Mất tiền tỉ vì những chiêu lừa "cũ rích" trên mạng

Thứ Hai, 13/02/2023, 16:59

Lực lượng chức năng nhiều lần tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhưng nhiều người vẫn “nhẹ dạ cả tin”, tham lợi nhuận "khủng” nên sập bẫy.

Ngày 7/2, ông N.T.D. (ngụ xã Tân Quới, huyện Thanh Bình) nhận được tin nhắn qua Facebook của một người bạn hỏi mượn 22,2 triệu đồng. Tin tưởng, ông D. đã chuyển số tiền trên qua tài khoản ngân hàng mà không biết rằng Facebook của người bạn đã bị hack (chiếm quyền quản trị). Sau đó, ông D. gọi điện cho bạn mới phát hiện đã bị lừa đảo.

Cũng trong ngày 7/2, chị P.T.H. (ngụ xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình) lướt Facebook thấy App vay tiền từ ngân hàng. Chị H. đã click vào link và được nhân viên hướng dẫn làm hồ sơ vay 100 triệu và báo thành công. Chị H. thực hiện thao tác chuyển tiền vào tài khoản cá nhân thì nhận được thông báo vượt ngưỡng tín dụng, cần nâng điểm tín dụng và yêu cầu phải chuyển tối thiểu 15 triệu.

Vì muốn rút được tiền, chị H. đã chuyển 15 triệu vào số tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Sau đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu chuyển thêm 34 triệu đồng nên chị H. mới phát hiện bị lừa đảo và đến cơ quan Công an trình báo.

an ninh dong thap.jpg -0
Nữ nạn nhân đến trình báo bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn trên không gian mạng.

Theo thống kê, trong năm 2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận 47 nguồn tin về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng. Thủ đoạn phổ biến, như: mạo danh Công an, cán bộ viễn thông, Viện kiểm sát; cho vay tiền qua App; làm nhiệm vụ qua ứng dụng không rõ nguồn gốc; đầu tư sàn giao dịch chứng khoán; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội nhắn tin mượn tiền; link giả mạo ngân hàng; bẫy tình qua mạng; giật đơn hàng “ảo”,…

Điển hình, chị N.T.T.V. (SN 1988, ngụ TP Cao Lãnh) phản ánh có nhận được cuộc gọi từ số điện thoại tự xưng là nhân viên viễn thông, thông báo đang nợ cước viễn thông. Sau đó có đối tượng xưng là Công an Đà Nẵng gọi cho chị V., thông báo tài khoản ngân hàng do chị đứng tên có tiền bất chính và yêu cầu cung cấp toàn bộ thông tin tài khoản ngân hàng đang sử dụng để phối hợp điều tra.

Sau khi chị V. cung cấp toàn bộ thông tin (tài khoản, mật khẩu, mã OTP dịch vụ E-banking), đối tượng đã đăng nhập tài khoản và chiếm đoạt trên 1,4 tỷ đồng.

Tương tự, chị N.B.T.N.C. (SN 1986, ngụ TP Cao Lãnh) nhận được lời mời kết bạn từ tài khoản Facebook giới thiệu là nhân viên của công ty cổ phần có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh. Người này mời chị C. tham gia làm cộng tác viên tăng tương tác cho các mặt hàng trên mạng để hưởng hoa hồng (10% mỗi sản phẩm). Sau khi đồng ý tham gia, chị C. hy vọng nhận được số tiền lãi khi làm nhiệm vụ nên nhiều lần chuyển tiền và bị chiếm đoạt trên 2 tỷ đồng.

Để góp phần kéo giảm, ngăn chặn tội phạm trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân tuyệt đối, không tin tưởng vào những chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng. Người dân cần cảnh giác với những trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng, không truy cập vào đường link lạ.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào khi có người lạ điện thoại vào số điện thoại của mình tựu xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát… Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn hoặc là nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, người dân cần báo ngay với Công an địa phương nơi gần nhất hoặc qua Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, điện thoại số hotline: 0978.620.105; Trang Zalo Official Account, Fanpage Facebook “Phòng An ninh mạng Công an Đồng Tháp” để được hướng dẫn, xử lý.

Văn Vĩnh
.
.
.