Triệt phá đường dây cấp giấy phép lao động giả và đưa hối lộ hơn 10 tỷ đồng

Bài 1: Từ dòng địa chỉ ghi ở bìa cuốn sổ tay

Thứ Sáu, 14/07/2023, 05:34

Cơ quan ANĐT đã làm rõ 3 đường dây; xác định các đối tượng đã làm giả tổng cộng hơn 8.043 tài liệu của cơ quan, tổ chức để đưa vào 3.107 hồ sơ xin cấp giấy phép lao động (GPLĐ) của người nước ngoài (NNN) tại Sở LĐTB và XH tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý Khu công nghiệp Bình Dương và Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước.

Sau 12 tháng đấu tranh, mới đây, Phòng điều tra Tổng hợp tại TP Hồ Chí Minh, Cục An ninh điều tra (ANĐT), Bộ Công an đã hoàn thành bản kết luận điều tra; chuyển hồ sơ vụ án “Tổ chức môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; đưa hối lộ, nhận hối hộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB và XH) tỉnh Bình Dương và một số tỉnh khác” đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 17 bị can.

Đến nay, Cơ quan ANĐT đã làm rõ 3 đường dây; xác định các đối tượng đã làm giả tổng cộng hơn 8.043 tài liệu của cơ quan, tổ chức để đưa vào 3.107 hồ sơ xin cấp giấy phép lao động (GPLĐ) của người nước ngoài (NNN) tại Sở LĐTB và XH tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý Khu công nghiệp Bình Dương và Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước.

3.jpg -0
Phòng điều tra tổng hợp tại TP Hồ Chí Minh, Cục An ninh điều tra thực hiện lệnh khám xét.

Quá trình điều tra đã đồng thời khám phá đường dây đưa hối lộ đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến việc cấp giấy phép lao động tại các cơ quan trên, với số tiền đưa hối lộ hơn 10 tỷ đồng.

Qua công tác quản lý NNN tại Việt Nam, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và Công an tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện một số đối tượng sử dụng pháp nhân chi nhánh Công ty TNHH thiết kế xây dựng trang trí nội thất Tuấn Lộc Phát (gọi tắt là Công ty Tuấn Lộc Phát), có địa chỉ tại tỉnh Bình Dương để làm giả tài liệu của các cơ quan, tổ chức, bảo lãnh cấp GPLĐ cho NNN ở lại Việt Nam trái phép.

Theo thẩm quyền, vụ án được chuyển đến Cục ANĐT Bộ Công an điều tra xử lý. Hồ sơ tiếp nhận điều tra vụ án ban đầu chỉ liên quan đến 1 doanh nghiệp “ma” - Chi nhánh Công ty Tuấn Lộc Phát bảo lãnh cấp GPLĐ cho 44 NNN ở lại Việt Nam. Trong đường dây này, các đối tượng liên quan sử dụng thông tin để liên lạc nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Với quyết tâm cao và được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục ANĐT, điều tra viên Phòng điều tra tổng hợp tại TP Hồ Chí Minh đã không quản ngại ngày đêm, khó khăn, tập trung cao độ, nghiên cứu hồ sơ, phân tích, tổng hợp thông tin tài liệu một cách tỉ mỉ, khoa học, không bỏ sót dù một chi tiết nhỏ nhất để khám phá tội phạm.

Bằng các biện pháp điều tra theo tố tụng kết hợp các biện pháp nghiệp vụ, điều tra viên phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Trường - Giám đốc một công ty chuyên làm dịch vụ xin visa, thẻ tạm trú cho NNN có liên quan đến vụ án.

Xác định Trường là mắt xích quan trọng, việc bắt giữ đối tượng là căn cứ để mở rộng điều tra vụ án, lãnh đạo Phòng điều tra tổng hợp một mặt chỉ đạo điều tra viên phối hợp Cảnh sát khu vực nắm bắt di biến động của đối tượng Trường, báo cáo, đề xuất lãnh đạo Cục ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của Trường.

“Ban đầu, Trường ngoan cố không khai đồng bọn. Quá trình đấu tranh, đối tượng chỉ khai nhận làm trung gian nhận, chuyển hồ sơ để hưởng tiền phí chênh lệch, không biết người đã giao hồ sơ là ai, không biết hồ sơ, tài liệu bị làm giả. Suốt buổi làm việc, Trường vẫn giữ thái độ “2 không” - không biết, không hiểu những gì điều tra viên hỏi”- một điều tra viên chia sẻ.

Theo quy luật, hành vi phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép dưới hình thức doanh nghiệp sử dụng lao động NNN để cơ quan Nhà nước cấp GPLĐ luôn gắn với tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức…

Với nhận định trên, điều tra viên đã chú ý đến chi tiết rất nhỏ là dòng địa chỉ ghi ở bìa cuốn sổ tay của Trường. Bằng giác quan nghề nghiệp, điều tra viên nhận định có thể địa chỉ nêu trên có liên quan địa điểm của đối tượng làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức, do đó, đã tập trung đấu tranh với Trường. Sau một thời gian đấu trí, đối tượng buộc phải khuất phục, cung cấp thông tin, số điện thoại, địa chỉ của đối tượng làm giả tài liệu, con dấu liên quan vụ án.

Trong thời gian 3 ngày, từ 15/3/2022 đến 18/3/2022, lãnh đạo Cục ANĐT trực tiếp cùng lãnh đạo Phòng điều tra tổng hợp tại TP Hồ Chí Minh và các điều tra viên thực hiện liên hoàn các hoạt động điều tra khám xét khẩn cấp, giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Vũ Hoài Thanh, Nguyễn Xuân Lâm, Vương Hoàng Phúc và Nguyễn Kiên Cường.

Với kết quả đấu tranh khai thác và tài liệu thu thập được, Cơ quan điều tra không chỉ điều tra làm rõ hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, đưa hối lộ, nhận hối lộ của Vũ Hoài Thanh, Nguyễn Kiên Cường, chuyên viên thuộc Sở LĐTB và XH tỉnh Bình Dương mà còn điều tra mở rộng, phát hiện nhiều đầu mối mới, ở nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều tỉnh, thành.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã làm rõ 3 đường dây do Vũ Hoài Thanh, Trần Mai Hồng, Sẳm Nhịt Sau cầm đầu, làm giả tổng cộng 8.043 tài liệu của cơ quan, tổ chức để đưa vào 3.107 hồ sơ xin cấp GPLĐ cho NNN nộp tại Sở LĐTB và XH, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (BQL các KCN) Bình Dương và Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KTT) tỉnh Bình Phước. Đồng thời, đã khám phá các đường dây đưa hối lộ, nhận hối lộ đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan việc cấp GPLĐ tại các cơ quan nêu trên.

Ban đầu, các đối tượng đều không khai nhận về việc đưa hối lộ, nhận hối lộ để được tạo điều kiện cấp GPLĐ cho NNN. Quá trình đấu tranh, điều tra viên phát hiện thông tin về tài khoản ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ.

Nhận định đây là chứng cứ quan trọng, các điều tra viên đã tập trung xác minh, đến 22h ngày 18/3/2022, Vũ Hoài Thanh chịu khuất phục, thừa nhận hành vi đưa hối lộ cho Nguyễn Kiên Cường bằng cách chuyển tiền vào tài khoản để tránh sự phát hiện.

Các bị can Vũ Hoài Thanh, Trần Mai Hồng, Sẳm Nhịt Sau đã thỏa thuận, đưa hối lộ tổng cộng hơn 10 tỷ đồng cho các đối tượng Nguyễn Kiên Cường, Hoàng Thanh, Đinh Thái Tuấn là Chuyên viên, lãnh đạo cấp Phòng thuộc Sở LĐTB và XH tỉnh Bình Dương, BQL các KCNB Bình Dương, BQL KTT tỉnh Bình Phước để được thẩm định, đề xuất GPLĐ cho NNN.

Bên cạnh đó, các bị can là lãnh đạo cấp Sở, Ban Quản lý trong vụ án (Lê Minh Quốc Cường, Đặng Quang Việt, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Thành Nhân) đã vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao làm trái công vụ, ký cấp tổng cộng 3.107 giấy phép lao động cho 2.866 NNN không đúng quy định pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây thiệt hại về quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong đó, có 2.754 NNN đã sử dụng GPLĐ được cấp trái pháp luật để làm hồ sơ xin ở lại Việt Nam trái phép.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, đến ngày 27/4, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 17 bị can, trong đó 7 bị can là Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, chuyên viên của Sở LĐTB và XH, BQL các KCN Bình Dương, BQL KTT tỉnh Bình Phước về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 356 Bộ luật Hình sự), “Nhận hối lộ” (Điều 354 Bộ luật Hình sự) và 10 bị can khác về các tội “Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”; “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “Đưa hối lộ” (Điều 348, 341, 346 Bộ luật Hình sự).

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến NNN; địa bàn thực hiện hành vi phạm tội rộng, liên quan đến nhiều địa phương, với nhiều đối tượng phạm tội ngoài xã hội và trong cơ quan nhà nước.

Hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh đối với NNN; gây ảnh hưởng xấu đến ANTT, an toàn xã hội; gây khó khăn trong việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý lao động đối với NNN làm việc tại Việt Nam.

Xuân Mai
.
.
.