Hồi sinh lòng tự trọng

Thứ Bảy, 02/04/2016, 08:00
Ý thức tự trọng cực cao là một trong những phẩm chất nổi bật của người Nhật, đã được cả thế giới biết đến và thừa nhận. Hiếm quốc gia nào tỷ lệ từ chức cao như ở Nhật. Hình ảnh người đại diện công quyền đứng cúi mặt xin lỗi dân trên truyền thông đã trở nên quá đỗi thân thuộc. Thế giới càng bàng hoàng hơn khi cha mẹ của phóng viên Kenji Goto, người bị lực lượng IS hành quyết dã man, cúi đầu xin lỗi cả nước trên kênh truyền hình quốc gia vì cái chết của con họ đã làm phiền mọi người...


Bài học từ người Nhật

Trận động đất gây ra đợt sóng Thần ngoài khơi vùng đông bắc Nhật Bản năm 2011 đã cướp đi gần 20 nghìn sinh mạng, thiệt hại tài sản lên đến hàng trăm tỷ đô la, thiệt hại môi trường còn phải khắc phục nhiều năm sau này. Thế nhưng, ngay cả trong những thời khắc khó khăn ấy, người ta vẫn thấy hình ảnh một nước Nhật kiên cường, kỷ cương, nhân văn và đầy tự trọng. Người ta kiên nhẫn xếp hàng chờ cứu trợ, tuyệt nhiên không có cảnh chen lấn, cướp bóc. Điều đó khiến giáo sư đại học Havard Joseph Nye tin tưởng rằng thảm họa này có thể khiến "quyền lực mềm" của nước Nhật tăng lên.

Ý thức tự trọng cực cao là một trong những phẩm chất nổi bật của người Nhật, đã được cả thế giới biết đến và thừa nhận. Hiếm quốc gia nào tỷ lệ từ chức cao như ở Nhật. Hình ảnh người đại diện công quyền đứng cúi mặt xin lỗi dân trên truyền thông đã trở nên quá đỗi thân thuộc. Thế giới càng bàng hoàng hơn khi cha mẹ của phóng viên Kenji Goto, người bị lực lượng IS hành quyết dã man, cúi đầu xin lỗi cả nước trên kênh truyền hình quốc gia vì cái chết của con họ đã làm phiền mọi người.

Tự trọng qua một cách nhìn

Hiểu một cách giản đơn nhất, tự trọng là tôn trọng bản thân nhưng thế nào là tôn trọng bản thân thì mỗi người một cách hiểu. Cá nhân tôi cho rằng tự trọng trước hết phải là sự nhất quán giữa suy nghĩ, lời nói và hành động. Một cá nhân không thể coi là tự trọng bản thân mình khi nghĩ là A, nói là B rồi lại làm C. Người tự trọng sẽ chỉ nhận những gì mình xứng đáng một cách hợp lý, hợp tình và dám nhận lỗi thay vì tìm cách đổ sang cho người khác.

Về mặt lý thuyết, quan chức phải là tầng lớp tinh hoa, là tấm gương để dân soi vào đó mà học, mà noi theo. Đáng buồn thay, ngày càng có nhiều quan chức xứ mình đánh mất những phẩm chất để tạo ra sự tinh hoa đó, mà điển hình là lòng tự trọng. Hiện tượng chạy chức, mua bán bằng giả không còn là cá biệt ở nhiều nơi. Không ít người cứ bàng quan ngự trên chiếc ghế mà họ thừa biết mình chưa bao giờ xứng đáng hay rao giảng những điều mà bản thân họ cũng không hiểu, không tin.

Công luận xứ mình đã quá quen với việc quan chức trả lời vòng vo khi có sự vụ. Họ cực kỳ khéo léo đưa ra các nguyên nhân vãng lai, mềm mại đẩy trách nhiệm ra xa khỏi chiếc ghế của mình, tài tình biến đó là những yếu kém khách quan và hào hứng nhấn mạnh cả tập thể cần kiểm điểm rút kinh nghiệm. Hiếm có vị nào nhận lỗi về mình, thậm chí hiếm có vị nào nói ra nổi một lời xin lỗi trước nhân dân. Còn từ chức thì tuyệt nhiên, kiên quyết không nghĩ đến…

Người ta ngày càng quen với các câu trả lời "bất hủ" của không ít quan chức khi trả lời phỏng vấn báo chí về sự cố liên quan đến chức phận của mình. Nhiều khi chúng mang tính hài hước vô cùng: đào xuyên núi để làm hầm rượu, cầu sập một nửa vẫn dùng tốt, ùn ứ chứ không phải ùn tắc giao thông hay nữ sinh không đánh nhau sẽ không năng động. Cũng không ít câu trả lời thể hiện tầm, tâm vô cùng hạn hẹp: dân có biết đâu mà hỏi ý kiến, dân trí thấp không thể tùy tiện trưng cầu dân ý, cần làm yên lòng dân dù đường ống nước sông Đà có tiếp tục vỡ…

Không ít vị chỉ lên tiếng khi màu sắc "hoàng hôn nhiệm kỳ" hiện rõ. Họ bỗng nhiên hồ hởi hơn, mở rộng vòng tay với truyền thông, nhiệt tình đưa ra những lời vàng, ý ngọc. Họ trăn trở, băn khoăn, họ day dứt và quyết liệt như thể họ mang chúng ra từ tâm can của chính bản thân mình. Không ít vị "diễn" hơn cả kịch sỹ bởi lời nói nào có xuất phát từ tâm trí. Chúng đến từ đâu đó nơi danh, lợi đè nát lòng tự trọng, nhuốm hắc ám lên màu nhân văn… Bản thân mình chưa trọng, họ còn trọng được ai?

Lòng tự trọng đến từ số đông

Sẽ là không công bằng nếu cho rằng tự trọng chỉ khó tìm chốn cửa quan bởi trên thực tế, không ít nhân viên cũng đã và đang đánh rơi lòng tự trọng. Không ít người luôn lấy hoàn cảnh như một tấm bình phong, như lời bào chữa cho các hành vi sực mùi vụ lợi, nhạt màu nhân văn. Cũng không ít người chỉ biết "nhiếc mắng quan" mà chẳng bao giờ chịu soi lại bản thân mình, tự hỏi mình có thực sự tốt hơn những người mình đang phê phán…

Người ta hèn nhát, nhẫn nhục im lặng trước cái sai, dối lòng mình nói những điều sáo rỗng, gạch nhầm ô trong lá phiếu chỉ để đẹp lòng lãnh đạo. Người ta nhiều khi cũng vô cảm không dám bênh vực, thậm chí còn vào hùa "ném đá" những đồng nghiệp dù cho tâm gan họ biết mười mươi những người ấy đúng ra phải được tuyên dương. Người ta im lặng vì bận mải miết nghĩ về chuyện lên lương, lên chức của chính bản thân mình…

Cũng chẳng mấy người thực lòng đồng tình với sếp, họ ca ngợi sếp chỉ để mưu cầu danh lợi cho mình. Điều đáng trách là họ dễ dàng quên những gì mình nói trong cuộc họp, trước mặt lãnh đạo để quay ngoắt 180 độ kể lể tội tình, chửi bới sếp với đồng nghiệp khác bên quán bia vỉa hè. Những con người như thế, còn làm nổi gì, dạy nổi ai?

Mỗi con người có thể có nhiều phẩm chất nhưng lòng tự trọng luôn là giá trị quan trọng nhất bởi thiếu nó, người ta không thể là chính mình. Chính vì thế, hãy nuôi dưỡng và giữ chúng cho bản thân, trừ phi bạn muốn bán tâm hồn và thân xác mình cho kẻ khác. 

Nguyễn Công Thảo
.
.
.