Phòng ngừa công nhân gây án từ nguyên nhân rượu, bia
Bình Dương có rất nhiều lao động ngoại tỉnh, đa phần làm công nhân trong các khu công nghiệp và các doanh nghiệp. Những chàng trai đến từ vùng quê ở các tỉnh, thành vốn làm nghề nông, nuôi trồng thủy sản… có nhiều thời gian rảnh rỗi hay “làm bạn” với rượu, bia. Khi trở thành công nhân, họ rất xa lạ với tác phong công nghiệp, với văn hóa vùng miền nên dễ phát sinh những việc làm sai trái, những mâu thuẫn trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. Cộng với nghiện rượu, bia nên khi say họ rất dễ gây ra tai họa cho người khác và ngay cả chính bản thân mình….
Án mạng từ tiệc nhậu
Khoảng 15h ngày 29/9/2024, nhóm 5 công nhân gồm: Hoàng Văn Pó (SN 1991, quê Đắk Nông), Hoàng Văn Tu (em họ của Hoàng Văn Pó; SN 2006, quê Đắk Nông), Thảo Mí Say (SN 2004), Vừ Mí Tủa (SN 1999, quê Hà Giang) và Thảo Văn Sung (SN 1999, quê Đắk Lắk) tổ chức nhậu và hát karaoke bằng loa kéo tại khu đất trống thuộc khu phố 7, phường Uyên Hưng, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Đến khoảng 18h cùng ngày, một nhóm công nhân khác gồm 4 người là bạn của Thảo Văn Sung cũng đến nhậu tại khu đất trống trên, cách nhóm 5 người khoảng 100m.
Đến khoảng 19h, nhóm 5 công nhân dù đã say mèm nhưng chưa chịu nghỉ mà kéo hết sang nhóm 4 người để “giao lưu”. Một giờ sau, nhóm 4 người ra về nhưng nhóm 5 người vẫn chưa chịu rời đi mà vẫn tiếp tục nhậu tại vị trí này. Nửa tiếng sau, có 3 người bạn cùng quê Hà Giang với Vừ Mí Tủa gồm Cừ Mí Pó (SN 2005), Giàng Mí Minh (SN 2005) và Thò Mí Lía (SN 2006) đến tham gia nhậu chung. Các “đệ tử lưu linh” nhậu đến 21h30 thì Thò Mí Lía xin về trước, Hoàng Văn Pó cũng “say quắc cần câu” nên cũng xin ra về. Trước khi tạm biệt các “chiến hữu”, Hoàng Văn Pó cầm lon bia đứng dậy uống lon cuối cùng để chia tay.
Trong khi mọi người đều đứng dậy uống bia thì chỉ có Cừ Mí Pó là ngồi tại chỗ. Thấy vậy Hoàng Văn Pó lên tiếng: “Có phải bạn khinh thường tôi không?”. Cừ Mí Pó đáp: “Bạn cứ bình tĩnh. Anh em chơi được thì chơi, còn không thì hôm nay bỏ bạn bè”. Bực tức trước thái độ của Cừ Mí Pó, Hoàng Văn Tu rút dây thắt lưng vung 2 cái vào mặt của Cừ Mí Pó. Hùa theo, Thảo Mí Say cũng dùng tay đánh vào lưng của Cừ Mí Pó. Bị đánh đau, Cừ Mí Pó chạy về nhà trọ gần đó, Giàng Mí Minh cũng chạy theo để tìm hung khí đánh trả nhóm của Hoàng Văn Pó. Tại dãy phòng trọ, Minh được một đối tượng tên Xả đưa cho một con dao tự chế dài 65cm. Minh đưa con dao này lại cho Cừ Mí Pó rồi cùng quay lại chỗ nhậu.
Vừa đến nơi, Cừ Mí Pó lao vào chém Hoàng Văn Tu nhưng Tu né được và bỏ chạy. Cừ Mí Pó tiếp tục chém vào người của Hoàng Văn Pó nhiều nhát dao khiến Pó thiệt mạng tại chỗ. Gây án xong, Cừ Mí Phó và Giàng Mí Minh vứt dao vào một bãi cỏ rồi rời khỏi hiện trường. Một ngày sau, ngày 30/9/2024, Giàng Mí Minh đến Công an phường Uyên Hưng đầu thú và khai nhận rõ hành vi cùng Cừ Mí Pó sử dụng dao đi đánh nhau dẫn đến chết người. Qua truy xét, đến chiều 1/10, Cơ quan Công an đã bắt giữ Cừ Mí Pó khi đang lẩn trốn ở huyện Bàu Bàng, Bình Dương.
Chiều 13/7/2024, Lê Trường Hận (SN 1999, quê Long An) cùng nhóm bạn công nhân đến phòng trọ của anh Lê Văn Lộc (SN 1996, quê Lâm Đồng), thuộc phường Bình Chuẩn, TP Thuận An (Bình Dương) để tổ chức nhậu với vợ của Lộc. Đến khuya, khi nhóm bạn về hết, Hận ở lại cùng vợ của Lộc nói chuyện tâm tình với nhau trong phòng trọ. Lúc này, Lộc đi làm về thấy vậy nên nảy sinh ghen tuông dẫn đến đánh nhau với Hận. Trong lúc giằng co, Hận lấy một con dao đâm Lộc trọng thương và đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Sau khi gây án, Hận bị người dân khống chế và bàn giao cho cơ quan Công an.
Một vụ án mạng khác xảy ra tại TP Bến Cát (Bình Dương): Nhóm công nhân gồm Thạch Bô Nắ (SN 1998), Lý Sữa (SN 2000, cùng quê Sóc Trăng) và Dương Nhật Duy (SN 1998 quê Hậu Giang) cùng một số đồng nghiệp đến nhậu tại một quán trên địa bàn ấp Dòng Sỏi, xã An Tây, TP Bến Cát. Cùng thời điểm này, anh Hường và anh Trường cũng đang tổ chức tiệc sinh nhật tại đây. Do có quen biết từ trước nên anh Hường và anh Trường đến mời nhóm của Thạch Bô Nắ uống ly bia.
Trong lúc cụng ly, anh Hường làm đổ bia lên người của Thạch Bô Nắ. Mặc dù anh Hường đã xin lỗi nhưng Nắ vẫn dùng ly bia thủy tinh đập vào đầu của anh Hường gây thương tích. Thấy vậy, nhóm của anh Hường can ngăn, giảng hòa nhưng nhóm của Thạch Bô Nắ vẫn không buông tha mà tiếp tục dùng hung khí đuổi đánh làm nhiều người trong nhóm anh Hường bị thương. Sau khi gây án, cả nhóm của Thạch Bô Nắ rời khỏi hiện trường và đã bị bắt sau đó…
Cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của rượu, bia
Mỗi năm tỉnh Bình Dương xảy ra hàng chục vụ giết người, cố ý gây thương tích xuất phát từ mâu thuẫn trong bàn nhậu. Phân tích từ 30 vụ giết người cho thấy, người lao động đến Bình Dương từ nhiều tỉnh, thành do đó có sự khác biệt về phong cách, lối sống, phong tục tập quán nên rất dễ bất đồng quan điểm, tranh chấp hơn thua dẫn đến mâu thuẫn, đánh nhau. Bị hại và cả đối tượng gây án phần lớn là công nhân và lao động tự do, trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết pháp luật và kỹ năng sống. Độ tuổi gây án từ 18-30 và đa phần là lao động ngoại tỉnh.
Sự khác biệt về cách sống, nếu như trong trạng thái bình thường mà có phát sinh mâu thuẫn nhiều người còn biết tiết chế, nhường nhịn. Tuy nhiên khi đã có hơi men, mọi thứ sẽ trở nên khác thường. Nhiều người sẽ có hành vi như nói nhiều hơn, không kiểm soát được lời nói, mất tự chủ, dễ nổi nóng và hành động theo bản năng.
Từ thực tiễn cho thấy, nhiều bậc cha mẹ ở vùng nông thôn các tỉnh cũng là “đệ tử lưu linh” thì khó có thể khuyên con cái tránh xa bia, rượu. Mặt khác, trong hoàn cảnh xa nhà, không có người quản lý, việc các công nhân sa đà vào bia, rượu thì các bậc phụ huynh cũng lực bất tòng tâm. Do vậy mà biện pháp giáo dục, tuyên truyền của chính quyền địa phương, của cơ sở sản xuất nơi công nhân làm việc, cư trú là giải pháp có thể mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, lâu nay, trong công tác tuyên truyền giáo dục cho công nhân ở Bình Dương nói riêng và các tỉnh, thành có nhiều công nhân nói chung thường thấy là tuyên truyền về pháp luật giao thông, về phòng ngừa tội phạm... chứ ít khi thấy tuyên truyền về tác hại của rượu, bia…Và đây có thể là một trong những nguyên nhân “sản sinh” ra nhiều “đệ tử lưu linh”, gây họa cho xã hội.
Một vấn đề quan trọng mang tính lâu dài mà nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân các tỉnh, các cử tri thường đề nghị các cấp chính quyền là cần phải quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phục vụ đời sống tinh thần cho người lao động như công viên, khu thể thao, vui chơi giải trí… để họ dần tránh xa bia rượu và các hình thức giải trí không lành mạnh khác vốn là mầm mống phát sinh tội phạm trong công nhân…