Tóm gọn kẻ lừa bán người sau hơn 30 năm lẩn trốn

Thứ Tư, 12/02/2020, 09:02
Phục hồi điều tra vụ án xảy ra cách đây nhiều năm, nhân chứng người còn, người mất; các nạn nhân có người hợp tác với cơ quan Công an nhưng cũng có người từ chối vì nhiều lý do...


Song với tinh thần trách nhiệm cao, vượt qua nhiều khó khăn, các cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Đào Bích Sỹ (SN 1968, HKTT tại Cao Hân, huyện Thường Rìn, Ủng Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), sau hơn 30 năm lẩn trốn.

Quá trình đấu tranh, đến ngày 9-2, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương, đề nghị truy tố đối tượng theo quy định của pháp luật.

Bố mất sớm, Đào Bích Sỹ được anh trai mang về nuôi dạy từ nhỏ. Song với bản tính ngỗ ngược, Sỹ thường xuyên trộm cắp vặt sau đó thì bỏ nhà đi lang thang... Chính trong quá trình này, Sỹ có quan hệ quen biết với một số người Trung Quốc và nảy ý định lừa bán phụ nữ ra nước ngoài bán kiếm lời.

Thực hiện ý định trên, đầu tháng 6-1989, Sỹ cùng bạn là Đỗ Thị Thuận (SN 1965, trú tại phường Chi Lăng, TP. Lạng Sơn) về nhà Đinh Thị Thủy (SN 1972, trú tại Nguyễn Trãi, thị xã Hải Dương) chơi. Tại đây, Sỹ gặp Đinh Thị Lan (SN 1959, trú tại phường Trần Hưng Đạo - Lan là chị của Thủy) và Nguyễn Thị Bích Nụ (SN 1974, trú tại phường Nguyễn Trãi, thị Hải Dương, là bạn Thủy).

Qua nói chuyện, Sỹ gợi ý Lan, Thủy và Nụ việc tìm phụ nữ Việt Nam đưa sang Trung Quốc bán kiếm lời. Các đối tượng thỏa thuận, tìm phụ nữ có tuổi đời từ 18 đến 25; nếu trót lọt, Sỹ sẽ trả công cho các đối tượng từ 200 đến 300 nghìn đồng.

Đối tượng Sỹ bị bắt giữ.

Nạn nhân đầu tiên Thủy và Nụ nhằm vào là người bạn học của Nụ tên là Nguyễn (trú tại Hải Dương), khi đó đang buồn chán vì chuyện tình cảm. Khoảng tháng 6/1989, Nụ và Thủy gặp và rủ Nguyễn đi Lạng Sơn chơi... Khi nạn nhân Nguyễn đồng ý, các đối tượng Lan, Nụ và Thủy thống nhất sáng 9/6/1989 sẽ đưa Nguyễn đi thị xã Lạng Sơn chơi rồi giao cho Sỹ...

Khi đến Lạng Sơn, Nụ, Thủy và Lan đưa chị Nguyễn vào nhà của Đào Văn Duy (SN 1946, trú tại Nam Cai, phường Hoàng Văn Thụ, thị xã Lạng Sơn (Duy là anh rể của Lan và Thủy).

 Sau khi được các đối tượng thông báo, Sỹ đã nhờ anh trai là Đào Văn Chung (SN 1960, trú tại, phường Đông Kinh, thị xã Lạng Sơn) đưa nạn nhân Nguyễn về nhà Chung ở.

Đến ngày 10/6/1989, Sỹ cùng Chung cùng đưa nạn nhân Nguyễn sang Trung Quốc bán cho một người đàn ông Trung Quốc tên là A Lẩu lấy 1.000 Nhân dân tệ. Nạn nhân Nguyễn sau đó bị bán qua nhiều người với giá 3.500 Nhân dân tệ... Số tiền trên, sau khi về thị xã Lạng Sơn, Chung đổi ra tiền Việt Nam được 620.000 đồng đã trả cho Lan, Thủy, Nụ 200.000 đồng. 

Sau khi nhận tiền, Lan trừ tiền xe và tiền ăn hết 50.000 đồng, số còn lại chia cho Nụ 50.000 đồng, Thủy 50.000 đồng, Lan hưởng 50.000 đồng. Chung chia cho Sỹ 300.000 đồng, Chung hưởng 120.000 đồng...

Với ý định tiếp tục tìm phụ nữ đưa lên thị xã Lạng Sơn giao cho Sỹ, ngày 13/6/1989, Nụ và Thủy tìm gặp hai nạn nhân Thị và Trịnh (đều trú tại Hải Dương) và rủ họ đi Lạng Sơn chơi. Vì không nghi ngờ gì, hai nạn nhân đã đồng ý. 

Theo đúng kế hoạch, ngày 15/6/1989, Lan, Thủy và Nụ đưa hai nạn nhân Thị và Trịnh đi Lạng Sơn... Chiều cùng ngày, Lan đi tìm và báo cho Sỹ biết việc, sau đó, Sỹ rủ bạn là Đào Minh Biên (SN 1963, trú tại  phường Chi Lăng, thị xã Lạng Sơn) cùng đưa hai nạn nhân Thị và Trịnh đi bán.

Chiều 18/6/1989, Sỹ và Biên đến nhà Duy để đưa hai nạn nhân đi Trung Quốc bán, trên đường đi Sỹ bị đau bụng nên ở lại Lạng Sơn, còn Tiến và Biên đưa hai nạn nhân sang Trung Quốc... Hai nạn nhân bị ép lấy chồng Trung Quốc nhưng không đồng ý. Sau đó, cả hai bỏ trốn rồi tới trình báo Công an Trung Quốc bắt vợ chồng Chẻng Leng. Thị và Trịnh được đưa tới biên giới và trao trả về Việt Nam vào tháng 12/1989.

Sau khi trở về nước, ngày 27/12/1989, Thị và Trịnh đã đến cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hải Hưng trình báo sự việc. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hải Hưng đã khởi tố vụ án mua bán phụ nữ và chuyển vụ án đến cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hải Hưng điều tra theo thẩm quyền.

Quá trình điều tra, đến gày 13/10/1990, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hải Hưng kết luận điều tra đề nghị truy tố các bị can Lan, Thủy, Nụ và Chung về tội mua bán phụ nữ; đề nghị truy tố Đào Quang Duy về tội che giấu tội phạm. Do Sỹ và Biên bỏ trốn nên cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can về tội mua bán phụ nữ và ra Lệnh truy nã đối với các bị can Biên và Sỹ.

Ngày 22/11/1993, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Hưng đưa vụ án mua bán phụ nữ ra xét xử; bản án số 241 ngày 22/11/1993 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Hưng tuyên phạt Chung 6 năm tù giam, Lan 4 năm tù, Nụ 3 năm tù, Thủy 3 năm tù về tội mua bán phụ nữ. 

Sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Hải Hưng xét xử, Chung và Lan kháng cáo. Nguy 1/4/1994, Tòa Phúc thẩm - Tòa án nhân dân Tối cao xét xử, Bản án số 390 gày 1/4/1994 Tòa Phúc thẩm - Tòa án nhân dân Tối cao tuyên phạt Chung 4 năm tù giam, tuyên phạt Lan 4 năm tù giam về tội mua bán phụ nữ.

Ngày 25/4/1994, Đào Minh Biên bị bắt khi trốn truy nã, sau khi điều tra, gày 5/7/1994, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hải Hưng ra Bản kết luận điều tra bổ sung số 310 đề nghị truy tố bị can Đào Minh Biên về tội mua bán phụ nữ. Tòa án nhân dân tỉnh Hải Hưng xét xử đã tuyên phạt Đào Minh Biên 3 năm tù giam về tội mua bán phụ nữ.

Về phần Đào Bích Sỹ, khi biết cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hải Hưng ra lệnh truy nã, Sỹ đến tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc lẩn trốn, sinh sống, lấy chồng, sinh con và định cư tại đây. 

Đến ngày 29/8/2019, Sỹ bị Công an Trung Quốc bắt giữ và bàn giao Sỹ cho Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn. Sau đó, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hải Dương phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can đối với bị can Sỹ về tội mua bán phụ nữ và bàn giao cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương điều tra theo thẩm quyền.

Khi tiếp nhận vụ án, các điều tra viên gặp nhiều khó khăn do tài liệu lưu trữ vụ án đã lâu. Các nhân chứng của vụ án người còn, người đã mất. Về phía bị hại, chỉ có một trường hợp là Thị hợp tác với cơ quan Công an, những người còn lại thì đã lập gia đình nên e ngại, không hợp tác với cơ quan Công an.

Trong khi đó, các đối tượng liên quan đến người nhà của đối tượng, ban đầu khai nhận, sau đó thay đổi lời khai, buộc các trinh sát phải kỳ công trong việc chứng minh hành vi phạm tội của các bị can. Song từ các tài liệu thu thập được đã chứng minh, làm rõ hành vi phạm tội của Sỹ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Xuân Mai
.
.
.