Lật tẩy chiêu trò lừa đảo “xe duyên”, “giải hạn” online

Thứ Sáu, 01/12/2023, 06:57

Những kẻ được các bị hại cung kính gọi “thầy”, “cô”, “cậu”… thực chất chỉ là những thanh niên học hành không đến đầu, đến cuối. Với chiêu trò ma mị, lừa phỉnh, đánh vào tâm lý người yếu thế, nhóm đối tượng trên đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền nhiều tỷ đồng của hàng nghìn người trên cả nước.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá vừa đấu tranh, triệt xoá chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng do Lê Tất Đạt (SN 1996), trú tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình cầm đầu. Cơ quan điều tra đã bắt giữ Lê Tất Đạt và triệu tập 11 đối tượng có liên quan phục vụ công tác điều tra.

Thầy rởm, tiền thật

Từng học chuyên ngành Công nghệ thông tin tại một học viện nổi tiếng ở Hà Nội, Lê Tất Đạt rất am hiểu về không gian mạng, Đạt từng là lập trình viên cho một đơn vị tư nhân nhưng sau đó nghỉ việc sang Campuchia hành nghề. Sau một thời gian học nghề thành thạo, Đạt trở về Việt Nam, thu nạp những chiến hữu từng có thời gian “kinh doanh online” với nhau, sắm 18 dàn máy vi tính, lập ra 13 trang Fanpage trên nền tảng mạng xã hội Facebook (“Se duyên 1”, “Se duyên 2”, “Tình duyên”, “Xem bói miễn phí”…) nhằm lừa đảo, kinh doanh phi pháp.

Lật tẩy chiêu trò lừa đảo “xe duyên”, “giải hạn” online -0
Đối tượng Lê Tất Đạt (ảnh trái) cầm đầu đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các đối tượng liên quan đến vụ án.

Để điều hành các Fanpage và duy trì hoạt động lừa đảo, Đạt thuê nhân viên là những sinh viên, học sinh am hiểu công nghệ thông tin về làm việc, trả lương mỗi người 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Đạt thuê dịch vụ chạy quảng cáo trên Facebook (mỗi tháng 20 triệu đồng) để lan toả, phủ sóng các Fanpage trên cộng đồng mạng xã hội. Lê Tất Đạt cho biết, đường dây của hắn bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 7/2023, đến thời điểm bị bắt hắn có trên 12 nhân viên làm việc tại 2 cơ sở (Gia Lâm, Hà Nội và TP Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá). Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, Đạt thường xuyên thay đổi nhân viên, thay đổi địa điểm đặt máy tính và luôn đặt camera theo dõi sát cả hai cơ sở.

Một điều tra viên trong chuyên án “đọc vị” thủ đoạn hoạt động của của nhóm đối tượng này: Chúng chạy quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội Facebook để nhiều người biết đến, người nào có nhu cầu sẽ nhắn tin vào mục Messenger, đối tượng quản lý Fanpage sẽ tiếp nhận trả lời, tư vấn yêu cầu “khách” để lại thông tin cá nhân, số điện thoại… rồi chuyển đến cho các đối tượng là “Cô”, “Cậu”, hai bên kết bạn Zalo trao đổi, tư vấn các bước tiếp theo.

Sau khi có thông tin cá nhân, các đối tượng lên Google tra tìm một số thông tin liên quan rồi quay lại trấn an tâm lý, thậm chí đưa ra một số thông tin ma mị phi thực tế, khiến cho khách hàng hoang mang cần phải làm lễ “Giải hạn”, “Xe duyên”, “Cắt duyên”… Theo đó, mỗi giá lễ có mức giá khác nhau, khi khách hàng đặt lễ, bọn chúng sẽ gửi các vật phẩm (vòng gỗ, nhẫn, đồng xu…) để làm lễ.

Theo cán bộ điều tra, giá trị những vật phẩm trên có trị giá từ 1.000đ đến 10.000đ nhưng bọn chúng lấy giá lễ từ 200.000đ đến 2 triệu. Thậm chí có những trường hợp bị lừa từ giá lễ này đến giá lễ khác do các đối tượng giới thiệu các thầy, cô cao tay hơn, với số tiền lễ lên đến hơn 20 triệu đồng.

Đột kích bất ngờ

Trung tá Bùi Trọng Nguyễn, Đội trưởng Đội CSĐT Tổng hợp, Công an huyện Như Xuân, cho biết: Hoạt động phạm tội của các đối tượng diễn ra trên không gian mạng nên quá trình đấu tranh gặp rất có nhiều khó khăn cả về thời gian và không gian. Quá trình điều tra, các trinh sát phải dày công tìm kiếm bị hại, có khi gặp được bị hại nhưng bị hại không hợp tác, vì số tiền bị mất không quá nhiều, lại chuyện riêng nên họ không muốn chia sẻ.

Khi xác định nhóm đối tượng này do Lê Tất Đạt cầm đầu, hắn giám sát chặt chẻ cả 2 địa điểm đặt máy thông qua hệ thống camera, một tổ công tác được điều ra Hà Nội ém sát nơi bọn chúng thuê đặt phòng máy, một tổ khác có nhiệm vụ theo dõi sát hoạt động của chúng ở TP Thanh Hoá. Sau khi các tổ công tác vào vị trí, Ban chuyên án chọn thời điểm có đông nhân viên hoạt động nhất, đồng loạt đột kích cả 2 địa điểm (Hà Nội và Thanh Hoá), khiến bọn chúng không kịp tẩu tán tang vật phạm tội.

Cuối tháng 10/2023, Công an huyện Như Xuân đã phối hợp với Công an TP Thanh Hóa và Công an huyện Gia Lâm, TP Hà Nội đột kích, bắt quả tang ổ nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng do Lê Tất Đạt cầm đầu. Khám xét tại chỗ, lực lượng Công an đã thu giữ 18 bộ máy tính để bàn, 20 điện thoại di động, 1 laptop là công cụ, phương tiện mà các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng của hàng nghìn nạn nhân trên địa bàn cả nước. Đồng thời, cơ quan Công an cũng triệu tập 11 đối tượng có liên quan đến ổ nhóm này phục vụ công tác điều tra.

Với phương thức, thủ đoạn trên, bước đầu cơ quan điều tra làm rõ, từ cuối tháng 9/2023 cho đến khi bị bắt, Lê Tất Đạt đã chỉ đạo các “nhân viên” của thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của hàng nghìn nạn nhân trên cả nước với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục cử 6 tổ công tác đi đến các địa phương tìm gặp các bị hại để xác minh, làm rõ số tiền gần 2 tỷ đồng vừa sao kê.

Thượng tá Mai Anh Tiến, Trưởng Công an huyện Như Xuân cho biết, đây là một thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Thời đại 4.0, dịch vụ bói toán, tử vi trực tuyến nở rộ và được quảng cáo, mời chào công khai trên không gian mạng. Nhiều trang mạng xã hội quảng cáo các dịch vụ tâm linh có tới vài chục, thậm chí cả trăm nghìn lượt người theo dõi.

Thời gian qua, không gian mạng đang là “mảnh đất” màu mỡ cho kẻ xấu lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng trong ổ nhóm này đã lợi dụng niềm tin tâm linh của người dân để lừa đảo. Trong đó, bọn chúng thường nhằm vào những người có hoàn cảnh trắc trở, éo le, kém may mắn trong cuộc sống, quá tin vào những lời đồn thổi, bói toán vô căn cứ… để chiếm đoạt tài sản.

Thượng tá Mai Anh Tiến lý giải căn nguyên khiến hàng ngàn người bị mắc lừa: Dù biết bị lừa nhưng hầu hết bị hại không muốn tâm sự ra cho người khác biết, đơn giản là số tiền bị lừa không quá lớn và người ta không muốn chuyện riêng bị lộ lọt, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân. Đây cũng là một trong những cái khó khăn cho công tác xác minh, điều tra của cơ quan Công an, khó tiếp cận bị hại. Khó khăn nữa là bọn chúng thực hiện phạm tội trên không gian mạng, không ồn ào, không gây chú ý. Đối tượng tuyển vào làm việc là sinh viên đại học, khó khăn về vật chất và chúng cũng thay đổi nhân viên, địa điểm thường xuyên nên khó phát hiện.

Theo Thượng tá Mai Anh Tiến, trong cuộc sống, con người không thể tránh được những lúc vui, buồn và cả những lúc khó khăn, bế tắc, nhiều chuyện ngại bày tỏ với người thân, bạn bè nên người ta có tâm lý dựa dẫm vào tâm linh, mong tìm lối thoát. Trong thời buổi bùng nổ Internet, mạng xã hội phát triển chóng mặt, tội phạm trên không gian mạng cũng không ngừng phát triển, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, khó đoán định.

Trần Thắng
.
.
.