Cựu Chủ tịch Vạn Thịnh Phát khắc phục hậu quả thế nào sau khi bị tuyên án tử hình?

Chủ Nhật, 15/09/2024, 11:10

Ngày 19/9, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ mở phiên tòa hình sự xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc phát hành trái phiếu trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Sunny World, Công ty cổ phần đầu tư Quang Thuận, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại TP Hồ Chí Minh và các đơn vị có liên quan (Vụ án Vạn Thịnh Phát, giai đoạn 2).

Ngoài tội danh trên, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) còn bị truy tố thêm về tội “Rửa tiền” và tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và cáo trạng của Viện KSND tối cao, bị cáo Lan đưa ra chủ trương và chỉ đạo cấp dưới phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại các công ty trên không đúng quy định của pháp luật để chiếm đoạt số tiền gần 31 nghìn tỷ đồng của 35.824 bị hại.

Quá trình điều tra, bị cáo Lan xin chịu trách nhiệm về sai phạm của mình và chịu trách nhiệm trả nợ trái phiếu cho các trái chủ (người sở hữu trái phiếu). Tại giai đoạn 2 vụ án này, bị cáo Lan được cơ quan tố tụng đánh giá là có chuyển biến về nhận thức và ý thức pháp luật, ăn năn hối cải, chủ động khắc phục một phần hậu quả, bồi thường thiệt hại cho trái chủ.

Cựu Chủ tịch Vạn Thịnh Phát khắc phục hàng chục nghìn tỷ đồng thế nào sau khi bị tuyên án tử hình? -0
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. 

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, bị cáo Lan bị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt tử hình về ba tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Căn cứ vào kết quả này, nếu bị cáo Lan bị áp dụng hình phạt tử hình thì quyền lợi chính đáng của những nhà đầu tư trái phiếu bị chiếm đoạt tài sản sẽ được giải quyết thế nào?

Theo kết luận điều tra và cáo trạng, có rất nhiều tài sản của bị cáo Lan có liên quan đến việc bị cáo Lan bị kê biên, phong tỏa với giá trị quy đổi là hơn 12 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn kê biên các bất động sản khác giá trị rất lớn của bị cáo Lan và những người có liên quan cũng như phong tỏa, ngăn chặn giao dịch số tiền nằm trong tài khoản của các bị cáo và những người khác.

Nếu cộng thêm với giá trị tài sản khoảng 21 nghìn tỷ đồng mà bản án sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 tuyên buộc nhiều cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ phải nộp lại, hoặc hoàn trả cho bị cáo Lan, sẽ được ưu tiên sử dụng để thi hành án cho các bị hại trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, và hàng trăm tỷ đồng được gia đình bị cáo Lan cùng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nộp để khắc phục thay cho bị cáo thì thấy rằng, nguồn tiền trả cho các bị hại đã nhiều hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Ngoài các nguồn trên thì một nguồn tài chính nữa cũng có thể được sử dụng để khắc phục hậu quả của vụ án. Kết luận điều tra xác định, bị cáo Lan mong muốn các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc sử dụng tiền huy động trái phiếu phải cùng có nghĩa vụ với bị cáo để đảm bảo việc trả hết tiền cho người dân.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự về việc xử lý vật chứng và Điều 47 Bộ luật Hình sự về việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, tiền do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu. Riêng đối với tiền bị người phạm tội chiếm đoạt thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

Như vậy, tiền trái phiếu là vật chứng của vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị thu hồi để trả lại cho các trái chủ. Nếu tất cả các khoản tiền trên được sử dụng để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, chắc chắn các bị hại sẽ được nhận lại tiền của mình đã đầu tư vào trái phiếu trong vụ án. 

Nguyễn Hưng
.
.
.