Ngăn chặn “anh hùng rơm” giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí nóng
Trên địa bàn TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã xảy ra tình trạng một số băng nhóm thanh, thiếu niên sử dụng hung khí nóng, “bom xăng” để giải quyết mâu thuẫn không đáng có, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn và gây hoang mang dư luận xã hội. Ban chỉ huy Công an TP Biên Hòa giao cho các đội nghiệp vụ và Công an các phường, xã triển khai đồng bộ nhiều phương án và đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn một số vụ việc, lập hồ sơ xử lý hàng chục đối tượng cầm đầu, xử phạt vi phạm hành chính và giao cho địa phương cùng gia đình quản lý, giáo dục hàng chục thiếu niên chưa đến tuổi vị thành niên.
“Anh hùng rơm” tuổi vị thành niên
Thượng tá Nguyễn Anh Hiển, Phó trưởng Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, vấn đề rất đáng lo ngại là hầu hết những đối tượng tham gia các vụ đều đang ở độ tuổi vị thành niên. Nhận thức pháp luật kém, lại muốn thể hiện mình, thích làm “anh hùng rơm” nên các em thường lên mạng xã hội cà khịa, chửi nhau với bất cứ ai vì những bất đồng nhỏ nhặt... Nếu không bên nào chịu lép thì thách thức, hẹn tụ tập đánh nhau bằng các loại hung khí giống như trong các game hành động, thậm chí còn mua súng công cụ hỗ trợ tấn công lẫn nhau.
Điển hình như vụ ẩu đả xảy ra vào ngày 15/5/2022 tại đoạn đường Phạm Văn Thuận, KP1, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Lúc 1h30 sáng hôm ấy, hai nhóm mỗi nhóm hàng chục thanh, thiếu niên sử dụng dao phóng lợn, "bom xăng", súng bắn đạn cao su hằm hè tấn công nhau. Khi đến gần khu vực cầu Vạt, 2 nhóm lao vào ẩu đả, ném "bom xăng" vào nhau khiến cả đoạn đường mịt mù khói lửa. Một thanh niên trúng đạn cao su bị thương ở đùi phải đưa vào bệnh viện. Sau khi gây án, 2 nhóm nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Biên Hòa phối hợp Công an phường Tân Mai vào cuộc. Tại hiện trường trên đường Phạm Văn Thuận dài khoảng 150m (đoạn từ cổng chào UBND phường Tân Mai đến cầu Vạt), Công an thu giữ một số vỏ đạn, vỏ pháo, nhiều mảnh vỡ của chai, lọ thủy tinh dùng làm "bom xăng", 1 dao phóng lợn và 1 xe môtô. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã nhanh chóng xác định được hai đối tượng cầm đầu hai băng nhóm này là Định Minh Đức, sinh năm 2003, ngụ KP 6, phường Tân Mai và Trần Hoàng Lâm, sinh năm 2004, ngụ KP3, phường Bình Đa, TP Biên Hòa. Công an đã triệu tập tất cả các đối tượng có liên quan ngay ngày hôm sau.
Đinh Minh Đức và Trần Hoàng Lâm cùng khai nhận xuất phát từ nguyên nhân ghen tuông khi tranh giành một cô gái nên cả hai thường xuyên lên mạng xã hội công kích lẫn nhau. Cuối cùng, cả hai chuyển sang thách thức “cứ đánh nhau một trận, thằng nào thắng thì tiếp tục quen, còn thua thì không được tán tỉnh bạn gái…” và hẹn gặp nhau vào lúc 01h30 sáng 15/5/2022 tại khu vực Cầu Vạt. Để thể hiện uy thế của mình, Lâm lên mạng xã hội kêu gọi thêm nhân lực cùng tham gia.
Tuy không phải là bạn bè thân thiết, nhưng với máu anh hùng rơm, ngay lập tức Trần Tuấn Khang, sinh năm 2006; Phạm Lê Thành Hậu, sinh năm 2003; Nguyễn Văn Nam, sinh năm 2004; Đỗ Trọng Nghĩa, sinh năm 2006; Bùi Đức Tài, sinh năm 2003; Châu Trường Sang, sinh năm 2004 và Nguyễn Thành Đạt, sinh năm 2004 nhận lời tham gia và còn hứa sẽ mang theo súng bắn đạn cao su, dao phóng lợn, bom xăng đế tấn công. Không chịu kém cạnh, Đinh Minh Đức cũng gọi thêm 20 thiếu niên (tất cả đều sinh năm 2006 và 2007) là những người bạn chỉ quen trên mạng với Đức chứ chưa từng gặp mặt, mang theo tuýp sắt, bom xăng và dao phóng lợn đến điểm hẹn nghênh chiến.
Trước đó, vào sáng 1/3/2022, cũng xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt giữa hai cô bạn gái của mình khi cùng ngồi trong một quán ăn ở phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, Hoàng Văn Danh và Phạm Thanh Tuấn đã gọi điện thoại chửi bới, thách thức và hẹn gặp nhau ở ngã tư Tân Phong để giải quyết. Ngay sau đó, Danh lên mạng xã hội gọi thêm đám bạn trong đó có những đối tượng chưa từng gặp mặt gồm Dương Quang Hà (Hà Lép), Bùi Ngọc Trí (Tí), Lại Văn Lương, Lìu Hinh Quyên, Dương Thị Mai Phương, Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trịnh Thị Thúy Nga và K Thị Mỹ Linh mang theo kiếm nhật, mã tấu và súng công cụ hỗ trợ đến điểm hẹn.
Phạm Thanh Tuấn rủ thêm Trần Văn Chiến, Nguyễn Tấn Sang, Đinh Hoàng Thạch cùng một số đối tượng khác đi trên 2 xe ôtô mang theo hung khí đi tìm đối phương. Khoảng 9 giờ cùng ngày, khi nhóm Tuấn vừa đến khu vực ngã tư Tân Phong thì nhóm của Danh đã chờ sẵn sử dụng dao, kiếm, súng công cụ hỗ trợ xông vào hỗn chiến. Nhóm của Danh đã nổ 10 phát súng. Hậu quả, Tuấn, Chiến bị thương do vết chém và đạn cao su bắn trúng. Công an TP Biên Hòa đã nhanh chóng xác định danh tính và tiến hành bắt khẩn cấp các đối tượng đưa về lập hồ sơ xử lý.
Nhiều giải pháp ngăn chặn
Trung tá Nguyễn Tiến Khởi, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Biên Hòa cho biết, hầu hết các đối tượng trong các vụ ẩu đả đều chỉ quen biết nhau trên mạng xã hội do hợp gu, cùng sở thích chơi game bạo lực chứ rất ít hoặc chưa hề gặp mặt nhau ở ngoài đời.
Ai cũng tự sắm cho mình một loại hung khí phù hợp với nhân vật trong game mà mình ưa thích như mã tấu, kiếm nhật, súng công cụ hỗ trợ và còn chỉ cho nhau cách tự tạo bom xăng… Khi thấy bạn lên mạng kêu gọi tập hợp giải quyết mâu thuẫn thì xách những loại hung khí này đến điểm hẹn để tấn công đối phương. Đây là thực trạng nhức nhối.
Rất nhiều đối tượng trong các vụ hỗn chiến chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Các bậc cha mẹ được mời lên bảo lãnh cho con và cam kết giáo dục tích cực cho các cháu thì lại thường trách móc Công an: “Các anh nói sao ấy chứ ở nhà cháu chăm ngoan, học giỏi, biết nghe lời chứ có biểu hiện bất thường gì đâu…”. Kiểu bao bọc, nuông chiều thái quá này đã khiến nhiều thiếu niên bị lệch lạc nhân cách, tiến gần đến phạm tội.
Từ thực tế này, Ban chỉ huy Công an TP Biên Hòa đã triển khai ngay phương án nhằm ngăn chặn ngay từ trong trứng nước: thường xuyên tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý những vụ việc ngay tại chỗ; tăng cường kiểm soát thông tin trên không gian mạng để phòng ngừa.
Công an các phường, xã phải cập nhật các nhóm thanh, thiếu niên thường tụ tập ăn nhậu, các nhóm thường lui tới tiệm internet để chơi game bạo lực trên địa bàn mình quản lý để có biện pháp phối hợp với gia đình quản lý, giáo dục. Các hội, đoàn trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động đến từng bậc cha mẹ để họ dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái, hơn, qua đó có thể phát hiện, ngăn chặn từ sớm tư tưởng tiêu cực và cách nghĩ lệch lạc.