Đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả vùng biển Đông Bắc

Thứ Ba, 31/10/2023, 07:06

Nằm ở vùng đông bắc đất nước, Hải Phòng và Quảng Ninh có chung vùng biển rộng khoảng 10.000km2, tổng chiều dài bờ biển 376km, đường phân định Vịnh Bắc Bộ dài 191km, riêng Quảng Ninh còn có gần 119km đường biên  giới đất liền tiếp giáp với Trung Quốc, cùng với đó địa hình vùng biển của cả 2 địa phương có hàng nghìn đảo lớn nhỏ phân bố dày đặc. Đây là những yếu tố hết sức phức tạp trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua biên giới.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) của Hải Phòng và Quảng Ninh, những năm qua lợi dụng địa hình, địa lý phức tạp, các đối tượng sử dụng mọi hình thức, thủ đoạn với đủ mọi loại hình phương tiện để buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tiêu thụ nội địa Việt Nam hoặc trung chuyển sang nước khác.

02 nga voi phat hien thu giu.jpg -0
Lực lượng chức năng thu giữ ngà voi nhập lậu qua cảng Hải Phòng.

Trước tình hình đó, các lực lượng thành viên 389 hai địa phương đã quyết liệt triển khai các biện pháp tích cực, tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, vùng biển để ngăn chặn, nhờ vậy bước sang năm 2023 hoạt động vi phạm này đã không còn gây bức xúc như trước. Đánh giá về kết quả 9 tháng năm 2023, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng cho biết, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua biên giới tiếp tục được kiềm chế, các lực lượng 389 tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ, xử lý gần 2.200 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa hơn 18 tỷ đồng (tăng 6,16% về số vụ, giảm 2,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022), trong đó xử lý hình sự 28 vụ với 32 đối tượng.

Đáng chú ý, vào đầu tháng 9 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Ninh đã triệt phá đường dây liên tỉnh sản xuất tiền giả và các loại giấy tờ giả khác, do các đối tượng Nguyễn Văn Đại, Hồng Tuấn Thành (cùng trú huyện Ý Yên, Nam Định) và Lê Bá Toàn (trú huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá) cầm đầu. Kết quả điều tra xác định, nhóm đối tượng này mua máy móc, thiết bị và thuê nhà tại một địa điểm ở TP Hà Nội để tổ chức làm tiền giả, giấy tờ giả. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án hình sự, bắt giữ 3 đối tượng trên cùng 6 đối tượng liên quan, thu giữ nhiều tang vật, gồm hơn 40 triệu đồng tiền giả loại mệnh giá 500.000 đồng cùng nhiều bằng giả, căn cước công dân giả và nhiều máy móc, thiết bị công nghệ dùng sản xuất hàng giả.

Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân, tại Hải Phòng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuy không công khai như trước nhưng vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức mới. Tại khu vực biên giới, cửa khẩu cảng, phát hiện các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các mặt hàng chủ yếu là khoáng sản, xăng dầu, hàng điện máy qua sử dụng và hàng tiêu dùng thiết yếu khác.

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hình thành các đường dây từ sản xuất, vận chuyển đến tiêu thụ cả hai chiều đi và đến Việt Nam với nhiều thủ đoạn vừa tinh vi, vừa manh động, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng. Trong 9 tháng qua, Ban Chỉ đạo 389 Hải Phòng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh và ngăn chặn có hiệu quả hành vi buôn lậu, gian lận thượng mại và hàng giả trên địa bàn, Cụ thể đã phát hiện 4.101 vụ, thu nộp ngân sách 320 tỷ đồng (trong đó xử phạt hành chính 82 tỷ đồng).

1.jpg -0
Công an Quảng Ninh phối hợp thu giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Liên quan đến hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua vùng biển, biên giới thuộc địa bàn Hải Phòng, Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, lực lượng Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 như Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường… cơ bản kiểm soát tốt tình hình.

Riêng Hải quan TP Hải Phòng đã phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ việc, thu nộp ngân sách hơn 21,1 tỷ đồng và thu giữ số lượng lớn tang vật vi phạm. Nổi bật trong đó, Hải quan TP Hải Phòng đã thu giữ 665kg nhựa cần sa, 76 bánh heroin, 10kg ma tuý đá, 19,5kg sừng tê giác trắng và 8,3 tấn ngà voi châu Phi… cùng nhiều hàng hóa vi phạm khác, đồng thời khởi tố, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khởi tố hình sự 12 vụ việc.

Đại tá Lê Nguyên Trường - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng thông tin, Công an TP Hải Phòng đã điều tra, xác minh, xử lý 235 vụ việc về kinh tế; thụ lý, khởi tố 39 vụ với 62 bị can. Trong đó điển hình là các vụ việc: Phát hiện, bắt giữ 3 đối tượng có hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT với doanh số 800 tỷ đồng; phối hợp với Công an TP Hà Nội và lực lượng Hải quan triệt phá đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy, bắt giữ 2 đối tượng, thu giữ 17,5kg ma túy tổng hợp; phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường Hải Phòng phát hiện, triệt phá vụ buôn bán hàng giả là các loại giày dép giả thương hiệu nổi tiếng do Nguyễn Văn Khoa (trú tại xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng) cầm đầu với trị giá hàng hóa vi phạm lên tới 1,5 tỷ đồng…

Những con số trên cho thấy, dù đã được kiềm chế nhưng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở 2 địa phương còn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là ở vùng biển và biên giới. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 Hải Phòng và Quảng Ninh, tình hình sẽ phức tạp hơn trong những tháng cuối năm, khi hoạt động phòng dịch COVID-19 của Trung Quốc đã nới lỏng, giao thương biên mậu giữa 2 nước sôi động trở lại, cùng những phát sinh nhu cầu về hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng.

Từ dự báo đó, các lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo 389 của Hải Phòng và Quảng Ninh đã và  đang tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, rà soát, phát hiện các đường dây, ổ nhóm, đối tượng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá để chủ động lập phương án đấu tranh, triệt phá. Đồng thời tập trung nguồn lực tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến, địa bàn trọng điểm, đảm bảo triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Các lực lượng cũng đã xây dựng các kế hoạch phối hợp, trao đổi thông tin về phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng, kiên quyết không để hình thành các điểm nóng. Bên cạnh đó phối hợp nghiên cứu, phát hiện những bất cập về cơ chế, chính sách nhằm tham mưu, đề xuất các biện pháp khắc phục, đảm bảo phục vụ tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Song song với đó là đề xuất các giải pháp nhằm giữ vững ổn định thị trường nội địa cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2023, quản lý tốt các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, góp phần đẩy lùi nạn hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Trong chuyến công tác và làm việc với Ban Chỉ đạo 389 Hải Phòng và Quảng Ninh mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Chính phủ đã chỉ ra nhiều yêu cầu mang tính xây dựng lực lượng. Thứ nhất, không được lơ là, chủ quan vì tội phạm kinh tế ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn. Thứ hai, phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và phải quản lý được chất lượng đội ngũ trước những cám dỗ, thách thức trong thực thi công vụ. Thứ ba, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực và đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu, theo hướng thực chất, hiệu quả hơn.                     

PV
.
.
.