Xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép gần khu vực cầu Mỹ Thuận

Thứ Ba, 31/01/2023, 08:58

Khu vực cầu Mỹ Thuận thuộc huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) là khu vực cấm thực hiện các hoạt động khai thác khoáng sản (cát sông). Tuy nhiên với trữ lượng cát lớn và lại là khu vực giáp ranh nên các đối tượng lén lút tập trung phương tiện để khai thác cát trái phép. Lực lượng Công an đã tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và xử lý hàng loạt trường hợp vi phạm.

Khu vực gần cầu Mỹ Thuận là địa bàn trọng điểm, Công an tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác cát trái phép. Công an huyện Cái Bè cử lực lượng thường xuyên cắm chốt tại khu vực cầu Mỹ Thuận và phối hợp với đơn vị nghiệp vụ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.

Phòng Cảnh sát môi trường đã tham mưu, thành lập tổ công tác liên ngành xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra thường xuyên, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên tuyến sông Tiền, đặc biệt là khu vực gần cầu Mỹ Thuận. Lực lượng Cảnh sát giao thông duy trì, bố trí các tổ công tác mật phục, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép tại đây. Riêng trong năm 2022, các lực lượng đã phát hiện, xử lý 11 vụ/24 đối tượng, tịch thu 3 máy hút cát.

Xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép gần khu vực cầu Mỹ Thuận -0
Phương tiện khai thác trái phép gần khu vực cầu Mỹ Thuận.

Tuyến sông Tiền qua huyện Cái Bè dài khoảng 20km, kéo dài từ xã Đông Hòa Hiệp đến xã Tân Thanh, giáp với tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Theo Công an huyện Cái Bè, thời gian qua hoạt động khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, nhất là cán bộ hưu trí đã có phản ánh. Công an huyện Cái Bè đã có nhiều kế hoạch xử lý, đồng thời phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tập trung xử lý vi phạm về vận chuyển, khai thác cát trái phép.

Năm 2022, Công an huyện Cái Bè đã phát hiện, xử lý 21 vụ mua bán khoáng sản (cát) và khai thác khoáng sản trái phép liên quan đến 31 đối tượng. Trong cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, khuya 8/12/2022, Công an huyện Cái Bè tuần tra trên tuyến sông Tiền đã phát hiện phương tiện thủy (tàu sắt) đang vận chuyển cát nên kiểm tra. Nguyễn Quốc Cường (SN 1984, ngụ huyện Cái Bè) là người điều khiển và quản lý phương tiện không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc cát đang vận chuyển. Công an huyện Cái Bè đã ra quyết định xử phạt hành chính đối tượng hơn 15 triệu đồng về hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp và tịch thu tang vật. Tiếp đó vào khuya 3/1, Công an huyện Cái Bè tiếp tục phát hiện sà lan neo đậu trên tuyến sông Tiền có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, trên sà lan có 12,6m3 cát. Võ Văn Bé (SN 1970, ngụ huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) là người quản lý phương tiện cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc cát.

Theo Công an huyện Cái Bè, các nhóm đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động rất tinh vi. Đối tượng thuê người cảnh giới, túc trực tại các địa điểm cơ quan Công an sẽ xuất phát tuần tra. Khi phát hiện lực lượng xuất phát tuần tra, các đối tượng thông báo cho nhau và ngưng hoạt động, đưa phương tiện lẩn trốn. Để đấu tranh hiệu quả hoạt động khai thác cát trái phép, Công an huyện Cái Bè đã tăng cường công tác nắm địa bàn, quy luật hoạt động của các đối tượng có biểu hiện nghi vấn để lên kế hoạch kiểm tra, xử lý và phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, ban, ngành kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ cát trên phương tiện hoạt động tuyến sông Tiền và trên địa bàn huyện Cái Bè.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, tình hình khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp. Công an tỉnh Tiền Giang cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, UBND các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (đặc biệt là cát lòng sông). Lực lượng Công an đã mở nhiều đợt kiểm tra tập trung tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát trái phép.

Tuy nhiên đến nay tình trạng khai thác cát trái phép vẫn chưa giải quyết dứt điểm, do nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chính là lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép lớn, các đối tượng bất chấp pháp luật, dùng nhiều biện pháp đối phó lực lượng chức năng. Các đối tượng lợi dụng đêm khuya, thực hiện hành vi khai thác cát trái phép trên các tuyến sông giáp ranh giữa các tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, đồng thời bố trí người chạy xuồng máy tốc độ cao, dọc các đoạn sông, nơi các đối tượng đang khai thác cát trái phép để cảnh giới. Trên bờ, các đối tượng thuê người canh phương tiện chở tổ kiểm tra để kịp thời thông báo cho các đối tượng khai thác cát trái phép biết nhằm đối phó.

Ngoài nhu cầu sử dụng cát san lấp lớn mà nguồn cung khan hiếm dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép thì công tác quản lý còn yếu, chính quyền cấp cơ sở một số nơi chưa vào cuộc quyết liệt, chưa thường xuyên kiểm tra, chưa giải quyết triệt để. Trong thời gian tới, các công trình, dự án lớn được khởi công thực hiện, nhu cầu về cát san lấp rất lớn, do đó tình hình khai thác cát trái phép sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của tổ công tác liên ngành, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát trái phép trên tuyến sông Tiền và kiên quyết không để tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra kéo dài.

Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng (Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ đội Biên phòng, Thủy đoàn II thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh giáp ranh Vĩnh Long, Bến Tre…) trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa Công an các tỉnh giáp ranh Tiền Giang (Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu tranh với loại tội phạm khai thác cát trái phép.

Văn Vĩnh
.
.
.