Phá án tham nhũng giữa đại dịch COVID-19 (bài cuối)

Thứ Sáu, 18/06/2021, 08:56

Sau vụ "án điểm" CDC Hà Nội, các địa phương đã rà soát, qua đó đã dừng hoặc tạm dừng thanh toán nhiều gói thầu có dấu hiệu "thổi giá", nâng "khống" giá thiết bị y tế, góp phần tiết kiệm ngân sách trăm tỷ đồng, làm lợi cho người dân khi đến khám, chữa bệnh, góp phần đảm bảo công bằng và an sinh xã hội. Để có được kết quả đó là công sức lớn của lực lượng CAND nói chung, lực lượng Cảnh sát Kinh tế nói riêng.

Bài cuối: Giải bài toán khó ngăn chặn nạn “thổi giá”, "thông thầu"

Sau mỗi vụ án, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương tiếp tục rà soát các địa bàn để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Điển hình như sau vụ "án điểm" CDC Hà Nội, các địa phương đã rà soát, qua đó đã dừng hoặc tạm dừng thanh toán nhiều gói thầu có dấu hiệu "thổi giá", nâng "khống" giá thiết bị y tế, góp phần tiết kiệm ngân sách trăm tỷ đồng, làm lợi cho người dân khi đến khám, chữa bệnh, góp phần đảm bảo công bằng và an sinh xã hội. Để có được kết quả đó là công sức lớn của lực lượng CAND nói chung, lực lượng Cảnh sát Kinh tế nói riêng. Song để vấn nạn này được khắc phục một cách triệt để, cần có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Nghệ thuật điều tra và bản lĩnh người cầm quân

Y tế là lĩnh vực quan trọng trong chính sách an sinh xã hội của đất nước, chi tiêu cho lĩnh vực này hàng năm chiếm khoảng 7-8% tổng chi ngân sách quốc gia (không tính thời gian bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 - PV). Trong đó, dược phẩm và trang thiết bị y tế chiếm phần lớn; còn lại là lĩnh vực vật tư tiêu hao, khám chữa bệnh, y tế dự phòng...

Các đối tượng bị khởi tố, tạm giam trong vụ án xảy ra ở Sở Y tế TP Cần Thơ.

Đối với lĩnh vực trang thiết bị y tế, hiện việc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu thị trường và chủ yếu là trang thiết bị đơn giản, còn lại là nhập khẩu. Công tác quản lý Nhà nước đối với trang thiết bị y tế và thực hiện chủ trương xã hội hóa thiết bị y tế thời gian qua vẫn còn bất cập, sơ hở do nhiều nguyên nhân, dẫn đến việc các doanh nghiệp câu kết với các cá nhân trong cơ quan nhà nước lợi dụng các kẽ hở, lỗ hổng, bắt tay nhau để tham nhũng, trục lợi, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Ngân sách Nhà nước và người bệnh, làm giảm sút niềm tin trong một bộ phận người dân về đội ngũ các nhà quản lý, y, bác sỹ.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu nhấn mạnh, đấu tranh với tội phạm tham nhũng là cuộc đấu tranh cực kỳ gian truân, vất vả, "cán bộ không bản lĩnh thì không làm được". Sở dĩ anh nói như vậy là vì đây là lĩnh vực liên quan đến nhiều người, mối quan hệ phức tạp. Các đối tượng là người có địa vị, chức vụ, uy tín, có khả năng và thủ đoạn che giấu tinh vi, hợp thức hóa hành vi phạm tội.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

"Hồ sơ của các đối tượng rất đầy đủ, chặt chẽ, chủ đầu tư có ban quản lý dự án, tổ chuyên gia đấu thầu, tổ thẩm định đấu thầu, thậm chí thuê các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp xây dựng, dự toán hồ sơ mời thầu... Nếu chỉ nhìn vào những trang hồ sơ đấu thầu đã được hoàn thiện, làm sao biết được đâu là "quân xanh", đâu là "quân đỏ". Phải qua các hoạt động nghiệp vụ mới phát hiện được", Thiếu tướng Nguyễn Văn Long cho hay.

Đa số các vụ việc trong lĩnh vực này xảy ra từ thời gian trước đây, nên việc phát hiện, nhận diện để đấu tranh không hề dễ dàng. Thậm chí, quá trình cơ quan điều tra vào cuộc, các đối tượng tìm cách xóa hết tài liệu, chứng cứ, thông đồng để khai báo, đối phó gây khó khăn cho hoạt động điều tra. Vụ án xảy ra ở Sở Y tế Cần Thơ, đối tượng Hoàng Thị Thúy Nga khi "đánh hơi" được lực lượng Công an sẽ "sờ gáy" đã nhanh chóng chỉ đạo xóa dấu vết, xóa hết dữ liệu trong hệ thống máy tính nhằm gây khó khăn với công tác điều tra.

Thêm nữa, đối tượng này cũng là một mắt xích liên quan đến vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai nhưng ẩn mình dưới cái tên của một công ty khác (đối tượng lập gần chục công ty trong hệ thống Tập đoàn NSJ) nên điều tra ban đầu chưa bị phát hiện. "Qua điều tra, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phát hiện các thiết bị y tế bị chuyển giá qua nhiều công ty trung gian thì mới xác định đầu mối là tập đoàn của Nga thực hiện ở Cần Thơ" - Trung tá Hồ Văn Hùng, Trưởng Phòng 6, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết thêm.

"Quyết định những chiến thuật cụ thể phải nhanh, quyết đoán, đây cũng có thể gọi là nghệ thuật điều tra. Nếu cứ rập khuôn theo lối mòn, dễ đi vào bế tắc mà không thoát dẫn đến nản chí, e ngại. Khi một tổ công tác tiến công theo một kế hoạch điều tra sai phạm của Nga tại Bạch Mai thấy không đạt yêu cầu, chúng tôi đã cho kết thúc rồi dùng một tổ công tác khác "đánh" vòng từ trong Cần Thơ mới ra được", Thiếu tướng Nguyễn Văn Long nhớ lại.

Đánh án trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng CBCS của đơn vị gần như không có thời gian nghỉ ngơi, ngày nghỉ các điều tra viên vẫn lên cơ quan với đủ công việc bộn bề, nghiên cứu hồ sơ, phân tích, đánh giá tài liệu chứng cứ, tìm các mắt xích, chọn thời cơ phá án. Có hôm vừa chợp mắt, vẫn đau đáu bởi "chứng cứ chưa già", phát hiện nút gỡ, lãnh đạo Cục lại triệu tập các phòng trinh sát, phòng điều tra họp, có lúc các phòng sáng đèn đến 3-4 h sáng. Những bữa ăn muộn, vội, ngủ ở cơ quan mấy ngày liền không về nhà là bình thường; rồi những lần các tổ trinh sát tỏa ra nhiều hướng, lao vào vùng dịch, dẫu biết dịch COVID-19 không chừa một ai, để giữ vững tâm thế, bản lĩnh, mưu trí, sáng tạo xác minh, điều tra khám phá án thành công. 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long cho rằng, phá án tham nhũng trong đại dịch, lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã thay đổi căn bản việc tổ chức hoạt động nghiệp vụ để nhận diện tình hình kinh tế - xã hội phức tạp nổi lên, từ đó đấu tranh, nhận diện đúng, trúng nhiều lĩnh vực. Trong quá trình đấu tranh, họ thường xuyên nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ, trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng, đồng chí Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT... Bên cạnh đó, có sự phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và Công an các địa phương. Tiến trình vụ án diễn tiến đến đâu, đơn vị kịp thời phối hợp với bộ phận chức năng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các đơn vị Thanh tra, Kiểm toán, Viện Kiểm sát giải quyết đến đó theo đúng pháp luật và quy định của Đảng.

"Dù là cuộc đấu tranh rất cam go, quyết liệt nhưng chúng tôi đang đi đúng hướng, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân nên CBCS đơn vị luôn vững vàng", Thiếu tướng Nguyễn Văn Long chia sẻ.

Trước tình trạng mua sắm trang thiết bị y tế và xã hội hóa trang thiết bị y tế còn sơ hở, nhiều bất cập, Cục CSĐT tội phạm về Tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã tham mưu cho Bộ Công an kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế xây dựng, ban hành các quy định chặt chẽ để vừa khuyến khích việc xã hội hóa diễn ra minh bạch, công khai, vừa đảm bảo lợi ích ba bên (cơ sở y tế, doanh nghiệp, người bệnh) và ngăn chặn việc trục lợi của một số cá nhân, tổ chức. Thời gian tới, Cục sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các địa phương có giải pháp chấn chỉnh, siết chặt công tác quản lý, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm hạn chế, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi phạm tội phát sinh trên lĩnh vực này.

Kiến nghị bỏ chỉ định thầu, tạo cơ chế giám sát hiệu quả

Nêu quan điểm phải sửa đổi Luật Đấu thầu, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: Trong dự án luật này có 3 điều quy định hình thức đấu thầu là đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu. Nhóm mua sắm các thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh cứu người trong tình trạng khẩn cấp nằm trong dạng chỉ định thầu và chỉ có một phần là đấu thầu hạn chế. 

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Tuy nhiên, quy định về chỉ định thầu tại Điều 22 lại thiếu rõ ràng, dẫn đến "hiểu thế nào cũng được", tính cấp bách hay không cấp bách, quan trọng hay không quan trọng đều có thể đưa được vào. Từ đó dẫn đến câu chuyện, các đối tượng lợi dụng sự không rõ ràng để "phù phép", lập ra các hóa đơn chứng từ, hồ sơ "ma thuật" cho phù hợp với yêu cầu của chỉ định thầu.

"Bên cạnh đó, có chuyện các cơ sở y tế sẵn sàng bắt tay với các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước nâng "khống" giá thiết bị y tế, qua mặt các cơ quan chức năng để tham nhũng. Do đó, cần sửa quy định về chỉ định thầu, thậm chí là bỏ quy định về chỉ định thầu, đưa vào đấu thầu công khai, minh bạch hoặc đưa vào diện đấu thầu hạn chế để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong trường hợp chữa bệnh cứu người. Thứ hai là, phải có một cơ quan chức năng biết rõ tất cả các loại giá nguyên vật liệu trong và ngoài nước để thẩm định tốt; có cơ chế giám sát chặt chẽ trong quá trình thực thi các hợp đồng về đấu thầu...", Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức phân tích.

Đối với vấn đề xã hội hóa trang thiết bị y tế và câu chuyện tự chủ tài chính ở các đơn vị công lập sự nghiệp có thu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, các nhà khoa học, y bác sỹ đầu ngành trở thành nhà quản lý thì chắc chắn về góc độ quản lý vốn, ngân sách, đấu thầu, tự chủ về kinh tế... không thể giỏi bằng công tác chuyên môn, mà họ phụ thuộc hoàn toàn vào bộ phận giúp việc. Bộ phận giúp việc ở đây phải là những con người được tuyển chọn một cách tốt nhất cả về mặt đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ. Theo ông, Nhà nước cần nghiên cứu để có hẳn một bộ phận chuyên làm các nhiệm vụ này, cung cấp các trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh cho các nhà khoa học để họ thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chuyên môn của mình.

"Với tư cách Giám đốc bệnh viện, họ chỉ quản lý nhà nước về mặt chuyên môn, còn vấn đề tài chính, y tế, thu chi phải có một bộ phận riêng, tách bạch ra, không để dính dáng giữa chuyên môn và quản lý Nhà nước. Và muốn làm được điều đó phải có cơ chế ràng buộc để bộ phận đó chịu trách nhiệm pháp lý rõ ràng. Như thế chúng ta sẽ đạt được 2 mục đích: Một là, thực hiện các vấn đề về đấu thầu, tự chủ trong thu chi không bị rơi vào tình trạng tham nhũng, biển thủ, gian lận. Thứ hai là, có thể giữ được những người đứng đầu, những y bác sỹ rất giỏi không bị dính vào vòng lao lý do những sai phạm bởi bộ phận giúp việc", Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức lý giải và đề nghị Quốc hội khẩn trương sửa Luật Đấu thầu, nghiên cứu bỏ hình thức chỉ định thầu. Đối với vấn đề cấp bách trong lĩnh vực Quốc phòng, An ninh, Y tế... cần có cơ chế cụ thể, đặc thù để hạn chế thấp nhất sai phạm, giải quyết ngay việc đấu thầu nhưng vẫn giám sát cụ thể việc thu chi tài chính để không xảy ra hậu quả đáng tiếc như vừa qua.

* Liên quan đến vấn đề vaccine phòng, chống COVID-19, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã chỉ đạo các phòng trinh sát tổ chức hoạt động nghiệp vụ, phối hợp ngành Y tế triển khai nắm chắc tình hình, cảnh báo sớm những vấn đề phức tạp liên quan đến nhập khẩu, mua bán, phân phối vaccine. Qua đó phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế để cảnh báo, phòng ngừa những tiêu cực có thể xảy ra.

* Theo báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, từ năm 2013 đến tháng 6/2020, toàn lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu toàn quốc đã thụ lý điều tra hơn 3.000 vụ, hơn 7.000 bị can về tham nhũng; trong đó Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu khởi tố 62 vụ, 289 bị can. Về tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, toàn lực lượng thu hồi, kê biên, phong tỏa tiền và các loại tài sản trị giá gần 20.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 28.000 tỷ bị thiệt hại. Riêng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ đã thu hồi hơn 16.900 tỷ đồng.         

Duy Hiển - Anh Hiếu - Quỳnh Vinh
.
.
.