Chủ tài khoản Facebook "Trái cây tận gốc" trả giá đắt khi kêu gọi góp vốn, lừa chiếm tiền tỷ

Chủ Nhật, 03/11/2024, 09:18

Do làm ăn thua lỗ, nợ nần và để đạt được mục đích có tiền trả nợ, chi tiêu cá nhân, Hà Thị Theo (SN 1995, trú phường Hương An, TP Huế, Thừa Thiên Huế) sử dụng các tài khoản Facebook "Trái cây tận gốc", "Siêu rẻ" và dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng của các bị hại…

Điêu đứng vì góp vốn buôn chung

Hồ sơ vụ án cho thấy, trước đây, Theo từng quen biết với chị Trần Thị Kim Th. (trú phường Phú Hậu, TP Huế). Sau đó, Theo sử dụng điện thoại và tài khoản Facebook "Nhìn Đời Rơi Lệ", "Phan Văn Vôn" (sau đổi thành "Siêu Rẻ", "Trái Cây Tận Gốc") để gọi điện, nhắn tin với chị Th, đưa ra nhiều thông tin gian dối là Theo có chuyến hàng đi buôn trái cây, số tiền đi chuyến hàng, số tiền lời chuyến hàng để rủ chị Thỏa cùng góp vốn đi buôn. Tin tưởng lời nói của Theo là thật, chị Th đã nhiều lần đưa tiền góp vốn cho Theo để hưởng tiền lời của các chuyến hàng và bị Theo chiếm đoạt.

Chủ tài khoản Facebook
Hà Thị Theo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Đơn cử, Theo báo cho chị Th biết sẽ đi chuyến hàng trái cây từ Trung Quốc về để chuẩn bị cho thị trường Tết, nếu chị Th góp số tiền 180 triệu đồng, thời hạn 1,5 tháng sẽ được nhận 30 triệu đồng. Tin lời Theo, chị Th đã chuyển cho Theo 180 triệu đồng. Tiếp đó, Theo nhắn tin cho chị Th biết, vừa ký hợp đồng đi 2 chuyến hàng trái cây, mỗi chuyến 100 triệu đồng, trong thời gian 1 tháng được nhận tiền lãi là 20 triệu đồng. Khi chị Th muốn xem hợp đồng thì Theo nói việc ký hợp đồng với khách hàng là việc làm ăn riêng của Theo không thể tiết lộ. Tin lời nói của Theo, chị Th đưa 200 triệu đồng cho Theo.

Cũng với thủ đoạn tương tự, lần gần đây nhất. Theo nói với chị Th có chuyến hàng cần 400 triệu đồng, thời gian 10 - 15 ngày, nếu Th góp vốn thì được chia tiền lời 75 triệu đồng. Chị Th cũng tin tưởng và đưa cho Theo 400 triệu đồng… Theo cơ quan điều tra, Theo đã đưa ra nhiều thủ đoạn gian dối để 16 lần chiếm đoạt của chị Th với số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này, Theo dùng để trả nợ cũ, chứ không hề đi buôn chuyến hàng nào cả.

Ngoài chị Th, Theo còn kêu gọi thêm chị Lương Thị K. (trú xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng góp vốn buôn chung. Theo dùng điện thoại hoặc sử dụng tài khoản Facebook "Trái cây tận gốc" để liên lạc với chị K qua tài khoản Facebook "Kieu Luong", đưa ra thông tin trao đổi về các chuyến hàng trái cây, số tiền đi chuyến hàng, số tiền lời chuyến hàng, để rủ chị K góp vốn. Tin tưởng Theo, chị K đã bị Theo chiếm đoạt số tiền gần 1,4 tỷ đồng.

Người đăng bán dưa trên mạng sập bẫy lừa

Không chỉ kêu gọi người góp vốn để buôn trái cây, chia lợi nhuận cao, do nợ nần không có khả năng chi trả, Theo còn sử dụng tài khoản Facebook "Trái cây tận gốc" để chiếm đoạt của những người bán hàng trên mạng xã hội. Theo tìm thấy trên Facebook có chị Võ Thị Lệ Q. (trú thị xã An Nhơn, Bình Định) đăng bán dưa lưới, dưa hấu nên xin số điện thoại, kết bạn zalo, để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, giữa năm 2023, Theo trao đổi đặt mua dưa lưới của chị Q. Theo chụp ảnh Căn cước công dân và gửi video tự thuật giới thiệu họ tên, nơi ở, năm sinh và cam kết trưa mai nhận hàng thì chiều mai sẽ chuyển trả tiền cho chị Q.

Tin tưởng lời nói của Theo, chị Q nhiều lần đến các ruộng dưa hấu, dưa lưới gom hàng rồi bán lại cho Thoa để kiếm lãi từ 500-1.000 đồng/ký sau khi trừ chi phí. Sau 2-3 lần gửi hàng ra Huế, chị Q nói Theo gửi trả tiền để chị trả cho nông dân trồng dưa thì Theo nói đang chờ gom tiền để chuyển nên chị Q tin tưởng.

Lần gần đây nhất. Theo gọi Zalo nói với chị Q, ở Huế vào dịp rằm và 30 âm lịch hàng tháng, hầu như nhà nào cũng cúng nên người dân thích dưa lưới, dưa hấu và hỏi chị Quyên có dưa hấu đẹp số lượng nhiều không, Theo có thể bán với số lượng lớn thì chị Q cho biết có 2 ruộng dưa hấu. Sau đó, chị Q đến ruộng dưa hấu, gọi video zalo cho Theo thấy trực tiếp và chị Q đã gom mua 20 tấn dưa hấu gửi ra cho Theo… Toàn bộ số dưa hấu, dưa lưới chị Q gửi cho Theo nhiều lần có tổng giá trị gần 290 triệu đồng nhưng Theo không trả tiền cho chị Q như đã cam kết. Trong khi đó, chị Q phải vay mượn để trả tiền cho những người nông dân bán dưa cho chị.

Chưa dừng lại ở đó, theo cơ quan Công an, Theo còn sử dụng Facebook "Trái cây tận gốc" và số điện thoại 0907540658 đăng ký Zalo để trao đổi với chị Bùi Thị Thu H. (trú phường Nam Cương, TP Lào Cai, Lào Cai) và đưa ra nhiều thông tin gian dối như: Theo có nhiều cộng tác viên bán hàng; vợ chồng Theo là bỏ tổng cho các vựa trái cây khác và mạnh nhất nhì ở Huế…

Tin tưởng lời nói của Theo, chị H đồng ý bán cho Theo 5 tấn táo khô với số tiền 145 triệu đồng và 4 thùng túi nilon đựng táo với số tiền 28 triệu đồng. Sau khi chị H thuê xe từ Lào Cai chở vào Huế, giao số hàng trên cho Theo thì Theo kêu người bán, lấy tiền trả nợ cho người khác mà không trả tiền cho chị H…

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Thị Theo mới đây, bị hại rất bức xúc vì hậu quả Theo gây ra cho họ quá lớn khiến công việc làm ăn của họ bị gián đoạn, rồi dẫn đến nợ nần, cuộc sống xáo trộn... Còn Theo để có tiền trả nợ, tiêu xài cá nhân đã liên tục dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của nhiều người. TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên phạt Hà Thị Theo 9 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.

Hải Lan
.
.
.