Thợ làm tóc rủ chị song sinh diễn màn “chạy án”
- Giả danh Công an để nhận… “chạy tù”
- Giả danh Công an, nhân viên VNPT lừa đảo hàng trăm triệu đồng
- Bắt kẻ giả danh Cảnh sát hình sự để lừa đảo chạy án
Hai chị em song sinh có màn lừa “chạy án” siêu đẳng là Nguyễn Thị Minh Phương (35 tuổi, trú tại tổ 36, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) và Nguyễn Thị Minh Thu (35 tuổi, ở số 81, ngõ 94 Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ngày 6-4, cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với hai đối tượng Phương và Thu về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi chúng tôi viết bài báo này thì Phạm Tú Anh (HKTT ở số 39, ngách 55, ngõ Chùa Liên Phái, Cầu Dền, Hai Bà Trưng, Hà Nội), bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời là bị can trong vụ trộm cắp tài sản, hiện đang chấp hành án tại một trại giam của Bộ Công an. Trong vụ án này, ở một góc độ nào đó cũng có lỗi của Tú Anh, chính nhu cầu của người bị hại là điều kiện để hai đối tượng gây án có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội.
Nguyễn Thị Minh Phương. |
Trong thời gian chờ Tòa án nhân dân (TAND) quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xét xử về tội trộm cắp tài sản, Tú Anh vô cùng lo sợ. Sự lo lắng của Tú Anh đều được người hàng xóm là Nguyễn Thị Minh Thu, khi đó đang làm nhân viên của cửa hàng cắt tóc, gội đầu biết. Bởi trong những lúc rảnh rỗi, Tú Anh thường tâm sự với Thu, chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Vì thế, khi được Thu dẫn dắt gặp người em gái song sinh là Nguyễn Thị Minh Phương và giới thiệu rằng có thể “chạy án” cho Tú Anh được hưởng án treo với chi phí 70 triệu đồng thì Tú Anh mừng như “mở cờ trong bụng”.
Sau đó, Tú Anh đã nhiều lần giao tiền cho Phương. Các lần giao tiền đều diễn ra tại quán Café Hạnh – ngã 3 Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội, có giấy biên nhận tiền và sự chứng kiến của chị Đào Thúy Trang (hàng xóm của Thu).
Chỉ đến thời điểm TAND quận Hoàn Kiếm xét xử vụ án, Tú Anh bị xử phạt 6 tháng tù giam thì mới biết mình đã bị lừa. Vào thời điểm đó, Tú Anh đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, được hoãn chấp hành án nên đã liên lạc và nhiều lần yêu cầu Phương hoàn trả số tiền trên nhưng đối tượng trốn tránh không trả...
Để chứng minh hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Thu và Phương, Đội điều tra tổng hợp, Công an quận Hoàng Mai đã làm việc với người làm chứng Đào Thúy Trang. Quá trình xác minh, Trang cho biết chị ta đã chứng kiến việc Tú Anh giao 70 triệu đồng cho Phương tại quán Café Hạnh – khu vực phố Tân Mai. Các lần giao tiền đều có giấy tờ biên nhận và Trang ký xác nhận làm chứng. Trong các lần này, Thu cũng có mặt, nhưng không ký xác nhận trong các giấy tờ... Về nội dung thỏa thuận giữa 2 bên, Trang khai không được biết.
Về phần Nguyễn Thị Minh Phương, ban đầu đối tượng khai báo rằng đã giao toàn bộ số tiền nhận được cho ông Hòa (công tác tại Trại tạm giam số 1 – Công an TP Hà Nội) để nhờ chạy án cho Tú Anh, sau đó không được việc và không liên lạc được với Hòa.
Xác minh tại Trại tạm giam số 1, Công an TP Hà Nội xác định thời điểm năm 2015 không có cán bộ, chiến sỹ có tên là Hòa công tác. Tổng hợp các tài liệu thu thập được, cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai đã chứng minh, làm rõ hành vi phạm tội của hai chị em Phương và Thu. Sau khi biết hoàn cảnh của Tú Anh, hai chị em song sinh đã bàn nhau thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Thu và Phương thống nhất, Phương giới thiệu chị ta có quan hệ rộng, có khả năng “chạy án” xin giảm án cho Tú Anh với chi phí là 70 triệu đồng.
Trong khi đó, vào thời điểm phạm tội, Phương làm việc tại công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện và không có chức năng xin giảm án... Sau khi nhận tiền của người bị hại, Phương không sử dụng số tiền này để xin giảm án cho Tú Anh mà dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân...
Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo chạy án. Ngoài một số cán bộ đang công tác trong ngành nội chính, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội, cũng có nhiều đối tượng tự giới thiệu có các mối quan hệ xã hội rộng, giả danh hoặc mạo danh là Công an, cán bộ tòa án, viện kiểm sát để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điển hình vào ngày 3-4, Công an tỉnh Bắc Giang bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thanh Phúc (33 tuổi, ở khu 3, phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) giả danh Công an đang nhận số tiền 24 triệu đồng. Dưới vỏ bọc là cán bộ đang công tác tại Bộ Công an, Nguyễn Thanh Phúc đã nhận chạy cho con trai anh Lê Văn Chi (53 tuổi, ở thôn Xuân An, xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) là Lê Anh Tuấn đang chấp hành án tại Trại giam Ngọc Lý, Tổng cục 8 - Bộ Công an được chuyển đội lao động và được ra tù trước thời hạn với giá tiền là từ 70 đến 80 triệu đồng.
“Có bệnh thì vái tứ phương”, xuất phát từ tâm lý của thân nhân và chính những người phạm tội bị bắt giữ luôn mong muốn và tìm mọi cách để được có mức án thấp nhất nên đã xuất hiện những kẻ lợi dụng "chạy án" để phạm tội.