Đình làng xứ Huế và nỗi lo mất trộm cổ vật
Đình làng Xuân Hòa nằm bên bờ sông Hương, tại số 86 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, TP Huế. Ngôi đình cổ có niên đại hàng trăm năm tuổi này là nơi dân làng thờ phụng tiền nhân khai canh lập làng, còn lưu giữ nhiều cổ vật, đồ tự khí, hương hỏa, tam bảo quý hiếm. Vào ngày 30-11-2019, thủ từ đình làng phát hiện 10 bức liễn quý bằng gỗ được treo trong đình đã bị kẻ gian lấy trộm.
Sau khi nhận được tin báo, Công an TP Huế nhanh chóng vào cuộc truy xét, làm rõ. Đến ngày 18-12, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã bắt giữ được Nguyễn Viết Tuấn (31 tuổi, trú tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang), là đối tượng đã thực hiện vụ trộm tại đình làng Xuân Hòa.
Tại cơ quan Công an, Tuấn khai nhận, do thiếu tiền tiêu xài, lại phát hiện đình làng Xuân Hòa thường không có người trông coi nên đã phá khóa đột nhập trộm cắp. Trước thời điểm bị bắt, Tuấn còn lẻn vào đình làng Thanh Tiên ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang trộm 2 bức liễn bằng gỗ bán lấy tiền tiêu xài.
Qua trưng cầu giám định 12 bức liễn do Tuấn lấy trộm có giá trị 70 triệu đồng nên Cơ quan CSĐT Công an TP Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Viết Tuấn về hành vi trộm cắp tài sản, đồng thời thu hồi tang vật để trao trả cho các đình làng.
Đình làng Hiền Sỹ, nơi xảy ra vụ mất trộm 2 cổ vật từ thời vua Tự Đức. |
Tuy nhiên, không phải vụ mất trộm tài sản nào ở đình làng cũng được làm rõ nhanh chóng, do phương thức, thủ đoạn trộm cắp của các đối tượng rất tinh vi nên cơ quan Công an phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để điều tra. Điển hình như vụ mất trộm 2 cổ vật tại đình làng Hiền Sỹ (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền).
Ông Lê Ngọc Biên, Trưởng Ban trị sự làng Hiền Sỹ cho biết, đình làng Hiền Sỹ có lịch sử gần 700 năm, cũng là nơi lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa của dân tộc và vùng đất Thuận Hóa. Năm 2015, đình làng Hiền Sỹ được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công nhận là di tích lịch sử, văn hóa và nơi đây đang lưu giữ nhiều di vật, cổ vật quý hiếm từ thời triều Nguyễn.
Mới đây, đình làng này bị kẻ gian đục tường ở cửa hông để phá khóa lẻn vào lấy trộm 2 cổ vật quý giá gồm một lục bình và một ché cổ từ thời vua Tự Đức. Cả 2 cổ vật này làm bằng sứ, tráng men màu đất và trắng, xanh; cao khoảng 60cm, đường kính khoảng 40cm và 80cm.
“Án thờ của đình bảo quản 2 cổ vật và 5 bộ lư đồng, 1 chiếc chiêng đồng nhưng trộm chỉ lấy đi 2 cổ vật. Thường vào những dịp lễ quan trọng của làng thì những cổ vật này mới được đưa ra trưng bày. Ngay sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã trình báo sự việc đến chính quyền địa phương và cơ quan Công an với hy vọng sớm bắt được thủ phạm vụ trộm và tìm lại được cổ vật cho làng”, ông Biên bày tỏ tiếc nuối khi đình làng mất trộm cổ vật quý giá.
Đối tượng Nguyễn Viết Tuấn, kẻ trộm tại đình làng Xuân Hòa. |
Tìm hiểu được biết, những năm qua, ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xảy ra một số vụ trộm cắp cổ vật. Điển hình như các vụ mất trộm cổ vật ở điện Hòa Khiêm (lăng Tự Đức), lăng Thiệu Trị, lăng Khải Định. Tại nhiều ngôi cổ tự như Thánh Duyên, Giác Lâm, Quốc Ân… cũng bị kẻ gian cuỗm đi nhiều bức tượng Phật cổ quý hiếm.
TS. Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia tại Huế cho rằng, điểm khó là hiện nay ngành Văn hóa chưa thống kê đánh giá và có phương án bảo tồn, bảo quản phù hợp đối với các cổ vật, đồ tự khí, hương hỏa, tam bảo… mà hoàn toàn tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi làng, mỗi gia đình. Đáng lo ngại, với tình trạng trộm cắp hiện nay thì những di sản này càng có nguy cơ bị mất mát cổ vật.
“Vấn đề đặt ra hiện nay là khi ngành Văn hóa chưa có điều kiện để làm việc này thì tự thân các gia tộc và làng, xã có thể mời chuyên gia thẩm định sơ bộ, từ đó để thực hiện công tác bảo quản, bảo vệ cổ vật phù hợp hơn. Thậm chí các làng, xã hoàn toàn có thể đăng ký bộ sưu tập với ngành Văn hóa để chính thức có sự chứng nhận quyền sở hữu nhằm tránh nguy cơ cổ vật bị trộm cắp”, TS Hằng đề xuất.