Chuyên án Vinashin và vụ án đấu tranh thu hồi tài sản tham ô trên 19 triệu USD

Thứ Năm, 18/08/2016, 08:31
Vụ án đặc biệt nghiêm trọng về tính chất, mức độ và hậu quả thiệt hại rất lớn. Những sai phạm không chỉ xảy ra ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và nhiều đơn vị trực thuộc mà còn ảnh hưởng ở 33 tỉnh, thành phố trong cả nước.


Với sự nỗ lực của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục An ninh gồm Cục An ninh kinh tế Tổng hợp; Cục An ninh điều tra... vụ án được điều tra, xử lý.

Tập đoàn Vinashin được thành lập và hoạt động theo quyết định của Thủ tướng chính phủ, hoàn toàn đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển. 

Tập đoàn được thí điểm thành lập vào năm 2006, trên cơ sở tổ chức lại cơ quan quản lý, điều hành và các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (CNTT) Việt Nam. 

Hoạt động của Tập đoàn theo mô hình công ty mẹ, công ty con, kinh doanh đa ngành, trong đó có công nghiệp đóng tàu mới, sửa chữa tàu thủy và vận tải biển là ngành kinh doanh chính... 

Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin cùng một số đồng phạm đã đầu tư một cách dàn trải dẫn đến thất thoát vốn, không hiệu quả, gây hậu quả nghiêm trọng...

Khi bị bắt giữ, hầu hết các bị can đều không nhận tội, đáng chú ý nhất là trường hợp của Tô Nghiêm, nguyên Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, một thời gian dài đối tượng phủ nhận các hành vi đã gây ra. Còn Trịnh Thị Hậu, nguyên Tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH Một thành viên CNTT thì cũng khai báo quanh co.

Trung tướng Trình Văn Thống và lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ họp bàn phương án truy bắt Giang Kim Đạt.

“Chìa khóa” để mở rộng vụ án là việc đấu tranh thành công với Phạm Thanh Bình. Các cán bộ Cục ANĐT Bộ Công an kể với chúng tôi rằng: Khi Cơ quan ANĐT Bộ Công an thực hiện lệnh bắt, Bình giữ thái độ khá bình tĩnh, vì có lẽ anh ta biết trước sự việc này sẽ xảy ra. 

Bình chấp hành mọi yêu cầu của Cơ quan ANĐT Bộ Công an nhưng khi phải ký vào biên bản thì kiên quyết khai rằng không có tội. Bình sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. 

Trong quá trình điều hành Tập đoàn, Bình đã có những sai phạm nghiêm trọng... Nắm bắt được tâm lý của Bình, các điều tra viên của Cục ANĐT Bộ Công an đã “phủ đầu” bằng những câu hỏi thẳng. 

Những kiến thức về lĩnh vực CNTT được các điều tra viên đưa ra từ việc sử dụng vốn, đầu tư dự án cũng như thẩm quyền phê duyệt... khiến ông Bình đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đến lúc này, anh ta mới khai nhận hành vi phạm tội. Với trường hợp của Trần Thanh Liêm, ban đầu đối tượng “đổ bê tông”, Liêm không khai báo và phủ nhận toàn bộ các hành vi đã gây ra... 

Cùng với việc tác động chuyển hóa tâm lý, các điều tra viên đã sử dụng lời khai của ông Bình để đấu tranh với Liêm. Khi các điều tra viên đưa ra những sai phạm tại Dự án mua tàu cao tốc Hoa Sen, với các sai phạm như không thực hiện chào hàng, cạnh tranh khi mua tàu, quyết định mua tàu mà không làm thủ tục thẩm tra để được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì anh ta bắt đầu quy phục.

Chiến công đặc biệt xuất sắc nhất của Cục ANKT Tổng hợp và Cục ANĐT Bộ Công an phải kể đến là việc đấu tranh, làm rõ để thu hồi tài sản tham ô trên 19,6 triệu USD của Giang Kim Đạt, nguyên Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (viết tắt là Vinashinlines) và trực tiếp tiến hành các biện pháp nghiệp vụ truy bắt đối tượng Đạt. 

Việc bắt giữ Giang Kim Đạt kéo dài 5 năm và nhiều lúc tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt. Dư luận khi đó đã đặt câu hỏi về khả năng của lực lượng Công an và tính nghiêm minh của pháp luật. Thậm chí, nghi ngờ cả vào quyết tâm chính trị của Đảng, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, liệu Đạt có phải là “cửa cấm” không. 

Để truy tìm Đạt, Cục ANKT Tổng hợp đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ; ứng dụng nhiều quy trình quản lý của Nhà nước, bưu chính viễn thông, quản lý đất đai, ngân hàng, quản lý phương tiện đã làm rõ hành vi phạm tội, tìm ra được tài sản và xác định đối tượng đang lẩn trốn lại một trong các nước Đông Nam Á, từ tháng 1-2015. 

Trong thời gian tại nhiệm, Đạt trực tiếp đàm phán thương thảo hợp đồng mua 8 tàu cũ và giao quản lý điều hành khai thác cho thuê 10 tàu của Vinashinlines, các công ty nước ngoài đã nhiều lần chuyển tiền hoa hồng vào tài khoản của bố Đạt. 

Sau đó, bố Đạt và gia đình đã mở 94 sổ tiết kiệm, dần dần rút ra mua nhà đất (có 40 bất động sản các loại, trong số đó có nhiều biệt thự, căn hộ cao cấp ở các tỉnh, thành phố trong cả nước như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội và Nha Trang...); 13 xe ôtô cao cấp đắt tiền và sử dụng tiêu xài cá nhân rất xa xỉ, ước tính tổng giá trị thực tế khối tài sản bất minh này lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Tất cả đều hình thành từ thời điểm Giang Kim Đạt đảm nhận chức vụ. 

Đây là thành công quan trọng giúp tháo gỡ “nút thắt” của vụ án. Việc tìm ra, chứng minh, làm rõ nguồn gốc số tài sản không phải dễ dàng, do những bất cập, sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhân sự; quản lý dòng tiền, quy định phát luật về kê khai chứng minh nguồn gốc thu nhập và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, che đậy hành vi phạm tội của Đạt.

Trong quá trình điều tra vụ án này, lực lượng đánh án luôn trăn trở trước khối lượng tài sản Nhà nước thất thoát lớn và quyết tâm, cùng cán bộ đơn vị truy tìm và thu hồi được tài sản cho Nhà nước. 

Quá trình điều tra, các anh đã đi nhiều nơi, sang cả nước ngoài lần tìm theo hành trình của các đối tượng nghi vấn. Ở đó, có cả những khu vực dân chơi, nhóm người Việt có nhiều tiền án, tiền sự. Nếu chỉ cần một chút sơ sểnh, bị lộ thân phận, có thể nguy hiểm đến tính mạng. 

Sau nhiều ngày đêm kiên trì, mật phục, ngày 7-7-2015, lực lượng đánh án xác định chính xác vị trí Giang Kim Đạt đang lẩn trốn và tiến hành bắt giữ.

Khi chúng tôi hỏi về những chiến công, thành tích, các anh trả lời giản dị: “Đây là công việc hàng ngày chúng tôi vẫn làm”... Cứ hoàn tất một việc thì lại báo cáo lãnh đạo đơn vị để có sự chỉ đạo tiếp theo...

Xuân Mai
.
.
.