Lừa đảo chuyển tiền qua Facebook, Zalo:

Thủ đoạn không mới, vẫn nhiều người mắc bẫy

Thứ Bảy, 30/03/2019, 10:50
Hack tài khoản Facebook, Zalo cá nhân, sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách để nhờ chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của tội phạm đã được cảnh báo rất nhiều nhưng đến nay, nhiều người dùng mạng xã hội vẫn mắc bẫy dẫn đến mất tiền oan...

Chị Nguyễn Thị Lan ở quận Đống Đa (Hà Nội) có em dâu là chị Phan Thị Hải đang sinh sống cùng gia đình tại Cộng hòa Séc nên hai chị em thường liên lạc với nhau qua Facebook. 

Một buổi tối, chị Lan nhận được tin nhắn Facebook của  em dâu hỏi vay  35 triệu đồng để nhờ bạn mua đồ từ Việt Nam gửi qua Cộng hòa Séc và hướng dẫn chị Lan chuyển tiền vào số tài khoản của một người tên Võ Văn Đức tại ngân hàng V. Người em dâu còn nhắn sau khi chuyển tiền thì gọi vào số điện thoại 033... là số của anh Đức để xác nhận xem nhận được tiền chưa. 

Sáng hôm sau, chị Lan tới chi nhánh một ngân hàng tại phố Đào Tấn (quận Ba Đình) chuyển tiền cho em dâu như thông tin chát trên Facebook và gọi vào số điện thoại như em dâu dặn. 

Người đàn ông nghe điện thoại xác nhận đã nhận được 35 triệu đồng trong tài khoản. Mấy tiếng sau, chị Lan tiếp tục nhận được tin nhắn qua Facebook của em dâu hỏi vay tiếp 45 triệu đồng. 

Thấy nghi ngờ vì tại sao em dâu hỏi vay tiền liên tục như vậy, chị Lan quyết định không chuyển tiền nữa mà gọi điện thoại trực tiếp để trao đổi. Người em dâu cho biết tài khoản Facebook mới bị hack mấy ngày trước và không quen ai là Võ Văn Đức có số tài khoản ngân hàng như vậy. Chị Lan đã tới Công an quận Ba Đình trình báo sự việc.

Người dùng mạng xã hội cần cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo trên Facebook.

Làm việc với cơ quan Công an, anh Võ Văn Đức xác nhận đúng là có mở tài khoản tại ngân hàng nói trên nhưng chưa từng thực hiện giao dịch nào. Cuối năm 2018, anh Đức được một người bạn đang sinh sống tại Anh nhắn tin trên Facebook hỏi mượn tài khoản ngân hàng để tiện cho việc giao dịch ở Việt Nam. 

Người này nhắn tin hướng dẫn anh ra ngân hàng làm thủ tục thay đổi thông tin địa chỉ email và số điện thoại ở tài khoản đã đăng ký. Nghĩ rằng việc cho bạn mượn tài khoản ngân hàng không ảnh hưởng gì nên anh Đức đã đồng ý. 

Sau khi được cơ quan Công an thông báo tài khoản ngân hàng có liên quan đến việc chuyển tiền của chị Lan nghi ngờ lừa đảo, anh Đức gọi điện thoại cho người bạn ở Anh thì được biết tài khoản Facebook của anh này đã bị hack từ lâu. Người bạn khẳng định đã có kẻ mạo danh để nhắn tin lừa anh Đức thay đổi thông tin tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt sử dụng vào mục đích xấu.

Một trường hợp khác là chị Phạm Thị Hà ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) có bạn thân là chị Nguyễn Thị Huyền đang sinh sống tại Pháp. Ngày 12-3 vừa qua, chị Hà nhận được tin nhắn Facebook của chị Huyền nhờ chuyển khoản hộ số tiền 100 triệu đồng vào một tài khoản mang tên La Hoa mở tại ngân hàng C ở Quy Nhơn và hứa 2 ngày sau sẽ trả lại tiền. 

Do đã nhiều lần được bạn nhờ chuyển tiền tại Việt Nam nên chị Hà không nghi ngờ gì, dùng ngay ứng dụng dịch vụ Internet Banking trên điện thoại để chuyển tiền như hướng dẫn. Mấy ngày sau không thấy người bạn trả tiền như đã hứa hẹn, chị Hà  liên lạc trực tiếp thì được chị Huyền cho biết đã bị hack Facebook từ lâu.

Tương tự như vậy, anh Phạm Văn ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình cũng vừa bị một cú lừa trên mạng Zalo. Theo đó, anh nhận được tin nhắn Zalo của người bạn thân nhờ chuyển 10 triệu đồng cho một người có tài khoản tại ngân hàng T. Là người nhiệt tình giúp bạn nên anh Văn thực hiện ngay. 

Chuyển xong, anh Văn tiếp tục nhận được tin nhắn Zalo của người bạn hỏi mượn thêm 20 triệu đồng. Sinh nghi, anh Văn liền gọi điện thoại trực tiếp cho bạn mới biết anh này đã bị kẻ giấu mặt hack tài khoản Zalo để mạo danh lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Đây chỉ là 3 trong số hơn rất nhiều trường hợp người dân tới Công an quận Ba Đình trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua tin nhắn nhờ chuyển tiền trên Facebook, Zalo. 

Theo thống kê của Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Ba Đình thì từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, số vụ việc bị lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng xã hội xảy ra trên địa bàn quận tăng đột biến, lên tới trên 20 vụ với số tiền bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng; trong khi trước đó, cả năm 2018 mới chỉ xảy ra khoảng 8 vụ. 

Phân tích các vụ lừa chuyển tiền trên mạng xã hội mà người dân trình báo cho thấy tội phạm nhằm vào tài khoản Facebook, Zalo của những người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài. 

Sau khi hack chiếm đoạt tài khoản, chúng “nghiên cứu” kỹ lịch sử giao dịch, tin nhắn trao đổi giữa bạn bè hoặc người thân với chủ tài khoản, từ đó quyết định chọn lựa tài khoản để dàn dựng lịch bản lừa đảo nhờ chuyển tiền. Các đối tượng lợi dụng sự chênh lệch múi giờ giữa Việt Nam và các nước, chọn giờ chát tin nhắn là buổi tối hoặc đêm khuya ở nước ngoài để bị hại vì ngại mà không gọi điện trực tiếp để kiểm tra trước khi chuyển tiền. 

Bên cạnh đó, tội phạm dùng thủ đoạn “mua” lại tài khoản ngân hàng của người khác hoặc dùng CMND giả để lập tài khoản ngân hàng, hướng dẫn bị hại chuyển tiền vào các tài khoản này khiến việc điều tra, xác minh của cơ quan Công an gặp khó khăn.

Cơ quan Công an khuyến cáo, người dùng mạng xã hội cần cảnh giác,  trước những tin nhắn qua Facebook, Zalo liên quan đến chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của bất cứ người nào trong danh sách kết bạn. Không chuyển tiền khi chưa biết rõ đó có phải là người thân của mình không. 

Khi nhận được những tin nhắn này, tốt nhất trước khi chuyển tiền phải liên lạc trực tiếp bằng điện thoại với người nhắn tin để xác minh. Trường hợp người nhắn tin đang ở nước ngoài, có thể dùng cách thức liên lạc khác như gọi video để kẻ gian không thể giả mạo được người thật. 

Bên cạnh đó, người dùng nên áp dụng nhiều hình thức bảo vệ tài khoản Facebook của mình như kích hoạt bảo mật hai lớp, tạo cảnh báo khi có thiết bị lạ đăng nhập, nhanh chóng cảnh báo bạn bè, người thân khi tài khoản bị chiếm đoạt để phòng ngừa đối tượng xấu lợi dụng...

Hương Vũ
.
.
.