Một cách tiếp cận văn chương
- "Truyền lửa" văn chương
- Sống với văn chương cùng thời
- Văn chương cho người trẻ: Loanh quanh với nỗi đau
- Mượn chỗ văn chương ngụ tính tình!
Mỗi nhà văn được "vẽ" và "dựng" trong tập sách này đều rất sáng rõ về lộ trình sáng tác. Tuy nhiên mỗi người lại có một nẻo lối riêng của mình khi đến với văn chương. Nhưng có một đại lộ chung cho các nhà văn thuộc nhiều thế hệ khác nhau: đó là cách mạng, kháng chiến chống Pháp và Mỹ, là công cuộc xây dựng đất nước thời hậu chiến trong xu thế đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.
Văn chương không phải là lịch sử, tất nhiên. Nhưng văn chương không thể đứng ngoài lịch sử và chính trị, vốn là những phương diện quan trọng tạo nên sinh khí của các hoạt động tinh thần của con người ở bất kì thời đại nào.
Bảy nhà văn thuộc nhiều thế hệ, nhưng họ có một mẫu số chung, đó là "người của thời đại cách mạng", và cái đích đến cũng như động cơ cầm bút của các thế hệ này lại chỉ là một. Họ viết như một sự thúc bách nội tâm, như một duyên nghiệp, như một định mệnh. Và họ đều trung thành, thậm chí nói quá lên là, một lòng sống chết với văn chương chữ nghĩa. Họ coi hành động sáng tạo là một trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ trước xã hội, không coi văn chương chỉ là một "trò chơi", thậm chí là "một trò chơi vô tăm tích" như ai đó có lúc nói vống lên cho khác người. Và một điểm này nữa cũng tạo nên mẫu số chung của họ: đó là tình yêu tiếng mẹ đẻ (là tiếng dân tộc sinh ra họ) và tiếng Việt chung cho cả cộng đồng 90 triệu người.
Một phương diện quan trọng khác trong mẫu số chung của các nhà văn dân tộc ít người được "dựng" trong trong cuốn sách này, đó chính là nhân cách nhà văn từ góc nhìn văn hóa. Hạt nhân của "nhân cách" chính là đạo đức, và hạt nhân của đạo đức chính là tình thương. Chỉ cần một chi tiết vị Thứ trưởng, kiêm Hiệu trưởng Nông Quốc Chấn tận tình chăm sóc người đồng hương và là học trò Hứa Vĩnh Sước (Y Phương) khi anh nằm viện, đủ thấy được trái đất này, cuộc đời này chưa bị đóng băng và tan rữa vì tình người vẫn nồng ấm, tràn đầy.
Một bài báo của nhà văn Tạ Duy Anh đã khiến các "ông quan địa phương" lưu tâm thu xếp công ăn việc làm cho nhà văn Cao Duy Sơn đang thất nghiệp sau mấy năm đèn sách theo học Trường Viết văn Nguyễn Du. Ứng xử chính là một trong các giá trị để nhận diện tố chất văn hóa của con người.
Lê Thị Bích Hồng đã cố gắng để chỉ ra cái đặc sắc của phong cách mỗi nhà văn mà mình yêu mến. Cảm nhận và phân tích phong cách nghệ thuật của mỗi cá nhân nghệ sỹ là điều khó nhất đối với nhà nghiên cứu. Phong cách gắn liền với cá tính sáng tạo. Cá tính là sự hun đúc có khi ngẫu nhiên, nhưng chủ yếu là tất nhiên, của tài năng bẩm sinh, đã đành, nhưng chủ yếu là do sự kiên nhẫn tự rèn luyện.
Nói cách khác, tiếp cận một phong cách nghệ thuật, nhà nghiên cứu phải dày công phân tích cho được những yếu tố khách quan và chủ quan đã hun đúc nên tài năng ấy. Cái gọi là "Trời cho" của một tài năng nhiều khi không rõ ràng, thậm chí huyền bí và ít ỏi. Nhưng những cái "Đời cho" thì hiển hiện, phát lộ, và thường là dư dả. Và cốt nhất vẫn là sự nỗ lực vươn lên của mỗi cá nhân, tôi gọi đó là "Người cho". Ba nhân tố này kết tinh lại trong một cá thể sáng tạo.
Phong cách những nhà văn được "vẽ" và "dựng" trong tập sách này, theo tôi, đã hội đủ "3 trong 1". Nếu không có sự lăn lộn, từng trải, nếm đủ các thăng trầm của cuộc sống, tôi chắc không có một Y Phương như hôm nay, ấy là nói một ví dụ rất cụ thể để thấy. Lại nói về cái chủ quan trong một phong cách, như trường hợp Y Phương. Tôi thấy, qua cách phân tích của Lê Thị Bích Hồng, đó là sự hào hiệp của chủ thể. Hào hiệp và phóng khoáng - đó là phẩm tính quan trọng của một hồn thơ.
Đọc tác phẩm của Lê Thị Bích Hồng, độc giả "lẩy" ra được những nét chính trong phong cách mỗi nhà văn. Đó là một Nông Quốc Chấn với "sự giản dị, giản dị đến mức tưởng như không còn gì có thể giản dị hơn. Thơ ông hồn nhiên, giản dị như núi rừng".
Người ta nói "cái đẹp là sự giản dị" quả không sai, ứng vào trường hợp Nông Quốc Chấn là sát hợp nhất. Đó là Bàn Tài Đoàn trong thơ nguyên vẹn và tinh khôi của những thiên nhiên trong lành, của những tình cảm chân phương, của những ngôn từ giản dị mang phong vị dân gian "Bàn Tài Đoàn luôn có ý thức dung dưỡng thơ mình bằng nguồn thơ ca dân gian" (nhân bàn về nhà thơ này, thiết nghĩ cách viết của Lê Thị Bích Hồng gợi cho chúng ta suy nghĩ nghiêm túc hơn về văn hóa dân gian luôn luôn như là nguồn sữa nuôi dưỡng văn học viết; dường như các nhà thơ dân tộc ít người có cái ý thức sâu sắc hơn các nhà thơ dân tộc Kinh về sự hứng khởi tiếp nhận nguồn suối nghệ thuật dân gian. Phải chăng họ sống gần thiên nhiên hơn? Phải chăng tâm hồn họ thuần phác và giản dị hơn?).
Một Cao Duy Sơn thâm trầm, sâu sắc trong văn xuôi, một lối văn xuôi không tự đóng khung trong giới hạn không gian - thời gian chật hẹp của "thung thổ văn hóa". Trái lại rất "mở" trong chủ đề, phong cách và bút pháp. Truyền thống và hiện đại kết hợp nhuần nhuyễn khiến cho văn xuôi Cao Duy Sơn đi ra được biển lớn, hòa nhập được với khu vực (tập truyện ngắn "Ngôi nhà xưa bên suối" nhận Giải thưởng văn học Đông Nam Á, 2009).
Cuốn sách mới "Những người tự đục đá kê cao quê hương" của Lê Thị Bích Hồng gợi cho độc giả suy ngẫm về một vấn đề quan thiết: Nhà văn dân tộc ít người và việc sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ. Viết tới đây tôi chợt nhớ đến R. Gamzatôp (1923-2003), nhà thơ dân tộc thiểu số Avar, nước Cộng hòa tự trị Đaghextan (thuộc Liên bang Nga). Ông sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ, tác phẩm của ông được phổ biến bằng tiếng Nga thời kì Liên xô (trước đây) và được dịch ra nhiều ngữ trên thế giới. R. Gamzatôp có bài thơ rất hay "Tiếng mẹ đẻ" (được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn 6).
Bài thơ ngắn nhưng dung chứa tư tưởng lớn và nghệ thuật cao siêu: "Mơ hồ thấm từng âm thanh tiếng mẹ/Tôi bỗng tỉnh ra. Tới giây phút lạ lùng/Tôi chợt hiểu, người chữa tôi khỏi bệnh/Chẳng thể là ai, ngoài tiếng mẹ thân thương/Những tiếng khác dành cho dân tộc khác/Cũng sẽ khiến cho lành bệnh bao người/Tôi chỉ biết nếu tiếng tôi biến mất/Thì tôi sẵn sàng nhắm mắt buông xuôi".
Tâm thế của nhà thơ Gamzatôp gợi cho chúng ta suy nghĩ về thực trạng văn chương các dân tộc ít người hiện nay. Trong số những nhà văn dân tộc ít người mà Lê Thị Bích Hồng "dựng", tôi thấy, chỉ có nhà thơ Bàn Tài Đoàn là người chủ yếu sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ (tiếng Dao). Tác giả đưa ra những con số rất cụ thể: Khảo sát 13 tập thơ của Bàn Tài Đoàn thấy có 4 tập thơ hoàn toàn viết bằng tiếng Dao, 9 tập thơ viết bằng song ngữ Dao và Quốc ngữ, chỉ có một số rất ít bài thơ hoàn toàn viết bằng Quốc ngữ.
Đó là những vấn đề, theo tôi, có tính chất chiến lược phát triển nền văn học Việt Nam nhiều dân tộc. Nhà thơ Y Phương trong bài thơ "Nói với con" (được đưa vào Sách giáo khoa Ngữ văn 9), đã viết: "Người đồng mình thô sơ da thịt/Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/Còn quê hương thì làm phong tục/Con ơi tuy thô sơ da thịt/Lên đường/Không bao giờ nhỏ bé được/Nghe con". Từ cái cấu tứ này của bài thơ, Lê Thị Bích Hồng đã mượn đặt tên cho tác phẩm mới của mình: "Những người tự đục đá kê cao quê hương". Một cuốn sách, tôi nghĩ là bổ ích và lí thú cho những ai yêu quý văn chương nước nhà nói chung, văn chương các dân tộc ít người nói riêng.
Hà Nội, tháng 1 năm 2016