Thu lời bất chính hàng chục tỷ đồng từ việc mua, bán xăng lậu

Thứ Năm, 10/11/2022, 15:22

Ngày 10/11, tại phiên xét hỏi các bị cáo là chủ hệ thống cây xăng tại một số tỉnh, thành mua xăng lậu từ đường dây buôn lậu do Phan Thanh Hữu cầm đầu để bán ra thị trường, TAND tỉnh Đồng Nai đã xác định nhóm đối tượng này đã thu lợi bất chính hàng tỷ đồng…

Bị cáo Đỗ Văn Ba (SN 1970), ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh khai tại tòa không chỉ mua xăng lậu về bán tại hệ thống các cây xăng của mình với con số lên đến 4,5 triệu lít mà còn lấy xăng lậu rồi đưa đi bán cho 5 mối hàng khác với số lượng hơn 4 triệu lít. Thậm chí, Ba còn môi giới để bán hơn 22 triệu lít xăng lậu cho các đối tượng khác.

Trước tòa, Ba đã khóc khi nói về hành vi vi phạm pháp luật của mình, nhất là người mẹ  già đã mất đi trong quá trình bị cáo phạm tội bị bắt. Ba biết rõ nguồn xăng của vợ chồng Nguyễn Thanh Tân (SN 1972), ngụ TP Hồ Chí Minh và Võ Thanh Bình (SN 1976), ngụ tỉnh Bình Dương là xăng nhập lậu, không có nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ, không đóng thuế cho Nhà nước. Nguồn xăng của Tân và Bình là từ kho Nam Phong thông qua bị cáo Trung là quản lý kho mua hàng xăng lậu của “ông trùm” Nguyễn Hữu Tứ.

Các chủ cây xăng thu lợi bất chính tiền tỷ từ việc mua bán xăng lậu  -0
Bị cáo Đỗ Văn Ba, một đầu mối bán lẻ và "cò" mua bán xăng lậu trả lời HĐXX.

Vì tham lợi nhuận cao, Ba vẫn đồng ý mua xăng lậu của vợ chồng Tân, Bình để bán lẻ ra thị trường. Kết quả điều tra xác định, từ khoảng cuối tháng 7/2020 đến ngày 4/2/2021, Ba đã mua lại của vợ chồng Tân, Bình 30.761.000 lít xăng lậu. Quá trình phạm tội, Ba sử dụng 4 xe bồn mang biển kiểm soát 51D - 444.24, 51C - 350.93, 5IC- 958.08 và 51D - 071.37 do Ba quản lý, trực tiếp đến kho xăng Nam Phong để nhận và vận chuyển xăng lậu, đưa đi phân phối. Tổng số tiền Đỗ Văn Ba thu lợi bất chính, sau khi đã trừ các chi phí hợp lý là hơn 13 tỷ đồng.

Mặc dù bị cáo đã nộp số tiền thu lợi bất chính để khắc phục hậu quả nhưng tại tòa, nhưng Ba cho rằng số tiền thực bị cáo thu lợi bất chính chỉ khoảng 6 tỷ đồng nên mong HĐXX xem xét. Trong khi luật sư bào chữa cho bị cáo tính toán từ giá chênh lệch trong quá trình buốn bán xăng lậu thì số tiền Ba thu lợi bất chính khoảng 9 tỷ đồng.

Tương tự, Phạm Thị Cúc (SN 1964) ngụ quân Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã thành lập 4 công ty cho con đứng tên nhưng toàn bộ do Cúc điều hành. Biết nguồn xăng của vợ chồng Tân, Bình là xăng nhập lậu, nhưng do giá cả rẻ hơn giá thị trường, mức chênh lệch chiết khấu cao khoảng từ 1.300 đ/lít đến 2.600đ/lít theo giá chiết khấu của Nhà Nước, nên Cúc đã đồng ý mua nguồn xăng trên của vợ chồng Tân, Bình để bán lẻ tiêu thụ ra thị trường. Tính từ tháng 7/2020 đến đầu tháng 2/2021, Cúc đã mua và tiêu thụ xăng lậu của Bình tổng cộng 5 triệu lít, thu lợi bất chính 6,7 tỷ đồng. Trước HĐXX, Cúc đã bày tỏ sự hối hận về hành vi phạm tội của mình. Bị cáo thú nhận do ham lợi nhuận từ xăng lậu được chiết khấu giá cao nên đã bất chấp pháp luật dẫn đến việc bị bắt giữ và truy tố. Khi bị bắt và biết mình phạm tội, Cúc đã nộp 12 tỷ đồng, gần gấp đôi số số tiền thu lợi bất chính trong cáo trạng bị truy tố để khắc phục hậu quả do mình gây ra với mong muốn được hưởng sự khoan hồng.

Bị cáo Nguyễn Thị Như Mỹ (SN 1968) ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là giáo viên tại trường THCS Trường Sa thuộc phường Trảng Dài. Ngoài dạy học Mỹ thành lập công ty kinh doanh xăng dầu do mình đứng tên. Tại tòa, Mỹ cũng đã bày tỏ rất hối hận vì sự hám lợi của bản thân nên đã nhắm mắt mua xăng lậu về bán. Mỹ cho biết, do việc dạy học lương thấp nên bị cáo mở cửa hàng xăng dầu kinh doanh. Cũng vì hám lợi nên bị cáo mua xăng lậu do giá rẻ hơn giá thị trường, mức chênh lệch chiết khấu được hưởng từ khoảng 1.400đ/lít đến 2.200đ/lít về cây xăng của mình dể bán lẻ ra thị trường.

Việc mua bán xăng lậu, Mỹ tự tính toán rồi liên hệ với vợ chồng đầu mối Tân và Bình để lấy xăng lậu từ kho Nam Phong tại tỉnh Long An. Tổng cộng, Mỹ đã mua xăng nhập lậu của vợ chồng Tân và Bình về tiêu thụ với số lượng lên đến hơn 1,2 triệu lít, thu lợi bất chính hơn 1,8 tỷ đồng. Tại phiên tòa, khi được hỏi: Số tiền thu lợi bất chính chưa nộp đủ để khắc phục hậu quả, có tiếp tục nộp đủ không? Mỹ trả lời gia đình đang chạy vay mượn nhiều nơi để cố gắng nộp đủ trong tuần tới để mong được HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Lê Hùng Phong (SN 1970), ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc công ty xăng dầu Bình Tân cũng đã thừa nhận sự quen biết để việc mua bán xăng lậu thuận lợi và bày tỏ sự hối hận vì hám lợi để buôn xăng lậu. Cụ thể  Lê Hùng Phong thuận lợi hơn trong quá trình mua bán xăng lậu khi Phong là anh rể Nguyễn Thế Anh từng công tác tại Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu và hàng giả. Khi Nguyễn Thế Anh yêu cầu người cầm đầu đường dây là Phan Thanh Hữu phải bán xăng lậu của Hữu cho Phong, Hữu đã chỉ đạo Nguyễn Hữu Tứ liên lạc với Phong để bán xăng lậu cho Phong và Tứ. Từ 21/7/2020 đến 5/2/2021 Phong đã sử dụng xe bồn BKS 51D 113.46 đến nhận xăng lậu tại kho Nam Phong với số lượng 600 ngàn lít xăng lậu thu lợi bất chính hơn 1,2 tỷ đồng.

Bị lợi nhuận làm mờ mắt, Nguyễn Thanh Bình (SN 1963), ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã liên hệ được với Nguyễn Hữu Tứ  thông qua anh ruột của mình để đặt vấn đề mua xăng nhập lậu tại kho Nam Phong đưa về cây xăng của Công ty Best Oil tại địa chỉ 1/50C Nguyễn Văn Quá, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP Hồ Chí Minh dễ tiêu thụ. Bình sử dụng xe bồn BKS 51C-830.70 do tài xế tên Phương trực tiếp đến kho Nam Phong nhận xăng nhập lậu. Sau đó Bình giao lại cho Nguyễn Minh (anh rể của Bình) là quản lý cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Công ty Best Oil trực tiếp liên hệ với Nguyễn Tiến Dũng, nhân viên kho Nam Phong để Minh chủ động đặt mua xăng nhập lậu. Tổng lượng xăng nhập lậu đã mà Bình đã nhập từ kho Nam phong  là hơn 2,3 triệu lít thu lợi hơn 3,1 tỷ đồng.

Ngọc Sơn
.
.
.