Triệt phá đường dây khai thác gỗ trái phép ở Vườn quốc gia Yok Đôn (kỳ 6)
Trong quá trình thu thập thông tin, những điều “mắt thấy, tai nghe” khiến các trinh sát Cục Cảnh sát PCTP về môi trường không khỏi xót xa trước những cánh rừng bị chảy máu. Phượng “râu” đã khai thác rừng từ năm 2008, với khối lượng gỗ khai thác được mỗi tháng lên đến hàng nghìn m3...
“Nằm gai, nếm mật” dựng chân dung đối tượng cầm đầu
Vườn quốc gia Yok Đôn thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Có những thời điểm, ở khu rừng đặc dụng này, tình trạng phá rừng trái phép diễn biến phức tạp, khiến các cơ quan, trong đó có báo chí phải “lên tiếng”. Vào thời điểm đó, chỉ cần tra chữ google có thể cho thấy hàng loạt các kết quả như: "Ai phá rừng Quốc gia Yok Đôn?"; "Khủng khiếp" nạn phá rừng tại Vườn quốc gia Yok Đôn"…, Vậy nhưng, tình trạng vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng ở nơi đây vẫn diễn biến phức tạp.
Trước tình hình ấy, các trinh sát Phòng 3, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường (cơ quan đại diện phía Nam) đã báo cáo và được lãnh đạo Cục đồng ý xác minh, thu thập thông tin về hiện tượng khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép lâm sản xảy ra tại khu vực Vườn quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk và huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông. Những ngày luồn rừng, bám bản, Phòng 3 đã xác định Phan Hữu Phượng, tên gọi khác là Phượng “râu” (SN 1968, trú tại huyện Cư Rút, tỉnh Đắk Nông), cầm đầu nhóm đối tượng với khoảng 15 đến 20 người, thường xuyên tổ chức khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn, nằm sát vành đai biên giới với Campuchia, theo dọc tuyến quốc lộ 14C, cách đồn Biên phòng 747 khoảng 3km.
Khi đi sâu vào nắm bắt hoạt động của nhóm đối tượng, các trinh sát đã bước đầu dựng được chân dung, vai trò của các đối tượng trong ổ nhóm. Trong đó, Bình “voi” là người chuyên đứng ra quan hệ với các cơ quan chức năng trên địa bàn, dẫn đường đưa gỗ đến nơi tiêu thụ; đối tượng Quyền, em ruột của Phượng “râu” là người trực tiếp điều hành nhóm thợ cưa gỗ; đối tượng tên Chính có nhiệm vụ khảo sát, lựa chọn cây trong rừng để nhóm thợ của Quyền cưa hạ. Số thợ cưa gỗ được các đối tượng tuyển lựa từ nhiều địa phương, mức lương được Phương “râu” chi trả cố định khoảng 5 triệu đồng/tháng; Chinh được Phượng trả 10 triệu đồng/tháng. Đối với số công nhân thời vụ, Phượng “râu” trả công căn cứ vào khối lượng gỗ khai thác, vận chuyển đến bãi tập kết với số tiền khoảng 500 nghìn đồng/m3 gỗ khai thác được.
Trong quá trình thu thập thông tin, những điều “mắt thấy, tai nghe” khiến các trinh sát Cục Cảnh sát PCTP về môi trường không khỏi xót xa trước những cánh rừng bị chảy máu. Phượng “râu” đã khai thác rừng từ năm 2008, với khối lượng gỗ khai thác được mỗi tháng lên đến hàng nghìn m3. Chủng loại gỗ mà chúng tập trung khai thác là những loại gỗ quý, hiếm như Hương, Chiu Liu, Căm Xe, Gõ Mật… Sau khi đốn hạ cây, chúng sẽ cắt ngọn, xẻ hộp hoặc để gỗ tròn nguyên cây và kéo về các bãi tập kết tạm, nằm rải rác tại khu vực khai thác ngay trong rừng, ngay cạnh sông Blài. Sau đó, các đối tượng dùng xe tải reo kéo ra hai bãi tập kết chính… Số gỗ này được các đối tượng hợp thức hồ sơ, nguỵ trang bán lại cho các cá nhân có nhu cầu. Tại thời điểm trinh sát, tháng 3/2018, cả 2 kho này đang chứa khoảng vài trăm m3 gỗ các loại do nghỉ Tết Mậu Tuất 2018.
Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu có được, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã ra quyết định thành lập Ban Chuyên án. Do xác định có nhóm đối tượng là đại diện cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng nhưng “chống lưng” cho tội phạm ở nhiều địa phương khác nhau, lãnh đạo Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát; đề xuất lãnh đạo Bộ Công an thành lập Ban chỉ đạo chuyên án do Trung tướng Trần Văn Vệ, lúc đó là Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Bộ Công an làm trưởng ban.
3 nội dung đấu tranh chuyên án đã được đặt ra. Trong đó, có việc cụ thể hoá hành vi, xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm của từng đối tượng có liên quan và phát hiện, làm rõ nguyên nhân và điều kiện phát sinh vi phạm trong công tác bảo vệ rừng. Từ đó, kịp thời tham mưu trong công tác quản lý Nhà nước bảo vệ rừng…
Quá trình đấu tranh chuyên án trong khoảng 2 tháng, tuy thời gian không dài nhưng cường độ làm việc của Ban Chuyên án hết sức vất vả. Địa bàn núi rừng giáp ranh biên giới với Campuchia, đối tượng chủ mưu là người có tiềm lực kinh tế và mối quan hệ thân thiết với lực lượng thi hành pháp luật ở địa phương. Khi ấy, các trinh sát phải thường xuyên bám địa bàn, giám sát đối tượng, giám sát nơi ở, kho chứa gỗ và di biến động của băng nhóm do Phượng “râu” cầm đầu 24/24h.
Chi đậm, lót tay cán bộ để phá rừng
Ngày 26/4/2018, qua nguồn tin của quần chúng cung cấp và qua công tác trinh sát, Ban Chuyên án phát hiện Phượng “râu” sử dụng 2 xe tải BKS 61L- 3057 và 61C-07270 để vận chuyển gỗ từ nơi khai thác trái phép đưa về kho ở Cư Jut, Đắk Nông. Sau khi nhận định tình hình, Ban chuyên án đã thống nhất với Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt quả tang xe tải chở gỗ thứ nhất khi về kho, đang bốc gỗ trên xe vào kho. Đồng thời, một tổ công tác khác bắt quả tang xe tải thứ 2 đang trên đường vận chuyển gỗ đưa về kho… Giữa lúc này, một tình huống mới xuất hiện, buộc kế hoạch phải có sự thay đổi. Qua công tác theo dõi, các trinh sát phát hiện tại chòi, đối tượng Quyền có sử dụng 1 khẩu súng tự chế. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho CBCS tham gia phá án, bắt quả tang đối tượng tại chòi, Ban chuyên án và Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thống nhất đề nghị Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm bố trí áo chống đạn và có phương án đảm bảo an toàn cho CBCS.
Thực hiện kế hoạch phá án, rạng sáng 27/4/2018, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT và Tiểu đoàn đặc nhiệm số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã bắt quả tang 2 xe tải do Trần Lưu Lân (SN 1970) và Hồ Trọng Dũng (SN 1965, trú tại Đắk Lắk) điều khiển, vận chuyển lâm sản đưa vào xưởng gỗ của Công ty TNHH MTV Long Vũ (gọi tắt là Công ty Long Vũ), do bà Đặng Thị Uyên Chinh, vợ của Phượng “râu” làm giám đốc. Kết quả kiểm kê xác định, trên 2 xe ô tô có 40 m3 gỗ các loại. Số lượng gỗ này, các đối tượng khai nhận vận chuyển từ bãi tập kết gỗ khu vực lán trại tiểu khu 464 thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho Phượng. Quá trình đấu tranh, đến 7h ngày 27/4/2018, tổ công tác đã bắt giữ Phượng và 5 đối tượng chính có liên quan đến vụ án.
Đường dây hoạt động của Phượng là một tổ chức khép kín, chuyên hoạt động, khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép lâm sản trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Trong nhiều năm, đối tượng đã lợi dụng các mối quan hệ để tổ chức đưa người và phương tiện vào khu vực đối diện Đồn Biên phòng Po Heng 747 dựng lán trại để hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép. Cùng với đó, lợi dụng việc trúng thầu giá lô gỗ trục vớt ở lòng suối Đắc Đăm, do Sở Tài chính tỉnh Đăk Lắk tổ chức đấu giá để Phượng và Công ty TNHH Thảo Trúc đăng ký với biên phòng để đưa người và phương tiện vào khu vực Đồn biên phòng bốc, vận chuyển gỗ về nơi tiêu thụ.
Để che giấu hành vi phạm tội, Phượng đã sử dụng thủ đoạn để gỗ mua trúng đấu giá (gỗ có dấu búa kiểm lâm và có giấy tờ, chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá) tại bãi. Nhưng sau đó, đối tượng không vận chuyển hoặc vận chuyển rất ít để kéo dài thời gian; sau đó, tiếp tục xin gia hạn thời gian để tổ chức đường dây vào rừng khai thác gỗ trái phép ở khu vực vườn quốc gia Yok Đôn và rừng già giáp ranh Campuchia. Sau đó, trà trộn gỗ khai thác trái phép với gỗ có nguồn gốc hợp pháp mua đấu giá, đưa về nơi tiêu thụ.
Ngày 3/5/2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã ra Quyết định số 88/PC46 khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” xảy ra tại huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông và ra các quyết định khởi tố đối với 25 bị can. Qua điều tra cho thấy, các đối tượng Phượng và Nguyễn Hoàng Trang (SN 1982), đệ tử thân tín của Phượng mở sổ theo dõi, ghi chép số lượng, chi phí khai thác, vận chuyển, tiền chung chi cho các cá nhân trong các cơ quan, đơn vị có liên quan, lập bảng kê lâm sản để Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn xác nhận và áp tải xe vận chuyển gỗ từ Vườn Quốc gia Yok Đôn về huyện Cư Jút mà không bị kiểm soát, kiểm tra, phát hiện thu giữ. Phương và Kiệt đồng thời đã giao cho Trang gặp và đưa hối lộ cho nhiều cán bộ. Qua thống kê, ghi chép, Phượng “râu” đã 5 lần đưa tiền cho Lê Quang Thái với tổng số tiền 249,5 triệu đồng; Bùi Văn Khang 120 triệu đồng…
Sáng 19/9/2019, sau ba ngày xét xử, nghị án, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt 25 bị cáo trong đường dây khai thác, vận chuyển gỗ lậu liên quan đến ông trùm Phan Hữu Phượng (Phượng "râu") về các tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; đưa, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phan Hữu Phượng 6 năm tù về tội “vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”; 2 năm 6 tháng tù về tội "Đưa hối lộ", với tổng hình phạt 8 năm 6 tháng tù, cao hơn mức Viện KSND tỉnh Đắk Nông đề nghị 6 tháng tù. Đối với nhóm cán bộ kiểm lâm cũng bị xử phạt mức án khá cao, trong đó Lê Quang Thái, nguyên cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Bùi Văn Khang, nguyên Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk bị tuyên phạt 2 năm tù cũng với tội danh trên; Hà Thăng Long, công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn bị tuyên 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng Bùi Đăng Hiệp, Phạm Văn Hồng, nguyên cán bộ Công ty Lâm nghiệp Đắk Will, đều bị 2 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ”....