Ngăn chặn hiệu quả tội phạm “tín dụng đen”

Thứ Tư, 16/06/2021, 07:59
Thời gian qua, Công an các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ đã đấu tranh triệt phá, làm tan rã hàng chục băng nhóm tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản và các hành vi liên quan đến “tín dụng đen”.

Tại Phú Quốc (Kiên Giang), tình trạng cho vay lãi nặng diễn biến phức tạp trở lại vào đầu năm 2021. Theo Trung tá Lê Hoàng Tuấn, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP Phú Quốc, các đối tượng từ các tỉnh, thành khác đến đảo thuê trọ, móc nối với nhau để cho vay lãi nặng.

“Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng không làm hợp đồng cho vay như trước mà trực tiếp đưa tiền cho người vay và quay phim lại, lưu ở một máy chủ khác, rồi hủy các chứng từ. Đối tượng tổ chức cho vay sẽ gửi thống kê tiền gốc, lãi của con nợ qua Zalo cho các đàn em đi góp hằng ngày”, Trung tá Lê Hoàng Tuấn cho biết và chỉ ra những biến tướng trong hình thức cho vay của các đối tượng, nếu đến ngày trả mà người vay không xoay kịp thì đối tượng dùng clip đã quay uy hiếp.

Băng nhóm cho vay lãi nặng ở Bạc Liêu ra tòa lãnh án.

Từ đầu năm đến nay, Công an TP Phú Quốc đã làm rõ 3 vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, khởi tố 5 đối tượng liên quan. Điển hình, đầu tháng 4-2021, Công an Phú Quốc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Đinh Tiến Thương (SN 1991, ngụ tỉnh Hòa Bình); Đỗ Văn Cường (SN 1997, ngụ tỉnh Nam Định) về hành vi cho vay lãi nặng. Theo đó, giữa năm 2019, Dương đến Phú Quốc thuê nhà trọ để hoạt động cho vay lãi nặng. Dương thuê Cường 5 triệu đồng/tháng để thu tiền của người vay hằng ngày.

Tránh bị giật nợ, trước khi cho vay Dương đến nhà người vay xem xét, sau đó quyết định cho vay nhiều hay ít. Dương cho vay từ 5-30 triệu đồng/người với hình thức trả góp, mức tiền lãi là 20%/tháng, cá biệt có trường hợp vay đáo hạn, lãi suất lên đến 60%/tháng. Đối phó với cơ quan chức năng, Dương không làm hợp đồng cho vay mà chỉ thống kê số tiền vay từng người, tiền lãi thu từng ngày sau đó hủy bỏ chứng từ.

Từ tháng 6/2019 đến tháng 3/2021, Dương và Cường cho hơn 100 người vay với số tiền hàng tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan Công an thu giữ trên 100 giấy CMND, 30 sổ hộ khẩu, 20 giấy chứng nhận đăng ký xe môtô, cùng hàng ngàn tờ rơi quảng cáo cho vay cùng nhiều tang vật liên quan…

Thủ tục đơn giản, chỉ cần hộ khẩu, CMND và cho đối tượng biết nơi ở nên nạn nhân sập bẫy “tín dụng đen” rất đa dạng. Nhiều người với vai trò trung gian huy động, cho vay vốn với lãi suất cao, vừa là nạn nhân, vừa là đối tượng tham gia thực hiện hành vi phạm tội.

Thượng tá Châu Quốc Huy, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, có một nguyên nhân khác, đó là tình trạng cấp giấy phép kinh doanh cho một số doanh nghiệp đăng ký ngành nghề mà không kiểm soát, quản lý chặt… dẫn đến hoạt động biến tướng, bất thường. Để đẩy lùi “tín dụng đen”, theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu, cơ quan Công an tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản; rà soát, lập danh sách băng, nhóm đối tượng nghi hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn quản lý, đặc biệt là băng nhóm đối tượng đến từ các tỉnh, thành phố phía Bắc, Tây Nguyên… Từ đó, chủ động quản lý, răn đe, ngăn chặn hành vi phạm tội.

Phòng CSHS Công an tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có chức năng cấp giấy phép kinh doanh cần xem xét chặt chẽ thủ tục cấp phép và thanh tra, kiểm tra hoạt động của số đối tượng này để chủ động phát hiện sai phạm, xử lý nghiêm. Nếu không làm tốt sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp ảo, không phục vụ cho việc phát triển kinh tế mà còn gây hỗn loạn kinh tế tiền tệ trên địa bàn. Nâng cao cảnh giác, tố giác hành vi vi phạm đến cơ quan chức năng, nhằm đấu tranh ngăn chặn một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi dán tờ rơi quảng cáo về hoạt động cho vay tiền lên các trụ điện, bờ tường, nơi công cộng, vừa giữ được mỹ quan đô thị, vừa phục vụ công tác phòng ngừa.

Đại tá Lê Văn Mót, Trưởng Công an TP Phú Quốc cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang và UBND thành phố, Công an TP Phú Quốc xác định đấu tranh, triệt xóa tội phạm “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

HĐXX TAND tỉnh Bạc Liêu vừa đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt các bị cáo Vũ Đình Dũng (SN 1980, ngụ tỉnh Nam Định) 1 năm 3 tháng tù; Lê Văn Bằng (SN 1991) 1 năm tù; Nguyễn Văn Việt (SN 1995) 9 tháng tù; Phạm Trung Hiếu (SN 1996) 9 tháng tù; Hoàng Thế Huy (SN 2003) 9 tháng tù cho hưởng án treo; Đỗ Văn Trung (SN 1994), cùng ngụ tỉnh Đắk Nông và Nguyễn Văn Long (SN 1994, ngụ tỉnh Nam Định) 8 tháng 29 ngày tù (tính đến ngày xét xử bị hai bị cáo đã chấp hành xong bản án nên được trả tự do ngay tại tòa), can tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Theo Viện KSND tỉnh Bạc Liêu, từ tháng 9-2018 đến giữa tháng 8-2020, Dũng cùng đồng phạm Bằng, Huy, Long, Việt, Hiếu và Trung thực hiện hành vi cho vay trong giao dịch dân sự đối với 143 người trên địa bàn các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang với số tiền cho vay thấp nhất 1 triệu đồng, cao nhất 15 triệu đồng. Lãi suất mà 7 bị cáo cho 143 người vay từ 183%/năm, thậm chí đến 2.433%/năm. Tổng số tiền thu lợi bất chính từ những người vay là hơn 446 triệu đồng. Để dễ dàng hoạt động cũng như tránh sự chú ý của cơ quan chức năng, các bị cáo thường xuyên thay đổi chỗ ở, dùng tên gọi khác để qua mặt…

Đức Văn
.
.
.