Tránh mắc bẫy lừa đảo khi tham gia đầu tư các dự án bất động sản

Thứ Sáu, 06/09/2024, 08:17

Ngày 5/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra; chuyển hồ sơ vụ án Lương Minh Anh (SN 1997, trú tại thôn Linh Khê, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đến Viện KSND tỉnh Hải Dương, đề nghị truy tố đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Được biết, đây chỉ là một trong những vụ án liên quan đến việc góp vốn đầu tư vào các dự án bất động sản được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương thụ lý, điều tra trong thời gian qua. Trong các vụ án này, thủ đoạn của đối tượng phạm tội thường là giới thiệu có quan hệ xã hội rộng; sau đó kêu gọi góp vốn đầu tư để được hưởng các ưu đãi “khủng” như mua đất dự án có vị trí đẹp với giá hời… Sau khi các “con mồi” đã cắn câu, đối tượng chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng rồi “cao chạy, xa bay”.

Về phần người bị hại, tuy tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản nhưng lại thiếu thông tin…, nên dễ dàng rơi vào “ma trận” do các “cò đất” đưa ra để đầu tư vào các dự án “vịt trời” dẫn đến “tiền mất, tật mang”. 

Đặt cọc giữ chỗ mua phải đất “vịt trời”

Trường hợp của Lương Minh Anh là một điển hình. Quá trình điều tra, đến nay Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương xác định, số tiền chiếm đoạt được của các cá nhân, Minh Anh đều dùng để trả nợ, tiêu xài cá nhân và đánh bạc trên mạng internet, không có khả năng chi trả.

Theo cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương, trong vụ án này, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Minh Anh không mới nhưng vẫn có nhiều nạn nhân “sập bẫy”. Cụ thể, để lấy được lòng tin của người bị hại, Minh Anh đã đưa ra các thông tin gian dối về việc có thể nhận đặt cọc giữ chỗ mua các lô đất tại các dự án khu dân cư mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương… Với chiêu trò này, nhiều người đã rơi vào “bẫy” do anh ta dựng lên. Trường hợp của chị NTMT (trú tại TP Hải Dương) là một ví dụ.

Khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4/2021, Minh Anh đã đưa ra các thông tin không đúng sự thật về việc anh ta đã đặt tiền cọc vào dự án khu đô thị Đồng Khê, địa chỉ xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Những lời lẽ có cánh của Minh Anh đã khiến chị NTMT tin tưởng. Sau đó, chị đã chuyển cho đối tượng 400 triệu đồng để đặt cọc giữ chỗ ban đầu cho 5 lô đất ở huyện Nam Sách (sau đó, chị NTMT không đặt cọc đối với 1 lô đất)… Thế nhưng, sau khi nhận tiền của nạn nhân, đối tượng sử dụng để trả nợ, đánh bạc và chi tiêu cá nhân.

lua-dao.jpg -0
Đối tượng Lương Minh Anh.

Cũng với thủ đoạn tương tự, ngày 22/11/2021, Minh Anh đưa ra thông tin không đúng sự thật về việc mình đã đặt tiền cọc vào dự án Khu đô thị Đồng Khê, xã Hồng Phong, huyện Nam Sách cho chị TND (trú tại Hải Dương). Tin rằng các dữ liệu Minh Anh đưa ra là đúng, chị NTD đã giới thiệu cho anh PVH, chị PTT và anh trai ruột là PVH (cùng trú tại Hải Dương) ký thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ đối với các lô đất do Minh Anh đưa ra. Khi anh PVH và chị PTT giao tiền cho chị TND, chị TND đã chuyển toàn bộ 650 triệu đồng cho Minh Anh. Sau khi nhận số tiền trên, Minh Anh sử dụng để trả nợ, chi tiêu cá nhân và đánh bạc hết.

Từ 26/11/2021 đến 11/5/2022, Minh Anh tiếp tục đưa ra thông tin về việc anh ta có đất và nhận ký hợp đồng thỏa thuận giữ chỗ để bán các lô đất ở Dự án khu dân cư mới phía Tây Nam Sách, huyện Nam Sách; Dự án khu dân cư Xuân Dương, phường Tứ Minh, TP Hải Dương và Dự án khu dân cư Bắc Cầu Hàn, huyện Nam Sách cho chị NTT (trú tại xã Hồng Phong, huyện Nam Sách). Tin tưởng là thật nên chị NTT đã chuyển tiền cho Minh Anh 37 lần, với tổng số tiền hơn 6,1 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền của chị NTT, Minh Anh sử dụng để trả nợ, đánh bạc và chi tiêu cá nhân hết…

Cá biệt, một số đối tượng còn thành lập công ty môi giới bất động sản để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trường hợp của đối tượng Trần Thị Xuân (SN 1988, trú tại  huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương). Trước đó, Xuân đăng ký thành lập và đứng tên chức danh Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và bất động sản Tùng Bách địa chỉ tại thôn Xuân Mang, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), chuyên về môi giới bất động sản. Đầu năm 2021, qua NVT (trú tại TP Hải Phòng), Xuân biết NĐA (trú tại tỉnh Nghệ An) làm trong lĩnh vực báo chí, có mối quan hệ và khả năng tư vấn, kết nối mua được đất thuộc các dự án.

Vì thế, Xuân đã nhờ anh NVT đưa Xuân đến gặp NĐA để nhờ tư vấn, kết nối mua đất. Ngày 12/1/2022, tại quán cà phê ở số 145, đường Nguyễn Ngọc Vũ, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Xuân gặp, thoả thuận và thống nhất sẽ chuyển cho NĐA 3 tỷ đồng để nhờ tư vấn; kết nối cho Xuân mua được các lô đất thuộc khu đất liền kề của dự án khu đô thị mới phía Tây thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách.

Sau khi thoả thuận, mặc dù chưa nhận tiền của Xuân nhưng NĐA đã viết giấy tạm ứng tiền với nội dung nhận của Xuân 3 tỷ đồng mục đích tư vấn, kết nối cho Xuân mua được bất động sản ở tỉnh Hải Dương trước 25/2/2022; nếu không thực hiện được sẽ trả lại tiền cho Xuân trước 26/2/2022. Ngày 14/1/2022, Xuân chuyển cho NĐA 4 lần với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng (mỗi lần 300 triệu đồng). Đến hẹn, NĐA không thực hiện được như đã thoả thuận, nhưng do tin tưởng đối tượng này vẫn có thể giúp mua được đất và Xuân vẫn có nhu cầu mua đất nên Xuân không yêu cầu NĐA trả lại tiền. Thời điểm này, thông qua mạng xã hội, Xuân biết dự án khu đô thị mới phía Tây thị trấn Nam Sách đến tháng 7/2022 mới được mở bán nên đề nghị NĐA trả tiền để đầu tư dự án khác.

Tiếp đó, vào ngày 24/3/2022, do có nhu cầu kinh doanh bất động sản và quen biết Xuân từ trước nên, chị TLA (trú tại tỉnh Hải Dương) liên hệ với Xuân để được tư vấn đầu tư, kinh doanh. Mặc dù biết dự án khu đô thị mới phía Tây thị trấn Nam Sách chưa mở bán và bản thân không có khả năng mua được các lô đất thuộc dự án nhưng do cần tiền để chi tiêu cá nhân và trả nợ, Xuân vẫn đưa ra thông tin không đúng về việc anh ta có khả năng ký hợp đồng mua trực tiếp được 20 lô đất có giấy tờ pháp lý đầy đủ của dự án này với chủ đầu tư. Sau đó, đối tượng rủ chị TLA chung tiền mua 10 lô đất với giá 50 triệu đồng/lô đất. Theo lời của Xuân thì sau khi kí đặt cọc mua xong sẽ được bán lại cho "Sàn đất xanh miền Bắc" thu lợi nhuận 15 triệu đồng/lô đất.

Sau đó, để chiếm đoạt tiền của người bị hại, ngày 25/3/2022, Xuân dẫn chị TLA đến trực tiếp xem dự án khu đô thị mới phía Tây thị trấn Nam Sách. Vào thời điểm này, do không được vào nên cả hai chỉ đứng ngoài cổng. Sau đó, Xuân cùng nạn nhân đến một quán cà phê ở thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách để thoả thuận. Tại đây, Xuân gửi file bản đồ vị trí các lô đất của dự án cho chị TLA qua ứng dụng Zalo; chỉ cho nạn nhân vị trí 2 khu đất liền LK07, LK08 trên bản đồ. Trong quá trình này, đối tượng còn nói rằng nếu chủ đầu tư mở bán sẽ cọc mua được 10 lô đất bất kỳ thuộc LK07, LK08 cho chị TLA.

Do tin tưởng Xuân nên chị TLA đã chuyển cho Xuân 500 triệu đồng để đặt cọc mua 10 lô đất, đối tượng hứa hẹn ngày hôm sau sẽ đưa chị TLA đi ký đặt cọc với chủ đầu tư và 7 ngày sau khi ký Xuân sẽ chuyển cho chị TLA 500 triệu đồng tiền gốc và 150 triệu đồng tiền lãi. Sau đó, giữa Xuân và chị TLA có làm bản cam kết thoả thuận đặt cọc không đề ngày với nội dung Xuân nhận số tiền 500 triệu đồng của chị T.LA để đặt cọc bán 10 lô đất thuộc dự án khu đô thị mới phía Tây thị trấn Nam Sách.

Ngày hôm sau, Xuân không thực hiện như đã cam kết mà tìm mọi lý do để khất lần, tránh mặt. Nghi ngờ Xuân đưa ra thông tin gian dối nên chị TLA yêu cầu rút lại tiền đặt cọc nhưng bất thành. Trên thực tế, sau khi nhận số tiền trên, Xuân không sử dụng để đặt cọc đất như đã thoả thuận mà sử dụng để trả nợ cho một số cá nhân.

Tránh rủi ro khi tham gia thị trường bất động sản

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương cho biết, thời gian qua, cùng với việc triển khai các dự án đầu tư phát triển đô thị, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng “ấm dần” lên. “Có cầu ắt có cung”, nắm bắt được nhu cầu trên, một số đối tượng đã lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng chiêu bài đặt cọc mua đất hoặc góp vốn đầu tư.

“Việc đặt cọc mua đất sẽ bảo vệ quyền lợi của người mua và người bán trong quá trình thực hiện các giao dịch. Tuy nhiên, hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua đất. Từ thực tế các vụ việc được phát hiện trong thời gian qua cho thấy, các đối tượng môi giới bất động sản hầu như không quen biết với chủ đầu tư dự án hay các công ty, cá nhân được chủ đầu tư ủy quyền để bán, đặt cọc đất dự án. Phần nhiều đối tượng phạm tội nắm bắt tâm lý của người mua để đưa ra những thông tin gian dối…”- Thượng tá Tiêu Văn Liễn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương cho biết. Vì thế, trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự, việc thu hồi tài sản của người bị hại gặp rất nhiều khó khăn do người góp vốn chỉ phát hiện dấu hiệu bị lừa khi vụ án đã xảy ra trong thời gian dài.

Trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn như trên, một phần cũng có lỗi của người bị hại. Từ các vụ án được điều tra, khám phá thành công trong thời gian qua cho thấy, không ít người tham gia vào thị trường bất động sản nhưng không nắm bắt được các thủ tục và quy định của pháp luật liên quan đến việc mua bán bất động sản; không thẩm định tài sản… Vì thế, họ dễ dàng rơi vào cái bẫy do các “cò đất” vẽ ra.

Theo Công an tỉnh Hải Dương, để tránh rơi vào “cái bẫy” của những kẻ lừa đảo, khi có nhu cầu giao dịch bất động sản, khách hàng cần tìm hiểu các thông tin về tính pháp lý của dự án; khi góp vốn phải được chứng thực tại các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, cần liên hệ trực tiếp với các chủ đầu tư dự án để được tư vấn, hỗ trợ, tránh nghe lời dụ dỗ từ các đối tượng “cò đất”, văn phòng tư vấn bất động sản dẫn đến bị “thổi giá” và “tiền mất, tật mang”. 

Xuân Mai

.
.