Hám lợi nhỏ, tiếp tay cho tội phạm mua bán tài khoản ngân hàng

Thứ Bảy, 14/01/2023, 10:13

Chỉ vì hám lợi từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng, nhiều người đã bán, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng, mà không biết mình đang tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo thu gom thuê, mượn tài khoản để sử dụng vào các mục đich phi pháp, vi phạm pháp luật.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa đưa ra cảnh báo khách hàng về những rủi ro từ hành vi mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng. Cụ thể, Vietcombank cho biết, qua quá trình điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng, thiết bị công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan Công an phát hiện các đối tượng gian lận hầu hết sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ (thuê người khác mở, mua tài khoản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của người khác) để thực hiện và che giấu các hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm nhận tiền lừa đảo, gian lận, rửa tiền; chuyển nhận tiền đánh bạc; tài trợ khủng bố hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Hám lợi nhỏ, tiếp tay cho tội phạm mua bán tài khoản ngân hàng -0
Mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng có thể bị xử lý hình sự. Ảnh minh họa.

Để bảo vệ thông tin cá nhân của mình, tránh việc phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật, Vietcombank khuyến cáo tới khách hàng không thực hiện hành vi bán, cho thuê, cho mượn tài khoản cá nhân; không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng, số thẻ tín dụng, mã CVV, ví điện tử và mã OTP cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào. Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi mua bán, trao đổi trái phép thông tin tài khoản, khách hàng cần liên hệ ngay cơ quan Công an nơi gần nhất, hoặc liên hệ với hotline ngân hàng để được trợ giúp.

Đây là thông tin không hề mới, và dù đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, song hiện tượng mua bán trái phép tài khoản ngân hàng đã xuất hiện từ trước và đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian trở lại đây do nhu cầu sử dụng các loại hình thanh toán tín dụng của các tổ chức, cá nhân trong đời sống hàng ngày. Theo đó, mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng là việc biểu hiện rõ ở việc trao đổi, thỏa thuận với nhau các thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau nhằm thu lợi bất chính hoặc mục đích khác trái pháp luật.

Hầu hết các đối tượng mua lại các tài khoản ngân hàng sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo và chuyển tiền chiếm đoạt qua các tài khoản này. Phần lớn các giao dịch mua bán thông tin tài khoản ngân hàng hiện nay là mua bán thông tin tài khoản thanh toán. Do đặc thù tài khoản thanh toán có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch chuyển - nhận tiền để thực hiện những hoạt động phi pháp.

Tùy theo mức độ, tính chất của hành vi vi phạm và hậu quả để lại, mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng sẽ bị phạt tiền lên tới 100 triệu đồng với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, buộc người vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt tù cao nhất lên tới 7 năm.

Trên thực tế, hành vi mua, bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng hiện nay diễn ra rất phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm liên quan đến lừa đảo, gian lận, đánh bạc… ngày càng phát triển, nhất là thông qua không gian mạng. Các đối tượng mua - thuê tài khoản sẽ trả cho chủ tài khoản khoảng 500.000 đồng/tài khoản/tháng, và sẽ trả thêm tiền nếu có người chuyển tiền vào và chủ tài khoản rút tiền cho bọn chúng.

Theo cơ quan Công an, thời gian gần đây, việc mua bán tài khoản ngân hàng đang diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều tài khoản sau khi được các đối tượng bán lại sẽ được sử dụng vào những mục đích không rõ ràng, vi phạm pháp luật như việc chuyển và rút tiền trong những vụ án lừa đảo, sử dụng sim rác để đăng nhập Internet Banking, liên kết mở các tài khoản ví điện tử khác để chiếm đoạt tiền, tổ chức đánh bạc trên mạng Internet, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và rửa tiền… gây khó khăn cho công tác điều tra.

Điển hình như chuyên án của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế triệt phá thành công chuyên án tội phạm công nghệ cao thu thập, tàng trữ, mua bán tài khoản ngân hàng. Liên quan đến chuyên án này, Cơ quan CSĐT Công an Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can để điều tra về hành vi mua bán tài khoản ngân hàng, gồm: Nguyễn Xuân Minh Tuấn (SN 1997), Nguyễn Xuân Minh Vũ (SN 2001), cùng trú huyện Phong Điền; Nguyễn Hồ Quỳnh Uyên (SN 1992, trú TP Huế) và Nguyễn Thị Minh Nhật (SN 1990).

Được biết, để điều hành và hoạt động, các đối tượng thường xuyên tiếp xúc với bạn bè, người thân, sinh viên để đặt vấn đề về việc mở tài khoản ngân hàng, sau đó cho thuê lại và nhận hoa hồng 1 triệu đồng/tài khoản và chuyển thông tin tài khoản cho các đối tượng trú tại Singapore. Đối với các số điện thoại sử dụng đã đăng ký tài khoản sẽ được các đối tượng chuyển sang một địa chỉ khác tại Philippines.

Bước đầu điều tra xác định, từ tháng 6/2021 đến đầu tháng 10/2022, các đối tượng đã tiếp xúc hơn 30 đối tượng tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam để mở và thuê lại gần 200 tài khoản ngân hàng, thu lợi khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, đối tượng Tuấn thông qua việc thanh toán tiền thuê tài khoản cho các đối tượng mở đã thu lợi số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Trước đó, lực lược Công an cũng phá đường dây mua bán trái phép tài khoản ngân hàng với quy mô lớn. Theo đó, các đối tượng thành lập công ty rồi đi mua, thuê khoảng 3.000 tài khoản ngân hàng của 600 người trên cả nước. Những tài khoản này được chúng giao cho những người ở nước ngoài sử dụng vào mục đích đánh bạc hoặc vi phạm pháp luật. Quá trình điều tra, sao kê những tài khoản ngân hàng được các đối tượng thu thập cho thấy, lượng tiền giao dịch qua những tài khoản mà chúng thu thập được rất lớn. Trung bình mỗi tài khoản như vậy có lượng tiền giao dịch lên đến hơn 50 tỷ đồng, có tài khoản giao dịch lên đến 400 tỷ đồng…

Hay mới đây nhất, Công an tỉnh Lào Cai đã bắt giữ đối tượng Ninh Ngọc Khánh và Nguyễn Thị Ngà về hành vi “Mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”. Đối tượng này đã đứng ra thu mua các tài khoản ngân hàng với giá từ 200.000 đồng - 500.000 đồng, sau đó bán cho đối tượng khác với mục đích thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức đăng tuyển việc làm online trên mạng xã hội, tham gia giao dịch gói đầu tư tiền ảo... Số tài khoản thu mua được các đối tượng bán cho đầu bên Campuchia. Tổng số tiền mà các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng khoảng 82 tỷ đồng…

Hà An
.
.
.