Vì sao khách hàng, nhân viên “sống chết” cùng Công ty Alibaba?

Chủ Nhật, 29/09/2019, 07:52
Trong suốt 3 năm qua, bằng cách nào mà Công ty Alibaba đã thu hút được 2.600 nhân viên và “sống chết” cùng với mình?

Thành lập ngày 6-5-2016, đến nay chỉ mới hơn 3 năm hoạt động nhưng Công ty Alibaba đã bị khách hàng tố lừa đảo từ khoảng giữa năm 2017.

Đến nay, số nạn nhân là khách hàng mua nền đất của Alibaba lên đến con số 2.700 người, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố, bắt tạm giam 2 lãnh đạo chủ chốt của công ty và xác định rõ tất cả các dự án đã bán cho khách hàng là không có thật.

Vậy, trong suốt 3 năm qua, bằng cách nào mà Công ty Alibaba đã thu hút được 2.600 nhân viên và “sống chết” cùng với mình?

Đến nay, số nạn nhân là khách hàng mua nền đất của Alibaba lên đến con số 2.700 người.

Tối 18-9, cơ quan Công an khám xét và bắt hai lãnh đạo chủ chốt của Công ty Alibaba là Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh (Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) thì sáng 19-9, ghi nhận của PV Báo CAND,  hàng trăm khách hàng đã tìm đến trụ sở chính Công ty Alibaba (số 120 – 122, đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) và nhiều chi nhánh khác để được nghe giải thích từ chính công ty này.

Trò chuyện với chúng tôi, chị N.T.Y.P. (nhân viên Công ty Alibaba) bối rối: “Chúng em vẫn đến công ty làm việc là vì trách nhiệm với các khách hàng, tình cảnh này mình không thể bỏ mặc họ. Với các khách hàng, nhân viên công ty đều phải giải thích, trấn an để họ hiểu rõ tình hình hoạt động của công ty sau biến cố. Em hiện đang có 3 khách hàng với 15 lô đất, mỗi lô đầu tư hơn 300 triệu đồng. Em đã trấn an họ bằng cách gửi thông tin, hình ảnh và khuyên nhủ họ nên yên tâm. Nếu công ty em không có tiền trả nợ, em sẽ kiếm tiền trả nợ cho họ” (?).

Nói về “cơ duyên” đến với Công ty Alibaba, chị N.T.Y. (quê Bến Tre) chia sẻ, chồng chị là người nước ngoài, qua tìm hiểu thị trường bất động sản tại Việt Nam, chồng chị nói một số kiều bào rất tin tưởng Công ty Alibaba nên chị  tìm hiểu và đầu tư tại công ty này.

Đặc biệt, công ty có các suất nội bộ dành ưu đãi cho nhân viên nên nhân viên mua những suất ưu đãi này để đầu tư.

Trước đó, chị cũng từng tìm hiểu nhiều công ty bất động sản khác để đầu tư, nhưng không thấy công ty nào ưu đãi nhân viên giống như Công ty Alibaba. Để dược mua những suất ưu đãi đó, chị Y. đã bỏ ra hơn 130 triệu và vay thêm người thân để đầu tư 2 lô đất.

“Tôi chỉ mới làm công ty này được hơn nửa năm, ngoài được mua những suất ưu đãi, tôi được trả lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Mức lương của nhân viên ở đây đều từ 6 triệu đồng trở lên. Nếu so với làm công nhân, hoặc nhân viên ở các doanh nghiệp thì đây là mức lương cao”, chị Y. nói.

Một số nhân viên công ty mà chúng tôi tiếp xúc, hầu hết đều cho rằng, sở dĩ họ muốn gắn bó với Công ty Alibaba là vì được ưu tiên mua những suất ưu đãi, hằng tháng đều có mức lương ổn định không dưới 6 triệu đồng, công việc không bị áp lực, mức hoa hồng cao... Nhiều người đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Chính vì những lý do trên mà ngày 13-6, khi đoàn công tác của UBND xã Tóc Tiên cho xe cuốc vào khu đất nông nghiệp (khu đất của Công ty Alibaba) để đào đường, trả lại hiện trạng đất ban đầu thì bị cả trăm người mặc áo có dòng chữ Tập đoàn Alibaba và An ninh Alibaba chống đối quyết liệt.

Ngày 14-6, cơ quan CSĐT Công an TX Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (SN 1995, quê Tiền Giang) và Trần Quốc Tĩnh (SN 1995, cả hai đều đang làm việc tại Công ty Địa ốc Alibaba) để điều tra, làm rõ về hành vi Cố ý làm hư hỏng tài sản.

Ngày 17-6, giữa “tâm bão” của dư luận, trên fanpage Công ty Địa ốc Alibaba đã có bài đăng về việc treo “quà khủng” cho sự “đóng góp” nhiệt tình của 2 nhân viên vừa bị cơ quan chức năng tạm giữ hình sự và một số người nỗ lực chống đối bằng tài sản có giá trị, tiền mặt, cổ phần...

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Công ty Alibaba thu mua đất nông nghiệp sau đó phân lô, mỗi lô 100m2 bán “ưu đãi” cho nhân viên công ty với giá 3 triệu đồng/m² (300 triệu đồng/lô).

Những lô đất này nhân viên Công ty Alibaba chào bán lại cho khách hàng với giá cao hơn, hứa hẹn sau khi ký hợp đồng thì từ 3-6 tháng sau sẽ có sổ đỏ. Nếu khách hàng chưa muốn nhận sổ đỏ mà muốn đầu tư tiếp thì công ty sẽ mua lại lô đất này và cam kết khách hàng sẽ có 12% sau 6 tháng, 28% sau 12 tháng...

Tuy nhiên, theo huấn luyện của lãnh đạo Công ty Alibaba, hầu hết nhân viên bán hàng đều hướng khách hàng đầu tư tiếp, tránh để khách hàng yêu cầu nhận sổ đỏ, vì thực tế tất cả các lô đất đều nằm trong dự án “ma”.

Trình báo cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, chị L.T.L. (ngụ TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, qua tư vấn của nhân viên bán hàng là ông H.N.Q., chị mua 1 lô đất tại dự án Alibaba Tân Thành Centercity 1 với giá 370 triệu đồng, ông Q cam kết giao sổ trong 12 tháng sau khi ký hợp đồng.

Tháng 6-2018, chị L. ký hợp đồng, thanh toán trước 353 triệu đồng, phần còn lại sẽ thanh toán khi nhận sổ. Tuy nhiên, sau 12 tháng dự án vẫn chưa ra sổ. Chị L. hỏi thì Q. cứ vòng vo không giải thích được.

Sau đó được chính quyền địa phương thông tin đó là dự án “ma”, biết bị lừa, ngày 24-8-2019, chị L. mang hợp đồng đến Alibaba yêu cầu thanh lý lô đất trên và đòi tiền như cam kết.

“Tuy nhiên, sau 6 giờ tranh cãi vòng vo, ông Q. đã không thực hiện được như cam kết và đề nghị tôi tái đầu tư vào dự án khác của họ. Tôi không đồng ý và yêu cầu công ty trả lại tiền. Tuy nhiên, theo giải của công ty, nếu tôi lấy lại tiền thì họ chỉ trả 300 triệu đồng. Còn nếu tôi chấp nhận đầu tư dự án khác thì thì họ sẽ trả đủ số tiền gốc lẫn lãi sau 6 tháng. Không thể làm gì khác, tôi đành chấp nhận đầu tư tiếp một dự án khác, cấn trừ 164 triệu đồng, số tiền còn lại ông Q. hứa công ty sẽ thanh toán vào đầu tháng 9-2019. Tuy nhiên, gần đến ngày trả tiền thì ông Q cứ khất lần, khất lữa. Vì vậy, tôi đã đã làm đơn tố cáo ông Q. và Công ty Alibaba đã lừa đảo chiếm đoạt tiền mua đất của tôi đến cơ quan Công an”, chị L. bức xúc.

Để kéo khách hàng mua đất từ các dự án “ma” của Công ty Alibaba, các nhân viên bán hàng của công ty này không ngần ngại cung cấp những thông tin sai lệch, không có thật để thu hút khách hàng.

Điểm chung các dự án của công ty mà nhân viên bán hàng thường thông tin đến khách hàng là các dự án nằm gần khu vực được quy hoạch trong tương lai như: Dự án sân bay Long Thành, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cầu Cát Lái... để hấp dẫn người đầu tư sinh lời. Chính vì sự tiếp tay của các nhân viên bán hàng mà đã có hàng ngàn người “sập bẫy”.

Chính vì vậy, có rất nhiều trường hợp khách hàng là nạn nhân của Công ty Alibaba đến cơ quan điều tra, không chỉ tố cáo hành vi lừa đảo của Công ty Alibaba mà còn tố cáo cả nhân viên bán hàng của Công ty Alibaba.

 Vì vậy, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã kêu gọi các cá nhân là nhân viên của Công ty Alibaba hoặc có liên quan tự nguyện hợp tác, cung cấp thông tin, tài liệu về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng cho cơ quan điều tra.

Mọi hành vi che giấu, tiếp tay, giúp sức cho các đối tượng để tiêu hủy tài liệu, tẩu tán tiền, tài sản... sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

T.Hà - Đ.Mừng
.
.
.