôi và phát triển mạnh mẽ từ sau Thế chiến thứ II, khẳng định mỹ thuật ứng dụng, mà điển hình là Design công nghiệp, phục vụ dân sinh, phục vụ cuộc sống rõ nét thì cuộc đấu tranh không còn tiếp diễn nữa.

Tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ hai (2009).

Mặc dầu lịch sử tranh luận quan điểm khác nhau giữa mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng đã lùi xa, tuy nhiên ở ta, gần đây có họa sĩ từng là lãnh đạo Hội Mỹ thuật vẫn cho rằng: "Tác phẩm mỹ thuật chỉ có tranh và tượng. Vô lẽ trong nhà này cái gì cũng mỹ thuật, cái quạt điện, cái tủ đựng tài liệu... đều là mỹ thuật hết hay sao? Cái cột điện ở ngoài kia đều là mỹ thuật được sao?". Ý kiến đó đề cao mỹ thuật tạo hình, không thừa nhận sự tồn tại của mỹ thuật ứng dụng, khôi phục lại quan điểm Miner và Majeur đã bị lùi về dĩ vãng. Quan điểm này là rào cản sự phát triển của mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam. Vì vậy nên lâu nay trong các cuộc triển lãm khu vực, cũng như toàn quốc, tranh, tượng áp đảo về số lượng; mỹ thuật ứng dụng bị lép vế. Ngay triển lãm ngành Trang trí hàng năm, đúng nghĩa là triển lãm mỹ thuật ứng dụng, nhưng toàn là tranh, chỉ có một vài sản phẩm gốm, gọi là mỹ thuật ứng dụng, nhưng chỉ là mẫu sáng tác chưa được sản xuất hàng loạt để ứng dụng thực tiễn. Đến nỗi triển lãm mỹ thuật ứng dụng của các họa sĩ ở Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp (cơ sở đầu tiên đào tạo mỹ thuật công nghiệp ở Việt Nam), cũng bị lệch pha như vậy, nên khi sắp đến ngày triển lãm, các thầy thường hỏi nhau: "Anh đã gửi tranh chưa?" và hầu hết là tranh được trưng bày, không thấy ai có tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, mặc dầu trước phòng triển lãm có phông chữ to: "Triển lãm tác phẩm mỹ thuật ứng dụng". Thậm chí có thầy học mỹ thuật tạo hình, chưa một ngày học mỹ thuật công nghiệp, vẫn dạy mỹ thuật công nghiệp, truyền bá quan điểm mỹ thuật tạo hình ở đây.

Thực tế này ở ta khó làm thay đổi tương quan giữa mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng, vì sự nhận thức trì trệ, bảo thủ, lạc hậu kéo dài. Bị ảnh hưởng quan điểm trên, nên chương trình, nội dung đào tạo mỹ thuật ứng dụng không tương xứng, thầy dạy không có tác phẩm mỹ thuật ứng dụng vẫn lên lớp, khác biệt châu Âu luôn đổi mới trong nhận thức và hành động. Đến nỗi các trường đào tạo hội họa, điêu khắc từng "vang bóng một thời", sau này hầu như đã chuyển đổi thành trường Mỹ thuật công nghiệp, Design công nghiệp. Những năm 60 của thế kỷ trước, các Trường Mỹ thuật đồ sộ ở Đông và Tây Đức, như trường Đại học Mỹ thuật Dresden có rất ít sinh viên theo học; trường Halle chỉ có một sinh viên do Giáo sư Wagner phụ trách... vì vẽ tranh, tạc tượng không bán được, các họa sĩ ăn lương thất nghiệp quá nhiều.

Còn ở ta? Cách đây không lâu khi nhận được thông báo tham dự "Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc", tôi có linh cảm đây đó có nhận thức sai lệch về mỹ thuật ứng dụng, nên gặp Trưởng Ban tổ chức, hỏi: "Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần này, tôi đưa tác phẩm Design máy móc, Design năng lượng gió đến trưng bày có được không?" thì được trả lời dứt khoát: "Không. Chúng tôi chỉ nhận tác phẩm mỹ thuật ứng dụng". Tiếp đó, tôi lại trực tiếp gặp Phó trưởng ban tổ chức hỏi như vậy và nhận được sự lúng túng. Những người tổ chức triển lãm mỹ thuật ứng dụng mà hiểu mỹ thuật ứng dụng chí là mây tre đan, gốm sứ, sơn mài và loại trừ các loại hình Mỹ thuật hiện đại, Mỹ thuật công nghiệp, Design sản phẩm..., thì còn ai hiểu được thực chất mỹ thuật ứng dụng. Đó là sự thật xảy ra đáng buồn trong nhiều thập niên qua đã kìm hãm mỹ thuật ứng dụng phát triển phục vụ đa số công chúng. Tiếc thay, nhiều nhà lý luận có nhận thức cao, biết điều đó, nhưng không có cơ hội tư vấn, phản biện, tranh luận nghệ thuật, không nói ra trong các hội thảo, đăng trên các tạp chí để nhiều người biết sự tồn tại bất hợp lý này.

Hiện tượng đề cao mỹ thuật tạo hình và tầm thường hóa mỹ thuật ứng dụng là phản ánh nhận thức chưa đầy đủ về khái niệm mỹ thuật ứng dụng của nhiều họa sĩ do không được đào tạo đúng hướng, do ít thông tin, do tầm nhìn hạn hẹp, chưa thấy được vai trò và tầm quan trọng của mỹ thuật ứng dụng trong đời sống xã hội, trong sản xuất kinh doanh ở Việt Nam và trên thế giới. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Bảo từng nêu nhận xét: "Mỹ thuật tạo hình làm giàu cho cá nhân, Design công nghiệp làm giàu cho đất nước", còn họa sĩ Lê Lam nói: "Design công nghiệp, loại hình nghệ thuật thật là vĩ đại", nhưng thực tế ở ta mỹ thuật ứng dụng, Design công nghiệp chưa được coi trọng. Họa sĩ Lê Lam còn nói thêm: "Đến nỗi tranh cổ động của tôi in ra 40.000 bản để vận động, tuyên truyền trong kháng chiến chống Mỹ vẫn không thừa nhận là tác phẩm".

Về khái niệm, mỹ thuật gồm hai phạm trù: Mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng (nhiều nước chia ra hai hội, thậm chí nhiều hội phân biệt). Mỹ thuật tạo hình (tiếng Đức: Bildende Kunst) là tạo ra hình ảnh, hình tượng, với hai ngành chính: Hội họa và Điêu khắc (vẽ tranh và tạc tượng), phản ánh thế giới khách quan, tự nhiên, con người, xã hội, có nhiều thể loại tranh sơn dầu, sơn mài, tranh khắc... chất liệu khác nhau, treo trên tường, tiền sảnh, ngoài trời và các tượng đồng, đá, gỗ, thạnh cao, composite... tùy theo chất liệu đặt ở trong nhà, ngoài trời để mọi người thưởng thức, được gọi là loại hình văn hóa nghệ thuật phi vật thể...

Khác biệt với Mỹ thuật tạo hình, Mỹ thuật ứng dụng (tiếng Đức: Angewandte Kunst, tiếng Anh: Applied Art) không tạo ra hình ảnh, hình tượng, không phản ánh thế giới khách quan, tự nhiên, con người, xã hội, mà sáng tạo ra tác phẩm vật chất cụ thể, cái đẹp bao hàm cái thực dụng. Mỹ thuật ứng dụng vừa để nhìn ngắm thưởng thức cái đẹp bằng cảm thụ thị giác và là vật thể sử dụng, nên nó thuộc loại hình văn hóa nghệ thuật vật thể và phi vật thể.

Mỹ thuật ứng dụng bao gồm mỹ nghệ thủ công như: Mây tre đan, gốm sứ, sơn mài..., Mỹ thuật công nghiệp, Design sản phẩm, Design công nghiệp, Design môi trường, Design ánh sáng, Design không khí, Design phế loại... Riêng đề tài Design không khí như là sáng chế, sáng tạo, thiết kế, tạo dáng, cải tiến các loại: Diều gió, roto gió, quạt trần, quạt bàn, thông gió, điều hòa không khí, máy bay... Đề tài Design phế loại là sáng chế, sáng tạo trong lĩnh vực biến các phế thải thành sản phẩm công nghiệp như: Giấy vụn trở thành đồ chơi; ôtô, hàng tiêu dùng, máy móc, các loại vứt đi thành sản phẩm công nghiệp; biến khí thải thành lò sưởi... Đó là vũ khí cạnh tranh thị trường rất hữu hiệu nên được chủ nghĩa tư bản sử dụng trở nên giàu có nhanh...

Tiếc thay các nhà lý luận phê bình mỹ thuật ở ta đến nay vẫn chưa làm rõ khái niệm mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật công nghiệp, đặng qua đó góp phần quảng bá vai trò và tầm quan trọng của mỹ thuật ứng dụng trong sản xuất kinh doanh, biến nó thành vũ khí cạnh tranh trên thị trường để nước ta chóng giàu mạnh

Phạm Phú Uynh
.
.
.