Quản lý lỏng lẻo, doanh nghiệp dễ bị mất trộm

Chủ Nhật, 16/07/2023, 06:38

Trong những năm gần đây, tình hình trộm cắp trên địa bàn tỉnh Bình Dương diễn biến khá phức tạp, trong đó trộm đột nhập vào trụ sở công ty để lấy cắp tài sản cũng thường xuyên xảy ra. Qua các vụ trộm được khám phá cho thấy phần đông đối tượng phạm tội là công nhân, nhân viên của công ty đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, sơ hở của doanh nghiệp để gây án…

Theo kết quả điều tra, từ khoảng tháng 5/2023 cho đến khi bị bắt, đối tượng Nguyễn Hữu Tùng (SN 1989, quê Bình Thuận) thường đến các công ty địa bàn KCN Nam Tân Uyên (TP Tân Uyên, Bình Dương) để  trộm cắp tài sản. Ngày 3/5, Tùng đột nhập vào một công ty nằm trên đường N1, KCN Nam Tân Uyên, phá két sắt lấy trộm 5.645 USD, hơn 39 triệu đồng. Ngày 17/6, khi Tùng đang đi quan sát để tiếp tục trộm tài sản trong Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng thì bị Công an bắt giữ cùng nhiều tang vật như: máy khoan, đoản, tua vít, búa… Qua đấu tranh, Tùng khai đã thực hiện nhiều vụ trộm trong các doanh nghiệp với tổng trị giá ước tính khoảng 500 triệu đồng.

Quản lý lỏng lẻo, doanh nghiệp dễ bị mất trộm -0
Một bảo vệ trộm tài sản của công ty nơi mình làm việc và bộ đồ nghề của kẻ trộm chuyên dùng để đột nhập vào các doanh nghiệp.

Tương tự là đối tượng Vũ Văn Tình (SN 1990, quê Gia Lai), cũng chuyên đột nhập vào các công ty để trộm tài sản. Rạng sáng 21/6, Tình đột nhập vào Công ty TNHH R.R ở huyện Bàu Bàng lấy cắp tài sản tổng trị giá hơn 650 triệu đồng. Một ngày sau, Công an huyện Bàu Bàng bắt giữ Tình khi đối tượng đang lẩn trốn tại một khách sạn thuộc thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, thu giữ nhiều tang vật liên quan…

Theo cơ quan Công an, hầu hết các doanh nghiệp bị mất trộm đều rất sơ hở trong việc bảo vệ tài sản và lỏng lẻo trong công tác tuyển dụng, quản lý nhân sự. Bởi thực tế, có khá nhiều kẻ trộm là công nhân, nhân viên của công ty gây án một mình hoặc câu kết với các đối tượng ở bên ngoài. Như vụ trộm tại Công ty S.N.K (KCN Mỹ phước 3, TX Bến Cát), kẻ trộm là Vòng A Lục (SN 1975, quê Đồng Nai), nhân viên tạp vụ của công ty này. Lục từng có 3 tiền án về tội "trộm cắp tài sản".

Năm 2020, khi vừa ra tù, Lục sử dụng hồ sơ giả để xin vào làm tạp vụ tại Công ty S.N.K. Quá trình làm việc, nhận thấy công ty có sự lỏng lẻo trong việc quản lý tài sản nên y đã cắt hàng rào, đập bể cửa kính để đột nhập vào nhà kho lấy trộm dây đồng và nhôm đem bán lấy tiền tiêu xài. Tính đến thời điểm bị bắt giữ, Lục đã 3 lần đột nhập công ty và lấy đi tài sản với tổng giá trị lên đến trên 130 triệu đồng.

Thạch Tư (SN 1986, quê Sóc Trăng) là công nhân của công ty S.T đóng trên địa bàn TX Bến Cát. Tư đã câu kết với đồng nghiệp là Nguyễn Vũ Linh (SN 1993, quê Cà Mau) trộm 124kg nhôm nguyên liệu và đang trên đường đem đi tiêu thụ thì bị bắt. Trước đó, 2 đối tượng đã nhiều lần "tuồn" tài sản công ty đem bán được hơn 60 triệu đồng chia nhau tiêu xài.

Ngoài ra Linh còn "hợp tác" với một công nhân khác là Lê Long Điền (SN 1996, ngụ TX Bến Cát) thực hiện 7 "phi vụ" trộm tài sản công ty S.T. Mở rộng điều tra, cơ quan Công an bắt giữ đối tượng Lê Thị Luyến (SN 1978, ngụ TX Bến Cát) vì có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Khám xét nơi ở của Luyến, Công an thu giữ hơn 500kg nhôm nguyên liệu mua của các đối tượng trộm cắp.

Lê Triều Anh Tử (SN 1994, quê Cà Mau), nhân viên quản lý kho của một công ty đã lấy trộm 300kg dây cáp điện (trị giá khoảng 35 triệu đồng) và nhờ Đỗ Xuân Tuấn (SN 1983, quê Thanh Hóa) là công nhân công ty cất giấu, chờ điều kiện thuận lợi đem đi bán lấy tiền chia nhau tiêu xài. Tuy nhiên, bảo vệ công ty đã phát giác sự việc và trình báo cơ quan Công an bắt giữ hai đối tượng…

Ngoài sự chủ quan, thiếu cảnh giác của các doanh nghiệp thì yếu tố địa hình của các khu công nghiệp ở Bình Dương cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để tội phạm trộm cắp hoạt động. Đó là do khu công nghiệp không có hàng rào bao bọc, tiếp giáp khu dân cư, nhà trọ công nhân với hàng chục tuyến đường ngang dọc nên trộm dễ dàng điều nghiên, gây án và tẩu thoát. Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với khoảng 56.489 dự án đầu tư trong nước và 4.047 dự án đầu tư ngoài nước; thu hút hơn 1,6 triệu lao động, trong đó có 53% lao động nhập cư…

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, tội phạm trộm cắp tài sản tập trung nhiều ở các khu vực thành thị, đông công nhân sinh sống (chiếm hơn 90%) là 4 thành phố gồm Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và thị xã Bến Cát. Trộm đột nhập thường gây án trong khoảng thời gian từ 23h đến 5 giờ sáng hôm sau. Các đối tượng thường rảo quanh các tuyến đường, địa bàn tập trung nhiều nhà trọ, công ty, doanh nghiệp để đột nhập, phá khóa cửa, két sắt trộm tài sản.

Do đó, đối với các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… cần bố trí bảo vệ trực 24/24h. Cần thường xuyên tập huấn chuyên sâu về kiến thức pháp luật và cung cấp thông tin tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp tài sản cho nhân viên, công nhân, cán bộ, công chức để nâng cao ý thức cảnh giác. Lắp đặt hệ thống camera giám sát, hệ thống báo động… ở những vị trí quan trọng, nơi để tài sản có giá trị cao; xây dựng tường rào kiên cố, duy trì tuần tra, canh gác nghiêm ngặt để bảo vệ tài sản. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần rà soát lại nhân sự, nhất là lực lượng bảo vệ, thủ kho phải có lý lịch rõ ràng. Đối với các doanh nghiệp thuê mướn dịch vụ bảo vệ phải chọn những dịch vụ bảo vệ có uy tín và yêu cầu lực lượng bảo vệ duy trì thường xuyên công tác tuần tra canh gác, nhất là khu vực hàng rào nơi đối tượng thường ném tài sản trộm được ra ngoài đợi hết giờ mang đi tiêu thụ…

Mã Hải
.
.
.