Phòng ngừa hiệu quả từ sớm, từ xa tội phạm mua bán người (kỳ cuối)
Tội phạm mua bán người tìm đủ mưu ma chước quỷ để dụ dỗ, lừa bán phụ nữ, trẻ em và cả đàn ông. Từ việc nhận diện đúng thủ đoạn, cùng với Cục CSHS, Công an tỉnh Lai Châu đã triển khai hiệu quả những chuyên đề, kế hoạch phòng ngừa, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, tạo thành thế trận liên hoàn trong phòng, chống tội phạm mua bán người từ sớm, từ cơ sở.
Nhận diện trúng, đánh đúng những kẻ mua bán người Thông tin với PV, đại diện Cục CSHS, Bộ Công an cho biết: Tội phạm mua bán người hiện nay thay đổi phương thức hoạt động so với những năm trước đó. Thay vì vào tận bản, làng xa xôi dụ dỗ, lôi kéo các phụ nữ, trẻ em, chúng đã triệt để lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, các thiết bị công nghệ thời đại số 4.0 nhằm thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng mua bán người thường lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của nạn nhân để lừa những phụ nữ, trẻ em gái tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber...) sử dụng hình ảnh, tên, địa chỉ giả để kết bạn làm quen với những phụ nữ, trẻ em gái, tán tỉnh yêu đương hoặc những người có nhu cầu tìm việc làm ở nước ngoài với mức lương cao. Khi “con mồi” cắn câu, chúng hứa hẹn dẫn họ tổ chức vượt biên sang Trung Quốc, Lào, Campuchia rồi ép bán làm vợ, vào các ổ mại dâm, các sòng bài tại Campuchia, Myanmar. Chúng cũng lợi dụng quy định về hiến ghép tạng, các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn kinh tế có nhu cầu bán thận, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó, bán cho những người bệnh với giá cao. Mất nhân tính hơn, các đối tượng mua bán người còn tìm kiếm người mang thai, sinh con ngoài ý muốn... sau đó dụ dỗ đưa họ sang nước ngoài sinh con để bán đứa trẻ vừa mới lọt lòng mẹ.
Nhiều vụ án mua bán người, các đối tượng đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường từ đó thông qua các trang mạng xã hội tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, làm thuê thu nhập cao..., lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động.
Lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam và nhu cầu lao động ở nước ngoài, các đối tượng mua bán người đã tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài lao động, khi ra nước ngoài, chúng thu giữ giấy tờ tùy thân, bán để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương hay báo cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ và trục xuất về nước hoặc dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc; xuất hiện các đường dây môi giới lập tài khoản trên mạng với tên giả; dùng “tiền” làm mồi nhử, thông qua mạng lưới cò mồi đến các địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài, sau đó, bán để cưỡng bức lao động.
Đau đáu nỗi trăn trở về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có loại tội phạm mua bán người, Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Nạn nhân của tội phạm mua bán người thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới (người dân tộc), đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhận thức hạn chế, nhẹ dạ, cả tin hoặc một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng người nước ngoài khá giả, dẫn đến bị lừa bán.
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19, các đối tượng tội phạm mua bán người đã thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động. Những kẻ cầm đầu phân công nhiệm vụ cho các đối tượng đàn em ở từng giai đoạn và không trực tiếp dẫn dắt nạn nhân.
“Trước khi tội phạm thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động thì lực lượng Công an đã phải dự báo được tình hình có như vậy mới kịp thời ngăn chặn tội phạm”- Đại tá Phạm Hải Đăng nhìn nhận.
Đây là yếu tố và yêu cầu cốt lõi của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đối với lực lượng CSHS Công an tỉnh Lai Châu cũng như các đơn vị nghiệp vụ trong đó có cả vai trò quan trọng của lực lượng Công an xã. Sự chủ động trong công tác trên đã giúp cho Công an tỉnh Lai Châu mà nòng cốt là lực lượng CSHS “bật” ra nhiều kế hoạch, phương án, giải pháp đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả đối với loại tội phạm này. Từ cán bộ quản lý địa bàn đến lực lượng Công an cơ sở đều tăng cường chủ động nắm tình hình và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống tội phạm mua bán người. Công tác tổ chức tiếp nhận, giải quyết các tố giác, tin báo tội phạm và rà soát, dựng các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán người để tổ chức đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Hiệp đồng chặt chẽ, chặn đứng những nguy cơ Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo Phòng CSHS tăng cường xuống địa bàn, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an cơ sở nắm chắc tình hình về tội phạm mua bán người. Tất cả những trường hợp phụ nữ vắng mặt tại địa phương nghi đi Trung Quốc lấy chồng, lao động, làm thuê, những trường hợp nghi bị mua bán…đều được rà soát, lập hồ sơ. Cùng với đó, Phòng CSHS cũng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, Công an các huyện, thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là hỗ trợ, giúp đỡ những nạn nhân của tội phạm mua bán người có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm đã cùng chung tay với chính quyền các cấp hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Mới đây, Công ty Tài chính TNHH Ngân Hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC đã tổ chức trao hàng trăm triệu đồng hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng ở nhiều địa phương, trong đó có Lai Châu. Sự chung tay của toàn xã hội, cả hệ thống chính trị giúp cho công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, trong đó hỗ trợ những nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng ngày càng đạt hiệu quả cao.
Để làm tốt công tác phòng, chống mua bán người, chỉ riêng lực lượng Công an là chưa đủ, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả của các đơn vị chức năng có liên quan, của cả hệ thống chính trị. Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSHS Bộ Công an và Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025. Tại Lai Châu, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các đơn vị như Công an huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè xây dựng kế hoạch, ký kết trong công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người với các Đồn Biên phòng có trụ sở đóng trên địa bàn.
Các đơn vị cũng chủ động, thường xuyên phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng lồng ghép công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người với phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, hay phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh biên giới”. Công an tỉnh Lai Châu đã tổ chức tuyên truyền cho hơn 4.500 lượt người ở khu vực biên giới góp phần nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và ý thức cảnh giác phòng ngừa tội phạm mua bán người cho người dân. Ngày 29/10/2021, Phòng CSHS phối hợp với UBND thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường triển khai ra mắt mô hình “Phòng ngừa tội phạm mua bán người”.
Thông tin với phóng viên, Đại tá Nguyễn Viết Giang, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Thông qua các lần hội đàm, ký biên bản ghi nhớ, Công an tỉnh Lai Châu đã trao đổi, thống nhất với Công an tỉnh Vân Nam, Trung Quốc nhiều nội dung quan trọng về công tác phối hợp đảm bảo an ninh, đấu tranh phòng, chống tội phạm và những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, trong đó chú trọng đến công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Công an tỉnh Lai Châu cũng nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, ổn định cuộc sống. Cùng với đó, thường xuyên trao đổi thông tin với Cục CSHS, tổ chức Trẻ em Rồng Xanh về các nạn nhân, đối tượng nghi vấn và những thông tin khác có liên quan để phục vụ việc xác minh, giải cứu nạn nhân, xử lý đối tượng. Các đơn vị, lực lượng triển khai hiệu quả, quyết liệt những kế hoạch nghiệp vụ, điều tra các chuyên án, vụ án có liên quan đến tội phạm mua bán người, đưa người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép.
Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Phòng CSHS đã phối hợp tiếp nhận, giải cứu 4 phụ nữ nghi bị lừa bán sang Trung Quốc, 5 trường hợp tại địa bàn xã Bản Giang, Giang Ma của huyện Tam Đường nghi bị lừa xuất cảnh sang Campuchia. Phòng CSHS đang phối hợp với Cục CSHS và Công an các đơn vị địa phương tiếp tục điều tra, xác minh xử lý. Những nỗ lực trên của Công an tỉnh Lai Châu và các đơn vị chức năng đã giúp cho tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Lai Châu tiếp tục được kiềm chế, kéo giảm.